Những văn bản của cha Eymard về lòng Chúa thương xót (phần 3)

NHỮNG VĂN BẢN CỦA CHA EYMARD VỀ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thần Khí Của Tình Yêu

Chúa Giê-su là tình yêu Thiên Chúa làm người, trở nên hữu hình và có thể cảm nhận được.

  1. Tình yêu của Chúa Giê-su đầy sự ngọt ngào và lòng thương xót: Hãy xem vua của người đang đến trong sự bình dị (Mt 21:5). Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29).

Ôi tình yêu của Chúa Giê-su đối với tôi vẫn dịu dàng và kiên nhẫn biết bao! Ngay cả khi tôi đang xúc phạm Người!

Khi tôi không yêu mến Người! Người cảm thông và từ ái biết bao khi tôi khốn khổ lìa xa Người bằng lỗi lầm của tôi! Người vẫn tha thứ như người cha và trân trọng tôi!

Đó là điều tôi phải làm cho người khác; trước tiên tôi chỉ cần đáp lại những gì Chúa đã ban cho tôi, và những gì Người yêu cầu tôi làm để tỏ lòng biết ơn Người.

  1. Tình yêu của Chúa Giê-su là quảng đại, Người ban cho tôi mọi thứ Người có: chân lý, ơn sủng, vinh quang, sự sống và cả cái chết của Người. Người ban cho tôi chính mình trong bí tích Thánh Thể trên bàn thờ; Người không giữ lại bất cứ cái gì.

Tình yêu cao vời biết bao! Ai có thể yêu thương như thế chứ? Ai có thể yêu thương tôi như Chúa Giê-su yêu thương tôi? Và tôi sẽ làm gì cho Người? Tôi sẽ dâng cho Người mọi thứ tôi có, dâng cho Người chính bản thân tôi. Người là người yêu dấu của tôi và tôi là người yêu dấu của Người. (Dc 2:16).

  1. Tình yêu của Chúa Giê-su mãnh liệt như tử thần (xem Dc 8:6). Để chứng minh với tôi điều này, Người đã chấp nhận đói khát, nghèo khó, khinh khi và sỉ nhục. Người sẵn lòng chịu đau đớn để ban cho tôi tất cả máu Người, chết trên thập giá trong đau đớn, bỏ rơi, khinh khi và nguyền rủa của tất cả dân của Người. Đó là nguyên tắc tình yêu của Người: Người yêu thương tôi và hiến mình vì tôi (Gl 2:20).

Vậy tôi cũng phải đau khổ vì tình yêu Chúa Giê-su, nếu tôi muốn chứng minh tình yêu của tôi là đích thực và vô vị lợi. Do đó tôi phải ôm lấy thập giá của Chúa Giê-su, phải đóng đinh bản thân trên đó, sẵn sàng bị Thiên Chúa và con người đóng đinh ở đó, và chết ở đó vì tình yêu của Người.

Ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô? Nhưng ở nơi đây chúng ta sẽ là những người chiến thắng nhờ Người, Đấng đã yêu thương chúng ta (Rm 8:35, 37)

Cuộc Tĩnh Tâm Ơn Gọi Thánh Thể, bài suy niệm thứ 12: Thần Khí Của Tình Yêu Của Chúa Giê-su. (Bản văn điện toán, xem mã số PR 150,9) (Eymard Toàn Tập Quyển XIV, trang 479)

III – Bí Tích Thánh Thể Và Lòng Thương Xót

Thư Gởi Antoinette de Grandville

Con thân mến, bây giờ là nói về con đây. Nếu cha ở Nantes, hay nếu con ở đây, cha sẽ thường xuyên trách mắng con, thậm chí là mỗi ngày. Con không khôn ngoan khi nghĩ đến việc bỏ chịu mình thánh hàng ngày. Đó là tất cả những gì con cần! Con sẽ tìm thấy lương thực, tâm điểm, ơn sủng, thậm chí là đức hạnh của mình ở đâu? Cha xin con đấy, đó là ý nghĩ rất tệ hại! Con lại lên cơn sốt nóng lạnh rồi! Sự lo lắng đang xâm chiếm (con) và cha giải tội lẽ ra nên đuổi con ra khỏi tòa giải tội, và chỉ nhận giải tội cho con một tuần một lần thôi.

Con thân mến, con phải tuyệt đối sửa lại nỗi sợ nô lệ đang ở trong lương tâm của con. Cũng có thể có nguyên nhân thể chất, và sau đó con để cho những đám mây lo lắng quá khứ xâm nhập.

Hãy tin cha. Đừng bao giờ xem xét việc con có nên chịu mình thánh hay không giữa những lần xưng tội thường lệ của con. Hãy xem việc chịu mình thánh là lời mời gọi đầy lòng thương xót của Thầy nhân lành của chúng ta. Con không nên bỏ trống chỗ của con ở bàn tiệc của Chúa Giê su.

Thư gởi Antoinette de Grandville, ngày 20-03-1861, Paris, (Bản văn điện toán, xem mã số CO 1022 150,9) (Eymard Toàn Tập Quyển III, trang 461)

Chiến Thắng Khải Hoàn Của Thánh Thể

Đức Maria đã dõi theo sự dằng xé ấy trước Bữa Tiệc Ly, Mẹ đã chứng kiến cuộc đấu tranh tình yêu của Chúa Giê-su với tất cả những hy sinh ấy, Mẹ chia sẻ và mong cho chúng chóng qua.

Ôi! Mẹ được diễm phúc biết bao! Khi trước bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cho Mẹ biết rằng giờ chiến thắng khải hoàn của tình yêu Người đã đến và Người sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể của Người, mà qua đó Người sẽ vẫn tiếp tục sống trên trái đất, và qua bí tích Thánh Thể mỗi tín hữu sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc của Mẹ thánh của Người. Họ sẽ một cách nào đó gặp Đấng Cứu Thế của mình, và trong tình trạng bí tích của Người, họ sẽ hưởng mọi ơn sủng và mọi nhân đức của các mầu nhiệm trong cuộc đời hay chết của Người. Sau bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa không thể ban thêm gì khác ngoại trừ thiên đàng. Bí tích Thánh Thể sẽ là thiên đàng của tình yêu.

Khi nghe lời thông báo mang lại niềm vui này của Chúa Giê-su, Mẹ Maria phủ phục nơi chân Người, tôn thờ Người và cảm tạ Người vì đã yêu thương nhân loại và người tôi tớ bất xứng của Người quá nhiều; Mẹ dâng mình để phụng sự Người trong bí tích Thánh Thể, đồng ý hoãn lại thời khắc thiên đàng (của Mẹ), để ở lại làm người tôn thờ Thánh Thể trên trái đất, gìn giữ, yêu mến và rồi chết đi trước Nhà tạm linh thánh của Người.

Để trân trọng món quà Thánh Thể, người tôn thờ phải đi cùng Đức Maria về cội nguồn của nó, đến những hy sinh của tình yêu, để nhận ra những quyền của trái tim Người, và làm cho Thánh Thể trở thành luật sống và cùng đích của cuộc đời Người.

Ôi! Trái tim loài người chai đá biết bao nếu nó không mềm lòng khi nhìn thấy mình thánh đáng tôn thờ này; trái tim ấy tội lỗi biết bao nếu nó vô ơn! Thực ra phải có một hỏa ngục dành riêng cho bất cứ ai khinh khi Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể. Than ôi! Chúa Giê-su vẫn mời gọi những con người như thế, như Giu-đa, người bạn của Người (xem Mt 26:50). Người thậm chí còn cầu xin ơn sủng cho Giu-đa. Ôi, Thiên Chúa Cứu Độ của tôi! Tình yêu của Chúa như thế sẽ chẳng bao giờ dừng lại, trừ nơi cánh cổng hỏa ngục mà thôi.

  1. [Chiêm niệm Thánh Thể, hoa trái của tình yêu; ngọn lửa thắp lên lửa]

Để trân trọng món quà Thánh Thể, người tôn thờ phải thường xuyên suy niệm về những hy sinh của nó. Việc nhìn ngắm cuộc đấu tranh tình yêu và chiến thắng của nó sẽ nói với người tôn thờ về lòng biết ơn một Thiên Chúa nhân hậu đến như thế.

Người tôn thờ sẽ ca tụng, chúc tụng, tán dương sự cao cả, lòng nhân hậu, tình yêu khải hoàn của Người, đã thiết lập bí tích Thánh Thể cực thánh như một ký ức sống động vĩnh viễn về tình yêu của Người, như một quà tặng mà Người luôn làm mới; và rồi cùng với Đức Maria, Mẹ thánh của Người, người tôn thờ sẽ hiến bản thân mình với trọn cả trái tim cho Chúa Giê-su để tôn thờ, yêu mến và phụng sự Người đáp lại tình yêu vô biên ấy. Người tôn thờ sẽ thánh hiến bản thân cho Chúa Giê-su Thánh Thể để tôn vinh Người trong trạng thái bí tích, qua những nhân đức Người tiếp tục vinh danh ở đó và một cách đáng ngưỡng mộ; Người sẽ tôn vinh lòng khiêm nhường sâu xa nhất đến mức tự hủy chính mình, sự từ bỏ tự do, vinh quang để trở thành tù nhân của tình yêu nhân loại, lòng vâng phục làm cho Người trở thành tôi tớ cho tất cả mọi người, để kéo mọi người đến với nhà tạm tình yêu Người.

Người cũng sẽ tôn vinh Đức Maria làm Nữ Vương của Nhà Tiệc Ly và Nữ Vương của người tôn thờ, một tước vị rất thân thương với trái tim Người và tôn vinh Chúa Giê-su rất nhiều.

Hội Bí Tích Thánh Thể – Sách Hướng Dẫn: Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly. (Bản văn điện toán, xem mã số RA 25,5) (Eymard Toàn Tập Quyển VIII, trang 526)

Việc Chịu Mình Thánh

Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình (6) (Ga 6:53).

Chịu mình thánh là phương tiện nên thánh to lớn nhất mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta trong tình yêu của Người. Nó cần thiết cho những linh hồn yếu đuối để nâng đỡ họ, cho những linh hồn thánh thiện để họ tiến xa hơn và bền đỗ.

  1. Việc chịu mình thánh cần thiết cho những linh hồn yếu đuối và bất toàn

Đây là một cám dỗ và là sai lầm phải vượt qua nơi người Ki-tô hữu: việc rước lễ chỉ dành cho người công chính và hoàn hảo. Và thứ đạo đức bị phóng đại này của kẻ thù của sự tin tưởng và đức ái, nghĩa là của phái Jansenists, đã để lại dấu ấn sợ hãi. Quỷ dữ làm sự sợ hãi này tăng lên, vì như sách Noi Gương Đức Ki-tô nói: và quỷ dữ tránh xa Thánh Thể bằng mọi phương tiện có thể (Sách Noi Gương Đức Ki-tô IV, 10:2). Hãy lắng nghe giáo huấn của Giáo Hội. Một Ki-tô hữu đang hoán cải cần phải chịu mình thánh. Việc chịu mình thánh là linh dược mạnh mẽ và hiệu quả chữa trị ba bệnh tật của linh hồn.

Bệnh thứ nhất

Thánh Thể thanh tẩy tội nhẹ, phá hủy những đau khổ do tội nặng, của tội nặng không cố tình.

Thánh Công Đồng Trent: [Bí Tích Thánh Thể] giống như thuốc giải độc giải thoát chúng ta khỏi những lỗi lầm hàng ngày và giữ gìn chúng ta khỏi tội nặng (sess. 13, c.2). Bí Tích Thánh Thể là ngọn lửa thiêu đốt tất cả những rỉ sét của những bất toàn và lỗi lầm hàng ngày của chúng ta.

Thánh Bô-na-ven-tu-ra: [Bạn có thể tiến bước] ngay cả với sự hững hờ [nhưng luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. (2. Hugues.)

Tĩnh tâm tại Saint-Chamond, ngày 18-02 đến 26-03 năm 1856: Phụ nữ – Chủ nhật Lễ Lá, Việc chịu mình thánh. (Bản văn điện toán, xem mã số PD 14,22) (Eymard Toàn Tập Quyển XIII, trang 650)

IV – Đức Maria, Mẹ Của Lòng Thương Xót 

Đức Maria thực thi vai trò người mẹ trên trái đất và trên thiên đàng như thế nào – Tước hiệu Mẹ của lòng thương xót thích hợp với Mẹ như thế nào, và Mẹ có tâm tình gì khi chúng ta khẩn cầu Mẹ dưới tước hiệu này.

  1. Khi Chúa Giê-su Ki-tô chưa trút hơi thở cuối cùng trên thập giá thì Mẹ đã bắt đầu thực thi nhiệm vụ người mẹ dịu dàng của Giáo Hội, được Chúa long trọng ủy thác làm con của Mẹ. Xem Cornelius. C.
  2. Để nên một với tâm tình của Chúa Giê-su Ki-tô từ trên thiên đàng, Đức Maria không quên những tín hữu họp thành Giáo Hội và với người sống trên trần gian Mẹ vẫn quan tâm lo lắng yêu thương. Bởi vì Chúa Giê-su không đặt Mẹ làm mẹ tạm thời mà là mẹ mãi mãi. Xem C.

Trên thiên đàng Mẹ bầu cử cho chúng ta với Chúa Giê-su như Chúa Giê-su bầu cử cho chúng ta với Cha của Người. Xem C. – Raymond.

Và có gì đáng ngạc nhiên như thế, vì Mẹ là người mẹ, và từ đó giải thích mọi sự, như I-sai-a nói: Một người mẹ có thể nào quên được đứa con bé bỏng của mình, không thương xót đứa con mình mang nặng đẻ đau không? Cho dù cô ấy có quên, Ta sẽ không bao giờ quên ngươi (Is 49:15). Đức Maria, mẹ của các bà mẹ. – Ta là người mẹ có tình yêu tuyệt mỹ, và niềm hy vọng thánh thiện (Hc 24:24 bản phổ thông; Hc 24:18)

Theo Gilbert, lý do cho việc này là Đức Maria không như những người mẹ khác, mà là người mẹ tuyệt hảo. Mẹ là người mẹ được Chúa Giê-su ban cho chúng ta để yêu thương, an ủi và bảo vệ chúng ta – một người mẹ nhận lấy cái tên ngọt ngào của tình yêu tuyệt mỹ và và hy vọng thánh thiện, một người mẹ dâng hiến bản thân và tìm thấy vinh quang khi cho thấy Mẹ chỉ là tình yêu và sự dịu dàng đối với chúng ta, được Mẹ đón nhận và sinh ra ngay dưới chân thập giá, một vị giáo hoàng đã nói như thế.

Và đó là lý do tại sao, dù chúng ta sống thế nào, tình trạng con tim ra sao, ngay từ lúc chúng ta gia nhập Giáo Hội, chúng ta là con cái của Mẹ và chúng ta an tâm rằng trái tim thương xót của Mẹ luôn rộng mở và đôi tay của Mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.

Và Mẹ vẫn đang cố giúp chúng ta hiểu rằng Mẹ luôn dịu dàng đối với chúng ta, cho dù chúng ta ở tình trạng nào, và kinh thánh dành cho Mẹ những danh hiệu khác nhau. Innocent III. Maria Luna – vân vân.

Những bài giảng lễ và huấn đức trong giáo xứ – Điều kiện để làm con cái Đức Maria: Đức Maria thực thi vai trò người mẹ trên trái đất và trên thiên đàng như thế nào. (Bản văn điện toán, xem mã số PG 184,6) (Eymard Toàn Tập Quyển X, trang 293)

Nếu Mẹ dường như ưu ái một số con cái, thì dĩ nhiên họ là những người khốn khổ, bất hạnh nhất, tuyệt vọng nhất, nói cách khác là tội lỗi nhất, nên đã thu hút đôi mắt thương xót của Mẹ và được Mẹ bộc lộ tất cả sự dịu dàng của Mẹ. Thực ra Mẹ được đặt làm Mẹ chúng ta ở vào thời điểm mà chính Thiên Chúa đưa ra bằng chứng lo lớn nhất của lòng thương xót các tội nhân, lúc Người chết đi cho họ. Mẹ được đặt làm mẹ chúng ta vào thời khắc của lòng thương xót, trên bàn thờ của lòng thương xót và tha thứ. Và Giáo Hội ca tụng và cầu khẩn Mẹ dưới tước hiệu tuyệt mỹ này: Mẹ của lòng thương xót.

Tước hiệu của lòng thương xót này (miseriæ cor datum – trái tim dành cho những kẻ khốn cùng) chỉ ra chức năng của nó. Và như Richard thành Saint-Laurent nói, nếu Đức Maria không dành mọi quan tâm chăm sóc để giúp những đứa con khốn khổ nhất của Mẹ, thì làm sao chúng ta có thể dành cho Mẹ tước hiệu mẹ của lòng thương xót, vì như thế thì chẳng phải là người mẹ, mà cũng chẳng thương xót? Như thế thì không phải là người mẹ, vì người mẹ thì không chai đá trước những khốn khổ và yếu đuối của con cái mình, không ngoảnh mặt mà trái lại tỏ ra lo âu khi con cái thiếu thốn và rắc rối, bởi vì khốn cùng là cánh đồng nơi lòng thương xót hoạt động hiệu quả, bộc lộ ra và chiến thắng. Ở đâu không có sự khốn cùng thì không cần lòng thương xót, không có xúc phạm thì không cần lòng khoan dung và tha thứ.

Theo Richard, chúng ta không thể đến khẩn cầu với Mẹ dưới tước hiệu ngọt ngào của người mẹ mà tâm trí Mẹ không tự động quay về với thời gian, địa điểm, mục đích và con người đã ban cho Mẹ tước hiệu này lần đầu tiên.

Và người phụ nữ nào, khi nghe con mình gọi mẹ, mà không thấy trái tim và nội tâm xao xuyến niềm trìu mến? Nhưng với Mẹ Maria, thì có một sức lôi cuốn thu hút mạnh mẽ. Danh hiệu ấy nhắc Mẹ nhớ đến đồi Can-vê, tình yêu tột cùng Chúa Giê-su Ki-tô dành cho người tội lỗi. Mẹ nhớ người Con hấp hối ấy, khi sẵn sàng trút hơi thở cuối cùng, thu hết sức tàn trên môi, bằng một giọng nói phát ra từ đáy lòng, đã giao phó mọi tín hữu làm con của Mẹ. Những hồi ức dịu dàng này trăn trở trong tim Mẹ và làm sống lại những cảm xúc đặc biệt dịu dàng và tình yêu bao dung mà Mẹ cảm nhận khi ấy. Với chúng ta, Mẹ cảm thấy như những đứa con mà Mẹ có được trong giây phút đau khổ nhiệm mầu ấy.

Và khi Mẹ thấy chúng ta đoàn kết xung quanh Mẹ, khẩn cầu danh Mẹ với lòng sùng kính, thì Mẹ thốt lên tràn đầy cảm xúc và thương xót: Ôi! Các con tôi đây mà. Chúng là những đứa con mà Con tôi và Chúa tôi đã giao phó cho tôi trước khi chết trên thập giá. Tôi nhận ra chúng là Ki-tô hữu nhờ dấu ấn rửa tội, nhờ máu thánh đã rửa sạch chúng. Đúng vậy, đó là căn tính của họ, và tôi không thể từ chối họ cái tình yêu và sự dịu dàng mà Chúa Giê-su mong muốn khi Người trao họ cho tôi, và điều đó trở thành dấu chỉ vinh quang cho tôi khi đón nhận họ.

Những bài giảng lễ và huấn đức trong giáo xứ – Những điều kiện để làm con cái Đức Maria: Tước hiệu Mẹ của lòng thương xót phù hợp với Mẹ như thế nào. (Bản văn điện toán, xem mã số PG 184,7) (Eymard Toàn Tập Quyển X, trang 293)

V – Lòng Thương Xót Và Sự Tha Thứ

Thư Gởi Jenny Guillot

Cô thân mến,

Tôi nhận được bức thư đầy phiền muộn của cô và tôi thực sự cảm thông cho cô, vì tôi thấy rằng nó cô tan nát và thậm chí còn khiến cô đau ốm, vì cô vốn đã yếu sẵn rồi. Hãy can đảm lên! Tổn hại nếu có thì đừng làm nó tăng thêm. Hãy chịu đựng rất khiêm nhường dưới chân Chúa và dâng lên Người những lỗi lầm của cô, như người đau yếu dâng lên đau khổ của họ.

Phải, tôi đồng ý chuyến đi Chasselay của cô. Cô cần có nó. Hãy nghỉ ngơi ở đó một thời gian, và đặc biệt là sớm hết bệnh, khỏe mạnh trở lại, và hãy để linh hồn cô an nghỉ ngay lập tức bằng cách đừng quay về quá khứ. Hãy để quá khứ ở chỗ của nó, nơi lòng thương xót của Chúa, và chạy đến với Cha Nhân Lành của cô mà thưa với Người: Chúa nhìn thấy yếu đuối của con, xin hãy cứ yêu thương con như đứa con gái bé bỏng của Người. Và Người sẽ trả lại cho cô mọi ơn sủng tốt lành nhất của Người. Tôi đang cầu xin Mẹ nhân lành của chúng ta giúp cô, ban phúc và nắm lấy tay cô. Và tôi hết lòng chúc lành cho cô. Eymard.

Thư gởi Jenny Guillot, ngày 03-10-1847, Lyon, (Bản văn điện toán, xem mã số CO 88) (Eymard Toàn Tập Quyển II, trang 137)

Thư Gởi Marguerite Guillot

Khi lìa bỏ thế gian này, điều hối tiếc duy nhất của tôi sẽ là tôi đã không phụng sự tốt Thầy nhân lành của chúng ta, vì lười biếng và chểnh mảng. Vậy tôi có thể thấy rõ một điều, là vào lúc đó sức mạnh hoàn toàn nằm ở việc tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Người.

Ôi! Nhân đức của chúng ta có vẻ xấu xí biết bao và việc lành của chúng ta thảm hại biết bao!

Hãy trú ẩn an toàn dưới đôi cánh lòng thương xót, tình yêu trắc ẩn và đức ái dịu dàng của Chúa, và sự bình an sẽ lớn lên theo lòng tin tưởng của bạn. Đúng thế! Chúng ta phải làm việc, cầu nguyện, thực hiện mọi việc của Ki-tô hữu vì Thiên Chúa truyền và muốn thế. Nhưng sau khi làm, chúng ta phải như đứa con từ trường học về là sà vào lòng cha mẹ; hãy tận hưởng tình yêu và lòng nhân hậu của các ngài, vốn cao cả hơn bất cứ điều gì Người có thể thực hiện.

Thư gởi Marguerite Guillot, ngày 14-03-1866, Bruxelles,(Bản văn điện toán, xem mã số CO 1758) (Eymard Toàn Tập Quyển IV, trang 364)

Thư Gởi Cô Chanuet, Nữ Tu Camille

Sơ Camille thân mến, hãy quy phục tình yêu Người dành cho sơ; tình yêu ấy cao cả và đầy lòng thương xót. Mọi việc Người đã làm trong cuộc đời của sơ, đặc biệt là trong những năm gần đây, chắc chắn cho sơ thấy bằng chứng thường xuyên và an ủi nhất của tình yêu của Người.

Sơ tốt lành ơi, hãy chiến đấu chống lại những nỗi sợ hãi đang làm sơ đau khổ bằng sự phó thác thánh thiện vào đôi bàn tay thương xót của Chúa Giê-su, người Thầy nhân hậu của sơ.

Sơ là tôi tớ của Người, sơ đã dâng lên Người mọi sự, đã hoàn toàn là của Người. Người đã chấp nhận sơ phụng sự Người, và thậm chí là cùng chịu đóng đinh với Người. Làm sao sơ lại không nghỉ ngơi trong cánh tay Người như một đứa con yêu quý chứ! Sơ Camille tốt lành ơi, Sơ sẽ lên thiên đàng thôi.

Về phần tôi, tôi chỉ xin sơ làm việc lâu dài hơn. Tuy nhiên, tốt hơn nên nói rằng: “Nguyện xin nước của Cha hiển trị và thánh ý của Cha được thực hiện!” (Mt 6:10)

Thư gởi Cô Chanuet, ngày 21-08-1867, Paris. (Bản văn điện toán, xem mã số CO 2006) (Eymard Toàn Tập Quyển IV, trang 555)