Những nghiên cứu của cha Hervé Thibault về Cha Eymard ( P2 )

II- THỰC HÀNH ĐỨC TUÂN PHỤC

CỦA CHA E-MA (EYMARD)

Cha E-ma (Eymard) luôn cho mình là người tuyệt đối tuân phục, nhưng các bề trên của ngài lại gặp rất nhiều khó khăn khi phải xử trí với ngài. Vậy cha E-ma đã sống tuân phục thế nào trong những bất đồng với các bề trên? Phải chăng ngài đã từ bỏ ý riêng để chấp nhận ý của các bề trên? Trong Hiến Pháp của Hội Dòng do ngài sáng lập, ngài đã đặt đức tuân phục làm lý tưởng cho đời sống tu trì[8], vậy ngài có sống qui luật ấy không? Kinh nghiệm của ngài thế nào đối với đức tuân phục?

 Khảo sát sau đây nhằm đáp lại những vấn nạn trên. Và những khảo sát này chỉ giới hạn vào một số khủng hoảng chính trong đời sống của Cha E-ma (Eymard) mà thôi.

 Nguyên nhân gây ra những khủng hoảng ấy là: cố gắng đạt tới trình độ hoàn thiện hơn, hay nỗ lực làm vinh danh Chúa hơn; hoặc cố gắng tìm hiểu Thánh Ý Chúa đối với ngài. Những cố gắng ấy nhiều khi đã đụng chạm với các bề trên và gây ra những khủng hoảng giữa ngài với các bề trên trực tiếp của ngài.

Trong khi giải quyết những khủng hoảng ấy, cha E-ma luôn theo cùng một tiến trình duy nhất, đó là:

 1- Đệ trình lên bề trên cao cấp hơn những bất đồng với bề trên trực tiếp.

2- Âm thầm vận động theo mục tiêu của mình.3- Kiên trì trong mọi xung đột.

 Điều quan trọng cần phải xác định là, đường lối trên đây của cha E-ma không phải là một thủ đoạn để đạt cho bằng được ý muốn của mình, nhưng chỉ là phương thế để tìm hiểu và nhận biết cách rõ rệt hơn: Thánh Ý Chúa muốn gì trong những xung đột với các bề trên. Xác tín ấy đã khiến cha E-ma tin tưởng rằng, ngài luôn sống theo đức tuân phục.

 Trong mỗi hoàn cảnh, đường lối trên có thể mặc hình thức khác nhau đôi chút, nhưng tựu trung thì những yếu tố căn bản của đường lối trên đây vẫn không thay đổi. Đó là lối sống tuân phục đặc biệt của cha E-ma.

 Sau đây, chúng ta sẽ nghiên cứu những xung đột với các bề trên qua những khủng hoảng sau:

A- Thời niên thiếu.

B- Tu sỹ Dòng Đức Mẹ. C- Dự án Giê-ru-sa-lem.

D- Trung thành với kỷ luật.

A- THỜI NIÊN THIẾU

 1- Khi còn nhỏ, Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma là một cậu bé rất mực vâng lời. Chị Ma-ri-an (Marianne), một người đạo đức thánh thiện, cho biết, chị nhớ lại, trong thời niên thiếu của Phê-rô Giu-li-a-nô, chỉ có hai lần duy nhất cậu đã không vâng lời cha mẹ.

Nhưng trong cả hai trường hợp ấy, Phê-rô Giu-li-a-nô đã thú lỗi ngay và xin cha mẹ sửa phạt.

 – Trường hợp thứ nhất, khi mẹ của Phê-rô Giu-li-a-nô cấm cậu không được lục lọi trong nhà, nhưng cậu là một đứa trẻ rất tò mò, hay lục xét đủ thứ và khắp nơi trong nhà: tủ chén bát, tủ quần áo… không nơi nào thiếu dấu vết lục lọi của cậu. Có lần mẹ cậu giấu một đồ vật mà cậu rất ham thích, và cấm cậu không được lục lọi tìm tòi cho tới khi mẹ cho mới được. Thế rồi khi mẹ vắng nhà, cậu đã lục xét khắp nơi và cuối cùng đã tìm được đồ vật ấy giấu ở dưới đáy thùng lúa. Cậu để đồ vật ấy lại nguyên chỗ cũ. Nhưng khi mẹ về, cậu đã thú tội với mẹ ngay tức khắc.

 – Trường hợp thứ hai, khi cha của Phê-rô Giu-li-a-nô cấm cậu chơi trượt ván với những bạn trẻ lớn hơn. Nhưng một ngày kia, mấy đứa trẻ đi ngang qua nhà rủ Phê-rô Giu-li-a-nô đi chơi. Bị lôi cuốn mãnh liệt, Phê-rô Giu-li-a-nô đã lén cha đi theo các bạn. Nhưng rồi cậu hối hận ngay và tức khắc quay về. Về tới nhà, cậu đi thẳng tới chỗ cha đang làm việc, thú tội và xin cha trừng phạt. Cậu đã nhận được sự trừng phạt đích đáng!

 Ngoài ra, cuộc đời thơ ấu của Phê-rô Giu-li-a-nô được dệt bằng toàn những biến cố vâng phục và xây dựng tốt đẹp.

 2- Khi được Rước Lễ Lần Đầu vào ngày 16 tháng 3 năm1823, Phê-rô Giu-li-a-nô đã hứa với Chúa là sẽ cố gắng hết sức để trở thành linh mục. Nhưng cha cậu thì quyết liệt chống lại ước nguyện ấy, và ông đã tìm mọi cách để ngăn cản cậu theo đuổi lý tưởng này.

 Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, cậu đã chạy đến với Đức Trinh Nữ ở Laus và tìm lời khuyên dạy khi vào xưng tội với cha Tút-sơ (Touche). Sau khi nghe Phê-rô Giu-li-a-nô trình bày, cha Tút-sơ bảo cậu: “Gia đình không phải là bậc sống của con. Con phải trở thành linh mục. Hãy bắt đầu học La-tinh ngay đi”.

 Nhận được lời khuyên và khích lệ của cha giải tội, Giu-li-a-nô bắt đầu âm thầm học La-tinh nhờ sự giúp đỡ của các học sinh quen biết. Cậu cũng dành dụm chút tiền còm và mua được cuốn văn phạm La-tinh, rồi nhờ các chủng sinh sửa bài tập giúp. Mỗi khi rời xưởng làm việc, cậu liền rút cuốn văn phạm ra, rồi nghiến ngấu cho tới khi cha trở lại. Phê-rô Giu-li-a-nô không coi hành viấy là bất tuân phục, nhưng coi đó là đường lối tốt nhất để tránh những xung đột với cha cậu mà thôi.

 Phê-rô Giu-li-a-nô phải âm thầm lén lút trau giồi La-tinh như vậy là để đáp lại lời mời gọi cao cả hơn được cha giải tội xác nhận ở Laus.

 3- Khi gặp thử thách ở Xanh Rô-be (Saint Robert), Grơ-nốp (Grenoble), cũng như khi vì lý do sức khỏe mà phải rời Nhà Tập ở Mạc-xây (Marseilles), Phê-rô Giu-li-a-nô luôn kiên trì trước mọi trở ngại. Sau này, khi đề cập đến thời kỳ ở Nhà Tập, cha E-ma đã tâm sự với cha An-be Tes-ni-e (Albert Tesnière) như sau: “Tôi đã làm việc gấp bốn lần bình thường! Không những tôi đã không lãng phí một giây phút nào ở trong lớp hay trong khoảng thời giờ học tập, tôi còn ghi chép những đoạn khó hiểu của các tác giả tôi ưa thích, nhất là tác giả Ta-xi-tô (Tacitus), rồi trong lúc nghỉ, tôi đã cố gắng nặn óc để nhớ lại những đoạn văn ấy. Bây giờ tôi mới thấy, việc tập trung ấy là ngu xuẩn”.

 Đề cập đến đức tính kiên trì của Phê-rô Giu-li-a-nô, khó có thể tưởng tượng được thái độ cương quyết đạt mục tiêu của ngài tới mức độ nào. Cương quyết là nét nổi bật trong những đức tính của Phê-rô Giu-li-a-nô.

4- Sau khi ông E-ma qua đời vào năm 1831, thì Phê-rô Giu-li-a-nô hoàn toàn được tự do để theo đuổi ơn kêu gọi linh mục. Cậu đến xin cha sở thơ giới thiệu để được nhận vào chủng viện Grơ-nốp (Grenoble), nhưng cha sở dè dặt và hứa sẽ cứu xét vấn đề này sau. Sở dĩ cha sở có thái độ như vậy là vì ngài nghi ngờ Phê-rô Giu-li-a-nô là chủ mưu một chuyện xẩy ra trước đó không lâu. Sự việc xẩy ra là: Phê-rô Giu-li-a-nô báo cáo với cha sở là bọn thiếu niên trong xứ nói diễu tục tĩu về ngài. Khi cha sở đến với bọn thiếu niên ấy, thì chúng lại lật ngược thế cờ và tố cáo là chính Phê-rô Giu-li-a-nô đã tung ra những chuyện tục tĩu ấy về cha sở. Đó là lý do khiến cha sở nghi ngờ và ngần ngài khi Phê-rô Giu-li-a-nô xin giấy giới thiệu để vào chủng viện. Nhưng cuối cùng ngài cũng trao cho Phê-rô Giu-li-a-nô một phong thơ có niêm ấn. Người ta không biết chính Phê-rô Giu-li-a-nô hay chị ngài đã xé bức thơ ra, nhưng chắc chắn một điều là chính Phê-rô Giu-li-a-nô đã giục lá thơ ấy vào lò lửa. Trong vụ án phong chân phước cho ngài[9], cáo thỉnh viên đã dùng sự kiện này để kết án Phê-rô Giu-li-a-nô là thiếu lương thiện và đã chống lại việc phong chân phước cho ngài.

 Tin tưởng nơi Chúa và sự bảo trợ của Đức Mẹ, Phê-rô Giu-li-a-nô cũng đi Grơ-nốp (Grenoble) để xin vào chủng viện mặc dầu không có giấy giới thiệu cha sở. Trước khi vào gặp các vị có thẩm quyền, Phê-rô Giu-li-a-nô ghé viếng Chúa ở một nhà thờ gần đó. Khi vừa ra khỏi nhà thờ, Phê-rô Giu-li-a-nô gặp cha Đờ Ma-giơ-nô (de Mazenod), vị sáng lập Tu Hội Hiến Sỹ Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngài nhận ra Phê-rô Giu-li-a-nô và đã nhiệt tình giới thiệu Phê-rô Giu-li-a-nô với cha giám đốc chủng viện, vì thế sau khi vượt qua những cuộc sát hạch, Phê-rô Giu-li-a-nô đã được nhận vào đại chủng viện. Sau ba năm thần học, thầy Phê-rô Giu-li-a-nô được thụ phong linh mục ngày 20 tháng 7 năm 1834. Lú cấy ngài vừa được 23 tuổi.

 Những kinh nghiệm của thời niên thiếu trên đây đã trở thành khuôn mẫu cho cách giải quyết những khó khăn trong suốt cuộc đời Phê-rô Giu-li-a-nô. Trong bất kỳ trường hợp hệ trọng nào, khi gặp xung đột với thẩm quyền trực tiếp, bao giờ ngài cũng nại đến thẩm quyền cao hơn để khai thông những bế tắc cản trở ngài đạt tới ơn kêu gọi của mình, chẳng hạn cha Tút-sơ (Touche) ở Laus, cha Đuy-mu-lanh (Dumoulin) ở Xanh Rô-be (SaintRobert), cha Ghi-be (Guibert) khi vào Nhà Tập, cha Đờ Ma-giơ-nô(de Mazenod) khi gia nhập đại chủng viện. Phê-rô Giu-li-a-nô cảm thấy những biến cố giúp ngài đạt được thành công không phải do nỗ lực cá nhân của ngài, nhưng là do sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đã dẫn đưa ngài từng bước trên con đường tiến tới bàn thờ. Ngài cảm thấy được Chúa yêu thương với một tình yêu nồng nàn. Ngài xác tín rằng, Thiên Chúa an bài cho ngài một sứ vụ đặc biệt. Ngài muốn yêu mến Chúa như Chúa đã yêu thương ngài[10].

 Tóm lại, đường lối ngài noi theo để giải quyết những xung khắc với các bề trên trực tiếp là:

– Tin cậy vào thẩm quyền cao hơn.- Âm thầm hoạt động.

 – Kiên trì với niềm hi vọng rằng Thiên Chúa sẽ giải quyết mọi sự.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là những công cuộc mà cha E-ma nhằm thực hiện đều nhắm tới mục tiêu làm vinh danh Chúa chứ không phải để đạt những tham vọng cán hân của ngài, và ngài tin tưởng, đó là công cuộc Chúa muốn ngài thi hành.

B- TU SỸ DÒNG ĐỨC MẸ

 Cha E-ma gia nhập Dòng Đức Mẹ ngày 20 tháng 8 năm

  1. Ngày 27 tháng 11 năm 1839, tức 3 tháng sau khi nhập Dòng Đức Mẹ, ngài được bổ nhiệm làm linh hướng cho trường trung học ở Ben-li (Belly). Tại đây, ngài đã thành công trong việc thành lập Hiệp Hội Đức Mẹ. Ngày 24 tháng 9 năm 1844, ngài được bổ nhiệm làm Giám Tỉnh, tức Phụ Tá Bề Trên Tổng Quyền. Vào tháng 12, 1845, ngài được bổ nhiệm là Giám Đốc Hội Dòng Ba Đức Mẹ.

1- Hội Dòng Ba Đức Mẹ

 Dưới sự hướng dẫn của cha E-ma, Hội Dòng Ba Đức Mẹ đã phát triển từ con số 14 hội viên vào năm 1845 tăng lên tới hơn 3trăm hội viên vào năm 1847, và được tổ chức thành 5 Nhóm. Cha E-ma được cha Cô-lanh (Colin) cho phép sử dụng khu vực Nhà Tổng Quyền của Dòng Đức Mẹ ở La Pui-la-ta (La Puylata) để hội họp các nhóm của Dòng Ba. Nhưng sau đó, cha Cô-lanh hối hận vì đã cho phép này. Cứ hai tháng một lần, tất cả các nhóm họp lại ở đây, nhưng mỗi tuần, thì hai hoặc ba ngày, Nhà La Pui-la-ta lại tràn ngập hội viên Dòng Ba Đức Mẹ và các văn phòng được sử dụng tối đa cho việc linh hướng. Điều mà cha Cô-lanh lo ngại nhất là càng ngày số nữ hội viên càng tràn ngập Nhà La Pui-la-ta. Đối với cha E-ma, ngài cho rằng, những hoạt động này nằm trong lãnh vực trách nhiệm được ủy thác cho ngài. Nhưng ngài cũng biết, bề trên của ngài không hài lòng mấy với các hoạt động ấy. Cha E-ma cho rằng ngài được bổ nhiệm phụ trách Hội Dòng Ba; còn cha Cô-lanh thì lại cho rằng, ngài không có ý đặt cha E-ma phụ trách Hội Dòng Ba này, mà chỉ muốn cha E-ma chủ tọa những phiên họp của các hội viên Dòng Ba mà thôi. Sự thực là khi bổ nhiệm cha E-ma đặc trách Hội Dòng Ba, cha Cô-lanh không ngờ được sự bành trướng mạnh mẽ của Hội Dòng Ba Đức Mẹ dưới sự hướng dẫn của cha E-ma.

 Cha Cô-lanh là người rất đạo đức nhưng theo đường lối riêng của ngài, đó là ngài chú tâm vào việc thi hành Thánh Ý Chúa hơn là thực hiện bất cứ công cuộc gì cho Chúa. Trong mọi chương trình hay kế hoạch gì, ngài luôn đặt vấn đề: Công cuộc này phát xuất từ nơi Thiên Chúa, hay do sáng kiến của người ta? Thói quen của cha Cô-lanh là chờ đợi một dấu chỉ rõ rệt hơn từ nơi Thiên Chúa qua những diễn biến của các biến cố. Thói que nấy đã khiến các tu sỹ của ngài nhiều khi mất kiên nhẫn và cảm thấy bực mình khó chịu. Ngoài ra, cha Cô-lanh còn là một người đốc công rất khắt khe, ít khi mãn nguyện với những công tác được các thuộc cấp thi hành. Ngài không thích đường lối lôi kéo chú ý người khác; sợ thực hiện công cuộc quá mau và vượt tầm kiểm soát; sợ sự chống đối của hàng giáo sỹ địa phương, ngài quá dè dặt, nên những hoạt động của ngài nhiều khi bị tê liệt.

 Cha E-ma thì khác, ngài là người đầy nhiệt tình, ôm ấp nhiều chương trình với tham vọng làm vinh danh Chúa; và khi bị cản trở, ngài sẵn sàng liều mạng. Hai loại tính tình xung khắc nhau như vậy, làm sao có thể tránh được những cọ xát và đụng độ.

 Cha Cô-lanh và cha E-ma, cả hai người đều chủ trương “tinh thần Na-gia-rét”, nhưng theo cha Cô-lanh thì cha E-ma chưa thấu triệt được tinh thần này. Đối với cha Cô-lanh thì tinh thần ấy đòi hỏi người ta khi hành động phải âm thầm, không thổi loa thổi kèn để kéo chú ý người khác. Còn theo cha E-ma thì tinh thần ấy hệ tại đời sống nội tâm chân thực và vững chắc để có thể dấn thân cho bất cứ loại công cuộc tông đồ nào, kể cả những công cuộc táo bạo nhất. Chủ trương ấy của cha E-ma làm cha Cô-lanh e ngại khiến ngài phải kiềm chế những hoạt động của cha E-ma.

 Đề cập đến những xung đột với bề trên của ngài, cha E-ma tâm sự với cha May-ê (Mayet):

 “Chúa đã ban cho tôi ánh sáng nội tâm để tôi không chút do dự gì, và tôi đã huấn luyện lương tâm tôi theo ánh sáng ấy. Vị sáng lập (cha Cô-lanh) đã trao cho tôi đặc trách Dòng Ba Đức Mẹ, nên tôi đã hăng hái tiến hành và coi những cản trở của ngài chỉ như những thử thách, chứ không phải là những mệnh lệnh. Tôi đã chu toàn trách nhiệm ngài chính thức và công khai ủy thác cho tôi, cho tới khi nào ngài chính thức rút lại ủy nhiệm ấy” [11].

 Ngày kia, cha E-ma nghe tin cha Cô-lanh dự định thay thế ngài trong chức vụ Giám Đốc Dòng Ba Đức Mẹ, nhưng vì hoàn cảnh, cha Cô-lanh đã không thể thi hành được ý định ấy, cha E-ma liền nói: “Ngài không thể thay thế tôi được nếu Chúa không cho phép” [12].

 Đối với cha E-ma, Hội Dòng Ba Đức Mẹ hoàn toàn nằm trong tay Chúa, còn những ý kiến dị biệt giữa ngài và bề trên của ngài, đó chỉ là vấn đề cá nhân, nghĩa là chỉ ở cấp độ thấp hơn mà thôi. Để hiểu được đường lối thực hành đức tuân phục của cha E-ma, cần phải phân tích vấn đề. Cha Đan Kê-vờ (Don Cave) cho rằng, cha E-ma đã coi Hội Dòng Ba Đức Mẹ không hoàn toàn thuộc thẩm quyển của Dòng Đức Mẹ, hay ít nhất không thuộc quyền tài phán của cha Cô-lanh [13]. Ý nghĩ ấy có lẽ do ảnh hưởng của những cuộc tiếp xúc với Đức Hồng Y Đờ Bô-nan (de Bonald).Chẳng hạn trong một tài liệu, cha E-ma đã truy nguyên lại từ bước khởi đầu của Hội Dòng Ba cho tới ngày 5 tháng 1 năm1847, ngày được Đức Hồng Y Đờ Bô-nan (de Bonald), Giám Mục Li-ông (Lyon) phê chuẩn. Cha E-ma cũng cho biết, chi nhánh Nữ Tỳ Đức Ki-tô (Christian Maidens) đã có từ năm 1836; còn các Huynh Đoàn khác thì đã có từ năm 1847 [14]. Đức Hồng Y quí trọng cha E-ma, nên đã ủy thác cho ngài nhiều trọng trách [15]. Trong sắc lệnh phê chuẩn Qui Luật Dòng Ba Đức Mẹ của Đức Hồng Y Đờ Bô-nan, ngày 5 tháng 12 năm 1850, cha E-ma được đích danh nhắc tới. Về vấn đề này, cha E-ma cảm thấy thúc bách phải viết cho cha Cô-lanh để minh xác rằng, ngài không hề hay biết gì về sự việc đó. Những cuộc tiếp xúc thường xuyên với thẩm quyền cao hơn, tức Đức Hồng Y Đờ Bô-nan, đã khiến cha E-ma xác tín rằng, Hội Dòng Ba Đức Mẹ không hoàn toàn trực thuộc Dòng Đức Mẹ, hay nói cách khác, không hoàn toàn thuộc quyền tài phán của cha Cô-lanh. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cha E-ma đề nghị cha Cô-lanh sát nhập Hội Dòng Ba Đức Mẹ vào một dòng tu khác để có thể giải quyết những căng thẳng giữa ngài và bề trên của ngài. Đề nghị ấy đã không được chấp thuận. Đối với cha E-ma, đó là nỗ lực cuối cùng để tách Hội Dòng Ba Đức Mẹ khỏi ảnh hưởng của cha Cô-lanh và để giải quyết những căng thẳng và xung khắc giữa các cá nhân, tức là những xung đột ở cấp độ thấp hơn.

 Tháng 9 năm 1846, cha Cô-lanh thay thế cha E-ma trong chức vụ Bề Trên Tỉnh, và bổ nhiệm ngài làm Tổng Kinh Lược. Việc thay đổi này trước hết là để bổ nhiệm người khác làm Bề

Trên Tỉnh, nhưng cũng nhắm mục đích khác là để tách cha E-ma khỏi Hội Dòng Ba như cha Cô-lanh nói:

 “Tôi sẽ xử sự cách chính đáng để không can thiệp vào nội bộ của Hội Dòng Ba. Tôi sẽ chỉ định cho vị Giám Đốc của Hội ấy một trách nhiệm mới khiến ngài phải buông những hoạt động ngài đang thực hiện ra”.

 Cha E-ma không hề phàn nàn trách móc gì. Xác tín mãnh liệt vào việc bổ nhiệm làm Giám Đốc Hội Dòng Ba, tin tưởng vào thiện chí của Đức Hồng Y Đờ Bô-nan, được khích lệ bằng những dấu chỉ của phép lành mà Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho những công cuộc của ngài, nên cha E-ma vẫn hoạt động cho Hội Dòng Ba, nhưng ngài chỉ hoạt động cách âm thầm để tránh những xung đột gay gắt khác thôi.

 Cẩn mật, đó là một nghệ thuật sống của cha E-ma. Trong huấn thị sơ khởi cho các hội viên Dòng Ba, ngày 29 tháng 12 năm1848 ngài khuyến khích: “Số 4: Phải hết sức cẩn mật”.

 Trong thơ gởi cho bà Tô-lanh-Bô (Tholin-Bost), một hội viên Dòng Ba, ngày 6 tháng 7 năm 1849, ngài viết: “Giữ cẩn mật phải là linh hồn của những việc trao đổi”.

 Gởi cho ông Lơ đờ-vi (Leudeville) ngày 19 tháng 12 năm1849, ngài viết:” Ước chi ân huệ này (cuộc thâu nhận vào Dòng Ba) được giữ kín, vì chúng ta chưa muốn công bố Hội Dòng Ba”.

 Khi tới Li-ông (Lyon), Mẹ Đuy-bút-sê (Dubouché) đã hết sức ngạc nhiên trước sự cẩn mật về những hoạt động của Hội Dòng Ba. Mẹ cho tình trạng đó là do một số hội viên trung thành với vị Giám Đốc của họ và do những khó khăn mà ngài phải đối đầu với bề trên. Mẹ Đuy-bút-sê cho rằng, cha E-ma hành động như vậy là để tránh khiêu khích chọc giận bề trên.

 Ngày 10 tháng 12 năm 1850, khi kết thúc thông báo về việc Tòa Thánh châu phê Hội Dòng Ba Đức Mẹ, cha E-ma “buộc mọi người phải giữ kín những gì ngài đã nói với họ, và tất cả những gì liên quan tới Hội Dòng Ba Đức Mẹ, vì đó là điều mà Luật đã qui định”.

 Cha Cô-lanh thường nổi nóng về đường lối thiếu minh bạch của cha E-ma. Nên nhớ rằng, những năm từ 1845 đến 1850 làn hững năm bận rộn nhất trong đời cha Cô-lanh: Phải lo lắng đến những công cuộc truyền giáo ở vùng Nam Thái Bình Dương, giải quyết những rắc rối về tài chánh và giáo luật liên quan đến các cựu tu sỹ Dòng Đức Mẹ, đối phó với Đức Cha Pông-pa-li-ê (Ponpalier), khởi sự Công Ty Hàng Hải để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo, chuyển hướng của Dòng sang lãnh vực giáo dục bằng cách mở các trường trung học mới, tranh cãi về tình trạng của các Nữ Tu Dòng Đức Mẹ, lập kế hoạch với mẹ Đuy-bút-sê (Dubouché) để tổ chức Hội Chầu Thánh Thể cho ngành nam, cùng với công cuộc điều hành của toàn Dòng, với tất cả những công việc như vậy, có bề trên nào mà lại không phải điên đầu. Với tình trạng đó, cha Cô-lanh rất dễ nổi nóng khi phải đối phó với đường lối của cha E-ma. Cha Cô-lanh công khai ca tụng cha E-ma về nhiệt tình và những thành công của ngài, nhưng về phương thức làm việc thì cha Cô-lanh không chấp nhận.

 Trong một hoàn cảnh khó xử, cha E-ma đã thổ lộ với cha May-ê (Mayet): “Tình thế này đòi hỏi phải có một người không nhút nhát và do dự”.

Ngày 30 tháng 4 năm 1853, ngài viết cho Mác-gơ-rít Ghi-ô (Marguerite Guillot):

Tội nghiệp Hội Dòng Ba! Hội đang đâm rễ sâu vào lòng đất, sẽ mọc lên và cứ tiếp đoàn tục như vậy. Ôi, tại sao La Puy-la-ta [16] lại có thể chối bỏ Hội Dòng như vậy? Đó là vì các ngài không biết và họ sợ không dám làm gì cả. Nếu cha cũng nhát sợ thì chẳng thực hiện được việc gì cả. Cha thường thưa với Đức Mẹ: ‘Con sẽ bị người ta trách móc, nhưng điều đó không có gì đáng kể, miễn là công cuộc này đạt được kết quả”.

 Đoạn văn trên đây cho biết, sở dĩ các bề trên chống lại những hoạt động của cha E-ma, đó chỉ là do hiểu lầm, đắn đo và sợ mạo hiểm. Đó là phản ứng tự nhiên của bản tính con người. Điều quan trọng khiến cha E-ma xác tín rằng ngài luôn tuân phục các bề trên, vì ngài cảm thấy những công cuộc ngài thực hiện không do ý riêng hay tham vọng cá nhân của ngài, vì thế ngài luôn sẵn sàng rời bỏ Hội Dòng Ba, nếu đó là ý Chúa:

 – “Hôm nay Chúa ban cho tôi một ơn cao cả. Người khiển trách tôi về niềm tin tưởng của tôi đối với Người. Người giúp tôi hiểu rằng, tôi phải trở nên như thánh Phê-rô, sẵn sàng chấp nhận sự bách hại đối với công cuộc tôi thực hiện, kể cả chính con người của tôi nữa. Ước chi Người luôn được chúc tụng. Tôi hứa với Chúa là sẽ làm tuần 9 ngày theo Chặng Đàng Thánh Giá và kỷ luật [17].

 – “Ôi lạy Chúa Trời con! Chỉ có một điều con muốn là biết được thánh ý Chúa để con thi hành… Tôi hiến trọn bản thân tôi để Thầy Chí Thánh sử dụng, tôi sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả Hội Dòng Ba, nếu Chúa muốn. Lý do hành động của tôi là vì Chúa muốn như vậy, ngoài ra tôi không tìm kiếm gì khác [18].

 – “Hội Dòng Ba chiếm trọn thời giờ của Cha, đem lại niềm vui và an ủi cho cha. Cha mong muốn làm gấp trăm ngàn lần hơn nữa để hướng dẫn những tâm hồn tốt lành đó theo đường lối hoàn thiện. Qui luật của cha là: làm tất cả trong sự tuân phục. Cha không mong muốn gì khác hơn ngoài tuân phục, sẵn sàng rời Li-ông ngay ngày mai và sẽ không bao giờ trở lại đó nữa, hay liên hệ với những người mà cha từng gắn bó trong Chúa Ki-tô, sẵn sàng chết dù ở một xó chuồng bò, hay ở bên lề xa lộ; không mong ước được người đời tưởng nhớ tới sau khi chết, sẵn sàng để người ta coi là một trong những kẻ khốn nạn nhất. Đó là điều cha mong ước và cha xin con cầu nguyện cho cha [19].

 Cha E-ma xác tín rằng, ngài luôn phục vụ thánh ý Chúa. Những khác biệt và cọ xát giữa ngài với cha Cô-lanh chỉ là ở cấp độ thấp hơn và là những thử thách ngài phải chịu để mưu ích cho Hội Dòng Ba Đức Mẹ. Cha May-ê (Mayet) ghi lại rằng, trong những năm 1849 và 1850, cha E-ma đã gặp khủng hoảng về ơn kêu gọi sống trong Dòng Đức Mẹ. Về phía cha Cô-lanh, ngài kế tán cha E-ma về:

– Những hoạt động vượt quá giới hạn được bổ nhiệm.

 – Những hoạt động được coi là lén lút, không bàn hỏi với bề trên [20].

 Cha Cô-lanh cũng nổi giận với cha E-ma về phương thức ngài xin Tòa Thánh châu phê Hội Dòng Ba Đức Mẹ được ban hành ngày 8 tháng 9 năm 1850.

Vào mùa hè năm 1850, cha Béc-nanh (Bernin), sau khi chấm dứt những hoạt động truyền giáo ở Nam Băng Dương, cha Béc- nanh (Bernin) có việc phải đi Rô-ma, cha E-ma liền nhờ ngài đệ trình Tòa Thánh xin các ân xá cho Dòng Ba Đức Mẹ. Tại Rô-ma, cha Béc-nanh đến gặp cha Thê-nơ (Theiner) thuộc Dòng Đa-minh là người đã từng giúp cha Cô-lanh giải quyết những vụ rắc rối về pháp lý đối với Đức Cha Pông-pa-li-ê (Ponpalier) và các nhà truyền giáo thuộc Dòng Đức Mẹ ở Tân Tây Lan (New Zealand).Cha Thê-nơ cho biết, không một tổ chức nào có thể xin được ân xá nếu tổ chức ấy chưa được chính Rô-ma phê chuẩn, rồi ngài tự quyết định xin Đức Giáo Hoàng châu phê Hội Dòng Ba Đức Mẹ trước. Người ta không rõ cha E-ma đã âm thầm vận động với cha Thê-nơ để xin Đức Giáo Hoàng châu phê Hội Dòng Ba, hay do cha Thê-nơ tự ý quyết định theo sự sáng suốt của ngài [21]. Dầu sao chăng nữa, việc châu phê Hội Dòng Ba cũng chứng tỏ lời cầu xin của cha E-ma đã được đáp lại, vì ngày đầu năm 1850, cha E-ma đã cầu xin ở Phuốc-vi-e (Fourvière):

 “Lạy Mẹ rất đáng mến, trong năm nay con xin Mẹ hai điều: trước hết là xin cho Hội Dòng Ba được Tòa Thánh châu phê, và được Đức Hồng Y của Li-ông (Lyon) chấp thuận Hội Dòng Ba được phép hoạt động trong Giáo Phận của ngài. Được như vậy thì con xin bằng lòng chịu mọi đau khổ mà Mẹ gởi đến cho con và sẵn sàng chấp nhận những đấm đánh và giận dữ tiếp theo đó” [22].

Khi nói: “những đấm đánh và giận dữ”, cha E-ma có ý ám chỉ những cơn giận lôi đình của cha Cô-lanh.

 Ngày 8 tháng 9 năm 1850, Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX đã châu phê Hội Dòng Ba Đức Mẹ. Theo thỉnh nguyện của cha Thê-nơ thì đơn xin châu phê Dòng Ba Đức Mẹ đứng tên cả hai cha Cô-lanh và E-ma, trong khi đó cha Cô-lanh không hề hay biết gì về việc này.

 Vì thế khi tin ấy đến tai cha Cô-lanh, ngài hết sức phẫn nộ và kết án cha E-ma là đã cố tình bất tuân. Lúc đầu, cha Cô-lanh không cho phép cha E-ma sử dụng Đoản Sắc ấy, nhưng sau đó ngài làm thinh. Đức Hồng Y Đờ Bô-nan (de Bonald) cũng đã sử dụng Đoản Sắc ấy để thiết lập Hội Dòng Ba Đức Mẹ trong Tổng Giáo Phận của ngài và ấn định lễ thiết lập chính thức vào ngày 8tháng 12 năm 1850. Cha Cô-lanh không đến tham dự nghi lễ này.

 Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn khi Mẹ Đuy-bút-sê đến Li-ông ít ngày sau đó để thương lượng với Đức Hồng Y, xin mở thêm cộng đoàn thứ hai thuộc Dòng của Mẹ. Đức Hồng Y cho rằng, cha E-ma đã âm mưu sắp xếp trước với mẹ Đuy-bút-sê về việc này, vì thế Đức Hồng Y đã kết án cha E-ma [23]. Cha E-ma âm thầm hành động để không gây phẫn nộ cho các bề trên của ngài.

 Trong khi ở Li-ông, Mẹ Đuy-bút-sê cũng ghé thăm cha Cô-lanh vì có vấn đề liên quan đến Dòng của Mẹ và các tu sỹ Dòng Đức Mẹ. Trong cuộc đàm đạo dài, cha Cô-lanh bỗng xin cáo lỗi và rời khỏi phòng. Một lát sau ngài trở lại cùng với cha E-ma và giới thiệu cha E-ma với Mẹ Đuy-bút-sê. Với một thái độ thản nhiên, cha E-ma chào mẹ Đuy-bút-sê. Và khi cha Cô-lanh hỏi mẹ có hay biết về vấn đề gì đó không, Mẹ trả lời rằng, Mẹ có nghe Đức Hồng Y đang thảo luận vấn đề ấy với cha E-ma. Lập tức cha Cô-lanh cho rằng ngài lại bị cha E-ma lừa một lần nữa. Ngài liền cho hay, cha E-ma sẽ chấm dứt trách nhiệm đối với Hội Dòng Ba Đức Mẹ nội trong nay mai.

 Ngày 4 tháng 2 năm 1851, trong phiên họp hàng tuần của các hội viên Dòng Ba Đức Mẹ, cha E-ma thông báo, ngài không còn được giải tội cho họ nữa ở La Puy-la-ta và khuyên họ đi tới nơi nào khác. Sau đó, vì những bổ nhiệm mới ở La Pha-vô-rit (LaFavorite) và Xanh-Sa-mông (St-Chamond), những cuộc kinh lý ở La Xen-xuyệc-me (La Seyne-sur-mer), tất cả những công việc ấy đã khiến cha E-ma phải xa cách Hội Dòng Ba. Cuối cùng ngài được bổ nhiệm làm bề trên ở La Xen-xuyệc-me vào ngày 12 tháng 9năm 1851.

 Tuy dù xa cách, nhưng cha E-ma vẫn luôn quan tâm đến Hội Dòng Ba. Ngài vẫn tiếp tục viết cho một số hội viên của Dòng Ba. Ngài thú nhận với mẹ Mác-gơ-rit Ghi-ô rằng cha Cô-lanh đã cấm ngặt ngài liên hệ với Dòng Ba, và cha La-nhi-ê (Lagniet), bềtrên giám tỉnh đã không ngừng nhắc ngài về lệnh cấm này. Còn ngài, ngài cảm thấy luôn trung thành tuân giữ các chỉ thị ngài nhận được [24]. Ngài luôn chân thực, nhưng theo cách thức riêng của ngài.

2- Ơn kêu gọi thánh thể

 Sau cảm nghiệm vào ngày 18 hoặc 19 tháng 4 năm 1853 ở La Xen-xuyệc-me, cha E-ma đã đích thân tham gia vào các hoạt động của Hội Chầu Thánh Thể nam giới. Ngài bắt đầu phụ trách những công cuộc dẫn đưa dần tới việc thành lập Dòng Thánh Thể.

 Tháng 5 năm 1854, cha Cô-lanh từ chức Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Đức Mẹ và về sống ở La Ne-li-e (La Neylière).Cha E-ma đã tâm sự với cựu bề trên của mình về lòng ham mộ của ngài đối với Hội Chầu Thánh Thể dành cho nam giới. Cha Cô-lanh rất khuyến khích mối quan tâm ấy. Sau đó, trong thơ thỉnh nguyện gởi Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX, cha E-ma thú nhận với Đức Giáo Hoàng rằng, sự khích lệ của cha Cô-lanh đã thôi thúc ngài dấn thân cho dự án về Thánh Thể.

 Cha E-ma đã cẩn thận dàn xếp với các bề trên của ngài. Tháng 7 năm 1854, ngài viết cho cha Giăng-đen (Jandel), Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Đa-minh, người mà ngài đã gặp ở Li-ông, để xin cha Giăng-đen thăm dò ý kiến của Đức Giáo Hoàng về một dự án Thánh Thể. Sau đó cha E-ma nhận được câu trả lời tích cực về ý kiến của Đức Giáo Hoàng.

 Bản dự thảo Luật Sống đầu tiên cho Dòng Thánh Thể được hoàn tất vào ngày 13 tháng 1 năm 1855. Cha E-ma gởi một bản để đặt dưới bàn thờ ở Đền Đức Mẹ Lau (Laus) vào ngày 23 tháng5 năm 1855. Cha E-ma cũng gởi một bản khác cho cha Giăng-đen(Jandel) để ngài khảo sát. Trong khi đó, vào khoảng tháng 4 hay tháng 5, các vị thẩm quyền khám phá ra một “âm mưu thánh”(Holy plot) ở La Xen-xuyệc-me, đó là cha E-ma đã kín đáo huấn luyện một số chủng sinh cho Hội Chầu Thánh Thể, đặc biệt là cho Nhóm Trẻ ở Tu-lông (Toulon) của cha Đờ Qui-es (de Cuers).Bốn chủng sinh đứng đầu nhóm đã bị điều tra, mỗi người một tiếng rưỡi, và họ được lệnh phải ngưng ngay hoạt động liên quan đến Hội Chầu Thánh Thể nếu không muốn bị trục xuất khỏi trường.

 Cha May-ê (Mayet) rất sửng sốt khi hay tin về “âm mưu” đó. Ngài viết trong Nhật Ký của ngài: “Tôi thiết nghĩ, nếu 4 thanh niên ấy chuyển hướng ơn gọi của mình thì đó không phải do nơi Thiên Chúa mà đến, mà là do một người nào khác, một tu sỹ Dòng Đức Mẹ, đó không phải là đi theo thần trí của Thiên Chúa”. Cha May-e cũng viết cho cha Cô-hen (Cohen) như sau: ngài “cảm thấy rất đau buồn khi hay biết về những gì đã xẩy ra ở La Xen-xuyệc-me. Đối với một tu sỹ thì đường lối tìm hiểu ý Chúa phải là tuânphục” [25].

 Nhưng đối với cha E-ma, ngài lại nhìn vấn đề dưới một ánh sáng khác. Ngài đã dùng thẩm quyền của chính Vị Sáng Lập để làm hậu thuẫn cho công cuộc của ngài. Quả thực, cha Cô-lanh tuy không còn là Bề Trên Tổng Quyền nữa, nhưng ảnh hưởng và thẩm quyền của ngài vẫn còn mạnh mẽ và lớn lao. Chính ngài cũng có một dự án về Thánh Thể cho La Ne-li-e (La Neylière) và cho các tu sỹ của Dòng Đức Mẹ. Trong thơ gởi cho cha Đờ Qui-es, một trong 4 người thuộc nhóm “âm mưu thánh” là Ec-ne Ne-grơ (Ernest Nègre), đã chứng tỏ điều đó:

 Con cho là cha E-ma đã đánh cắp dự án của cha Cô-lanh. Ngài khuyên chúng con là trong tình thế hiện tại (tức tình trạng bị điều tra về việc tham gia vào âm mưu thánh), hãy trình bày với các thẩm quyền cách chân thành rằng từ lâu Thánh Thể đã cuốn hút chúng con, rằng sự lôi cuốn này luôn ám ảnh chúng con, rằng khát vọng tha thiết của chúng con là hiến thân cho Thánh Thể, rằng do sự quan phòng mà một năm trước đây chúng con được biết về dự án của cha Cô-lanh, chúng con vui mừng và ước mong có cơ hội được cộng tác với ngài, rằng chúng con hi vọng dự án này sẽ được tiếp tục, nếu không, chúng con sẽ đi tìm một cộng đoàn khác thích hợp với mục đích của chúng con” [26].

 Những chi tiết trên nêu rõ phương thức hành động riêng của cha E-ma, đó là: nại đến thẩm quyền cao hơn, âm thầm vận động và không hề buông xuôi.

 Sau khi tình thế lắng dịu, cha Pháp-vrờ (Favre), Bề Trên Tổng Quyền thay thế cha Cô-lanh, đã nghiêm cấm cha E-ma tham gia vào công cuộc cổ võ cho dự án Thánh Thể. Ngày 11tháng 6 năm 1855, cha Pháp-vrờ viết cho cha E-ma:

 “Tiên vàn cha là một tu sỹ Dòng Đức Mẹ. Hội Dòng Đức Mẹ mới chính là chiếc phao cứu rỗi của cha. Hãy khôn ngoan đừng để cho bất cứ ai kết án cha là can dự vào công cuộc mới chỉ là một dự án, hơn nữa đó cũng không phải công việc của cha. Hãy gắn bó với bổn phận mà cha có trách nhiệm. Điều hoàn thiện hơn cả đôi khi lại là kẻ thù của thiện hảo”.

 Cha E-ma dự tính bàn hỏi vấn đề này với cha Giăng-đen (Jandel) thì tình cờ cha Tút-sơ (Touche) ghé qua La Xen (La Seyne)trên đường đi Rô-ma. Cha E-ma liền nắm ngay cơ hội này để nhờ cha Tút-sơ đệ trình vấn đề lên Đức Giáo Hoàng. Ngài thảo thỉnh nguyện thơ để trình lên Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX vào ngày 2tháng 8 năm 1855, cùng với bản thảo Hiến Pháp và nhờ cha Tút-sơ đệ lên Đức Giáo Hoàng. Ngày 27 tháng 8 năm 1855, cha Tút-sơ được vào bệ kiến Đức Giáo Hoàng, sau đó ngài viết cho cha Đờ Qui-es và cho biết cuộc bệ kiến Đức Giáo Hoàng rất đáng khích lệ, ngài cũng gởi kèm một thơ riêng cho cha E-ma. Cha Tút-sơ cũng như cha Pháp-vrờ đều coi công cuộc thánh thể là dự án của cha Đờ Qui-es. Thơ của cha Tút-sơ gởi cha E-ma được chuyển tới Li-ông vào lúc các tu sỹ Dòng Đức Mẹ đang cấm phòng năm. Theo thói quen, trong những trường hợp như vậy, cha Pháp-vrờ mở thơ để xem nếu có gì khẩn cấp thì giải quyết. Cha Pháp-vrờ không thể tin được những gì ngài đọc trong thơ và ngài đã trả lời cho cha Đờ Qui-es rằng, cha E-ma không thể dấn thân cho dự án này được. Sau tĩnh tâm, cha E-ma được gởi đến Sanh-trê (Chaintré) để hoàn tất Thủ Bản Dòng Ba Đức Mẹ. Dự định của cha Pháp-vrờ là bổ nhiệm lại cha E-ma làm Giám Đốc Dòng Ba Đức Mẹ để lôi kéo ngài trở lại với ơn gọi của mình. Dự án thánh thể giờ đây nằm trong tay Đức Giáo Hoàng.

 Tháng 2 năm 1856, cha Pháp-vrờ đi Rô-ma để đệ trình Luật Sống của Dòng Đức Mẹ lên Thánh Bộ Giám Mục, ngài hứa với cha E-ma là sẽ tìm hiểu quan điểm của Đức Giáo Hoàng đối với dự án thánh thể như thế nào. Đó là điều đáng khích lệ, nhưng cha E-ma sợ rằng bề trên của ngài sẽ không trình bày vấn đề cách khách quan, trung thực và có lợi, nên ngày 17 tháng 3 năm 1856,ngài viết cho cha Pháp-vrờ và xin cha Pháp-vrờ đọc thơ ấy cho Đức Thánh Cha [27].

 Khi được diện kiến Đức Giáo Hoàng, cha Pháp-vrờ đã hoàn toàn quên trình bày với Đức Thánh Cha về vấn đề của cha E-ma; và cuộc đàm thoại với cha E-ma ngày 22 tháng 4 năm 1856 tại Sanh-trê (Chaintré), đó là những sự kiện có thật [28]. Qua những bằng chứng trên, chúng ta có thể quả quyết được rằng, cha E-ma luôn đặt ơn gọi của mình trong tay các vị có thẩm quyền [29]. Ngài còn xin cha Pháp-vrờ đình chỉ phép chuẩn xin gỡ lời khấn trong Dòng Đức Mẹ cho tới khi ngài cấm phòng xong ở Pa-ri và đệ trình dự án lên các vị có thẩm quyền, rồi trung thành tuân hành quyết định của các ngài, đó quả là cử chỉ anh hùng của sự tuân phục và in tưởng. Cha E-ma thú nhận với cha Đờ Qui-es rằng ngài có thể trình bày dự án với Đức Cha Đờ la Bui-ơ-ri (de la Boullerie) của Giáo Phận Các-ca-xon (Carcassone), vị cựu Tổng Đại Diện của Pa-ri đặc trách về các dòng tu. Đức Cha Bui-ơ-ri là người ủng hộ dự án thánh thể, và như thế dự án của cha E-ma sẽ có lợi thế hơn trong việc xin phép để thực thi dự án ấy. Nhưng ngài lại chọn Pa-ri, nơi mà ít ai biết đến ngài [30]. Việc lựa chọn đó hoàn toàn là một mạo hiểm và biểu lộ một niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa, vì cha E-ma sẵn sàng trở về Li-ông và quên đi mọi dự tính, nếu mọi nỗ lực của ngài bị thất bại.

 Cha E-ma thú nhận với cha Pháp-vrờ rằng ngài không hề nhận được một mạc khải riêng nào, và cũng không được một thị kiến phi thường nào khiến ngài dấn thân hoạt động để thành lập Dòng Thánh Thể. Tuy nhiên, trong nhiều năm, ngài luôn bị công cuộc đó ám ảnh và thu hút mãnh liệt, và mặc dù không thể gạt bỏ đi được, nhưng ngài cũng không tin tưởng vào sức lôi cuốn ấy. Chỉ có quyết định của các vị có thẩm quyền mới đem lại cho lương tâm ngài sự an tâm và mãn nguyện. Cha Pháp-vrờ coi vấn đề của cha E-ma là vấn đề lương tâm và ngài luôn tôn trọng điều đó. Nhưng ngài phải bó tay vì ban cố vấn của ngài không chịu để bất cứ tu sỹ nào của Dòng Đức Mẹ bỏ dòng để dấn thân cho một dự án như vậy.

 Ngoài những khó khăn đối với các giới chức có thẩm quyền, cuộc chiến đấu nội tâm sâu xa của cha E-ma có thể được đánh giá qua hai chi tiết sau:

a- Nỗ lực từ bỏ ý riêng của ngài và thái độ hoàn toàn khách quan đối với dự án Thánh Thể, ngay cả khi vai trò của mình đối với vấn đề này đã chấm dứt, mặc dầu tâm hồn ngài vẫn luôn tha thiết

với dự án ấy, ngài phó thác công cuộc đó cho Chúa, chỉ cầu xin Chúa chọn người khác xứng đáng hơn để lo công cuộc này [31].

b- Nỗi đau khổ và dằn vặt khi phải rời bỏ Dòng Đức Mẹ. Trong thơ gởi cho Ê-li-gia-bét May-ê (Elizabeth Mayet), ngài biểu lộ nỗi đau khổ này như sau:

 “Hãy tin cha, cha đã phải trả một giá quá mắc cho công cuộc này, đó là phải hi sinh ơn gọi của cha. Vết thương hi sinh ấy cha vẫn còn cảm thấy nhức nhối. Nếu sau cuộc tĩnh tâm của cha mà ban hân vật chủ yếu, khôn ngoan và hết sức đắn đo đã không quả quyết với cha rằng, đó là thánh ý Chúa, thì cha đã không hề tiến tới nửa bước. Cha nhìn nhận rằng, cha rất đáng khiển trách nếu chỉ chiều theo những lôi cuốn hoặc ước vọng của cá nhân mình. Nhưng tạ ơn Chúa, trong suốt 12 ngày cầu nguyện và hồi tâm, cha đã đạt được tình trạng hoàn toàn khách quan” [32].

 Trong những thơ ngài viết vào khoảng thời gian đó, cha E-ma đã không ngừng lặp đi lặp lại rằng, tâm hồn ngài vẫn thuộc về Dòng Đức Mẹ [33]. Những chỉ trích của anh em Dòng Đức Mẹ đối với hướng đi của của cha E-ma được coi như nắm muối rắc vào vết thương đang rỉ máu. Trước những chỉ trích ấy, cha E-ma đã khiêm tốn biện hộ cho các anh em bằng cách nói rằng, họ chỉ kết án về quyết định cá nhân của ngài mà thôi, còn không hề chỉ trích phán quyết của của ba vị Giám Mục [34].

C- DỰ ÁN GIÊ-RU-SA-LEM

 Những chi tiết về nỗ lực của cha E-ma ở Rô-ma để xin phép mở nhà tại Giê-ru-sa-lem hầu hết được chứa đựng trong các thơ của ngài viết cho cha Đờ Qui-es (de Cuers) vào khoảng thời gia nấy. Mục đích mở nhà ở Giê-ru-sa-lem là để chầu Chúa liên tục suốt năm tại chính nơi Chúa đã thiết lập Bí Tích Tình Yêu này. Muốn thực hiện mục tiêu ấy, trước hết phải vận động sao để mua lại Nhà Tiệc Ly lúc ấy đang ở trong tay của người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một trở ngại lớn lao khác nữa là Tòa Thánh đã ủy thác cho Dòng Phan-xi-cô độc quyền trông coi Đất Thánh. Suốt 5 thế kỷ, Dòng Phan-xi-cô độc quyền cai quản Đất Thánh. Mãi tới năm 1917 và chỉ sau khi bộ Giáo Luật được duyệt lại, Đất Thánh mới được coi là miền đất truyền giáo và do đó mới được đặt dưới quyền của Thánh Bộ Truyền Giáo. Chính sách của Tòa Thánh là không gây xáo trộn cho tình trạng hiện hữu. Sau khi tái lập Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ La-tinh ở Giê-ru-sa-lem nào năm1847, Vị Thượng Phụ Giáo Chủ Va-léc-ga (Valerga) ủng hộ việc chấp nhận sự hiện diện của bất cứ dòng tu nào ở Đất Thánh, nhưng đáng tiếc, ngài không được Rô-ma ủng hộ. Một số các Dòng Tu, như: Dòng Vinh-Sơn, Dòng Tên, và một Dòng khác nữa ở Xéc-bi-a (Serbia), cũng tìm cách để có mặt tại Đất Thánh.

 Cha E-ma đến Rô-ma ngày 10 tháng 11 năm 1864. Giới chức đầu tiên ngài gặp là Đức Hồng Y Bác-na-bô (Barnabo), Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo. Đức Hồng Y tỏ ra không tha thiết và quan tâm lắm đến thỉnh nguyện của cha E-ma. Ngày 17 tháng11 năm 1864, cha E-ma được vào triều yết Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX và nhận được chút hi vọng từ nơi Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài ủy thác vấn đề này cho Thánh Bộ Truyền Giáo. Sau bốn lần cố gắng không thành công, cuối cùng cha E-ma đến gặp Đức Ông A-ni-ba-lê Ca-pan-ti (Annibale Capalti), thơ ký của Thánh Bộ Truyền Giáo. Nhờ cuộc viếng thăm trước đây của cha Đờ Qui-es, nên Đức Ông Ca-pan-ti biết trước thỉnh nguyện của cha E-ma. Đức Ông là người chống đối sự hiện diện của các Dòng Tu tại Đất Thánh. Qua những cuộc viếng thăm đó, cha E-ma biết rõ những ai mà ngài phải tránh né.

 Đức Hồng Y Bác-na-bô yêu cầu cha E-ma viết bản tường trình về thỉnh nguyện của ngài, rồi sao ra nhiều bản và gởi đến từng thành viên trong Ban Giám Đốc của Thánh Bộ Truyền Giáo. Đức Hồng Y Bác-na-bô cũng khuyên cha E-ma nên gặp riêng và trình bày với các Hồng Y trong Ban Giám Đốc này. Ngày 4 tháng3, 1865, cha E-ma viết cho cha Đờ Qui-es như sau: “Tôi không tin tưởng mấy nơi Đức Ông Ca-pan-ti. Tuy nhiên, ngài không có quyền bỏ phiếu, mà chỉ có nhiệm vụ sắp xếp chương trình nghị sự thôi. Tôi được khuyên nên gặp từng vị Hồng Y để trình bày nội vụ cho các ngài. Có hai vị ủng hộ dự án của chúng ta là Đức Hồng YRê-xắc (Reissach) và Đức Hồng Y Pi-tra (Pitra)”.

 Khoảng tháng Giêng năm 1865, cha E-ma gián đoạn những cuộc tiếp xúc với những Hồng Y nào mà ngài không hi vọng đạt được gì, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lạc với các Hồng Y có thế lực và ủng hộ dự án của ngài. Ngài cũng không để Đức Ông Ca-pan-ti được yên ổn. Những cuộc viếng thăm, thơ từ, nài nỉ …, ngài không bỏ lỡ bất cứ dịp may nào có hi vọng đạt được kết quả.

Kế hoạch của ngài vẫn rập theo cùng một khuôn mẫu mà chúng ta đã đề cập trên đây.

1- Vinh danh Thiên Chúa.

 Vinh quang Thiên Chúa, đó là mục tiêu duy nhất mà cha E-ma nhắm tới. Trong thơ gởi cha Đờ Qui-es đề ngày 24 tháng 1năm 1864, ngài viết:

 “Nào chẳng phải chúng ta được kêu gọi để đến với Thánh Thể hay sao? Và chỉ vì mục đích này mà chúng ta phải tìm mọi cách để trở lại Phòng Tiệc Ly. Ngoài ra, chẳng còn gì khác nữa, ngoại trừ hát bài ca “Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an (Nunc dimitis)”.

 Trong tất cả các thơ ngài viết trong khoảng thời gian này, cha E-ma đều nhấn mạnh rằng, khó khăn chính ở đây là vấn đề liên quan đến các Dòng Tu. Trọng tâm của vấn đề không được nhắm vào những đặc quyền của một Dòng Tu; hay những ganh tị nhỏ nhen giữa các quốc gia, tiếng nói, chủng tộc; hay những mong muốn được lợi lộc gì, mà phải đặt VINH QUANG CHÚA LÊNTRÊN HẾT. Trước những chống đối và khó khăn mà cha E-ma gặp phải trong vấn đề này, ngài luôn trả lời: “Quyền làm luật là quyền để thay đổi”. Ngài viết cho Đức Ông Ca-pan-ti:

 “Vấn đề bây giờ là tùy thuộc vào quyết định của Thánh Bộ trong việc lựa chọn giữa vinh quang Thiên Chúa, hay đặc quyền của một Dòng Tu, hay sự hãnh diện quốc gia, hoặc đặc quyền cá nhân”.

 Ngày 6 tháng 1 năm 1864, cha E-ma lại viết cho Đức Ông Ca-pan-ti:

 “Thánh Bộ nay mai sẽ họp để quyết định về vấn đề Dòng Tuở Đất Thánh. Chớ gì vinh quang của Chúa nơi Thánh Thể được vinh thắng. Con xin Đức Ông thứ lỗi vì đã mạo muội viết cho Đức Ông một lần nữa. Đó chỉ vì mục đích nhắc Đức Ông đừng quên vấn đề của chúng con mà thôi”.

 Rõ ràng là cha E-ma đã coi những tranh chấp chỉ ở cấp độ thấp, tức ở lãnh vực tự nhiên của con người. Vinh quang của Chúa luôn là nguyên lý và mục tiêu tối cao, bao quát và chi phối mọi sự, còn những đụng độ cọ xát trong vấn đề này thì chỉ ở lãnh vực con người mà thôi.

2- Kín đáo.

 Một phương thức hành động thông thường khác của cha E-ma là kín đáo. Tuy nhiên trong vấn đề này thì cha E-ma không hành động ngấm ngầm. Những cuộc viếng thăm các Hồng Y đều nhằm mục đích làm giảm ảnh hưởng của Đức Ông Ca-pan-ti, chỉ vì cha E-ma sợ rằng Đức Ông Ca-pan-ti không trình bày vấn đề cách thuận lợi, nên ngài đã cố gắng làm giảm ảnh hưởng của Đức Ông bao nhiêu có thể trong vấn đề này. Và nếu cha E-ma có hành động sau lưng Đức Ông Ca-pan-ti thì cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất và tối cao là vinh danh Thiên Chúa mà thôi.

3- Kiên trì.

 Sự kiên trì của cha E-ma đã khiến cho các vị hữu trách trong Thánh Bộ Truyền Giáo phải bực bội đến nỗi Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ phải cảnh cáo ngài rằng, Đức Thánh Cha cảm thấy bực bội và bị quấy rầy nhiều về vấn đề Giê-ru-sa-lem rồi vàn gài không muốn nghe về vấn đề này nữa.

 Lúc khởi đầu tiến trình, Đức Ông Ca-pan-ti đã khuyên cha E-ma cứ trở về Pa-ri và ngài hứa sẽ viết cho cha E-ma và thông báo kết quả của cuộc bỏ thăm. Nhưng cha E-ma sợ rằng, nếu ngài rời Rô-ma thì vấn đề có thể bị đình hoãn lại vô thời hạn và rồi sẽ lịm dần đi. Vào ngày 18 tháng 3 năm 1865, cha E-ma viết cho cha Đờ Qui-es đề cập đến cuộc gặp gỡ Đức Ông Ca-pan-ti,và ngài thêm:

 “Vì thế tôi sẽ phải lấy hết can đảm mới dám tiếp tục công cuộc này. Vì tôi rất ngại đến các văn phòng của Thánh Bộ Truyền Giáo. Dường như tôi đã quấy rầy mọi người quá sức chịu đựng của các ngài rồi”.

 Cha E-ma đã phải dùng mọi phương tiện để đạt ý nguyện của mình. Nếu thất bại thì ngài cho rằng, đó là dấu chỉ chứng tỏ thời gian của Chúa chưa tới. Trong cuộc Đại Tĩnh Tâm, trong suy niệm thứ 3 của ngày 28 tháng 3, ngài viết:

 “Xét cho cùng thì mọi phán đoán của con người cũng chỉ là tác nhân của Thánh Ý Chúa mà thôi. Theo tôi thì quyết định của các vị thẩm quyền đều xuất phát từ trời cao”.

 Cũng trong chính ngày đó, Thánh Bộ Truyền Giáo đã bỏ phiếu chống lại dự án của cha E-ma cho rằng thời gian chưa thuận tiện.

 Ngày 29 tháng 3, cha E-ma được thông báo về kết quả này, mặc dầu rất chán nản về tin buồn ấy, nhưng ngài hoàn toàn phó thác cho Thánh Ý Chúa. Ngài viết cho cha Đờ Qui-es:

 “Chúng ta hãy tôn thờ kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa và chúc tụng Thánh Ý Ngài. Sắc Lệnh Đi-la-ta (Dilata) là do các Hồng Y của Thánh Bộ quyết định. Hôm qua Đức Ông Ca-pan-tibảo tôi rằng vấn đề sẽ không được cứu xét lại trong lúc này và mọi việc phải đình chỉ… Mặc dầu tôi đã tiên đoán được tin này, nhưng tin ấy cũng làm tôi sửng sốt. Các Hồng Y có ảnh hưởng lớn xem ra đều ủng hộ chúng ta. Nhưng không hiểu nội vụ đã được trình bày thế nào, tôi hoàn toàn không được biết. Tôi chỉ có thể nói: ‘Xin cho Ý Chúa được nên trọn”.

Thế là bao nhiêu mơ ước đến đây là tiêu tan hết!

D- TRUNG THÀNH VỚI KỶ LUẬT

 Một điểm khác về việc thực hành đức tuân phục của cha E-ma là luôn trung thành tuân giữ Hiến Pháp trong đời sống hằng ngày. Từ những lời nhiệt liệt ca tụng của cha Tes-ni-e (Tesnière),cho đến những lời dè dặt của các cha: Ma-rê-san (Maréchal), Ca-ri-ê (Carrié) và Lơ-roay-ê (Leroyer) [35], tất cả đều chứng thực rằng, cha E-ma là con người hết sức trung thành chu toàn mọi nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, những cuộc vắng nhà thường xuyên và lâu ngày, ước muốn làm cho nhiều người biết đến Hội Dòng, những công vụ nặng nề, những đòi hỏi ở văn phòng, tất cả đã khiến cho đời sống của ngài trở nên thất thường, không thể đều đặn được.

 Trong những Ghi Chúa Tĩnh Tâm, cha E-ma rất ân hận và trách mình về tất cả những thiếu sót ấy. Trong những cuộc tĩnh tâm, ngài đã gay gắt kết án mình và tỏ ra bất mãn với chính mình trong việc tuân giữ Lề Luật mà ngài cho rằng, ngài đã không tuân thủ nghiêm chỉnh. Trong cuộc Đại Tĩnh Tâm, cha E-ma trách mình vì đã dễ dãi châm chước cho mình trong việc thao luyện, trong việc đến nơi chỉ định trễ và đôi khi không tuân giữ luật thinh lặng [36]. Ngài nhận thấy cần phải sửa lại.

 Một cách tổng quát, có thể nói, cha E-ma đã cố gắng trung thành tuân giữ Lề Luật, ngoại trừ khi có việc cấp bách. Đôi khi ngài không thành công trong nỗ lực này, nhưng đó chỉ là trường hợp bất thường mà thôi. Chẳng hạn khi có người từ Năng (Nantes) hay từ Ren (Rennes) tới và muốn xin gặp ngài, thì vì xã giao, ngài

phải dành ưu tiên cho những dịp đó. Tuy nhiên, lương tâm khắt khe đã khiển trách ngài, vì ngài cho rằng đó là những lạm dụng địa vị của mình, và ngài đã thẳng thắn bộc lộ những cảm nghĩ ấy trong các cuộc tĩnh tâm. Mặc dầu lý do tuân giữ kỷ luật của ngài là cao thượng, nhưng ngài cũng muốn nêu gương sáng cho anh em trong Dòng nữa. Những miễn trừ thường xuyên trong việc tuân giữ kỷ luật khiến ngài rất băn khoăn lo lắng. Việc miễn trừ thường xuyên ấy khiến một số anh em khó chịu, một số khác thì chán nản thất vọng về ngài.

 Một điểm quan trọng khác cũng cần được đề cập ở đây, vì trong tiến trình điều tra để phong Chân Phước cho cha E-ma, vấn đề này đã trở thành một phản đối chống lại đức tính cẩn trọng và phán đoán của ngài. Vấn đề ấy là, cha E-ma đã quá vội vã thành lập các cộng đoàn trong thời kỳ khởi đầu của Dòng. Khi Hiến Pháp của Dòng được đệ trình lên Tòa Thánh để xin châu phê vào năm 1863 thì Thánh Bộ Giám Mục và Dòng Tu đã phê phán rằng, Hội Dòng mới chỉ có 28 thành viên mà đã có tới 3 nhà, điều đó quả thật quá đáng. Vì thế Thánh Bộ ra lệnh Hội Dòng không được lập thêm nhà nữa nếu không có phép của Thánh Bộ. Năm1874, tức 8 năm sau khi cha E-ma qua đời, Hiến Pháp lại được đệ trình lên Tòa Thánh một lần nữa để xin phê chuẩn thì cũng chính Thánh Bộ Giám Mục và Dòng Tu phê phán rằng, Hội Dòng đã không tuân hành lời cảnh cáo, nên Thánh Bộ quyết định Hội Dòng sẽ không được phép mở thêm một nhà nào nữa, nếu không có phép của Tòa Thánh và số thành viên của nhà ấy ít nhất phải đạt tới 20 tu sỹ [37].

 Cả khi cha E-ma còn sống, cũng như lúc ngài đã qua đời, thì những mệnh lệnh của Thánh Bộ Giám Mục đều không được thi hành nghiêm chỉnh. Sau khi cha E-ma qua đời, Dòng có tới 6 nhà, mà chỉ có 70 thành viên gồm 30 linh mục và 40 tu huynh. Theo lý tưởng của cha E-ma thì cộng đoàn phải chầu liên tục, vì thế khi thành lập một cộng đoàn mới, phải hội đủ số thành viên để có thể đảm trách những giờ chầu liên tục ấy. Tuy nhiên trong thực hành, khi thành lập một nhà mới thì cộng đoàn chỉ chầu một số giờ với hi vọng khi có đủ người, cộng đoàn sẽ chầu đầy đủ. Đối với cha E-ma, ngai tòa chầu Chúa phải liên tục ngày đêm. Vì thế, khi phải đóng cửa nhà Nơ-mua (Nemours), ngài đã hết sức đau lòng vì cảm thấy Chúa bị mất một ngai tòa. Dự kiến của ngài là thiết lập những ngai tòa để chầu Chúa trên khắp mặt đất, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh ở khắp nơi. Khát vọng thiết lập những ngai tòa mới cho Chúa, và đáp lại những lời mời của các Giám Mục xin lập nhà trong giáo phận của các ngài, đó là lý do khiến cha E-ma không tuân thủ nghiêm chỉnh những giới hạn do Thánh Bộ Giám Mục đề ra. Đặt vinh quang của Chúa trong Thánh Thể lên trên hết, đó là lý do biện minh cho đức tuân phục của cha E-ma trong vấn đề này.

 Sau cùng, cũng cần phải nói rằng, đức tuân phục được đề cập tới trong Chương 19 của Hiến Pháp chỉ nhắm vào những thành phần được kêu gọi để sống đời sống tu trì bình thường mà hôi. Còn đối với cha E-ma, đời sống không hề đơn giản. Ngoài lời kêu gọi thông thường, ngài còn được thôi thúc bởi lời kêu gọi cao thượng hơn nữa. Lời kêu gọi cao thượng hơn này, hay vinh quang của Chúa, hoặc nhu cầu và lợi ích của các linh hồn, đã thôi thúc cha E-ma vượt quá những gì là thông thường. Cha Đan Kê-vờ (Don Cave) thường đề cập đến thao thức hằng nung nấu tâm hồn cha E-ma, đó là phải thực hiện công cuộc gì lớn lao hơn cho Chúa, là phải hiến dâng cho Thiên Chúa những gì mà cá nhân ngài có thể làm được, nếu trong khát vọng ấy không tàng ẩn chút tự cao tự đại [38]. Ở nơi cha E-ma, đức tin và cá tính, ân sủng và yếu tố nhân loại, luôn hòa nhịp với nhau và gắn bó mật thiết với nhau. Những gì được thụ huấn thời niên thiếu, và những kinh nghiệm trong các hoạt động sứ vụ như ở Ben-li (Belly) với cộng đoàn Dòng Đức Mẹ, ở Li-ông (Lyon) với Hội Dòng Ba Đức Mẹ, ở La Xen-xuyệc-me (La Seyne-sur-mer) với dự án Thánh Thể, và ngay cả với giới thẩm quyền ở Rô-ma trong nỗ lực tạo mãi Nhà Tiệc Ly, tất cả đã giúp cha E-ma cảm nhận được ơn thiên triệu của mình. Nhãn giới của cha E-ma vượt khỏi tầm nhìn của các bề trên ngài, và ngài đã cố gắng hết sức để thuyết phục các bề trên của ngài nhìn vào những gì mà người ta phải dành cho Thiên Chúa. Nỗi thao thức khiến ngài phải ray rứt triền miên chính là do tình yêu mãnh liệt và cá tính nồng nhiệt của ngài thôi thúc.


[8]  Đức Tuân Phục hiểu theo nghĩa Hiến Pháp thì:

 – Số 166: “Các tu sỹ của chúng ta phải hết sức yêu mến nhân đức vươnggiả này, tức là không được thi hành, và ngay cả mong muốn thi hành bất kỳ hànhvi nào theo ý riêng mình cũng không được phép”.

 – Số 169: “Hiến Pháp, tự bản chất, không buộc thành tội, nhưng chỉ buộcphải thi hành việc đền tội do Hiến Pháp đặt ra, hay do bề trên chỉ định”.

– Số 172: “Tuy nhiên một tu sỹ chân chính, để được tấn tới thiêng liêng nơitâm hồn thì không những phải quan tâm tới các điều luật mà thôi, nhưng cònphải cố gắng chấp nhận, với tâm hồn vui tươi, lời khuyên, mong mỏi và ngay cảcố gắng làm vui lòng bề trên của mình nữa”.

– Xin coi: Perfectae Caritatis, #14; và Evangelii Testificatio, #23.

[9]  Positio super virtutibus (Romae: Typographia Pontifica Pii IX. 1917), Phần II, Animadversiones, số 18, trang 16.

[10]  Chúng ta hãy nhớ lại câu cách ngôn của Thánh Gio-an Thánh Giá: “Le amaratanto como es amada”, nghĩa là: “Phải yêu mến như đã được yêu thương”. Vớithánh Phê-rô Giu-li-a-nô, sự đáp trả cân xứng tình yêu này không phải chỉ ởlãnh vực thần bí mà Thánh Gio-an Thánh Giá coi là “Sự cân xứng của tình yêu”,nhưng ngay cả trong ước muốn nữa. Chúng ta không thực sự hiểu thánh E-manếu bỏ qua tình yêu cuồng nhiệt của ngài đối với Thiên Chúa.

[11]  Cave, I, 91, 86, 103.

[12]  Cave, I, 89, 114.

[13] Cave, I, 136-137.

[14]  Cave, I, 137.

[15]  Cave, I, 99, 13

[16]  LaPuylata ám chỉ công đoànn các Cha Dòng Đức Mẹ ở Lapuylata

[17]  Cave, I, 89.

[18]  Troussier, I, 304-305. Bản tiếng Anh: Tập I, 142.

[19] Correspondence, II, 24 (Ngày 22 tháng 12, 1849).

[20]  Cave, I, 136.

[21]  Cave, I, 107-111. Cha Don Cave tin rằng cha E-ma đã khuyến khích chaTheiner xin châu phê Dòng Ba Đức Mẹ, nhưng điều đó không có bằng chứng rõrệt. Điều chắc chắn là cha E-ma không muốn đặt Dòng Ba Đức Mẹ dưới quyềntài phán của cha Cô-lanh. Đó là lời nguyện của ngài ở Fourvière vào Ngày ĐầuNăm 1850. Xin coi: Correspondence, V,188 (Ngày 13 tháng 11, 1851)

[22]  Cave, I, 107.

[23]  Correspondence, II, 70 (Ngày 1 tháng 1, 1852).

[24]  Correspondence, II, 128 (Ngày 10 tháng 6, 1854). Coi: Cave, I,136, 91; 138, 99.

[25]  Cave, III, 120; Cave, V, 103.

[26]  Cave, III, 76-77.

[27]  E. Nunez, Textus constitutionum, II, 45.

[28]  Sự quên lãng hoàn toàn của cha Favre khi đến trước mặt Đức Giáo Hoàng: Correspondence, I, 15; II, 164; – Coi: Cave, III, 158, 24.

[29]  La divine Eucharistie, IIIe serie, Retraites eucharistiques, Phụ Trương, tr.224-226. Bản dịch tiếng Anh: Eucharistic Retreats, tr. 243-247. E. Nunez,Textus constitutionum, III, 327. Tài liệu, Cave, III-V, tr.18-26.

[30]  Correspondence, I, 11, 5ჲ

Correspondence, II, 149-150 (Ngày 19 tháng 11, 1855).

[31]  Correspondence, II,149-150 (19 tháng 11, 1855). Correspondence, V, (Ngày 1tháng 5, 1856): “Nếu Chúa bảo tôi trở lại Li-ông, tôi sẽ trở lại ngay tức khắc màkhông hối tiếc gì, ngoại trừ cảm thấy bất xứng với ân huệ ấy”.

[32]  Cave, I, 37.

[33]  Chẳng hạn: gởi cho Marguerite Guillot ngày 18 tháng 5 năm 1856; gởi cho bàGourd ngày 31 tháng 5 năm 1856; gởi cho bà Tholin-boast ngày 18 tháng 5 năm1856; gởi cho bà Jordan ngày 16 tháng 1 năm 1858; gởi cho cô Monavon ngày 6tháng 7 năm 1856; gởi cho ông Creuset ngày 5 tháng 7 năm 1856; gởi cho ôngClappier, ngày 8 tháng 7 năm 1856; gởi cho ông Carrel ngày 10 tháng 2 năm1859, v.v.

[34]  Correspondence, II, 163 (Ngày 8 tháng 7, 1856).

[35]  Positio super virtutibus, Phần II, tr. 27-30, các số: 29-31.

[36]  La grande retraite de Rome, 163-164; Bản dịch tiếng Anh: Retreat Notes,172-174

[37]  E. Nunez, Textus constitutionum, III, 330 ad 3um; IV, 731 ad 1um.

[38]  Cave, I, 17; 85, 102.