PHƯƠNG THỨC CẦU NGUYỆN CỦA CHA EYMARD

Lm. Hervé Thibault,sss

  1. CẦU NGUYỆN TÔN THỜ

Cha Eymard vẫn thường nhắc đến việc chầu Thánh Thể theo lối tâm nguyện (mental prayer adoration). Ngài nói:

Chầu Thánh Thể phải là một  hình thức suy niệm của người đi chầu (adorer)Mỗi Dòng tu đều có hình thức tâm nguyện riêng. Hình thức của Dòng chúng ta là chầu Thánh Thể. Thánh Thể là đối tượng cho giờ suy niệm và cầu nguyện của chúng ta…Hãy nhớ là chúng ta phải có hình thức suy niệm riêng. Chúng ta không sử dụng phương pháp của dòng khác. Chúng ta đã nhận làm của mình phương pháp cầu nguyện của Giáo Hội được  thực hành trong thánh lễ. Phương pháp đó sẽ phục vụ cho mục tiêu của chúng ta. Phương pháp khác không  phải  dành cho chúng ta; chúng không phù hợp với nhu cầu của chúng ta.

          Khi ấn định việc đặt Mình Thánh chầu trọng thể, cha Eymard đã tìm thấy chính mình trong đó, cha khám phá ra trong đó những lý do chính yếu để chọn lựa 4 mục đích của thánh lễ làm phương pháp cầu nguyện của dòng chúng ta. Như vậy, chầu là tôn thờ thần phục Thiên Chúa, không chỉ là “nột tâm hóa Tin Mừng” hay là “cầu nguyện trước Thánh Thể” nhưng  là dâng về cho Thiên Chúa sự tôn thờ thần phục. Thực hành tâm nguyện sẽ mất đi mục đích của nó nếu không dẫn chúng ta vào trong liên hệ cá vị với Thiên Chúa và với Chúa Giêsu Kitô. Trong lần tĩnh tâm mà chúng ta gọi là “Cuộc Tĩnh Tâm Lâu Dài” hay là “Cuộc Đại Tĩnh Tâm” của cha Eymard ở Rôma (1865), cha vẫn thường hối tiếc vì trong quá khứ ngài đã suy niệm quá nghiêng về trí não, đầu óc ngài đầy những nhận định và suy tư mà không đủ những cảm tình và cảm xúc :

  • Ân sủng trọng yếu nhận được khi tôi suy niệm là thấy rõ sự tuyệt hảo của ơn gọi chúng ta. Nhưng không may, trí óc tôi quá nhiều tư tưởng, linh hồn tôi quá nhiều dông duổi, tôi chỉ biết thán phục vẻ đẹp và sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa mà không biết nghỉ ngơi bên Chúa, nơi thiện hảo của Ngài dành cho tôi. (26/2)
  • Tôi đã hoàn tất bài suy niệm sáng nay bằng việc làm cho nó mang tính Thánh Thể hơn; tuy nhiên, tôi đã tự cho phép mình thực hiện như bằng một cây cọ vẽ tranh và giảng giải đủ điều về chân lý theo chủ đề đang suy gẫm để rồi khi kết thúc giờ gẫm tôi vẫn còn lọt vào những nhận định, xem xét chứ không phải là tình cảm, tình mến. Thật là một suy niệm nghèo nàn, có đẹp và xuôi chảy, nhưng lại cằn cỗi đối với trái tim.(3/3)
  • Thật ra, tôi rạo rực lên trước vẻ đẹp của chân lý và trước ánh rạng ngời của những gì thuộc về Thiên Chúa, phúc lành của tình yêu Thiên Chúa, vinh quang của việc phục vụ Ngài; nhưng tất cả những  điều đó vẫn chỉ là tự nhiên và chưa trọn vẹn hoàn toàn; dù có giá trị như thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn chưa phải là cốt tuỷ của lòng mến của một linh hồn đã dứt bỏ chính mình. (8/3)
  • Việc suy niệm này (hiệp nhất với Chúa Kitô) thật quá dồi dào và phong phú, nó nuôi dưỡng tôi và làm tôi tươi trẻ lại, mặc dầu tôi đã ở lại quá lâu với những chân lý và sự tuyệt hảo của suy niệm, nhưng như thế là chưa đủ bởi vì suy niệm còn là thực hành của trái tim nữa. (27/3) 

Người ta có thể chấp nhận loại xao nhãng đó khi cầu nguyện, nhưng với cha Eymard thì khác, ngài không cho đó là suy niệm đang lúc chầu Thánh Thể, bởi như thế là chưa hoàn hoàn từ bỏ cá nhân mình cho Thiên Chúa và cho Chúa Giêsu. Đối với cha Eymard, chầu Thánh Thể phải dẫn đưa con ngừơi đến chỗ dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa như Chúa đã hiến ban mình Ngài cho chúng ta nơi nhiệm tích Thánh Thể. Cuộc trao đổi này là nội dung tôn thờ thần phục của chầu Thánh Thể. Một vài bản văn dưới đây trích từ cuộc Đại Tĩnh Tâm tại Rôma của cha Eymard gợi cho chúng ta biết thánh nhân đã hiểu chầu Thánh Thể như thế nào :

  • Tôi đã gẫm suy về chầu Thánh Thể …Tôi phải thờ lạy Thiên Chúa chúng ta bằng tất cả bản thân mình : đó là điểm chính yếu : Ta không muốn quà tặng của con nhưng là chính con (Gương Chúa Giêsu, IV, 8:4)
  • Tôi phải thờ lạy Thiên Chúa chúng ta, tôn kính tình yêu, hy tế, và thiện hảo của Ngài nơi Thánh Thể, tắt một lời, thiện hảo của việc thiết lập nhiệm tích Thánh Thể, của sự hiện hiện vĩnh viễn và tỏa lan của Thánh Thể. Tôi phải đặt chính mình dưới ảnh hưởng của ân sủng, ân sủng dưỡng nuôi và cấu thành của nhiệm tích thánh, nhờ ân sủng này tôi hiệp nhất mình với Thiên Chúa, tôn vinh Thiên Chúa trong bí tích của Ngài và nhờ đó linh hồn tôi được  sống (26/2)
  • Về việc chầu Thánh Thể. Đó chính là sự thờ phượng dành riêng cho Chúa Giêsu Kitô – một sự phụng thờ cung kính, tôn vinh, lệ thuộc Ngài và thần phục Ngài :
    • Phụng thờ bề ngoài : đó là những gì làm cho Thiên Chúa được tôn vinh (sự tôn kính của thân xác), các nghi thức của Giáo Hội, những hình thức phụng thờ tuyệt hảo dâng lên Thiên Chúa như hiền thê của Đức Kitô và do Chúa Thánh Thần linh hứng.
    • Phụng thờ bên trong : đó là sự phụng thờ của tình mến, tôn vinh tình yêu của Đức Kitô; một sự phụng thờ trào ra từ tình yêu vô biên của Ngài nơi nhiệm tích Thánh Thể; là sự phụng thờ ngơi khen và chúc tụng trước bao hy sinh trao hiến của Ngài cho chúng ta nơi Thánh Thể; và cuối cùng, là phụng thờ cảm tạ vì lòng nhân hậu vô hạn của Ngài đã quá đỗi yêu thương chúng ta…                  

Tại sao tôi lại kính mến Chúa èo uột và ít ỏi đến thế? Bởi vì tôi đã không biết cách, không biết xoay sở ra sao để biểu lộ sự tôn thờ đích thực trong yêu thương. Tâm tình nguyện cầu của tôi nặng về đầu óc. Tôi đã suy niệm quá nhiều mà lại yêu mến quá ít – Chúa  đã yêu tôi và tôi phải yêu Ngài bằng toàn thể con người tôi.  

Một tư tưởng khác đã đánh động tôi cách mạnh mẽ – có lẽ đó là tư tưởng tôi chưa từng có trước đây, hay ít ra là chưa từng bao giờ tôi cảm thấy hay hiểu biết một cách thâm thuý như thế – đó là tư tưởng về đời sống nội tâm của linh hồn ở trong Đức Kitô hay trong Thiên Chúa, toàn thể con người tôi được bao chiếm bằng những lời ngơi khen, chúc tụng, yêu mến Chúa vì chính Ngài,  được bao chiếm bằng việc thao dợt các nhân đức đối thần trong khi chiêm niệm, thật giống như các thiên thần và các thánh, không  hề bị bó chặt vào hạnh phúc toàn hảo của riêng các ngài, nhưng là hướng tới việc thán phục vinh quang, viên mãn, và phúc lộc của chính Thiên Chúa. Vì thế, hỡi linh hồn tôi, chỉ còn cách là ngươi hãy sống trong Đức Kitô, ngươi không thể nào sống đời tán dương và chiêm ngắm Thiên Chúa nếu không thắt chặt linh hồn vào với Thiên Chúa  vượt xa hơn cả những  nhân đức ngoại tại và nội tại ở trong tôi và cho tôi. Tôi phải khát khao điều đó, khát khao sự sống đích thực trong Đức Giêsu.(11/3)       

Chúng ta cầu nguyện cùng các thánh, cùng  Mẹ Maria, chúng ta ngân nga lời kinh lời nguyện một cách dễ dàng; nhưng hiếm khi chúng ta tra hỏi xem tình yêu của Đức Giêsu nơi Bánh Thánh là thế nào, phải thờ lạy Ngài bằng trái tim mình thế nào. (27/3)

Phương pháp hỏi han Đức Kitô, học biết về tình mến, ý định, mong mỏi của Ngài là một lối riêng của cha Eymard để đi sâu vào những bí ẩn của Thánh Thể. Phương pháp này nhấn mạnh đến lời khuyên của cha Eymard nhằm làm tái hiện một cách sinh động cuộc sống trên dương thế của Đức Kitô trong giờ chầu Thánh Thể cũng như nhấn mạnh đến quan điểm của thánh Eymard về phẩm tính Thánh Thể của Đức Kitô. Phương pháp ấy, có lúc, đã dẫn thánh nhân tới chỗ cường điệu hóa, nhưng nó là một lối dẫn ngài đến cầu nguyện. Chẳng  hạn như  vào buổi suy niệm chiều tối trong ngày thứ VI của cuộc tĩnh tâm đầu tiên tại Rôma, cha Eymard đã bắt đầu: “Chúa  ở đó, Con ở đây…tại sao vậy?”

Cha Eymard thường diễn tả thế này : Chúa  đã tỏ cho tôi thấy, Chúa đã đến gần bên tôi . . .  Chúa đã biến đổi chủ đề suy gẫm của tôi. Chúng ta thường bỏ lơ những diễn tả này và chỉ như là một cách nói thôi; nhưng cha Eymard nhận thức rằng ân sủng đang hoạt động với ngài, ân sủng ấy đang dẫn đưa ngài đến cảm nhận rằng ngài phải sửa lại những khiếm khuyết, phải loại đi những cản trở, phải vượt qua những chướng ngại. Cha Eymard nhận thấy ân sủng đang bừng lên trong ngài. Ngài vẫn hay thêm điều này : “Chắc chắn đó là một ân sủng lớn lao. . .ân sủng mà tôi không xứng đáng…”

Trong những bài suy niệm tĩnh tâm của ngài, cha Eymard vẫn bị ám ảnh bởi chuyện sửa mình. Thậm chí khi ngài đã khởi sự suy niệm cùng với Đức Kitô, chẳng mấy chốc ngài lại quay về những thiếu sót của mình; song những buổi chầu thông thường ngài đã quan tâm đến việc nhận biết Chúa và ca tụng Ngài hơn là chuyện xét mình. Cha Eymard vẫn thường khuyên những  tâm hồn đạo đức là hãy tập trung vào Chúa, hướng tâm vào sự khôn ngoan, tình yêu, lòng nhân hậu và thương xót của Chúa hơn là vào tình trạng khốn khổ bất hạnh của họ. Cha Eymard viết trong cuốn THỦ BẢN THÁNH THỂ như sau : “Chiêm niệm Thánh Thể thì sống động hơn là thụ động : tâm hồn sẽ dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa một  khi nhìn ra món quà vô giá đầy hấp dẫn và luôn mới mẻ của Chúa, ở dưới hoạt động ngày càng tăng dần sức nóng của ngọn lửa tình yêu Thánh Thể, linh hồn chúng ta sẽ được  thanh tẩy, được tách riêng ra, được nên một cách thân mật hơn với Đấng Cứu Độ chúng ta. Như vậy, chiêm niệm là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu càng lớn thì chiêm niệm sẽ càng cao độ. Kết quả nhắm đến khi chiêm niệm là đặt để tâm hồn chúng ta vào trong Chúa, trong Đấng Cứu Thế Giêsu, khi chúng ta thấy được sự tốt lành, thánh thiện của Ngài hay những công trình đầy thương mến của Ngài. Vì thế, khi tâm hồn đã lạc vào trong Chúa Giêsu, được dưỡng nuôi bằng giáo huấn và tình thương của Ngài thì tâm nguyện cứ thế kéo dài ra từng chút mà chẳng cần gắng sức gì. Chiêm niệm giúp cho tâm hồn chúng ta có năng lực hiểu biết mạnh mẽ hơn, trở nên nội tâm hơn : chân lý sẽ ở lại còn tình cảm sẽ đi qua. Thiên Chúa đến với chúng ta trước hết bằng ánh sáng của Ngài, cho nên điều chắc chắn là, càng kính mến Thiên Chúa thì người ta càng hiểu biết nhiều. Tâm hồn nào yêu mến Chúa ít thì chỉ biết Ngài cách bất toàn. Đó là bí mật của tâm nguyện và là vui thú của chầu Thánh Thể; Trong giờ chầu, chúng ta chiêm niệm bằng hồi tâm, thinh lặng và hiệp nhất với Chúa. Những bài diễm ca, thánh vịnh, kinh vinh danh, kinh thánh thánh thánh, và tất cả những kinh vinh tụng ca mang tính Thánh Kinh và phụng vụ được chúng ta sử dụng trong lúc cầu nguyện trước Thánh Thể là nhằm chúc tụng và kính thờ Thiên Chúa. Chúng ta không cần phải phát minh gì thêm : lời ca khen chúc tụng Thiên Chúa sẽ  bùng lên thật mạnh mẽ từ trong trái tim khi chúng ta chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa làm cho loài người. Một dòng tư tưởng chạy suốt cuộc Đại Tĩnh Tâm của cha Eymard là cần nội tâm hóa việc chầu Thánh Thể, làm cho nó trở nên chính chúng ta, trở nên của riêng mỗi người chúng ta

         Vì lòng sùng kính Thánh Thể đã có những  thay đổi về những điểm chính yếu do cuộc phục hưng về phụng vụ, cho nên chúng ta có thể làm cho việc suy niệm của mình mang hình thức tôn thờ Thánh Thể bằng việc cầu nguyện “nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần”, và nhờ thế nối kết việc chầu Thánh Thể của chúng ta với phụng tự của Giáo Hội và với sự tôn kính của Đức Kitô dành cho Chúa Cha.

          Điểm quan trọng của việc cầu nguyện theo phương thức này là nó bện chặt chúng ta, toàn thể bản thân chúng ta trong sự tôn thờ (chầu Thánh Thể) với những ý định, khát mong, bất toàn và cả hy vọng của chúng ta : “Lạy Chúa, chính vì Ngài mà con hằng muốn yêu thương; mặc dầu con chưa hoàn thành, nhưng con luôn luôn mong muốn Chúa  ở chỗ nhất trong trái tim con. . .

  1. CẦU NGUYỆN BẰNG TRÁI TIM MÌNH

Trong cuộc tĩnh tâm cho các tu sĩ tại Paris năm 1867, cha Eymard hướng dẫn họ về “Mái nhà của bí tích Thánh Thể”, ngài nói đến sự lặng lẽ một mình bên Chúa, sự gần gũi thân mật và nên giống Chúa do giờ chầu Thánh Thể đem lại :

“Nếu là người tôn thờ Thánh Thể đúng nghĩa, thì chúng ta sẽ dò tìm được trái tim của Chúa Giêsu bằng ngón tay mình…Chúa Giêsu vẫn đang sống với những ai trung thành đến cùng với Ngài và Ngài sẽ chọc thủng mọi bức màn bí ẩn. Nếu chăm chú sốt mến hơn vào tôn thờ Thánh Thể, chúng ta sẽ trở nên bạn tâm giao của Chúa “.

Cuộc nói chuyện trên cho thấy tâm tình gần gũi thân mật của cha Eymard đối với việc chầu Thánh Thể : đó là cuộc hẹn hò của những  người yêu, là thời gian bên nhau trong cuộc gặp gỡ của những trái tim đang yêu thương, thán phục, trìu mến và biết ơn. Chúng ta đã đề cập đến vấn đề của cha Eymard là ngài hoạt động bằng trí não quá nhiều trong khi cầu nguyện. Cứ lẽo đẽo theo sau dòng tư tưởng sẽ cản ngăn việc cầu nguyện đầy tình mến. Qua các ghi chú tĩnh tâm, cha Eymard vẫn phàn nàn về thói vô trật tự của trí khôn ngài lúc cầu nguyện, chính trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ngài đã phải đặc biệt vật lộn với vần đề này.

Vào lúc kết thúc suy gẫm, dường như Chúa  đã nói với tôi:

  • Con hãy biểu lộ lòng nhân hậu, thương xót của Ta bằng những hành vi yêu thương; về chuyện đó con chẳng cần phải thông minh gì, nhưng hãy để cho hành động của trái tim con xuất ra một cách tự nhiên và tự ý. Trong mọi sự việc, con hãy tìm kiếm cái nhìn của Ta, hãy tôn thờ ý muốn của Ta, hãy dâng hiến chính mình con cho tình yêu của Ta bằng trái tim của con. Về những điều ấy thì chẳng cần phải thông minh gì. An sủng của Ta thay cho trí khôn của con, đức tin thay cho lý trí của con”.(17/2)
  • Tôi phải sống với Chúa, hiện diện bên Ngài bằng sự tỉnh thức, bằng tình cảm của trái tim, bằng một lòng sùng kính đầy yêu thương dành cho Ngài và cho vinh quang của Ngài. Mọi sự phải làm sao gia tăng được lòng hướng về Chúa đầy yêu thương như thế và ngược lại, nó phải thấm tràn vào tất cả những thứ khác như hương vị – hay như một nỗi đam mê chiếm trọn.(17/3)
  • Tôi cần phải làm thế nào để đặt bản thân tôi ở dưới chân Chúa và học từ nơi Ngài khoa học của trái tim. Một khoa học sâu viễn hơn bất kỳ một sự học hỏi nào khác.(26/3)
  • Chúa chúng ta đã có những người thợ sùng kính, đã có một số người tôn thờ đầy sốt mến, nhưng có rất ít những hiền thê hay bạn hữu đến viếng thăm Chúa chỉ vì tình mến, đến đàm đạo với Chúa lòng bên lòng, họ hoàn toàn mộ mến Chúa chỉ vì Ngài mà thôi.(28/3)

Người ta cũng tìm thấy cùng một giáo huấn như thế khi cha Eymard hướng dẫn cho Các Nữ Tỳ Thánh Thể, họ là những người chuyên chiêm niệm vào thời của ngài.

Hãy yêu Chúa cách chân thực, chúng ta phải yêu mến ngài từ thâm tâm. Cảm nhận được  tình yêu Chúa chỉ có thể là thing lặng và chiêm ngắm tự nhiên : bấy giờ tất thảy chỉ còn là chăm chú, chỉ còn là đón nhận. Lúc bấy giờ họ giống như chị Mary ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài bảo ban vậy, họ như trẻ thơ nghỉ ngơi trong vòng tay mẹ hiền vậy, họ như thiên thần trước thánh nhan Thiên Chúa vậy, chúng ta hãy ở trong sự ưu ái trìu mến của lòng nhân hậu Chúa. Yêu thương là đáp lại khi nhìn ra những gì Chúa  muốn. Linh hồn chiêm ngắm lòng nhân hậu của Chúa chỉ trong thinh lặng; một tâm hồn bận rộn quá, bề bộn quá, bi bô quá thì không thể vươn tới Thiên Chúa được. Tình yêu hướng về Thiên Chúa thường là thầm lặng, nhìn ngắm kỹ càng, đung đưa nhẹ nhàng bên quà tặng tuyệt vời của Chúa  …Tình yêu ấy quấn quít quanh ân nhân vĩ đại của nó. Tình yêu ấy chỉ ở trong vị trí thứ hai : giống như ngọn lửa có khuynh hướng bùng phát tỏa lan, nhưng trước khi chị em có ngọn lửa, chị em cần một tia lửa, ngọn lửa là hiệu quả chứ không phải là nguyên nhân của tia lửa.  

Chúng ta lại thấy trong những lá thư linh hướng khác, cha Eymard khuyến khích những  tâm hồn nội tâm cầu nguyện bằng trái tim hơn la từ trong sách vở.

Bức thư gởi cho bà Jordan vào 27 tháng 8 năm 1867, ngài viết: “Hãy khát vọng cầu nguyện để dưỡng nuôi tâm hồn bà, hãy dựa vào Thiên Chúa  hơn là lo thanh luyện chính mình, lo khiêm nhường tự hạ. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn bà dựa trên sự thật là quà tặng hào phóng của Thiên Chúa dành cho bà. Đó là bí mật của cầu nguyện thực sự : nhìn xem ý định và mục đích của Thiên Chúa  dành cho bà trong sự nhân hậu tốt lành của Ngài. . . “ “Tư tưởng của Thiên Chúa  không phải là chuyện lý thuyết. Hạy để cho trái tim dẫn dắt bà. Hãy sống trong chúc tụng và cảm tạ. Hãy yêu thích lặp lại câu nói : Thiên Chúa thiện hảo dường bao!”.

Thư cho Edmée Brenier de Montmorand vào 19 tháng 5 năm 1868, cha Eymard viết:“Con yêu dấu, hãy tìm biết Chúa chúng ta, hãy cố mà khám phá ra những bí ẩn của Ngài, thôi thúc của trái tim Ngài, và con sẽ được  sống trong sự ngạc nhiên ngây ngất.

Gửi cho cô Andigne vào ngày 15/5/1868, cha Eymard viết: “Cha nói cho con biết một bí nhiệm to lớn của đời sống nội tâm : đó là hãy để cho toàn thân con đầy ắp lời tán dương Chúa và làm đẹp lòng Ngài bằng việc vui mừng hoan hỷ trước vẻ đẹp thu hút của ân sủng Ngài và trước sự tuyệt hảo của uy linh Ngài.”

Đối với cha Eymard, chầu Thánh Thể không chỉ là sự thờ lạy bên trong mà còn là sự phó thác hoàn toàn cá nhân cho Chúa chúng ta. Cha Eymard đã bị khuấy động bởi cùng một thúc bách mạnh mẽ như thánh Gioan Thánh Giá từng bị : “yêu thương như được yêu thương”, đáp đền tình yêu như đã được lãnh nhận, dâng về cho Thiên Chúa  tất cả những gì Ngài đã ban. Đó là ý nghĩa, là thách đố, và là sự viên mãn của cuộc sống.

Ngày nay, chúng ta cần rút ra từ trong việc cầu nguyện một “sự thần bí của cử hành” liên quan đến đời sống hàng ngày, cũng phong phú và hữu ích như là thần bí của cha Eymard về sự hiện diện đích thực. Vinh tụng ca trong thánh lễ chính là hành vi tôn thờ, chầu Thánh Thể  (adoration) và là sự cảm tạ vĩ đại nhất được dâng lên Chúa  Cha. Cử hành Thánh Thể, dâng lễ vật, truyền phép, hiệp lễ, một  cách tự nhiên dẫn chúng ta đến chỗ phải hiến thân (hiến dâng bản thân – gilf of self), trở nên như Đức Kitô, sống trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô. cử hành là tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua, là công trình cứu độ của Chúa Giêsu.

Như những ghi chú trong cuộc Đại Tĩnh Tâm của cha Eymard cho thấy, cha đã không  thoả mãn với những gì đạt được bởi vì nó nằm bên ngoài. Chính Hiến Dâng Bản Thân- gilf of self- mới là cần thiết hơn những thứ khác, nó là phương thế giúp chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa. Cha Eymard không phải là không nỗ lực lao tác, nhưng như các ghi chú của ngài cho thấy, nỗ lực hăng say đó đã không  hẳn mang ngài đến gần Thiên Chúa  hơn.

Hôm nay chúng ta đi tìm căn tính trong thừa tác vụ của chúng ta, nhưng dù chúng ta có tìm ra công việc mới nào đi chăng nữa, dù chúng ta có nghĩ ra tác vụ mới nào đi chăng nữa, dù chúng ta có phát triển thêm những dịch vụ mới nào đi chăng nữa, sẽ là vô ích nếu chúng ta không trộn vào trong tất cả những  điều đó tinh thần của cha Eymard, chúng ta sẽ tìm thấy chính mình như cha đã tìm thấy lúc khởi đầu cuộc Đại Tĩnh Tâm của ngài ở Rôma. Ơn gọi của chúng ta, ân sủng của chúng ta là ân sủng đi vào nội tâm.

 Giuse Phạm Đình Ai,sss chuyển ngữ