Phụng vụ Kitô giáo là một thực tại sống động[1], vừa mang tính hữu hình lại vừa mang tính vô hình. Chính khi cử hành phụng vụ nơi trần thế hữu hình, người Kitô hữu được bước vào thực tại vô hình là thánh đô thiên quốc, nơi mà công cuộc cứu chuộc của ta được thực hiện[2]. Vì vậy, việc cử hành Phụng vụ là phương thế để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Qua việc cử hành phụng vụ, con người cũng được gặp gỡ nhau và chia sẻ niềm tin cho nhau. Như vậy, phụng vụ chính là một cuộc gặp gỡ, gặp gỡ chính Thiên Chúa, gặp gỡ người thân cận và gặp gỡ chính mình. Tuy nhiên, bản chất của cuộc gặp gỡ ấy là gì? Người Kitô hữu nhận được gì qua cuộc gặp gỡ ấy? Và Thiên Chúa mặc khải cho ta biết điều gì qua phụng vụ? Đó là những vấn đề mà người viết muốn đặt ra và trong giới hạn của mình, người viết xin đề xuất một vài nhận định cá nhân về những vấn đề trên.
Trong khi cử hành Phụng vụ, tất cả những người tham dự làm thành một cuộc “đối thoại sống động”. Trên hết, phụng vụ phải đưa chúng ta vào trong cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa, vì ngài là một vị Thiên Chúa sống động luôn nói với chúng ta từng ngày.
Trong cuộc đối thoại này, các thành viên tham gia cách tích cực qua những lời ca tiếng hát, lời tung hô, cử điệu… tất cả làm thành một cộng đoàn đối đáp hài hòa và mỗi thành viên tham dự đều đóng góp cái riêng biệt của mình vào cái chung của cộng đoàn.
Tham gia tích cực vào các việc cử hành phụng vụ là điều mà Mẹ thánh Giáo Hội mong muốn, bởi đó chính là điều bản chất phụng vụ đòi hỏi[3]. “Tham dự tích cực – actuosa participati”[4] không có nghĩa là càng có nhiều người tham dự càng tốt và càng xảy ra thường xuyên càng tốt. Tuy nhiên, “tham dự tích cực” hệ tại việc mọi thành viên của cộng đoàn buộc phải tham dự vào cách tích cực[5].
Chính nhờ việc tham dự tích cực này, người Kitô hữu có thể hướng tâm hồn lên với Chúa đồng thời mở ra với người thân cận qua việc cảm thông, chia sẻ niềm tin cho nhau[6]. Như thế, buổi cử hành phụng vụ sẽ trở nên ấm áp tình Chúa và tình người.
Một cộng đoàn cử hành phụng vụ đích thực phải là một cộng đoàn đồng tâm nhất trí trong các hình thức cầu nguyện và các nghi thức cử hành. Thật thế, phụng vụ không mang tính cá nhân những mang tính cộng đoàn và là “bí tích hiệp nhất”[7] mà nhờ đó Dân Thánh được quy tụ trở nên một thân thể có Đức Giêsu là Đầu.
Cộng đoàn cử hành phụng vụ gặp gỡ trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần – Đấng tập họp con cái Thiên Chúa trong thân thể độc nhất của Chúa Kitô. Quả vậy, cộng đoàn được hiệp nhất là vì tất cả cùng chịu một phép rửa trong Thần Khí[8].
Cộng đoàn cử hành phụng vụ gặp gỡ nhau trong sự hiệp thông của Chúa Giêsu Thánh Thể. Bởi vì việc cùng chia sẻ một tấm bánh, cùng uống một chén rượu là một sự hiệp nhất sâu xa mà chỉ có cộng đoàn phụng vụ mới mang lại[9]. Đó là việc trao một chén duy nhất cho tất cả các thành viên tham dự để diễn tả một tương quan đặc biệt của sự hiệp thông[10]. Qua cử hành phụng vụ Thánh Thể, người Kitô hữu được Thiên Chúa lôi kéo vào chính “hành động” của Ngài. Chính hành động này của Thiên Chúa làm nên nét riêng biệt của phụng vụ Kitô giáo[11].
Bên cạnh đó, phụng vụ dẫn đưa con người gặp gỡ thực tại Thánh Thiêng, một cuộc hội ngộ với một Thiên Chúa hằng sống[12]. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, không phải là việc con người với những giới hạn của mình có thể gặp gỡ được Thiên Chúa nhưng chính Ngài trở nên một con người thật sự qua Mầu Nhiệm Nhập Thể để đến với họ và dẫn đưa họ vào cuộc gặp gỡ thiêng liêng. Trong cuộc hội ngộ thiêng liêng này, con người hữu hình được cảm nếm trước thực tại vô hình được Thiên Chúa mặc khải qua Con Một của Ngài.
Thực tại Thánh Thiêng này là do chính Thiên Chúa mặc khải để con người được bước vào tương quan mật thiết với Ngài. Trong việc canh tân phụng vụ, Mẹ thánh Giáo Hội luôn tìm những phương thế tốt nhất để người Kitô hữu có thể dễ dàng hiểu biết thực tại ấy càng nhiều càng tốt[13].
Tóm lại, phụng vụ chính là một cuộc gặp gỡ mà ở đó mỗi người tham dự gặp gỡ chính con người của mình, gặp gỡ những người thân cận bằng việc cảm thông chia sẻ đức tin và giúp nhau làm triển nở đức tin ấy. Trên hết, cử hành phụng vụ làm cho người Kitô hữu bước vào cuộc gặp gỡ sâu xa với Thiên Chúa và chính Ngài là vị chủ tọa trong buổi cử hành này, Ngài ân cần đón chờ chúng ta đến với Ngài, Ngài ưu ái dành những gì là tốt đẹp nhất cho ta.
Như vậy có thể nói cuộc gặp gỡ này phần nhiều mang tính thánh thiêng và cao trọng hơn nhiều so với cuộc gặp gỡ hữu hình mà chúng ta bắt gặp được mỗi khi cử hành phụng vụ. cuộc gặp gỡ thánh thiêng ấy đòi hỏi mỗi người tham dự phải cảm nghiệm bằng chính đời sống đức tin của mình. Có như vậy chúng ta mới phần nào đạt đến Phụng Vụ Thiên Quốc mà Mẹ thánh Giáo Hội đang mời gọi chúng ta hướng về.
Phaolô Nguyễn Hồ Hữu Thành, SSS
[1] Fr. Joseph Nguyễn Văn Hiển OP, Đời Sống Phụng Vụ Của Giáo Hội Theo Nghi Thức Roma, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2017, tr. 3.
[2] Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 2.
[3] Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 14.
[4] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, Bd. Nguyễn Luật Khoa OFM, Phạm Thị Huy OP, Tôn Giáo: Hà Nội, 2007, tr. 93.
[5] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, Bd. Nguyễn Luật Khoa OFM, Phạm Thị Huy OP, Tôn Giáo: Hà Nội, 2007, tr. 194.
[6] Vinh sơn Nguyễn Phước Thiện OP, Bài nghiên cứu: Phụng Vụ Là Diễn Tả Trọn Vẹn Sự Hiệp Thông Dân Thánh, 2010.
[7] Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 26.
[8] x 1Cr 12,13.
[9] x Ep 2,14.
[10] Enrico Mazza, Cử Hành Thánh Thể, tập 2, Bd. Vicent Nguyễn Xuân Tuấn, Tôn Giáo: Hà Nội, 2016, tr. 258.
[11] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, Bd. Nguyễn Luật Khoa OFM, Phạm Thị Huy OP, Tôn Giáo: Hà Nội, 2007, tr. 197.
[12] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, Bd. Nguyễn Luật Khoa OFM, Phạm Thị Huy OP, Tôn Giáo: Hà Nội, 2007 tr. 25.
[13] Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 21.