Với tư cách là Thân Mình Đức Kitô, Giáo Hội tưởng niệm và cử hành trong lịch sử Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Đó chính là Bữa ăn tối cuối cùng của Người với các môn đệ, là biến cố Thánh Thể. Chắc chắn đây là biến cố chóp đỉnh của tất cả bản chất, sứ vụ và cuộc đời Người hằng chờ mong: “giờ”vượt qua trần thế mà“về cùng Cha”. Như thế, Thánh Thể là tất cả nội dung, mô hình tổ chức, bản chất đời sống và sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Chính trong “ký ức sống động”(Anamnesis) này mà cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, như một biến cố cứu độ độc nhất và vĩnh viễn, trở thành “đồng thời” với cộng đồng cử hành. Như thế, Giáo Hội “đảm nhận các mầu nhiệm của cuộc đời Người, hiệp thông với những đau khổ của Người như thân thể hiệp thông với Đầu, cùng chịu đau khổ với Người, để cùng được tôn vinh với Người”.[i] Như trong Kinh Nguyện Tạ Ơn: “Xin thương cho tất cả những ai cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu này, được Chúa Thánh Thần liên kết thành một thân thể, và trở nên hy lễ sống động trong Đức Ki-tô để ca tụng Cha vinh hiển”.[ii] Thật vậy, trong ý nghĩa “dâng lên” (Anaphora) của mọi lời Chúc Tụng, Giáo Hội được mời gọi dự phần vào số phận cũng như chia sẻ sứ mạng cứu thế của Đức Kitô. Vì Người “đứng hàng đầu trong mọi sự” (Cl 1:18), là Đấng Vượt Qua và Giáo Hội là các chi thể, nên hiện hữu của Giáo Hội cũng là một hiện hữu “Vượt Qua”, tham dự vào hành trình vượt qua từ sự chết đến sự sống. Là “Đầu” của toàn Thân Mình, Đức Kitô trở thành nguyên lý và là chuẩn mẫu tối hậu cho tất cả đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Vì thế, sự hiệp thông với Đức Kitô làm sáng tỏ hai chiều kích của bổn phận truyền bá Phúc Âm: đó là rao giảng dưới bóng Thập Giá và loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Sống đức tin và thông truyền đức tin trở nên một kinh nghiệm duy nhất. Rao giảng Tin Mừng đồng nghĩa với loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh và Phục Sinh “cho tới ngày Người lại đến” (1Cr 11:26).
Trước hết, là Thân Mình của Đức Kitô tử nạn, Giáo Hội là một cộng đồng được sinh ra dưới chân Thập Giá, đi theo Thập Giá và rao giảng về Thập Giá (1Cr 1:18). Thật vậy, qua trình thuật của Tin Mừng, chúng ta nhận ra tất cả cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, đều quy hướng về Thập Giá. Vatican II đã mượn quan điểm của Augustinô để khẳng định: “Chính từ cạnh sườn của Đức Kitô yên nghỉ trên Thập Giá, đã phát sinh ra bí tích huyền diệu là Giáo Hội toàn thể”.[iii] Trong Đức Kitô bị đóng đinh mà Thiên Chúa hoàn tất “kế hoạch yêu thương đã định từ trước”, đó là “qui tụ muôn loài trong trời đất” (Ep 1:9-10). Có thể nói, đây là một trong những khía cạnh nghịch lý, nhưng độc sáng nhất của mạc khải Kitô giáo mà dường như không ai dám chờ đợi, thậm chí không thấy trong quan niệm của các tôn giáo. Như thế, Thiên Chúa của người Kitô hữu đã tự khải, tự tỏ hiện cách mãnh liệt, sâu thẳm và trọn vẹn nhất ngay trong những yếu đuối, khổ đau và cái chết, nghĩa là dưới những hình thái hoàn toàn xa lạ, ngay cả “đối nghịch” với những gì là thần linh siêu phàm (1 Cr 1:18-25). Tư tưởng của Thập Giá vốn là “điên rồ” và “ô nhục” dưới những con mắt trần gian, ngay cả đối với những cố gắng “hợp lý hoá” thập giá của con người trong lịch sử. Nhưng đó lại là “khôn ngoan” của Thiên Chúa (1Cr 2:6-16; 14:18). Như chính Phaolô đã cảm nghiệm:“Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2:1-2).
Trong ý nghĩa đó, nỗ lực loan báo Tin Mừng của Giáo Hội chắc hẳn không phải là công trình của những tâm trạng đắc thắng, hãnh tiến, chinh phục hay chiêu dụ tín đồ, nhưng là làm cho Phúc Âm về sự đau khổ của Thiên Chúa được sống động và hiện diện trong thế giới cách mới mẻ. Nơi nào Cộng Đồng tín hữu biết kết hợp chính mình “với cuộc Vượt Qua của Đức Kitô”, và trở nên giống như Người trong mọi nỗi gian truân, thiếu thốn, bị bách hại mà vẫn kiên vững trong niềm tin, nơi đó Tin Mừng sẽ được chiếu toả như hương thơm ngào ngạt (Ep 5:2), vì “Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã tỏ cho thấy, Người cùng với Hội Thánh mà Người đảm nhận, là một người duy nhất”.[iv] Hơn nữa, trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, lịch sử của những nỗi khổ đau của nhân loại cũng là lịch sử của Đấng Vượt Qua. Người hiện diện với con người trong các khổ đau ấy, để vượt qua mọi đau khổ và giúp con người khám phá ra giá trị cao cả của các đau khổ được hiến dâng trong tình yêu. Chỉ có tình yêu mới đem lại ý nghĩa và hướng đi cho đau khổ. Phải chăng bỏ qua Thập Giá là đánh mất bản chất của Kitô giáo.[v] Thập Giá trở thành Tin Mừng về sự đau khổ của Đấng đã yêu thương con người “như thế đó” (Ga 3:16) vì đã gánh lấy mọi khổ đau và biến khổ đau thành của mình.
Thứ đến, Giáo Hội rao giảng Phúc Âm dưới bóng Thập Giá còn có nghĩa là một cộng đồng nghèo khó lắng nghe tiếng kêu cứu của người nghèo khổ, những ai bị bỏ rơi và cô thân cô thế của thế giới như “tiếng kêu của Thiên Chúa”. Đó là một cộng đồng làm trổ sinh hoa trái nhờ bổ khuyết “trong thân xác mình những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu” (Cl 1:24), và như thế có khả năng làm cho những người khôn ngoan, quyền thế trần gian phải bẽ mặt. Như Đức Kitô chịu đóng đinh, Giáo Hội đi tới tận cùng sự nghịch lý của cuộc đời và không ngần ngại đồng hóa mình với tất cả những ai vô tội bị trao nộp cách bất công, bị đóng đinh trong lịch sử (Mt 25:35-40; Cv 9:4). Không một tình huống nào, nhất là trong đó có sự tha hoá vì lầm than nghèo đói, bị áp bức, bị loại trừ và khinh chê mà Giáo Hội lại có thể tỏ ra xa lạ hững hờ. Giáo Hội hiện diện đích thực cũng như đích thân liên đới với những con người ấy. Giáo Hội nhất thiết là một Cộng Đồng dấn thân phục vụ “tình yêu và công lý” để giao hoà “công lý với tình yêu”, không vì tìm kiếm lợi lộc như những kẻ có quyền lực của thế gian, nhưng đứng về phía người bé mọn, nhân danh sự tự do của mình, không thoả hiệp, nhưng lên tiếng trước các thế lực bóc lột khai thác con người. Bởi vì Giáo Hội cũng luôn bị bách hại vì muốn sống triệt để Tin Mừng (Mt 10:16, 18,19, 20), và bị ngược đãi bởi những thế lực đối nghịch với Tin Mừng Thập Giá (Pl 3:18). Nhưng thiết nghĩ, lời rao giảng về Thập Giá lại cho chúng ta thấy chính trong sự nghèo khó, yếu đuối và bóng tối khổ đau của thế giới mà Giáo Hội tìm gặp Thiên Chúa cũng như chân tính của mình.
Như vậy, khi loan báo Tin Mừng dưới dấu chỉ Thập Giá, Giáo Hội đồng hành với con người trong mọi trạng huống, dâng lên Thiên Chúa những lời van xin đầy nước mắt của những cuộc đời không được nhìn nhận hay bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống giữa một thế giới còn hằn sâu bóng tối của sự chết và lòng ích kỷ. Có thể, như Đấng bị “đóng đinh”, Giáo Hội bị “bó tay”, chẳng làm được gì đi nữa, chỉ biết tin mà không thấy, chiến đấu trong niềm hy vọng, nhưng không đạt được kết quả trước mắt. Trong tình cảnh như thế, dựa vào khía cạnh “khôn ngoan và điên dại” của Thập Giá Đức Kitô, có thể chính những bàn tay bị “đâm thủng”, trái tim bị “đâm thâu”, hay con người bị “giương lên trên Thập Giá” lại có thể rao giảng Tin Mừng chân thực hơn, có sức mạnh “lôi kéo mọi người” hơn, vì chẳng còn điều gì “khả tín” khác ngoài Tình Yêu và Thiên Chúa. Phải chăng có một cách thức rao giảng, tuy cổ xưa, nhưng vẫn còn hữu hiệu, đó là tình yêu: “nhẫn nhục, hiền hậu…không tự đắc…nhưng vui khi thấy điều chân thật…tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13:4-7). Và như vậy, chỉ có tình yêu mới đáng tin. Đây cũng là quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là Bộ trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, về truyền bá Phúc Âm với cách thức mới:“Đức Giêsu đã không cứu độ thế giới bằng những lời có cánh, nhưng bằng chính cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Cuộc khổ nạn mang cho Lời của Người sức mạnh. Lời được gieo vào lòng đất phải chết đi mới trổ sinh bông hạt, đó là điều căn bản cho Tân Phúc Âm hóa”.[vi] Ở đây, chúng ta có thể thấy cuộc đời rao giảng của Phaolô là một chứng từ rất đáng suy nghĩ, vì sự thành công trong sứ vụ của người không phải nhờ vào tài hùng biện hay khả năng mục vụ khôn khéo; nhưng những hoa trái đó gắn liền với những đau khổ, trong sự liên đới với cuộc khổ nạn của Đức Kitô (1Cr 2:1-5; 2Cr 11:30; Gl 4:12-14). Nghịch lý thay, biết đâu chính những tình huống khó khăn, đầy thách đố, nơi có sự chống đối Tin Mừng và ngược đãi với người rao giảng lại là mảnh đất chờ đợi Tin Mừng được rao giảng cách mới mẻ, sẽ đâm rễ sâu và trổ sinh nhiều hoa trái. Qua bao thế kỷ, lời của Giáo Phụ Tertulianô vẫn còn hữu lý và đáng trân quý: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra người Kitô hữu”. Như vậy truyền bá Phúc Âm có nghĩa là dự phần vào số phận của người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa.
Thế nhưng, tiếp theo lời rao giảng về cuộc khổ nạn của đức Kitô là lời loan báo mà thế giới không thể ngờ được:“Con Người sẽ sống lại” (Mc 8:31;9:31; Mt 16:21; Lc 9:22). Nếu cái chết là tiếng nói cuối cùng của lịch sử Đức Giêsu Kitô, thì quả thật không còn gì để rao giảng. Mọi nỗ lực tiếp nối Người công trình cứu độ và hiệp nhất muôn người, nói cho cùng đều vô vọng, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Phục Sinh cho thấy ý nghĩa cứu độ và vinh quang của Thập Giá. Như câu nói mạnh bạo của Phaolô:“Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi là trống rỗng, và cả đức tin cũng trống rỗng” (1 Cr 15:14-15). Vì vậy, lời rao giảng của Giáo Hội luôn duy trì cùng một lúc ngôn từ của Thập Giá và sứ điệp Phục Sinh. Đây có thể nói là trương lực tạo nên sức năng động của niềm tin Kitô giáo. Chính Thập Giá là mạc khải về một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 3:16; 13:1), mãnh liệt nhất, “mạnh mẽ hơn cả tử thần” (Dc 8:6), và như thế nói lên chiến thắng quyết định, trọn vẹn của quyền lực Sự Sống trên Sự Chết. Đó là lý do khiến Phaolô đã lấy mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô làm khởi điểm và tâm điểm cho ý nghĩa của lời rao giảng về Thập Giá:“Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng;bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, để sự sống của Người được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4: 8-10). Đây cũng là hướng nhìn của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội: “Ðang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển”.[vii] Thật vậy, là Thân Mình Vượt Qua của Đức Kitô, Giáo Hội “cùng chịu chết” với Người, ngõ hầu được “cùng Người trỗi dậy” (Rm 6:7) và làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh.
Có thể nói, sự phục sinh vừa là biến cố xảy ra nơi Đức Kitô, đồng thời vừa là biến cố xảy ra nơi các môn đệ, vì chính biến cố đó đã trở nên sứ điệp làm biến đổi tận căn con người và cả cuộc sống của những kẻ tin vào Người. Giáo Hội luôn xác tín rằng những gì Đức Kitô Phục Sinh đã hứa đều nhờ Thần Khí mà được thực hiện nơi Thân Mình của Người. Vì khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, Thiên Chúa “đã đặt tất cả dưới chân Người và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1:22-23). Trong viễn tượng này, loan báo Tin Mừng Phục Sinh là thông truyền kinh nghiệm sống động về Đức Kitô (1Cr 15). Đó là kinh nghiệm gặp gỡ tiếp xúc với Đấng Phục Sinh đang sống, đang hiện diện và tác động lên hiện tại nơi Thân Mình Giáo Hội. Người “là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1:18). Việc “Phục sinh từ trong cõi chết” như thế, không chỉ dọi ánh sáng vào quá khứ nhưng còn mở ra một thực tại mới mẻ, một tương lai cứu độ cánh chung là hiệp nhất mọi người vào trong một Thân Mình. Các tín hữu sơ khai đã trở thành chứng nhân về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, một gặp gỡ luôn ghi dấu trong đời họ như là gặp được tình yêu và sự sống đích thực. Sự sống và tình yêu mà các tín hữu đã lãnh nhận chính là Thần Khí và ơn tha thứ của Đức Kitô Phục Sinh. Người là Đấng mở đường khai lối, sát nhập họ vào Thân Mình của Người, và làm cho họ được tái sinh, được sống bằng sự sống mới là chính sự sống tròn đầy trong tình yêu hiệp nhất với Người. Vì thế, họ vui mừng chịu đựng mọi thử thách vì Tin Mừng, “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”(Cv 5:41). Không một quyền lực thế gian nào có thể dập tắt được sức sống và niềm vui của tình yêu hiệp nhất đó. Họ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng …Họ đồng tâm nhất trí … với lòng đơn sơ vui vẻ … ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”(Cv 2: 42-47).
Nếu như thế, lời rao giảng của Giáo Hội, được biến cố Phục Sinh bảo đảm, chỉ có thể được diễn tả dưới hình thái “khả tín” như một sứ điệp đem lại niềm vui chứ không phải nỗi buồn, lời của ân sủng chứ không phải tội lỗi, của tình yêu thứ tha chứ không phải đe doạ hận thù, của sự sống chứ không phải sự chết, vì con người luôn vĩ đại hơn những khổ đau trong đời và không nhất thiết phải kết thúc trong bất công khổ sầu. Dù thế nào đi nữa, cách thức rao giảng hữu hiệu nhất vẫn là cách thức của tình yêu, nhất là tình yêu thông hiệp vào sự sống của Đấng đã “hiến dâng” mạng sống mình để mở ra con đường cứu độ, chữa lành và giải thoát nhân loại. Vì là Đấng Phục Sinh, Người không thuộc về quá khứ, nhưng là hiện tại hôm nay, đang sống và hoạt động nơi Thân Mình của Người. Vậy nếu Mầu Nhiệm Vượt Qua là lịch sử của Đức Kitô, thì đó cũng là lịch sử của Giáo Hội dấn thân trên hành trình truyền bá Phúc Âm. Là “Đấng Sáng Lập,” là vị “Thủ Lãnh”, “Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3:15), Đức Kitô đã tự hiến chính mình cho các chi thể được sống và trở nên Thân Mình biết hiến dâng tình yêu và sự sống cho mọi người. Và điều này đem lại nhiều hệ quả quan trọng cho sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay: vui mừng và hy vọng.
Một Cộng Đồng Cánh Chung loan báo Lễ Hội Nước Thiên Chúa
Một hình ảnh thích hợp nữa được sử dụng để diễn tả tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và Giáo Hội, giữa “Đầu” với các chi thể là hình ảnh hôn ước (Ep 5:22-23). Chính Đức Kitô cũng đã tự ví mình như “Chàng Rể” (Mc 2:19; Mt 22:1-14; 25:1-13). Và Thánh Phaolô trình bày Giáo Hội, mỗi thành phần của Thân Mình, như là “Hiền Thê” được kết hôn với Đức Kitô, trở nên một Thần Khí với Người. Là Hiền Thê, Giáo Hội cũng là “Tân Nương” tinh tuyền của “Con Chiên vẹn tuyền” (Kh 19:7; 21:2-9; 2217-21; Ep 1:4; 5:27), được Người trang điểm lộng lẫy, yêu thương và hiến dâng mạng sống để “thánh hoá và thanh tẩy” (Ep 5:26) bằng một giao ước bền vững đến muôn đời (Ep 5:29). Chính vì thế, Đức Kitô là nguồn vui của Giáo Hội, là Phu Quân, Đấng mà Giáo Hội chờ mong trong niềm hy vọng cánh chung: “Thần Khí và Tân Nương nói: Xin hãy ngự đến”. Và Đấng làm chứng cho những điều đó phán rằng: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22:17, 20). Như vậy, Giáo Hội là một Cộng Đồng cánh chung cho thấy trước Lễ Hội Nước Thiên Chúa.
Trước hết, sứ mạng của Giáo Hội là loan báo Nước Thiên Chúa đã khởi đầu nơi chính bản thân, cuộc đời, và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, như một thực tại đang triển nở giữa lòng thế giới. Qua cái chết và sự Phục Sinh của Người, ơn cứu độ trở thành “hiện tại” cho Giáo Hội sống trong thời gian xen kẽ những gì đã được thực hiện và những gì sẽ được hoàn tất vào ngày Người ngự đến. Đó là “Ngày của Chúa”, ngày Lễ Hội cánh chung, không phải như một thời điểm kết thúc mọi sự, nhưng như một cuộc biến đổi hoàn vũ, mang đến ý nghĩa cho tất cả lịch sử nhân loại. Hiến Chế về Giáo Hội đã khẳng định:“Như thế thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi vậy (1Cor 10,11). Việc canh tân thế giới được thiết lập một cách bất khả phục hồi và thực sự đã bắt đầu một cách nào đó ngay từ bây giờ vì Giáo Hội đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn toàn. Dù vậy, cho tới khi có trời mới và đất mới, nơi công lý ngự trị (2P 3,13), Giáo Hội lữ hành mang khuôn mặt chóng qua của đời này, qua các bí tích và định chế là những điều thuộc thời đại này. Và Giáo Hội vẫn sống giữa các thụ sinh tới nay còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh con, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện (Rm 8,19-22)”.viii]
Trong viễn tượng đó, cùng với những cơ cấu và định chế của mình, Giáo Hội là chứng nhân và chứng từ của Nước Thiên Chúa, trở thành con đường của Đức Kitô hiện diện và hoạt động giữa lòng thế giới, để dẫn đưa con người đến với sự sống và sự thật, nhằm giải thoát con người. Bởi vậy, như bí tích cứu độ phổ quát giữa nhân loại và để hoàn thành sứ mạng truyền bá Phúc Âm của mình, Giáo Hội không những phải am hiểu về đức tin Kitô giáo mà còn thực sự nhạy cảm, mở lòng ra với tất cả những gì liên quan đến con người, làm sao để thông truyền đức tin cho con người của thế giới hôm nay. Khi rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội vừa nhìn nhận giá trị tích cực của cuộc sống nhân sinh, vừa nhận ra trách nhiệm của mình đối với trần thế, để kiện toàn những gía trị nhân bản, can đảm tố giác tội ác, những gì ngăn cản hoạt động đổi mới của Thần Khí, và hướng mọi tình huống sống của con người tới cùng đích là Nước Thiên Chúa, như lời của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng:“Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an” Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến”.[ix]
Hơn nữa, Giáo Hội ý thức mình không phải là Nước Thiên Chúa, nhưng là “hạt giống” của Nước Thiên Chúa, là “Nước Thiên Chúa hiện diện trong mầu nhiệm”.[x] Ý thức về chiều kích thời gian của mình, Giáo Hội lữ hành về đất hứa, sẵng sàng trung thành chờ màn đêm qua đi cho ngôi sao cứu độ muôn dân toả chiếu. Là “Hiền Thê” yêu quý của Đức Kitô, Giáo Hội không phải như một bà lão đã đạt tới đích điểm, chỉ bằng lòng với việc lập lại quá khứ hay tiếc nuối, tái khẳng định thuở vàng son, nhưng thực sự như một thiếu nữ trẻ trung còn đang được trang điểm trên đường về quê. Vì thế, Giáo Hội nhận thức được điều kiện “lên đường” và tình trạng “vượt qua” của mình. Với phương châm:“Ecclesia semper reformanda”, Giáo Hội thường xuyên canh tân, thay đổi cách hiện diện, nếp sống, lối suy tư, phương thức hành động, để luôn được thanh tẩy trong Đức Kitô (Ep 4:23). Đó cũng là sự hoán cải trong Giáo Hội, là bước đầu tiên của nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm, dựa theo quan điểm của Đức Bênêđíctô, nghĩa là “chất vấn chính cuộc sống của mình”, là “ra đi khỏi sự tự mãn để khám phá ra và chấp nhận thân phận nghèo nàn của chúng ta trước những thiếu thốn của người khác, và đón nhận từ Đấng khác tình bằng hữu và ơn tha thứ của Người”.[xi] Thế nên, Giáo Hội vừa trung thành với điều đã hoàn tất, vừa không ngừng vươn tới mức thành toàn viên mãn của khuôn mặt Đức Kitô như tương lai cánh chung của mình (Cl 1:19; Eph 3:8). Cũng như trong hướng nhìn của Vatican II, ý thức lịch sử là điều đáng quan tâm: “Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt”.[xii]
Như vậy, đứng trước vấn đề loan báo Tin Mừng cách thức mới, Giáo Hội luôn nhớ đến cứu cánh tương lai, nắm bắt những dấu chỉ thời đại hiện nay của lịch sử, để hướng lòng về sự mới mẻ đang đến. Cùng lúc tâm thức lịch sử bừng dậy đòi buộc Giáo Hội phải có khả năng đối diện với những câu hỏi không ngừng mới mẻ, với những lối suy tư, tiếp cận khác về con người, và chính qua những câu hỏi như thế mà đức tin của Giáo Hội mới có thể được thông truyền cách mới mẻ và sống động. Đó là cơ hội để Giáo Hội đối thoại, đối chất, và nhất là để chứng thực cho niềm tin. Giáo Hội không thể đoan chứng cho Tin Mừng mà không đồng thời lưu tâm đến những vấn nạn, lắng nghe những thao thức của con người trong chính tình huống hôm nay của cuộc sống. Như lời Đức Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Redemptoris Missio:“Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc lan truyền khắp thế giới “các giá trị Phúc Âm”, là biểu hiện Vương Quốc này và là những gì giúp cho con người chấp nhận dự án của Thiên Chúa. Thực tại sơ khởi về Vương Quốc Thiên Chúa thật sự cũng có thể được thấy bên ngoài giới hạn của Giáo Hội, ở các dân tộc khắp nơi, qua việc họ sống “các giá trị Phúc Âm” và cởi mở trước hoạt động của Thần Linh, Đấng thổi lúc nào và ở đâu tuỳ ý Ngài (Ga 3:8).[xiii] Tất nhiên, không một thủ đắc, một thành công hay vinh quang trần thế nào mang mầu sắc khoa trương chiến thắng có thể làm cho Giáo Hội ngây ngất quên đi lý do hiện hữu của mình là mở rộng Nước Thiên Chúa, đồng thời là dọn đường, chuẩn bị cho Ngày Đức Kitô, Đấng Phu Quân của mình ngự đến trong vinh quang.
Sau hết, trong viễn tượng loan báo Lễ Hội Nước Thiên Chúa, Giáo Hội đi sâu trong lịch sử để mang đến niềm hy vọng cho thế giới. Vì mục đích tối hậu của mình, Giáo Hội biết tương đối hóa mọi thành quả vĩ đại của thế giới, những tiến bộ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật mà lại chẳng đi đôi với sự tiến bộ trong lãnh vực đào luyện đạo đức con người. Chính ở đây, Giáo Hội nhận thức được bước theo Đức Kitô rao giảng Tin Mừng là đảm nhận lịch sử, quan tâm đến mọi tình huống và tâm thức con người giữa một thế giới không ngừng chuyển biến, làm sao để phát hiện ra nỗi khát vọng ẩn sâu bên dưới những thái độ, cách ứng xử, và lối sống xem ra vẻ đầy đủ tiện nghi, sung túc, hưởng thụ, buông thả theo những hào nhoáng bên ngoài, thậm chí đến mức ngán ngẩm vô nghĩa. Và hệ quả là con người có nguy cơ mất hướng, chạy trốn chính mình trong những náo động bên ngoài, từ đó dửng dưng với tiếng kêu cứu của người nghèo, vô cảm với những người bất hạnh, bị hất hủi, bị từ chối những nhu cầu cơ bản cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá. Phải chăng, thái độ, lối sống thực dụng, duy lợi nhuận hiện thời theo trào lưu tục hoá như thế, lại để lộ cho thấy tình trạng “chán sống” hay hiện tượng “không biết sống” của nền “văn hoá sự chết”? Có tất cả mà không là gì cả. Biết đâu đây chẳng phải là những hình thái của sự thiếu thốn tâm linh hay mặt trái của sự phủ nhận nhu cầu siêu việt nơi con người? Trước thực trạng đó, loan báo Tin Mừng là đưa ra ánh sáng những nỗi lo âu, những cơn đói khát về ý nghĩa, về thân phận, cũng như về điều tuyệt đối, về một cuộc sống không chỉ sống nguyên nhờ “cơm bánh”. Thật vậy, con người tự thâm sâu vẫn luôn cần một lẽ sống vô biên và tối hậu, thiết thân và bao trùm, như là nền tảng vững chắc cho tất cả cuộc sống của mình.[xiv] Rao giảng Tin Mừng là nhận ra được những dấu chỉ của niềm hy vọng về lẽ sống, về mục đích và cùng đích đời người, ngõ hầu có thể đem đến câu trả lời của đức tin, làm sáng tỏ đức tin như là lời đáp thoả đáng cho những khát vọng căn bản của con người và thời đại. Vấn đề ở đây chính là khả năng rao giảng một cách mới mẻ, đáp ứng lại những nhu cầu tâm linh thực sự của con người, làm sao để chứng tỏ đức tin không làm “tha hoá” bản chất con người, nhưng ngược lại, là Tin Mừng hiện thực nỗi khát vọng tìm kiếm sự triển nở, hoàn thành bản chất của con người và đạt tới sự sống tròn đầy sung mãn (Ga 10:10; 20:31).
Do đó, Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng cánh chung, mang đặc tính vừa “thần linh” vừa “nhân loại”. Giáo Hội nhập thể, nhập cuộc vào thế giới lịch sử, sống hiệp thông như một “Cộng Đồng tín hữu” để cứu độ và hoà giải con người với nhau, đồng thời cũng vượt qua lịch sử thế giới như “Hiền Thê” cánh chung của Đức Kitô, luôn vươn lên tìm kiếm những phúc lộc của Nước Thiên Chúa. Vì “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14:17), niềm hy vọng của Giáo Hội chủ yếu được biện minh trong thực hành, trong sự dấn thân cách trung thực vào những hoạt động cứu độ thế giới, nhằm giải thoát con người khỏi những gì chỉ là giả tạo của trần thế, những ngẫu tượng mới và vong thân văn hóa. Giáo Hội tích cực tham dự vào lịch sử để giới thiệu giá trị cứu độ và ban sự sống của Tin Mừng trong những bối cảnh của văn hoá, kinh tế và xã hội khác nhau. Tuy nhiên, nhân danh những thực tại tối hậu của mình, Giáo Hội không đồng hoá với bất cứ một ý thức hệ, một đảng phái chính trị, một hệ thống kinh tế nào. Giáo Hội là lương tâm phê phán lịch sử, vừa rao giảng cho nhân loại về nguồn gốc và cứu cánh của mình, vừa sẵn sàng cộng tác với mọi người nhằm thăng tiến phẩm giá của con người và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Như được “kết hôn” với Đức Kitô, Giáo Hội hướng lòng về trời cao, chờ mong Lễ Hội Nước Thiên Chúa, nhưng không lạc mất lối về cuộc đời, bởi vì Giáo Hội mang lấy những hy vọng của nhân loại, đồng thời xác nhận những hy vọng đó dựa vào ánh sáng của Tin Mừng. Nỗ lực rao giảng của Giáo Hội ở đây là làm sao cho thấy niềm hy vọng Kitô giáo có thể mở cho con người cơ hội hiểu biết hơn ý nghĩa về cuộc sống, nhất là về một cuộc sống mà cả sự chết cũng không làm gì được, để có thể sống đúng với phẩm giá đích thực của mình. Nói theo hướng nhìn của Vatican II, cũng như quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI, niềm tin vào Thiên Chúa và niềm hy vọng vào đời sống vĩnh hằng không “làm cho cuộc sống trần gian này ra vô nghĩa. Nhưng ngược lại, chỉ khi mà chiều kích của đời sống là vô tận, thì cuộc sống của chúng ta trên trần gian này mới tuyệt vời và vô giá. Thiên Chúa không phải là đối thủ, nhưng là Đấng bảo đảm tuyệt vời cho sự sống của chúng ta. Như thế chúng ta trở lại điểm xuất phát đó là chính Thiên Chúa”, và thực ra, “sứ điệp Kitô giáo rất đơn giản: chúng ta nói về Thiên Chúa và con người, và bằng cách này chúng ta nói về tất cả mọi sự”.[xv] Trong ý nghĩa đó, niềm hy vọng siêu việt của Giáo Hội, có thể nói, là làm sống lại những niềm hy vọng tự nhiên của con người, nhất là của những người cùng khốn, những ai đang là tù nhân của tội lỗi, sự dữ, sự ác, và cả sự chết. Lý chứng về Nước Thiên Chúa, tuy có làm cho Giáo Hội trở thành lữ khách, nhưng không phải là một viễn mơ xa rời thực tế, mà là một động lực thúc đẩy bổn phận đồng hành và phục vụ thế giới, góp phần thực hiện khát vọng hướng tới cuộc sống bình an và hạnh phúc, như thế cũng là chuẩn bị cho vinh quang của Nước Thiên Chúa, vinh phúc cho con người mà Thiên Chúa hứa ban.
Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS
(Còn tiếp)
[i] Lumen Gentium, 7. Cf. GLCG, số 793.
[ii] Kinh Nguyện Thánh Thể IV.
[iii] Sacrosanctum Concilium, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 5.
[iv] GLGHCG, số 795
[v] Quan Điểm của Hồng Y Joseph Ratzinger về Tân Phúc Âm Hóa, Hoàng Vinh trích dịch, (Nội San Trung Tâm Học Vấn Đaminh), tr. 41.
[vi] Quan Điểm của Hồng Y Joseph Ratzinger về Tân Phúc Âm Hóa, tr. 38.
[vii] Lumen Gentium, 7.
[viii] Lumen Gentium, 48.
[ix] Gaudium et Spes, 39.
[x] Lumen Gentium, 3.
[xi] Quan Điểm của Hồng Y Joseph Ratzinger về Tân Phúc Âm Hóa, 39.
[xii] Lumen Gentium, 39.
[xiii] Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, số 20.
[xiv] Gaudium et Spes, 18.
[xv] Quan Điểm của Hồng Y Joseph Ratzinger về Tân Phúc Âm Hóa, 42.