Bài giảng sau cùng của Chúa Giêsu mặc khải một tình yêu thâm sâu, thân mật của Người với Chúa Cha, và báo trước sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần. Qua lời của Người, chúng ta đi đến việc biết được mầu nhiệm cao cả về Chúa Ba Ngôi, và cũng được mời gọi tham dự vào sự sống và tình yêu của Ngài.
Để hiểu về thần học Ba Ngôi quả là một điều khó khăn và thông thường được đúc kết trong câu chuyện giữa thánh Augustine và cậu bé ở bãi biển. Trong lúc đang đi dọc bãi biển sau một ngày dài vật lộn vất vả với mầu nhiệm Ba Ngôi, thánh Augustine thấy một cậu bé đang chơi ở bãi biển, và đang cố gắng dùng vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái lỗ trên cát. Thấy cảnh tượng thú vị này, thánh nhân bước tới và nói cách nhỏ nhẹ với cậu bé rằng đây là một việc quá khó. Cậu bé đáp lại: “Tôi làm việc này còn dễ hơn điều mà ông đang nghĩ trong đầu!”
Nhiều thế kỷ sau, các nhà giảng thuyết vẫn cố gắng khoả lấp mầu nhiệm này trong những bài giảng hoặc những bài giảng thuyết. Họ thường nêu lên cách suồng sã những lời giải thích kiểu như: “Sự đồng hành của nhóm hai chứ không phải của nhóm ba trong một Thiên Chúa!” hoặc “Phải chăng Chúa Thánh Thần có một chút ganh tỵ về một điều gì đó đang diễn ra giữa Chúa Cha và Chúa Con?”.
Giống như đứa trẻ trong câu chuyện. Những nhà thần học đương thời cảnh báo về cái có thể được gọi là vũng cát lầy về thần học Ba Ngôi. Elizabeth Johnson, Gerald O’Collins, Catherine LaCugna, và Walter Kasper – cùng một vài cái tên khác – lên tiếng về sự nguy hiểm ngấm ngầm trong việc nói về ba ngôi vị trong một Thiên Chúa. Nó không có nghĩa là ba cá thể riêng biệt. Đúng hơn, đó là một cố gắng trong việc diễn tả một mối tương quan tình yêu.
Tình Yêu – Mối Tương Quan Mật Thiết
Nếu chúng ta nhìn một cách chi tiết hơn ở các chương 14–17 trong Tin Mừng Gioan – đôi lúc được gọi là Bài giảng Sau cùng trong bữa tiệc ly – chúng ta có thể thấy vài nét về mối tương quan này. Đây không phải là bản luận văn thần học về Ba Ngôi, nhưng là nơi Đức Giêsu toả chiếu mối tương quan của Người với Chúa Cha, và lời cầu xin của Người đến Chúa Cha để gửi Đấng Bảo trợ đến, Chúa Thánh Thần, để giúp các môn đệ và ở với họ luôn mãi (Ga 14: 16,26).
Bài giảng sau cùng nói về một điều mà thông thường được giải thích như là sự cư ngụ – indwelling: Chúa Thánh Thần sẽ ở với các môn đệ (14:17) và Người Con sẽ ở trong họ (14:20), cũng như Chúa Cha sẽ ở với họ (14:23). Nhưng họ cũng phải ở lại trong Người như cành nho gắn liền với thân nho (15:4-7).
Tất nhiên, điều này không phải là nói về phương diện thể lý; đúng hơn, đó là sự cư ngụ thần linh, điều mà những thuật ngữ ngày nay thường gọi là sự mật thiết, sự mật thiết giao hoà: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (14:23). Đây là lời nói ở mức độ rất thâm sâu, Đức Giêsu nói rằng những điều Người biết về Chúa Cha là một sự thông hiệp mật thiết, và bởi mối tương quan mật thiết của Người với các môn đệ mà họ cũng cần phải được nhận biết về điều này (14:7). Vả lại, Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục hướng dẫn các môn đệ, vì Chúa Thánh Thần sẽ “dạy các con mọi điều và làm cho các con nhớ lại các điều Thầy đã nói với các con” (14:26). Vì thế, sau đó Đức Giêsu đã đến ở giữa họ và họ sẽ không bị bỏ rơi (14:18) và họ sẽ còn làm những việc vĩ đại hơn những điều Người đã từng làm (14:12). Khi Đức Giêsu tỏ lộ chính mình thì sự hiện diện của Người và Chúa Cha ở nơi các môn đệ, và theo cách khác, sẽ thực sự sâu sắc hơn khi Người ở trên trần gian bởi món quà là Chúa Thánh Thần được gửi đến như là Đấng Bảo Trợ từ Chúa Cha và Đức Giêsu.
Theo giáo sư kinh thánh Francis Monoley, SDB, Chúa Thánh Thần “là sự hiện diện liên tục về mặc khải Thiên Chúa cho những người yêu mến Đức Giêsu…Sự khởi đầu thông qua cái chết của Đức Giêsu dẫn đến một kinh nghiệm sống duy nhất. Sự sống này bắt nguồn từ việc tham dự vào sự tồn tại duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, sự hiện hữu của một tình yêu mật thiết giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, qua Người và trong Người mà mặc khải về Thiên Chúa được tiếp tục” (The Gospel of John, Sacra Pagina Series, Daniel Harrington, SJ, editor, Collegeville, MN, Liturgical Press, 1998, 402, 404).
Trong Tin Mừng Gioan, với tư cách là Đấng Bảo Trợ, Chúa Thánh Thần như là sự trở lại với các môn đệ của Đức Giêsu, để dạy họ những điều họ cần được biết. Nhưng cũng có một điều gì đó mang tính cách rất mầu nhiệm ở đây, vì Chúa Cha gửi Đấng Bảo trợ đến nhân danh Đức Giêsu và qua lời khẩn khoản của Người (14:26). Tất cả những điều này hướng về mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần và tất cả chúng ta, mối tương quan mang một ý nghĩa không thể diễn tả qua những thuật ngữ thần học.
Ở phần mở đầu của chương 15, chủ đề về mối tương quan mật thiết được tiếp diễn trong đoạn nổi tiếng về cây nho và cành nho. Sự mật thiết giữa Đức Giêsu và các môn đệ được xem như là phương cách sống, tồn tại cùng với nhau, điều này mang lại hoa trái thông qua việc họ tuân theo điều răn yêu thương mới của Đức Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (15:9-10). Đây là sự biểu lộ khác về mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần với các môn đệ.
Băng cách đạt đến sự thấu hiểu về tất cả những điều Đức Giêsu đã mặc khải và tuân theo điều răn của Người “yêu mến người khác như chính Thầy đã yêu mến anh em”, mà các môn đệ đã trở nên bạn hữu của Người (15:12-15). Thế nhưng, những người theo Đức Giêsu, gồm cả chúng ta, không phải tự hình dung ra tất cả những điều này vì Chúa Thánh Thần của sự thật sẽ hướng dẫn chúng ta đến với sự thật (16:13).
Raymond Brown, trong phần chú giải về đoạn này của ông, ông đã dùng từ truyền thống là “Paraclete” để nói về Chúa Thánh Thần như là Đấng Bảo Trợ: “Điều này hoàn toàn đúng bởi vì các Kitô hữu sẽ có kinh nghiệm về Đức Giêsu ở việc cư ngụ bên trong của Chúa Thánh Thần (Paraclete), họ cũng sẽ ở gần Chúa Cha là Đấng làm một với Đức Giêsu… Có được điều này là bởi vì Chúa Thánh Thần (Paraclete) đến từ Chúa Cha và sinh ra các môn đệ như là những người con riêng của Ngài, do đó những điều họ biết về Chúa Cha cũng là lẽ tự nhiên” (The Gospel According to John, volume II, Anchor Bible Series, Gaden City, Doubleday & Co., 1970,733).
Mặc dù tất cả sẽ không ngọt ngào và tươi sáng, Đức Giêsu chỉ ra rằng những ai đi theo Người sẽ bị chống đối trên trần gian, giống như Người đã từng (15:18-16:11). Những ai đi theo Người sẽ phải đón nhận sự thù ghét và thậm chí bị loại trừ. Những đoạn văn này như là sự chỉ dẫn cho những nhà hoạt động xã hội công giáo, một gợi ý rằng nếu họ không làm cho kẻ thù thì họ không theo Đức Giêsu một cách thực sự. Người hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho họ sức mạnh bên trong khi họ chiến đấu với thế quyền và thần quyền. Sự sống trong mối tương quan mật thiết với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần sẽ đòi hỏi một cuộc sống phải thể hiện được điều răn yêu thương cho dù có phải đi đến sự tuẫn đạo.
Chương 17 đôi lúc được xem như là lời cầu nguyện mang tính cách tư tế của Đức Giêsu, vì tư tế là trung gian giữa con người với Thiên Chúa, và trong lời cầu nguyện này Đức Giêsu đã cầu nguyện đến Chúa Cha thay mặt cho những kẻ theo Người. Người cầu nguyện rằng những kẻ đón nhận Người có thể trở nên một như Người và Chúa Cha là một (17:11). Họ sẽ được bảo vệ khỏi quỷ dữ và sẽ được thánh hiến trong sự thật (17:15-17).
Nhìn vào viễn cảnh tương lai, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu không chỉ cầu nguyện cho các môn đệ, nhưng còn cầu nguyện cho những ai sẽ trở nên môn đệ của Người, cũng như ngày càng có nhiều người tin vào Đức Giêsu hơn. Người muốn rằng tất cả họ sẽ trở nên một, như Người và Chúa Cha là một trong vinh quang duy nhất (17:21-22). Tương tự như vậy, thế giới sẽ đi đến việc nhận biết rằng Chúa Cha yêu thương họ như Ngài yêu thương Người Con (17:23).
Mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần và chúng ta sâu sắc đến nỗi không thể diễn tả bằng lời. Học giả kinh thánh người Đức Rudolph Schnackenburg đã diễn tả điều này như sau: “Thông qua Đức Giêsu, Đấng là một với Chúa Cha, các môn đệ được kể như là một với Thiên Chúa và trong sự hiệp thông với Ngài… Bởi Đức Giêsu hiện hữu nơi các môn đệ và Chúa Cha hiện hữu nơi Đức Giêsu, cộng đoàn các môn đệ được tuôn đổ đầy tràn sự hiện hữu của Thiên Chúa cách trọn vẹn và trong cùng cách thức được liên kết chặt chẽ với nhau… Điều này tạo nên sự hợp nhất hoàn hảo, và trong cùng một thời điểm có thể được xem như tạo nên một mầu nhiệm hợp nhất thiêng liêng cách rõ ràng trong tình huynh đệ. Chính điều này sẽ làm cho thế giới nhận biết rằng Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến” (Gospel According to Saint John, Volume 3, Ch. 13-21, Herder’s Theological Commentary on the New Testament, New York, Crossroad Publishing Co., Inc., 1982,192-193).
Một số nhà thần học chỉ ra rằng vì quá nhấn mạnh đến mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con mà tác giả Tin Mừng Gioan đã bỏ quên Chúa Thánh Thần. Nhưng những nhà thần học Thời Trung cổ đã nhìn thấy Chúa Thánh Thần rất rõ trong câu 26, khi Đức Giêsu cầu nguyện rằng “để tình Cha đã yêu thương Con được ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa”. Như thế, mối tương quan tình yêu hợp nhất Chúa Cha với Chúa Con không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần, cũng thế, mối dây ràng buộc tình yêu để hợp nhất các Kitô hữu với Thiên Chúa và với những người khác không gì khác hơn là Chúa Thánh Thần.
Các nhà thần học ngày nay nhấn mạnh hơn nữa về học thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi, họ cho rằng Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là ba kiểu riêng biệt đặc thù, nhưng là về tình yêu và mối tương quan. Elizabeth Johnson nhắc chúng ta nhớ rằng “những bộ óc vĩ đại của các tác giả thần học đã nhận ra chất thơ, sự bóng gió và cuối cùng là sự nghèo nàn tự nhiên của thuật ngữ “ngôi vị” khi nói về mầu nhiệm Ba Ngôi. Paul Tillich từ chối không dùng từ “ngôi vị” khi nói về Ba Ngôi nhưng ông nhấn mạnh về Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là danh xưng.
Mối Tương Quan Trong Hoạt Động
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoạt động cách liên lỉ, với Chúa Cha hằng hữu trong Chúa Con và chúng ta, sao cho khi đến lượt chúng ta có thể “tỏ lộ” tình yêu Thiên Chúa, và với Chúa Con đã được sai đến trước Chúa Thánh Thần để ban cho chúng ta khôn ngoan và can đảm. Nhà thần học Anthony Godzieba nói rằng: “Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm căn bản, mang tính động thái hơn là tính chủ thể, một sự tinh ròng trong việc trao ban và đón nhận nơi một cộng đoàn nội tại tương liên (perichoretic) vĩnh hằng, nơi mà chúng ta được mời gọi tham dự”. Trong tiếng Hy Lạp cổ, perichoreti có nghĩa là nhảy múa xung quanh một vòng tròn.
Một từ chỉ hành động khác bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Kenosis. Từ này được dùng đầu tiên bởi Thánh Phaolô, ngài dùng để miêu tả Đức Kitô đã tự hủy tận căn thiên tính của Ngài bằng cách chết trên thập giá (Pl 2:5). Bây giờ, nó trở nên thông dụng hơn bởi các nhà thần học như Raimon Panikkar, ông sử dụng để miêu tả Chúa Cha đã tuôn tràn thân mình ra cho Chúa Con, Chúa Con cũng đã làm như vậy cho chúng ta trên thập giá, và bằng cách này Người đã tuôn tràn Chúa Thánh Thần trên chúng ta qua máu của Người. Hình ảnh tự hủy này đã tiếp diễn nơi Đức Giêsu, sau khi Người phục sinh và hiện ra giữa các môn đệ nơi Phòng Tiệc Ly, khi Người nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Sau đó, Đức Kitô Phục sinh đã thổi hơi vào họ và nói: “Hãy nhận lấy Thần Khí” (Ga 20:21-22). Vì vậy, những suy tư về mầu nhiệm Ba Ngôi trong bài giảng cuối cùng của Tin Mừng thứ tư được tiếp tục và sâu sắc hơn trong trình thuật biến cố vượt qua và phục sinh.
Có lẽ, việc tìm hiểu về mầu nhiệm Ba Ngôi cách cởi mở nhất trong thập kỷ trước là tiểu thuyết Căn Lều (The Shack) của William Paul Young. Sau biến cố con gái bị bắt trong một lần cả gia đình đi cắm trại, nhân vật chính đi timd sự tĩnh lặng trong một căn lều cũ nát, nơi mà những thành viên của Ba Ngôi đã hiện ra với ông. Khi lướt qua lần đầu, quyển sách dường như đưa ra quá nhiều điều khó hiểu về Ba Ngôi trong một Thiên Chúa, nhưng khi đọc kỹ lại sẽ nhận thấy sự củng cố bất ngờ của việc nhấn mạnh về mối tương quan trong hoạt động giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần của Thánh Gioan.
Cuốn tiểu thuyết đưa ra sự tự do tuyệt vời với việc nhân cách hóa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Người cha của gia đình là nhân vật mang tên Người Cha, nhưng lại là một người phụ nữ Mỹ gốc Phi, Đức Giêsu là một người lao động Trung Đông với vẻ ngoài bình thường, và Chúa Thánh Thần là một phụ nữ Châu Á tên là Sarayu. Một quan tòa tên Sophia cũng được giới thiệu sau đó trong tiểu thuyết là một phụ nữ hiện thân cho sự khôn ngoan của Người Cha.
Nhưng khi cuốn tiểu thuyết mở ra và sự kết nối của các nhân vật với nhau trở nên sâu sắc hơn, thì hình ảnh về mối tương quan truyền thống của mầu nhiệm Ba Ngôi trở nên dễ hiểu hơn, và chúng ta thấy cách tác động lẫn nhau của Ba Ngôi cũng là hành động mang lại ơn cứu độ. Mặc dù không có những chi tiết cầu kỳ, phức tạp nhưng người đọc cũng không tránh khỏi cảm tưởng các ngôi vị trong Ba Ngôi mang sự mập mờ, trừu tượng mang tính triết học. Thay vào đó là Ba Ngôi Thiên Chúa với bản tính là sự liên kết và tiếp diễn liên tục, tuôn tràn tình yêu cho vũ trụ và tất cả mọi người.
Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết cũng chỉ là quan điểm cá nhân, Căn Lều cũng rơi vào “vũng lầy” của việc cố gắng giải thích ba ngôi vị như thể bị tách rời ra riêng biệt nhưng vẫn chỉ là một. Bởi các nhân vật trong tiểu thuyết rất ấn tượng, nên người đọc dễ bị lôi cuốn trong việc tiếp tục mường tượng rằng Ba Ngôi là ba người có liên kết với nhau trong cùng một niềm say mê và mang tính cách thần bí.
Những suy tư dựa trên Tin Mừng Gioan các chương 14-17 đã đưa chúng ta ra khỏi những cạm bẫy. Và trong lúc đó giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong mối tương quan năng động với nhau và với chúng ta vì một mục đích đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.
David H. Powell[1]
Phê-rô Vũ Hữu Phước chuyển ngữ
[1] David H. Powell là giáo sư thần học đã về hưu ở Brooklyn, New York. Ông học thần học ở đại học Innsbruck, Austria. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông giảng dạy kinh thánh và hướng dẫn các buổi thảo luận kinh thánh ở các giáo xứ và các trường trung học công giáo. Ông và vợ Carol là đồng tác giả của hai quyển sách và nhiều bài báo trong lãnh vực linh đạo và giáo dục tôn giáo.