MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ VỀ CHẦU THÁNH THỂ

 

Nguyên tác: A historical look at Eucharistic Adoration (Bài viết trên trang Corpus Christi Catholic Church)

Tác giả: Matt Henry.

          Chầu Thánh Thể đã được hình thành từ những thời thế kỷ đầu tiên trong lịch sử. Vào thế kỷ thứ III, các vị tu sỹ ẩn tu đầu tiên đã lưu giữ Thánh Thể trong hang tu của mình. Mục đích tức thời của việc lưu trữ này là để các vị ẩn sĩ tự rước lễ một mình. Vì những vị ẩn sĩ này chưa nhận thức đầy đủ về Sự Hiện Diện Đích Thực là gì nên chưa thể hiện sự tôn kính đúng mức đối với Thánh Thể.

          Ngay từ Công đồng Nixêa (325), chúng ta biết được rằng Thánh Thể đã bắt đầu được lưu trữ trong các thánh đường của các đan viện và tu viện. Yếu tố thánh liêng của Thánh Thể đã được ghi nhận và nơi lưu trữ được đặt tách biệt với “cách thức sử dụng thế tục”. Một trong những tài liệu không thể nhầm lẫn đầu tiên trình bày về việc lưu trữ Mình Thánh được tìm thấy trong cuộc đời của thánh Basiliô (†379). Người ta truyền rằng thánh Basiliô đã chia Bánh Thánh thành ba phần khi ngài cử hành Thánh lễ trong đan viện. Phần thứ nhất ngài dùng để hiệp lễ, phần thứ hai ngài cho các đan sĩ rước lễ, và phần thứ ba ngài đặt trong một con chim bồ câu bằng vàng treo lơ lửng trên bàn thờ.

          Đến cuối thế kỷ thứ XI, chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới trong lịch sử Chầu Thánh Thể. Cho đến lúc này, Sự Hiện Diện Đích Thực đã được chấp nhận rộng rãi trong niềm tin Công giáo và sự lưu trữ Thánh Thể là một việc thực hành phổ biến trong các nhà thờ Công giáo. Đột nhiên, có một cuộc cách mạng đã tấn công Hội thánh, khi Đức Cha Berengarius (999-1088), Tổng Giám mục của giáo phận Angers ở Pháp, công khai phủ nhận rằng Đức Ki-tô hiện diện đích thực dưới hình bánh và rượu. Những người khác cũng đã lên ý tưởng và bắt đầu viết về Chúa Giê-su Thánh Thể như “Đức Ki-tô không thực sự” hay “không thực sự hiện diện”. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII đã yêu cầu Đức Cha Berengarius rút lại lời nhận định này:

Tôi tin vào con tim của mình và công khai tuyên bố rằng bánh và rượu đặt trên bàn thờ, nhờ mầu nhiệm của kinh nguyện thánh liêng và những lời của Đấng Cứu Độ, đã biến đổi thành thịt và máu thật của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và sau khi truyền phép, có sự hiện diện thân mình Đức Ki-tô thật sự đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ và hiến mình để cứu độ thế gian, chịu treo trên thập giá và bây giờ đang ngự bên hữu Chúa Cha, và ở đó có sự hiện diện máu thật của Đức Ki-tô chảy ra từ thân thể Ngài. Thịt và máu hiện diện không chỉ bằng dấu chỉ và hiệu quả của Bí tích, mà còn hiện diện đích thân và đích thực bản tính và bản thể của Đức Ki-tô.

          Kể từ đó bắt đầu “Thời kỳ Phục Hưng Thánh Thể” của Hội Thánh. Từ thế kỷ thứ XI trở đi, việc sùng kính Thánh Thể được lưu trữ trong nhà tạm ngày càng trở nên phổ biến trong Hội thánh Công giáo trên toàn thế giới. Thánh Phanxicô Assisi, không chịu chức linh mục, có lòng sùng kính cá nhân lớn lao đối với Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Lời khuyên răn đầu tiên của ngài về Bí tích Thánh Thể không thể chính xác hơn:

Kinh thánh nói với chúng ta rằng Chúa Cha ngự trong “ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16) và “Thiên Chúa là thần khí” (Ga 4,24). Thánh Gioan đã thêm rằng “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18). Bởi vì Thiên Chúa là thần khí nên Ngài chỉ có thể được nhìn thấy trong thần khí: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Nhưng Chúa Con có địa vị ngang hàng với Chúa Cha và vì thế, Ngài cũng chỉ có thể được nhìn thấy trong cách thức tương tự với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao những ai chỉ nhìn thấy Đức Giê-su Ki-tô của chúng ta trong nhân tính của Ngài, mà không nhìn thấy hoặc tin vào thần khí trong thần tính của Ngài, Đấng là Con Thiên Chúa thật sự đã bị kết án. Bây giờ cũng thế, tất cả những ai chỉ nhìn thấy Bí tích của Thân thể Đức Ki-tô được thánh hiến trên bàn thờ dưới hình bánh và rượu bởi những lời của Chúa chúng ta qua bàn tay của Linh mục, mà không nhìn thấy hoặc tin vào thần khí và vào Thiên Chúa rằng đây thực sự là Mình và Máu thánh thiêng nhất của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta thì cũng sẽ bị kết án như thế.

          Hình thức chầu lượt đầu tiên: Sau chiến thắng quân Albigenses, Vua Louis VII của Pháp đã yêu cầu Đức Giám mục Avignon cho phép Thánh Thể được trưng bày trong nhà nguyện Thánh Giá (14 tháng 9 năm 1226). Những người yêu mến Thánh Thể đông đảo đến nỗi Đức Giám mục đã phải quyết định chầu Thánh Thể cả ngày và đêm. Điều này sau đó đã được Tòa Thánh phê chuẩn. Chầu lượt đã bị gián đoạn cho đến năm 1792 trong suốt cuộc cách mạng Pháp. Chầu lượt đã được tiếp nối vào năm 1829. Điều đáng lưu ý là thành tựu đáng kinh ngạc này trong nhiều thế kỷ của sự gắn kết liên tục với Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể không phải là một trách vụ, mà là kết quả thực tế của đức tin trong cộng đoàn và niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể.

          Đức Giáo hoàng Urbanô IV đã lập ra Lễ Mình Máu Chúa Ki-tô vào thế kỷ XIII. Khi thiết lập lễ này, Đức Giáo hoàng đã nhấn mạnh tình yêu của Đức Ki-tô, Đấng vẫn muốn ở lại với nhân loại cho đến tận thế:

Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô ở lại với chúng ta trong bản thể của Ngài. Vì khi nói với các Tông đồ trong lúc Ngài thăng thiên, Ngài đã khẳng định rằng: “Này đây, Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”, và họ đã được an ủi với lời hứa chân thành rằng Ngài sẽ ở lại và ở bên cạnh họ với sự hiện diện thân thể của Ngài. (11 tháng 8 năm 1264)

          Đức Giáo hoàng Urbanô IV đã ủy nhiệm cho thánh Tôma Aquinô biên soạn Giờ Kinh Phụng vụ cho ngày lễ này, và từ kể đó chúng ta có được những bài thánh ca chầu: O Salutaris Hostia, Tantum Ergo Sacramentum và Panis Angelicus. Thánh Tôma Aquinô đã nhận ra rằng nếu không có Sự Hiện Diện Đích Thực thì sẽ không có sự hiến tế thực sự cũng như sự hiệp lễ thực sự. Thánh Tôma cho rằng Thiên Chúa đã làm người nên Ngài có thể tự hiến thân mình trên đồi Calvê và tiếp tục hiến mình trong Thánh lễ. Ngài đã làm người nên Ngài có thể trao ban chính mình Ngài cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly và tiếp tục trao ban chính mình cho chúng ta trong Hiệp Lễ.

          Đến thế kỷ XVI, mọi khía cạnh của niềm tin Công giáo vào Bí tích Thánh Thể đã bị những Nhóm cải cách thách thức. Công đồng Trentô đã xử lý vấn đề này một cách triệt để.

          Công đồng Trentô tuyên bố rằng: “Con độc nhất của Thiên Chúa sẽ được tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể với việc thờ phượng latria (việc thờ phượng tối cao chỉ được phép dành cho một mình Thiên Chúa), kể cả việc thờ phượng biểu lộ ra bên ngoài. Vì thế, Bí tích được tôn thờ với các lễ hội đặc biệt (và) được tổ chức long trọng từ nơi này đến nơi khác trong các cuộc rước kèm theo nghi thức phổ biến đáng khen ngợi và phong tục của Hội thánh. Thánh Thể sẽ được trưng bày công khai cho mọi người tôn thờ.” Được chấp thuận bởi Giáo hoàng Giuliô III (ngày 11 tháng 10 năm 1551), những tuyên bố đồng tình này đã trở thành nền tảng cho sự tiến bộ về giáo điều và lòng đạo đức kể từ đó.

          Sự tôn thờ 24 giờ: Trước khi kết thúc thế kỷ XVI, Đức Giáo hoàng Clêmentê VIII đã ban hành một tài liệu lịch sử về những gì được gọi là Quarant ‘Ore (24 giờ) của Ý vào năm 1592. Sự tôn thờ bao gồm 24 giờ cầu nguyện liên tục trước Thánh Thể được trưng bày.

Chúng tôi đã quyết định thiết lập công khai tại Thành phố Mẹ của Rôma này một chương trình cầu nguyện không bị gián đoạn theo một cách thức đầy khôn ngoan trong các nhà thờ khác nhau [Ngài chỉ rõ các nhà thờ] vào những ngày được chỉ định, sẽ tổ chức sự tôn thờ 24 giờ một cách trang nghiêm sốt sắng; với sự sắp xếp thời gian và địa điểm trong các nhà thờ, vào mỗi giờ vào ban ngày và ban đêm, khói hương của việc cầu nguyện sẽ dâng lên không ngừng trước tôn nhan Chúa. (Bí tích Thánh Thể)

          Bộ giáo luật năm 1917 (Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XV) đã đề nghị tất cả các nhà thờ nên cử hành việc trưng bày Thánh Thể cách long trọng ít nhất một năm một lần.

          Đức Giáo hoàng Piô XI đã liên kết việc thờ phượng Đức Giê-su trong Bí tích Thánh Thể với sự đền tạ tội lỗi. Một trong số những cách thức để đền tạ cho Thánh Tâm Chúa Giê-su, Đức Giáo hoàng kêu gọi các tín hữu hãy “ăn năn thống hối và cầu nguyện kéo dài trong suốt một giờ, được gọi là “Giờ Thánh” (Thông điệp Miserentissimus Redeemor, ngày 8 tháng 5 năm 1928). Điều này được hiểu rằng Giờ Thánh được cử hành trước Thánh Thể.

          Bằng việc xây dựng nền tảng trên giáo huấn của các bậc tiền nhiệm, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trở nên Đức Giáo hoàng của Sự Hiện Diện Đích Thực. Trong một tài liệu và các thư khác sau này, ngài đã lặp lại những gì cần lặp lại vì mục đích nhấn mạnh: “Bí tích Thánh Thể, trong Thánh lễ và bên ngoài Thánh lễ, là Mình và Máu của Chúa Giê-su Ki-tô, xứng đáng với việc tôn thờ dành cho Thiên Chúa hằng sống và chỉ một mình Ngài.” (Thư mở rộng tại Ireland, Công viên Phoenix, ngày 29 tháng 9 năm 1979)

          Chủ đề cơ bản của giáo huấn Thánh Thể của Hội Thánh là một thực tế về “sự hiện diện an ủi của Đức Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể. Sự Hiện Diện Đích Thực của Ngài theo nghĩa đầy đủ nhất, sự hiện diện bản thể với toàn bộ và toàn thể Đức Ki-tô, thiên tính và nhân tính đều hiện diện.” (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngày 29 tháng 9 năm 1979)

          Một khi thực tại đức tin này được công nhận, thì không khó để nhận thấy tại sao cầu nguyện trước Thánh Thể lại hiệu quả đến vậy. Điều này giải thích tại sao người Công giáo dễ dàng nhận biết Sự Hiện Diện Đích Thực như là Bí tích Cao Trọng. Đó là một Bí tích, hay đúng hơn, một Bí tích không chỉ trao ban ân sủng mà còn chứa đựng chính nguồn ân sủng, cụ thể là Đức Giê-su Ki-tô.

Antôn Phạm Tôn Trạng, S.S.S.

chuyển ngữ