PHỤNG VỤ DƯỚI ÁNH SÁNG CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Dẫn Nhập

Phụng vụ là trung tâm cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo, là “chóp đỉnh” sinh hoạt của Giáo hội, đồng thời cũng là nguồn mạch các nhân đức. Nhờ Phụng vụ mà con người có thể đến gần với Thiên Chúa hơn và để giúp các tín hữu bày tỏ Chúa Kitô và Giáo hội cho những người chưa nhận biết Chúa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài Phụng vụ đã đánh mất một phần về sự tham dự của giáo dân trong khi cử hành phụng tự của Giáo Hội, hơn nữa, nền Phụng vụ theo nghi thức Rôma đã bị coi là quá cổ kính, Phụng vụ được phát triển và thay đổi nhưng chỉ ở hình thức bên ngoài và hợp với thời đại con người chưa hiểu biết về ngôn ngữ mà thôi. Trước tình trạng đó, Giáo hội cần phải có bước đột phá, canh tân nền Phụng vụ để giáo dân trên toàn thế giới được tham gia một cách tích cực và hữu hiệu hơn. Việc canh tân nền Phụng vụ đã được nói đến trong Công Đồng Trentô, nhưng cho đến 1956 Bô Phụng tự đã triệu tập đại hội bàn về Phụng vụ và mục vụ tai Assisi. Đây là khởi điểm của phong trào canh tân Phụng vụ làm tiền đề cho những bàn thảo và quyết định tại Công Đồng Vatiacanô II về Phụng Vụ Thánh. Dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II thì việc canh tân Phụng vụ đã đem lại hiệu quả rất lớn cho sự phát triển của Giáo hội ngày hôm nay.

1. Bản chất của Phụng vụ trong đời sống Giáo hội

* Phụng vụ là gì?

Dựa vào một vài yếu tố chính yếu của cử hành Phụng vụ, ta có thể nói: Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức và cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh. Như vậy qua Phụng vụ Thiên Chúa đem ơn Cứu độ đến cho con người và nhằm giúp con người đạt tới ơn Cứu độ. Nhờ Phụng vụ, nhất là trong Thánh lễ, mà công trình cứu chuộc của chúng ta được thực hiện. Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu qua cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho người khác mầu nhiệm Đức Kitô và bản tính đích thực của Hội thánh chân chính.[1]

* Bản chất của Phụng vụ

Thánh Công đồng cũng nhấn mạnh rằng Phụng vụ là “công việc của Đức Kitô Linh Mục và thân thể Ngài là Hội Thánh.” Công việc của Đức Kitô là công việc cứu độ con người mà chính Ngài đã hoàn tất cách đặc biệt qua mầu nhiệm sự chết và phục sinh lên trời vinh quang của Người. Trong Mầu Nhiệm này, khi chết thì Ngài đã tiêu diệt sự chết, còn khi phục sinh thì Ngài đã phục hồi sự sống. Công việc cua Đức Kitô chính là hành vi mang tính lịch sử của Chúa Giêsu, cái chết và sự phục sinh của Ngài: đồng thời nó cũng là việc cử hành Phụng vụ mà được gọi là “công việc của Đức Kitô.” Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô không chỉ là sự kiên lịch sử bên ngoài mà là những điều siêu việt xuyên thấu bên trong. Chính trong Phụng vụ ơn cứu độ không ngừng xảy ra trong lịch sử và lan tỏa biến đổi lịch sử và đưa nó đến sự thành toàn trong viễn cảnh cánh chung.

– Phụng vụ là một việc linh thánh, do chính Chúa Kitô thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Kitô họat động trong Phụng vụ với tư cách là Đầu của Thân Thể để “chính nhờ Người, với Người, và trong Người” mà chúng ta được thánh hóa và chúc lành. Trong Phụng vụ, chính Chúa Kitô thực hiện công trình cứu chuộc của Ngài qua Giáo hội. Chính Chúa Kitô là vị tư tế, Ngài là thưởng phẩm duy nhất của Tân Ước, chính Ngài đã dâng lên Thiên Chúa một lễ hy sinh hoàn hảo, một lần thay cho tất cả, để tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo và cứu chuộc nhân loại. Chức tư tế của Ngài là vĩnh cửu, tồn tại mãi trong thời gian, Ngài có sức cứu những kẻ nhờ Ngài mà tới gần Thiên Chúa, vì Ngài sống luôn mãi để chuyển cầu cho họ.

– Phụng vụ gồm những dấu chỉ khả giác, hữu hình và hữu hiệu, để thông ban ân sủng cho con người. Tầm quan trọng hàng đầu trong công cuộc cứu độ của Đức Kitô đang được tiếp diễn ngang qua đời sống Phụng vụ của Giáo hội, Công Đồng đi tới chổ khẳng định rằng Phụng vụ chính là nguồn mạch là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu, vì chính qua việc tham dự vào Phụng vụ, các Kitô hữu kín múc nguồn ân sũng của Đưc Kitô.

– Phụng vụ là công việc của tất cả Nhiệm Thể Chúa Kitô, gồm Đầu và các chi thể. Trong các cử hành phụng vụ, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện để chủ tọa qua các thừa tác viên có chức thánh và những người được Giáo Hội ủy nhiệm. Các động tác Phụng vụ không phải là động tác riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào, nhưng là động tác của toàn thể Hội Thánh. Nói đúng hơn là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ lãnh của Giáo Hội, và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài. Do đó, trong Phụng vụ mỗi người có công việc riêng, phận sự riêng, song tất cả đều phục vụ ích lợi chung của Hội Thánh. Mục đích của việc canh tân Phụng vụ nhằm giúp các Kitô hữu hiểu rỏ hơn về trach vụ của mình khi tham dự cử hành Phụng vụ, đó là tham dự một cách tích cực vào đời sống phụng tự của Giáo hội. Dưới nhãn quan của Công Đồng thì Giáo hội ở đây được hiểu là toàn bộ Dân Thiên Chúa gồm mọi thành phần giáo dân cũng như giáo sĩ đang làm cuộc lữ hành trần gian tiến về trời cao, đi vào mầu nhiệm hiệp thông sự sống với Thiên Chúa Ba Ngôi.

– Phụng vụ là sứ mạng của Chúa Thánh Thần nhằm chuẩn bị cho cộng đòan tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô; gợi nhớ và biểu lộ Chúa Kitô cho cộng đòan; và chính Chúa Thánh Thần làm cho công trình cứu độ của Chúa Kitô hiện diện và tác động trong hiện tại, đồng thời làm cho ơn hiệp thông trong Hội Thánh sinh hoa kết trái.

– Các Kitô hữu là những người đang sống cuộc sống hành hương tiến về quê Trời vinh hiển với Con Một Cha là Đức Kitô. Chính vì vậy khi tham dự Phụng vụ một cách tích cực và trọn vẹn thì chính chúng ta đang tận hưởng được niềm hạnh phúc viên mãn trong nước Thiên Chúa mai sau. Hiến Chế trong Công Đồng nhắc chúng ta rằng: “Phụng vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng cảm nếm trước Phụng Vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực; Phụng vụ trần gian là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.”[2]

2. Những chỉ dẫn của Công Đồng về Phụng vụ

* Công cuộc huấn luyện phụng vụ và tham dự phụng vụ một cách linh động và trọn vẹn.

Chỉ dẫn mới mà Công Đồng cho các Kitô hữu nhận biết một cách rỏ ràng và có trách nhiệm trong khi tham dự phụng vụ một cách tích cực và linh động chứ không như trước Công Đồng. “Trong việc canh tân và cổ võ Phụng Vụ Thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì Phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực. Vì thế, nhờ việc huấn luyện cần thiết, các mục tử chăn dắt các linh hồn phải nhiệt tâm tìm đạt được điều đó trong mọi hoạt động Phụng vụ.” Để công cuộc huấn luyện đạt kết quả tốt đòi hỏi các mục tử là người nắm rỏ và thấm nhuần tinh thần Phụng vụ một cách trọn vẹn, hơn nữa cần đào tạo những giáo sư chuyên khoa Phụng vụ môt cách đặc biệt.

* Những quy tắc và bản chất của phụng vụ

– Canh tân toàn diện Phụng Vụ. Giáo Hội muốn con cái của mình được hưởng dồi dào ân sủng của Phụng Vụ Thánh nên cần được canh tân một cách toàn diện Phụng vụ.

– Việc điều hành Phụng Vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục. Vì vậy không một ai khác có thể thêm bớt điều gì trong Phụng vụ.

– Khi cần thay đổi một điều gì thì cần nghiên cứ một cách kỷ lưỡng thần học, lịch sử và mục vụ. Trong việc cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng.

– Tu chỉnh sách Phụng vụ cần phải nhờ đến các chuyên viên và tham khảo ý kiến các Giám Mục ở mọi miền khác nhau trên thế giới.

+ Các qui tắc riêng biệt do bản chất Phụng vụ xét

– Các hoạt động Phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là “bí tích hiệp nhất”, quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư.

– Khi tham gia Phụng vụ mỗi người cần chu toàn phận vụ của mình một cách đạo đức, chân thành và trật tự. Trong Phụng vụ không phân biệt giai cấp và địa vị.

– Ðể phát huy việc giáo dân tham gia linh động, cần phải có những lời tung hô đối đáp, những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác. Nhưng cũng cần phải giữ sự thinh lặng linh thiêng đúng lúc của nó. Giáo dân cần lưu ý vai trò của mình trong Phụng vụ.

+ Các qui tắc do bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng vụ

– Trong mục vụ của Phụng vụ không chỉ Lời của Thiên Chúa nói với dân Ngài, mà người mục tử cần giúp người Kitô hữu biết dâng những lời kinh nguyện để nuôi dưỡng đức tin và nâng tâm hồn họ lên cùng Chúa và lãnh nhân ân sủng một cách đồi dào hơn.

– Trong việc giảng dạy Lời Chúa và Kinh Thánh cần phải rỏ ràng ngắn gọn và súc tích để mỗi người dễ hiểu và nói cho giáo dân biết tầm quan trọng của Lời Chúa trong Phụng vụ.

– Việc dùng tiếng Latinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi Lễ Latinh. Việc sử dụng tiếng bản quốc trong Thánh Lễ hoặc trong việc cử hành các Bí Tích có thể sịnh lợi ích nhiều cho dân chúng, tuy nhiên cần được Giáo Hội dịa phương chuẩn ý và tòa Thánh chấp thuận.[3]

+ Các qui tắc để thích nghi với tâm tính và truyền thống của dân tộc

– Giáo Hội tôn trọng và phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính của những dân nước khác nhau, tuy nhiên những điều đó không dẫn đến mê tín dị đoan và lầm lạc. Vẫn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của nghi lễ Rôma.

– Thẩm quyền của Giáo Hội địa phương có quyền xác định những việc thích nghi, đặc biệt trong các cử hành Phụng vụ, nhưng phải thận trọng và khôn ngoan cứu xét trong công việc này. Cần phải có các nhà chuyên môn trong lãnh vực đó, tuy nhiên phải đúng quy tắc căn bản trong Hiến Chế này.

* Cử hành Bí tích trong Phụng vụ

– Phụng vụ các Bí tích nhằm đem lại hiệu quả đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo thì mọi biến cố trong cuộc sống đều được kết hợp với Mầu Nhiệm sự chết và Phục sinh của Chúa Kitô. Trải qua thời gian có một số yếu tố đã len lỏi vào các nghi thức Bí Tích và Á Bí Tích khiến cho bản chất và mục đích kém phần rõ ràng đối với thời đại chúng ta. Vậy cần phải thích nghi vài yếu tố trong các nghi thức đó cho hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta; nên trong việc duyệt xét lại những nghi thức ấy, Thánh Công Ðồng quyết định các điều sau đây.[4]

3. Thành quả của việc canh tân Phụng vụ sau Công Đồng Vatiacanô II

– Một nền Phụng vụ mới dựa trên nền tảng vững chắc mà di sản Phụng vụ Giáo hội để lại. Trãi qua 55 năm Hiến Chế Phụng vụ ra đời Giáo hội đã gặt hái được những thành quả to lớn mà Hiến Chế mang lại, Hiến chế đã trình bày những nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho phụng vụ của Giáo hội, cũng như làm khởi sắc cho việc canh tân lành mạnh theo thời gian.

– Liên quan đến lời kêu gọi của Công Đồng hướng đến việc tham dự tích cực của giáo dân, huấn thị Redemptionis Sacramentum được công bố năm 2003, trong đó huấn thị chỉ rõ cho chúng ta biệt những phận vụ của mình, tham dự thế nào một cách tích cực và trọn vẹn. Linh mục có chức thánh luôn luôn cần thiết cho một cộng đoàn Kitô-hữu và những vai trò của các linh mục và của các tín hữu giáo dân không được lẫn lộn với nhau (Huấn Thị, 42, 45). Giáo dân có vai trò riêng của họ.

– Một trong những đều mà việc canh tân Phụng vụ mang lại nhiều ý nghĩa đó là thích nghi về ngôn ngữ: “Việc dùng tiếng La tinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi Lễ La Tinh. Tuy nhiên, có thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong Thánh Lễ hoặc trong việc Cử Hành các Bí Tích, hoặc trong những phần khác của Phụng Vụ; cho nên việc dùng tiếng bản quốc này cũng dễ dàng được chấp thuận hơn.”[5]

– Trong giai đoạn đổi mới này, các Sách Lễ được soạn thảo và tái bản lần thứ 3, có sự thay đổi nhiều về ngôn ngữ, thay đổi một số từ ngữ trong đó nhưng vẫn giữ nguyên nội dung. Cá tài liệu Thánh Kinh và Thánh Truyền được chuyển dịch thành nhiều thứ tiếng khác nhau để giáo dân có thể tham khảo và đào sâu về đức tin của mình.

* Tại Giáo hôi Việt Nam

– Tại Việt Nam, luồng gió mới này cũng ảnh hưởng sâu xa vào trong đời sống đạo đức của các tín hữu. Năm 1968, Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam đã nhận định như sau trong bản báo cáo gởi cho Hội đồng Thực thi Hiến chế về Phụng vụ: “Công cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng chung Vaticanô II quyết định đã được người công giáo Việt Nam tiếp nhận với niềm vui mừng và nhiều hiệu quả. Việc áp dụng các chỉ thị liên hệ tới việc canh tân phụng vụ không gặp phải khó khăn cản trở nào. Trái lại, qua việc thay đổi một số nghi thức và nhất là nhờ việc đem tiếng Việt vào trong các buổi cử hành Thánh lễ và các bí tích, các tín hữu tham dự cách tích cực và ý thức, nhất là trong công việc thi hành trách vụ của mình một cách sinh động khi tham dự Phụng vụ.

– Với Sắc Lệnh (Decretum typicum) mang số @ [5] Prot. 787/64 ngày 15-6-1964, Tòa Thánh cho phép Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam được dùng tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác của các dân tộc ít người, trong các buổi cử hành Phụng vụ theo như các chỉ thị của Hiến chế về Phụng vụ và của Tòa Thánh.

– Nhìn lại 55 năm sinh hoạt Phụng vụ tại Việt Nam, hay áp dụng công cuộc canh tân Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, chúng ta nhận thấy một số điểm sau đây: Việt Nam đã rất hứng khởi tiếp nhận công cuộc canh tân này.

Hội đồng Giám mục đã cố gắng đáp ứng cho công cuộc canh tân này qua việc dịch thuật, cổ võ cử hành Phụng vụ xứng đang với việc tham gia tích cực và ý thức. Về dịch thuật, chắc chắn phải dịch các phần, các sách Phụng vụ còn thiếu. Cũng còn cần hoàn thiện các bản dịch với các từ thần học Phụng vụ dần dần được xác định, hợp với nhu cầu Phụng vụ. Các sách Phụng vụ thường có những khoản thích nghi dành cho Hội đồng Giám mục. Những khoản này cần được nghiên cứu cùng với việc hội nhập văn hóa.Việc huấn luyện Phụng vụ cần được lưu tâm nhiều hơn. Giúp dân chúng hiểu được mối liên hệ giữa Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, tăng thêm lòng đạo đức, nhất là mỗi người tín hữu Việt Nam dù ở nơi nào cũng hiểu biết về Phụng vụ qua ngôn ngữ của đị phương hay dân tộc mình. Hiểu Phụng vụ và biết Phụng vụ nhằm giúp người dân tiến lại gần Chúa hơn, hầu mong được hưởng nguồn ơn Cứu Độ qua nguồn mạch là Phụng vụ.

Tóm kết

Dưới ánh sáng Công Đồng Vaticanô II đã chiếu một luồng ánh sáng vào việc cử hành Phụng Vụ Thánh trong Giáo hội thật năng động và ý nghĩa. Trãi qua 55 năm Hiến Chế Phụng vụ ra đời nhằm giúp người Kitô hữu hiểu rõ bản chất của Phụng vụ là gì, vai trò và tầm quan trong của Phụng vụ như thế nào với đời sống Kitô hữu. Hiến Chế Phụng Vụ như một con tàu chuyên chở đức tin và ơn cứu độ qua Hội thánh là mẹ của chúng ta để đến với giáo dân. Quả thật, Phụng vụ là công việc của Đức Kitô, ngang qua sự chết và Phục sinh của Ngài để chuyển thông nguồn ơn cứu độ cho loài người chúng ta. Khi người Kitô hữu tham dự Phụng vụ một cách tích cực và trọn vẹn thì chính họ đang hưởng nước thiên đàng mai sau cùng với Đức Kitô trên Thiên Quốc của Ngài.

Canh tân Phụng vụ không những gặt hái được thành quả lớn từ sự thay đổi ngôn ngữ mà thông qua việc cử hành, người Kitô hữu tham dự một cách tích cực và năng động hơn. Việc tham dự tích cực biểu lộ ra bên ngoài cốt ở chỗ chúng ta không tham dự như người quan sát, thụ động, như những khách bàng quan, câm lặng nhưng tham gia vào mọi chi tiết cử hành từ cử chỉ, tư thế cho đến ngôn ngữ và cả âm nhạc trong Phụng vụ, chính xác hơn, là nhận chìm mình vào trong toàn bộ hành vi nghi thức. Còn thể hiện ở bên trong là đi vào chiều kích nội tâm của thái độ cầu nguyện “trong thần khí và sự thật”

Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Phụng vụ được Giáo hội truyền lại cho ngày hôm nay, với truyền thống rất phong phú và sống động của nó dưới muôn hình thức. Làm sao không tạ ơn vì sự tham dự của chúng ta và tình bác ái của Đức Kitô, bởi Lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin chúng ta và lôi kéo chúng ta đến với niềm hy vọng tương lai. Ước gì mọi Kitô hữu trên toàn thế giớ nắm bắt và hiểu biết được vai trò và tầm quan trọng của Phụng vụ trong đời sống đạo, để qua Phụng vụ họ gặp gở Đức Kitô chính nguồn ơn cứu độ mà loài người đang tìm kiếm.

Giuse Lê Văn Quý, SSS


[1]Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin (NXB Tôn Giáo, 2012), # 2, tr 14.
[2]Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin (NXB Tôn Giáo, 2012), # 8, tr 19, # 10 tr 21, # 11 tr 21, # 14 tr 23.
[3] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin (NXB Tôn Giáo, 2012), # 22- #32, tr 26-29, # 33 – # 36, tr 30-31.
[4] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin (NXB Tôn Giáo, 2012), # 59, tr 41.
[5] Ibid., # 36, tr 31.