NHỜ ĐỨC KITÔ CHÚA CHÚNG CON

NHỜ ĐỨC KITÔ CHÚA CHÚNG CON[1]

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thú nhận rằng, đôi lần, lời nguyện mở đầu Thánh lễ chẳng để lại ấn tượng gì trên chúng con. Xin hãy tha thứ cho chúng con, lạy Chúa, vì ngay khi lời nguyện này vừa kết thúc xong, chúng con chẳng dễ dàng gì nhớ hết được. Có phải vì chúng con nghe qua lời nguyện mà không để tâm để ý đến sứ điệp chất chứa trong đó không? Có phải vì lời nguyện ấy thường xa cách và chẳng gắn gì với cuộc sống thực tế của chúng con không hay có lẽ vì ngôn từ của lời nguyện này thì cổ xưa và ngữ nghĩa thì mập mờ khó hiểu? Trừ ra trong những lễ trọng, chúng con phải xấu hổ thừa nhận rằng chúng con không tìm thấy lời nguyện nào đó có thể đánh động chúng con và khiến chúng con nhớ hết được.

Lạy Chúa, chúng con không tranh luận ở đây về vai trò của lời Tổng nguyện và đạo lý thiêng liêng của lời nguyện này. Chúng con biết rằng đây là lời nguyện quy tụ dân chúng thành một cộng đoàn phụng tự. Chúng con cũng biết rằng vào những dịp khác nhau, lời nguyện này chất chứa những chủ đề của buổi cử hành. Chúng con ao ước biết bao có thể tìm ra kho báu đức tin đang chôn vùi trong những lời Tổng nguyện.

Sứ điệp của lời Tổng nguyện có thể thoát khỏi cái tâm chia trí của chúng con, nhưng phần kết thúc thật quá quan trọng nên chúng con không muốn để vuột mất. Phần kết thúc cho thấy đây là lời nguyện của Hội thánh thưa lên với Chúa Cha qua Chúa, Đấng Trung Gian của chúng con, và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Chúng con thừa nhận rằng chúng con rất mê thích truyền thống phụng vụ cổ xưa của Giáo hội vốn vẫn sử dụng một câu nói trực tiếp và đơn giản: “Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.

Vâng, lạy Chúa, chính nhờ Chúa mà chúng con hướng lên Chúa Cha. Chúa là Đấng Trung Gian của chúng con. Khi cây thập giá được dựng trên đồi Canvê, âm phủ tăm tối ngăn cách giữa trời và đất đã bị tiêu tan để cuối cùng trời đất được bắc một nhịp cầu. Chúa đã xuống trần để loài người được nâng lên. Thánh giá Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách. Khi Chúa về lại với Chúa Cha, chắc chắn Chúa ôm lấy toàn thể nhân loại chúng con đi theo Chúa. Chúa đã một mình xuống thế, nhưng khi trở lại thiên đàng, Chúa sẽ kéo cùng đi với Chúa một đoàn người đông đảo từ khắp muôn phương mà vì họ Chúa đã sinh ra trong trần gian. Khi Hội thánh dâng những lời nguyện lên Chúa Cha, Chúa đã ân cần trình bày những lời nguyện này lên ngai ân sủng như chính lời nguyện của mình.      

Chúng con đã tìm ra tước hiệu “Thiên Chúa” có một ý nghĩ đặc biệt quan trọng. Danh hiệu này cũng giống như những lời ghi trên thánh giá “Giêsu Nazaret, Vua dân Do Thái”. Chính trên thánh giá, Chúa Cha đã siêu tôn Chúa. Những cách thức Chúa làm thật khác thường biết bao đến độ không ai hiểu nổi! Bị đóng đinh trên thánh giá và đang ngoi ngóp trong hơi thở sắp chết, Chúa vẫn tuyên bố là Chúa của mọi loại thọ tạo. Và hành động đầu tiên của Chúa xét như một Thiên Chúa chính là trao ban Thần Khí cho Hội thánh.

Khi Hội thánh cầu khẩn Ngài như vị Thiên Chúa, Hội thánh xin hồng ân từ Chúa Thánh Thần. Lời nguyện của chúng con sẽ thành vô ích nếu như không đặt để nơi Chúa Thánh Linh. Cho phép chúng con suy nghĩ bằng ngôn ngữ loại suy thế này. Lạy Chúa, có phải là chân lý không khi mầu nhiệm vượt qua của Chúa đã đạt tột đỉnh trong mầu nhiệm của lễ Ngũ tuần? Chúa đã chết và sống lại để cử đến với chúng con quyền năng và sự hiện diện an ủi của Chúa Thánh Thần. Và vì thế, khi Hội thánh gợi lại sự chết và sống lại của Chúa, không phải là Hội thánh đang chờ mong ân huệ của Chúa Thánh thần như kết quả của lời nguyện ấy sao?

Lạy Chúa, khi chúng con hiệp cùng Hội thánh trong lời Tổng nguyện, xin giúp chúng con nhận ra tiếng nói còn ẩn khuất bên dưới ngôn ngữ khiếm khuyết của con người. Xin dạy chúng con luôn cầu nguyện nhân danh Chúa, vì không có Chúa chúng con chẳng dám đứng trước nhan Chúa Cha. Khi chúng con khẩn cầu Ngài, Thiên Chúa của chúng con, xin hãy làm sung mãn cuộc sống chúng con bằng ân huệ và sự hiện diện của Thần Khí Chúa. Amen.


[1] PHẠM ĐÌNH ÁI, Để tham dự Thánh lễ sốt sắng hơn, Học viện Dòng Thánh Thể, lưu hành nội bộ, 2016, được lược dịch theo nguyên tác: ANSCAR J. CHUPUNGCO, Meditations on The Mass, Claretian Publications, Quezon city, Philippines, 2010.