LƯƠNG THỰC CHO CUỘC HÀNH TRÌNH [1]

 

Đâu là điều giúp chúng ta kiên vững trên cuộc lữ hành trần gian?

Hành trình cuộc sống quả là dài và đầy những gian truân. Con đường trên cuộc hành trình này không thiếu những khó khăn và thử thách. Và chúng ta không thể biết được điều gì đang chờ đợi mình ở cuối con đường? Cuộc sống ở bên kia cái chết, và cuộc sống ấy như thế nào? Chúng ta lấy ở đâu nguồn sức mạnh để tiếp tục trên cuộc hành trình vượt qua những trở ngại và thất bại? Làm thế nào chúng ta có thể giữ được lòng kiên định, rảo bước trên chính lộ mà không sợ lạc đường, mỏi gối, chùn chân, hay quay đầu trở lại?

Từ khóa để trả lời cho những câu hỏi trên đó chính là “Bí tích Thánh Thể”. Thiên Chúa muốn trở nên thân tình với những người Ngài đồng hành như là sức mạnh và sự che chở cho họ. Thiên Chúa mong ước trở nên bánh sự sống, trao ban chính mình cho con người như lương thực hàng ngày và duy trì điều ấy luôn mãi. Và sau khi cuộc sống trên trần gian của chúng ta hoàn tất, Thiên Chúa muốn cho chúng ta được thông phần với Ngài nơi bàn tiệc trong Vương Quốc của Ngài. Mỗi Thánh lễ là một dấu chỉ, một lời hứa, một hình thức diễn tả trước của bàn tiệc vĩnh cửu trên trời.

Xưa kia, trong cuộc đời dương thế, Chúa Giê-su không chỉ đồng bàn với các môn đệ của mình. Nhưng Ngài còn đồng bàn với những người bị coi là tội lỗi và những người thu thuế, cùng ăn và cùng uống với họ, Ngài mời gọi họ bước vào con đường của đời sống mới. Không ít lần, khi thấy đám đông dân chúng đói khát, Đức Giê-su đã nuôi dưỡng họ bằng bánh và cá, trong khi số người hết sức đông đảo. Khi đến cuối cuộc đời, nơi bữa Tiệc Ly và trên đồi Calvariô, Ngài đã trao hiến trọn vẹn thân mình cho chúng ta, trở nên bánh sự sống nuôi dưỡng chúng ta và Ngài mời gọi những kẻ theo Ngài hãy cử hành Bí tích Thánh Thể mà tưởng nhớ đến Ngài.

Trải qua nhiều thế kỷ, những người Ki-tô hữu đã cử hành và lãnh nhận Thánh Thể như lương thực cho cuộc lữ hành. Bí tích Thánh Thể không những thêm sức mạnh cho chúng ta, mà còn dẫn lối chúng ta trên hành trình. Nơi Thánh lễ, chúng ta tái hiện lại giao ước, giao ước này được kí kết bằng chính máu của Đức Giê-su Ki-tô. Như thân mình Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra, máu Ngài đã trở nên chén rượu đổ ra, chúng ta được mời gọi cam kết rằng chính mình cũng sẵn sàng bẻ cuộc đời cho những người anh chị em. Khi lắng nghe lời Chúa, chúng ta nhận thấy rằng, đường lối của Thiên Chúa nằm ở ngay trung tâm đời sống chúng ta. Chúng ta cam kết đón nhận và bước theo lời của Ngài khi chúng ta thưa, “Tạ ơn Chúa” sau khi nghe Kinh Thánh, và khi chúng ta thưa lên, “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, ngợi khen Chúa”, sau khi nghe công bố Tin Mừng.

Trong khi khẩn cầu với đầy lòng tin tưởng, chúng ta mang lấy trọng trách trở nên những con người cầu nguyện, đó chính là khẩn cầu cho giáo hội và thế giới. Chúng ta phải là những người “trông giữ” anh chị em của chúng ta. Trong khi dâng những lễ vật, chúng ta được nhắc nhở cần phải chia sẻ điều chúng ta có với giáo hội và với những anh chị em khó khăn. Trong khi trao chúc bình an trong sự hiệp thông, chúng ta cam kết rằng, chúng ta cố gắng hết sức để chung sống hòa thuận với người khác và với tất cả mọi người trong dân Chúa.

Sau đó, trong phần Hiệp lễ, chúng ta lãnh nhận Bánh Sự Sống, vì vậy Đức Giê-su Ki-tô đồng hành với chúng ta trên cuộc hành trình dương thế. Chúng ta được biến đổi để trở nên hình ảnh của Ngài. Phần cuối Thánh lễ chúng ta ra đi cùng với phúc lành của Thiên Chúa “…để yêu mến và phụng sự Thiên Chúa”. Vâng, kết lễ nhưng lại mở ra trong thực tại là một khởi đầu mới. Một số người cho rằng kết lễ là phần quan trọng nhất của Thánh lễ. Tại sao vậy? Bởi vì Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ với Lời Chúa, với Mình và Máu Chúa Ki-tô. Vì thế mà chúng ta có thể ra đi làm nhân chứng cho Đức Ki-tô và làm cho nước Chúa được hiển trị.

Nếu chúng ta bắt đầu nhận ra có biết bao cách thế mà Bí tích Thánh Thể duy trì và hướng dẫn chúng ta trên cuộc lữ hành, sau đó chúng ta cũng nhận thấy rằng thói quen Hiệp lễ không phải là một việc quá cần thiết mà trái lại việc làm này thì hết sức cần thiết. Như khi xưa Đức Chúa đã đồng hành cùng dân tộc Israel băng qua Biển Đỏ, vượt qua sa mạc để tiến vào Đất hứa và Đức Giê-su cũng đã kêu gọi và sai phái các môn đệ của mình ra đi, Ngài cũng đồng hành và dùng bữa với hai môn đệ trên cuộc hành trình trở về Emmaus. Giờ đây Ngài vẫn đồng hành với chúng ta như lương thực nuôi dưỡng chúng ta trên cuộc lữ hành. Nhiều thế kỷ qua thánh Gioan Chrysostom ngài đã cảm nghiệm quyền năng và sức mạnh giúp cho sứ vụ của ngài, được khởi đi từ bàn tiệc Thánh Thể. Ngài nói rằng những người Ki-tô hữu, một khi đã tham dự bàn tiệc Thánh Thể họ trở nên mạnh mẽ như những chú sư tử, lòng họ cháy bừng lên như ngọn lửa và điều ấy gây nên sự kinh hoàng cho ma quỷ.

Giuse Nguyễn Văn Sơn

 

 

     [1] Food for the Journey, Peter Schineller, SJ, (tạp chí Emmanuel tháng 4 năm 1998), Tr. 145-146.