LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ DƯỚI GÓC ĐỘ GIÁO HỘI NHƯ LÀ THÂN MÌNH ĐỨC KITIÔ (P Cuối)

PHƯƠNG THỨC LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG THỜI ĐẠI HÔM NAY

Từ những suy tư trên, có thể nói, lời mời gọi loan báo Tin Mừng theo phong cách mới tỏ ra cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta cần tìm hiểu tâm thức của con người đang sống trong một thời kỳ lịch sử rất đặc biệt với nhiều đổi thay, căng thẳng, lo âu, mất cân bằng, mất phương hướng và đầy những hoài nghi. Vì thấm nhuần chủ nghĩa tục hoá, con người dường như sống chìm ngập trong những hưởng thụ hiện tại và toan tính nhất thời. Nhưng để có thể trả lời cho những thách đố đa diện của thời đại, có lẽ Giáo Hội phải dấn thân trên nhiều con đường khác nhau, để Tin Mừng đích thực là lời đáp cho mọi người, cho tất cả lịch sử. Giáo Hội “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng”của mình. Nhưng “phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1Pr 3:15-16). Dựa theo những phân tích, những định hướng của Thượng Hội Đồng Giám Mục trong bản Đề Cương, chúng ta cố gắng tổng hợp và gợi ra những cách thức, phương pháp, hay ngôn ngữ mới để diễn tả và rao giảng Phúc Âm. Chúng ta tìm kiếm những mảnh đất chung như những “Sân Chư Dân”, những “Đấu Trường” hiện đại, những chân trời, nhưng lối đường mới hoặc làm mới lại những cách thức “hộ giáo”, để hy vọng có cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Giáo Hội và con người, giữa những khát vọng của con người hiện đại với Tình Yêu của Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Đức Tin, Văn Hoá và Nghệ Thuật

Con người của thế giới hôm nay, có thể nói, rất nhạy bén về mối tương quan giữa đức tin, văn hoá và nghệ thuật. Sự nối kết đó là một lối đường rất quan trọng. Con người, từ muôn thuở, với những sắc thái văn hoá khác biệt, đều yêu chuộng nghệ thuật. Tuy văn hoá là một khái niệm mang nhiều hàm ý sâu rộng với những cách hiểu khác nhau như hoạt động sáng tạo, thái độ, lối sống, cung cách ứng xử, trình độ học vấn, văn học, thơ ca, mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, âm nhạc, nhưng tựu trung, tất cả đều liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hoá có thể được hiểu như là tổng thể các giá trị làm nên con người, do con người sáng tạo trong quá trình lịch sử. Nói cho cùng, theo các tài liệu sử học, thì từ cổ xưa văn có nghĩa là “đẹp” (cái đẹp hay vẻ đẹp) và hoá có nghĩa là làm thay đổi, làm cho con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện hơn.[i] Vì thế, nói theo kiểu của Augustinô: “Chúng ta chỉ yêu cái gì đẹp” (Non possumus amare nisi pulchra).[ii] Con người luôn bị hấp dẫn, rung động bởi vẻ đẹp vì lòng đã tiềm ẩn khát vọng cái đẹp. Như Tôma Aquinô cũng đã nhận định: “điều gì đẹp là điều hễ nhìn thấy là yêu thích”,[iii] bởi vì cái đẹp thuộc về bản chất đời sống tâm linh của con người, và từ trong sâu thẳm, liên hệ đến việc tìm kiếm những gì là chân thật cũng như thiện hảo. Dostoevsky có một quan điểm hơi táo bạo:“Chính cái đẹp sẽ cứu độ thế giới”.[iv] Trong một thế giới còn nhiều những khổ đau quẫn bách và những đen tối của tội lỗi, con người vẫn khao khát cái đẹp, không chỉ về thể lý, mà cả về tâm linh, vì chính cái đẹp làm cho con người vươn tới, mở ra với những chiều kích khác của cuộc sống.      

Như thế, trong nỗ lực rao giảng Tin Mừng cách mới mẻ, thiết tưởng, Giáo Hội làm thế nào để có thể giới thiệu cho thế giới, trước tất cả nét đặc thù và thách thức của thời đại, sự phong phú đa dạng của Mạc Khải, những cảm nhận của niềm tin phát xuất từ vẻ đẹp vô lường của khuôn mặt Đức Kitô (Ep 3:8). Cho đến ngày nay, có thể nói, khuôn mặt đó vẫn còn cuốn hút con người. Chính trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua, Người đích thực là “hình ảnh của Thiên Chúa” (Ga 1:18; 14:9), qua cách sống làm con người và làm con Chúa cách tuyệt đẹp, trọn hảo. Như niềm xác tín của Phaolô: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán : Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô.” (2Cr 4:6). Vì vậy, cũng nơi Đức Kitô, trọng tâm của tất cả sứ điệp Kitô giáo, mà con người hiện đại có thể gặp gỡ và cảm nhận được vẻ đẹp vừa “cổ xưa” vừa luôn “mới mẻ” của Thiên Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ.

Từ đó Giáo Hội có thể tổ những chương trình sinh hoạt giao lưu, đối thoại, tiếp xúc và trao đổi với giới nghệ sĩ, ngay cả với những người ngoài Kitô giáo, trong mọi lãnh vực của nghệ thuật: văn chương, thi ca, âm nhạc, hội hoạ, phim ảnh, kịch nghệ, điêu khắc, thiết kế. Giáo Hội rao giảng Phúc Âm, làm sao cho họ có thể nghe, thấy, biết, cảm nhận con người của Đức Kitô, vì nội dung đức tin không phải chỉ là tổng hợp các điều phải tin, hay một lựa chọn luân lý, nhưng tiên vàn là việc gặp gỡ một ngôi vị như một biến cố mang lại cho họ một chân trời mới và một hướng đi mang tính quyết định.[v] Hơn nữa, là những con người có nhiều khả năng sáng tạo và sức tác động trên tâm hồn con người, các nghệ sĩ có thể góp phần phục vụ Tin Mừng, diễn tả, thông truyền niềm tin được gợi hứng từ Lời Chúa, và làm sáng tỏ niềm tin dưới nhiều hình thái mới, bằng nhiều phương thế mang dấu ấn của thời đại. Ở đây, cảm hứng từ những giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta có thể liên tưởng tới nỗ lực canh tân Phụng Vụ và Thánh Nhạc trong những năm qua. Đức Bênêđíctô XVI cũng đã nói về tầm quan trọng của việc hiểu biết “ars celebrandi”, nghệ thuật cử hành phụng vụ, vì chính trong phụng vụ mà Giáo Hội cử hành, tuyên xưng và loan truyền, nuôi dưỡng và phát triển đức tin của mình.[vi]

Đối Thoại Tôn Giáo

Trong một thế giới “toàn cầu hoá” như hiện nay, vấn đề giao lưu gặp gỡ giữa Kitô giáo với các nền văn hoá và các tôn giáo trở thành sự kiện phổ quát, ngày càng được cảm nhận cách sâu sắc. Giáo Hội tiếp tục con đường đối thoại, vì đó vẫn là một phương thức quan trọng, đầy hy vọng, trong việc truyền bá Phúc Âm. Nền tảng sâu xa của đối thoại không gì khác hơn là thông truyền sự hiệp thông của tình yêu và sự sống, trong sự trân trọng và hiểu biết lẫn nhau, tìm kiếm dẫn hạnh phúc đích thực và nguồn mạch chân lý. Có thể nói, để đem Tin Mừng đến cho mọi người như một sứ điệp có sức mạnh khai mở, đem lại niềm vui, soi sáng và giải thoát, Giáo Hội lên đường đối thoại, mong muốn cộng tác trong ý thức trách nhiệm chung đối với công lý và hoà bình trên thế giới và tương lai nhân loại. Trong văn kiện Evangelium nuntiandi vào năm 1975, Đức Phaolô VI đã đưa ra một nhận định tích cực về các tôn giáo ngoài Kitô giáo như là những cộng đồng mang theo mình “tiếng vang của hàng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa”, cũng như các giá trị thiêng liêng của các tôn giáo như “những hạt giống của lời” và như “một chuẩn bị cho Tin Mừng”.[vii] Tuy nhiên, dù không phủ nhận, nhưng tôn trọng trong những yếu tố của chân lý trong các truyền thống tôn giáo, Đức Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp về truyền giáo, Redemptoris missio, cũng mạnh mẽ khẳng định đạo lý về “Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của toàn thể nhân loại, là Đấng duy nhất có thể mạc khải Thiên Chúa và đưa đến cùng Thiên Chúa”, đồng thời nhìn nhận cuộc đối thoại liên tôn là một phần của sứ vụ rao giảng Tin Mừng. [viii]

Đường hướng đại kết hay đối thoại với các tôn giáo cũng mở ra cho niềm tin Kitô giáo chiều kích mới. Có thể nói, đó như là một cơ hội cho Giáo Hội tìm hiểu và làm phong phú chính mình, nhất là để chứng thực trọng tâm của niềm tin: Thiên Chúa trong Đức Kitô và ơn cứu độ cho tất cả thế giời. Bản Đề Cương của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng ghi nhận giá trị này:“Các cuộc gặp gỡ và đối thoại với các truyền thống tôn giáo lớn, đặc biệt các tôn giáo phương Đông, các hoạt động này đã được Hội Thánh thực hiện trong những thập niên gần đây và còn đang tiếp tục được tăng cường. Sự đối thoại này là một cơ hội đầy triển vọng để học và so sánh để thấy cho thế giới các tôn giáo khác quan niệm vấn đề tôn giáo như thế nào, nhờ đó Kitô giáo có thể hiểu biết sâu hơn về những cách thức mà đức tin Kitô giáo có thể lắng nghe và đáp lại cảm thức tôn giáo của mỗi người”[ix]

Khoa Học Kỹ Thuật và Công Nghệ Thông Tin

Trong thời đại mới, trước những thành tựu của toán học, những tiến bộ liên tục về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nhắm tới tri thức các sự vật, các qui luật thực tại tự nhiên và muốn làm chủ thế giới, làm cho con người trở nên ngày càng bị lệ thuộc vào những lợi ích của sự tiến bộ đó. Hậu quả là chỉ có những khám phá khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng như những gì khoa học có thể kiểm nghiệm hoặc kiểm chứng mới đáng tin. Như thế, vấn đề niềm tin vào Thiên Chúa ngày càng trở thành đáng ngờ, khi khoa học kỹ thuật xuất hiện của như một dạng thức minh triết mới trên diễn đàn cuộc sống. Với một vị thế như vậy, khoa học kỹ thuật tự hào là có khả năng cung cấp cho con người sự hiểu biết về ý nghĩa cuộc đời qua những tiện nghi vật chất và thoả mãn tức thời. Dù thế nào đi nữa, những chất vấn và thách thức đó, phải chăng đòi buộc Giáo Hội làm mới lại phương pháp “hộ giáo” của mình, diễn giải làm sao để con người hiểu được lý do cũng như giá trị của niềm tin, mà nếu không có niềm tin đó, con người cũng chẳng có gì để suy nghĩ, xây dựng, hy vọng cho cuộc đời. Giáo Hội tiếp tục ngỏ lời với con người trong tình huống hiện nay của thế giới. Vấn đề là làm sao Giáo Hội có thể chứng tỏ qua chứng tá đời sống của mình rằng: nơi Tin Mừng tình yêu và chân lý của Đức Kitô con người có thể tìm kiếm lời giải đáp trọn vẹn và tối hậu cho mọi thực tại. Bởi vì, nói theo suy luận của bản Đề Cương: “tận thẳm sâu của con người có hiện diện một điểm nằm ngoài bình diện quan năng giúp tiếp giáp với thế giới vô hình, để nhờ đó có thể đụng chạm tới được với Đấng vô hình, một nhu cầu cấp thiết cho sự hiện hữu của con ngườ … Đức Giêsu Kitô, Đấng được Cha sai đến để nói lời yêu thương với con người. Chính Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể là câu trả lời cho toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống nhân trần”.[x]

Hơn nữa, khả năng rộng lớn hầu như vô hạn do các phương tiện truyền thông đại chúng và kỹ thuật số là một trong những dấu chỉ của thời đại. Nhờ những tiến bộ của công nghệ thông tin mà con người có nhiều cơ hội hơn để hiểu biết nhau, phát triển hơn về tư tưởng, các giá trị nhân văn, đồng thời tiếp cận rộng rãi hơn với các thông tin khác, tạo ra những hình thức liên đới mới, để có thể trao đổi, nối kết và xây dựng một “thế giới văn hoá” toàn cầu. Như lời của Đức Bênêđictô XVI, trong sứ điệp nhân Ngày thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 46: “Phần lớn hoạt động hiện nay của truyền thông được định hướng bởi những câu hỏi cần có lời giải đáp. Các bộ máy tìm kiếm và các mạng xã hội là nơi đầu tiên nhiều người tìm đến khi cần lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những lời giải đáp. Vào thời của chúng ta, hơn bao giờ hết internet đang trở thành nơi hỏi và trả lời – hơn nữa, con người ngày nay thường bị dội bom bằng những câu trả lời cho các thắc mắc mà họ chưa bao giờ đặt ra và các nhu cầu mà họ chưa cảm thấy…Tuy nhiên, trong thế giới truyền thông phức tạp và đa dạng này, có nhiều người quan tâm đến những vấn đề tối hậu của đời sống con người: Tôi là ai? Tôi biết được điều gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Điều quan trọng là phải đón nhận những người đặt ra những câu hỏi này, bằng cách mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, và cả việc mời gọi suy nghĩ trong thinh lặng”. Thế nên, không phủ nhận nguy cơ là các tiềm năng đó hàm chứa và gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, có thể làm băng hoại con người, Giáo Hội có trách nhiệm tìm ra những viễn ảnh thiêng liêng, thần học và văn hóa qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Đòi hỏi hiện tại hóa là đòi hỏi nội tại của một đức tin lịch sử. Vấn đề là làm thế nào để sử dụng các phương tiện đó cách tốt nhất, cần thiết nhất cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, để xác định, phổ biến, làm sáng tỏ nội dung đức tin một cách mới mẻ, đáp ứng lại những nhu cầu thiết thực của con người, và đồng thời để xây dựng, bồi đắp “văn hoá sự sống”, nối kết mọi người hướng tới một nền “văn minh tình thương”.

Di Dân và Bác Ái Xã Hội

Bước vào thời đại đô thị hoá và công ngiệp hoá, hiện tượng di dân cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Sứ điệp của Đức Bênêđíctô XVI, nhân ngày thế giới Di Dân năm 20012, với chủ đề “Di dân và Tân Phúc âm hóa” cũng nhận thức rằng thực tế lịch sử hôm nay “kêu gọi Giáo Hội phải bước lên con tầu truyền bá Phúc âm với cách thức mới giữa một đại dương mênh mông đầy sóng gió của một nhân loại chuyển động”. Như thế, sự kiện di dân quốc nội cũng như quốc tế, vì muốn cải thiện điều kiện sống, hoặc vì trốn chạy khỏi bắt bớ, chiến tranh, bạo động, đói khổ, thiên tai…đều đưa tới vấn đề con người phải sống hòa trộn với nhau. Từ vấn đề đó gây ra biết bao nhiêu vấn nạn, không những về khía cạnh nhân bản, mà còn cả về đạo đức, tôn giáo và tâm linh nữa. Việc loan báo Tin Mừng lại phải đối diện một lúc với hai vấn đề. Trước hết, Giáo Hội làm thế nào để giúp các di dân giữ vững được đức tin, đặc biệt khi không còn được nền văn hóa địa phương gốc của mình nâng đỡ. Phải chăng cần tìm ra cách tiếp cận mục vụ, các phương thế và diễn đạt mới, để Tin Mừng luôn là cho và vì con người trong chính trong hoàn cảnh cụ thể và đặc thù của họ. Như vậy, sứ điệp cứu độ và hiệp nhất của Đức Kitô được loan báo cùng với sự mở rộng vòng tay đón tiếp sẽ mang lại cho các di dân nguồn an ủi, hy vọng và “niềm vui trọn vẹn” (Ga 15,11). Đàng khác, nếu họ gặp được các chứng nhân Phúc Âm chân chính, cũng như các mẫu gương hiệp thông của đời sống Giáo Hội, họ sẽ được khích lệ để chính mình trở thành sứ giả và tác nhân mới của việc rao giảng Tin Mừng tại nơi họ được đón nhận.

Hơn nữa, ở đây, chúng ta cũng thấy được nỗ lực loan báo Tin Mừng trở thành sứ mạng bác ái xã hội, giúp đỡ tha nhân, đem lại công lý cho người nghèo, cơ hội giáo dục, hỗ trợ việc phát triển con người, khắc phục những chia rẽ về chủng tộc, tôn trọng sự sống trong tất cả mọi tình huống. Như vậy, bác ái xã hội là một cách thức truyền bá Phúc Âm, tuy không trực tiếp rao giảng Tin Mừng nhiều bằng lời nói, nhưng nhiều bằng hành động thể hiện tình yêu, và như thế là làm cho con người nhận biết được tình yêu Thiên Chúa cách sống động. Đây là một chiều kích căn bản của sự hiệp thông sâu xa và mở rộng của Giáo Hội. Khi rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội trở thành “trung tâm bác ái”, “ngôi nhà tình thương”, là “căn lều của tình yêu ” Thiên Chúa cắm giữa nhân loại, là nơi mọi người có thể tìm gặp được ánh sáng ấm áp của tình yêu Thiên Chúa, nhờ đó mà được phục hồi sự sống (Rm 5:12), được giao hòa và hiệp nhất với nhau (Ga 11:52; Eph 2:15-18). Như quan điểm có tính định hướng của Đức Bênêđíctô ngay trong Thông Điệp đầu tiên, Deus Caritas Est (2005): Giáo Hội phải “trở thành chứng nhân cho tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Con của Người. Mọi hoạt động của Giáo Hội đều là sự biểu lộ một tình yêu muốn tìm sự thiện toàn vẹn cho con người… và tìm cách phát triển con người trong những lãnh vực khác nhau của cuộc sống và sinh hoạt nhân văn”.[xi] Và một khi được thể hiện qua việc bác ái xã hội, như vậy tình yêu thực sự chứng tỏ cho sứ điệp Tin Mừng là “khả tín”.

Kinh Tế và Chính Trị

Thực tế lịch sử cho thấy hình thái cơ bản nhất của chính trị là kinh tế. Các nguy cơ chiến tranh “nóng” hoặc “lạnh” đe doạ hoà bình của thế giới đều phát xuất từ sự thiếu cân bằng trong cán cân quyền lực hay quyền lợi, cũng là cạnh tranh lợi nhuận kinh tế. Tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trường kỳ hiện nay, có thể nói, là hậu quả của những hoạt động kinh tế không theo một ý định đạo đức và chiều hướng nhằm phục vụ và xây dựng ích lợi chung cho nhân loại. Trái lại, nền kinh tế này lại đề cao giá trị lợi nhuận hơn là phẩm giá con người, và vì thế mà không còn khả năng bảo vệ công bằng xã hội cũng như duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc. Trước những thách đố đó, và trong hoàn cảnh phức tạp của ngày hôm nay, phải chăng thế giới cần đến một nền đạo đức học về trật tự công bằng trong lãnh vực kinh tế và chính trị.

Thế nên, Đức Bênêđíctô đã mạnh dạn giới thiệu học thuyết xã hội công giáo cho thế giới, vì đây cũng là một phần quan trọng của Tin Mừng cứu độ và hiệp nhất của Đức Kitô. Tài liệu này không chỉ làm sáng tỏ chiều kích xã hội của Tin Mừng và quan điểm của Giáo Hội, mà còn đề nghị “những định hướng có giá trị, những nguyên tắc chỉ đạo vượt qua ranh giới của Giáo Hội …, đối diện với sự phát triển liên tục…, trong bối cảnh đối thoại với tất cả những ai thật sự quan tâm đến nhân loại và thế giới”.[xii] Do đó, đối với Giáo Hội, khái niệm quan trọng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng hiệp thông cho thế giới đang bị khủng hoảng và phân chia này là “tình liên đới”, liên đới trong kinh doanh, liên đới trong phát triển và hợp tác kinh tế toàn cầu, vì con người thời đại ngày càng ý thức hơn về sự tương thuộc lẫn nhau. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần được khuyến khích tham gia vào sự phát triển chung, nếu không, thì sự phát triển đó không đích thực, không bền vững. Tuy Giáo Hội không phải là cơ chế trực tiếp hoạt động trong những lãnh vực này, nhưng Giáo Hội loan báo Tin Mừng cho mọi người, làm chứng cho những giá trị cứu độ của Tin Mừng, phục vụ quyền lợi và bênh vực phẩm giá nguyện thủy của con người, trên nền tảng tình yêu và công lý. Có như thế, Giáo Hội mới có thể là “lương tâm của tình yêu”, đóng vai trò ngôn sứ để phê phán những gì thực ra chỉ là giả tạo và mưu đồ chính trị của trần gian. Vì vậy, đời sống kinh tế và chính trị của con người có thể được phân tích bằng những lời lẽ của Tin Mừng hiệp thông.

Cảnh Vực Môi Sinh

Vấn đề sinh thái là chủ đề đang được thế giới hôm nay bàn luận sôi nổi. Các công trình kỹ nghệ hoá đã gây tác hại trầm trọng đến thiên nhiên, là môi trường sống và tương lai sự sống của con người. Trái đất tràn ngập sự sống với muôn vẻ huy hoàng biểu đạt vinh quang Thiên Chúa. Trong Tông Huấn “Sacramentum Caritatis”, Đức Bênêđíctô XVI đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm “thánh hóa thế giới, bảo vệ vũ trụ”.[xiii] Bởi vì tất cả nhân loại được liên kết với vạn thể trong vũ trụ, làm nên một lịch sử duy nhất và phổ quát. Trong niềm hy vọng Kitô giáo, toàn thể thụ tạo đang tiến tới sự hợp nhất trọn vẹn trong một thực tại siêu việt và bao trùm, đó là Đức Kitô Phục Sinh (Ga 1:1, 2, 3-4). Đi ngược lại hay tách biệt khỏi vòng tròn liên đới và tương tác cơ bản của trật tự sáng tạo này, con người có thể huỷ diệt chính mình. Hơn nữa, ý thức được cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay không thể giải quyết đơn thuần dựa trên những ý niệm hay tranh luận lý thuyết, nhưng tiên vàn là sự hoán cải toàn diện vì trái đất, đặt nền cho sự hiệp thông với vũ trụ vạn vật. Chính vì thế, loan báo Tin Mừng là mời gọi hoán cải, làm sao từ lẽ suy tư đến chính kinh nghiệm về niềm tin Kitô giáo, có thể khuôn đúc nên một nền đạo đức sinh học, để từng hành động của con người có thể cứu vãn được tình thế nguy ngập hiện nay, khi biết lắng nghe và đáp lời “kêu cứu” của thiên nhiên. Đây cũng là một lộ trình mới cho sứ vụ rao giảng của Giáo Hội, vì niềm hy vọng Kitô giáo, như lời Đức Gioan Phaolô II, tuy thúc đẩy chúng ta hướng về “trời mới đất mới” (Kh 21:1), nhưng “điều đó không làm suy yếu, mà còn kích thích tâm thức chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất” này.[xiv]

Giáo Dân và Gia Đình

Sau hết, chúng ta khộng thể nói tới loan báo Tin Mừng cách thức mới trong thời đại hiện nay mà không đề cập đến đại đa số thành phần trong Thân Mình Đức Kitô là giáo dân và những người sống bậc gia đình. Có thể nói đây là những diễn viên chính, đóng một vai trò mang tính quyết định trong nỗ lực làm cho ánh sáng Tin Mừng được lan toả khắp mọi nơi trên thế giới, trong mọi lãnh vực và trạng huống cuộc sống. Chúng ta thấy vai trò này được minh định trong sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân “Apostolicam actuositatem”, trong Tông Huấn “Evangelii nuntiandi” của Đức Phaolô VI, và Tông huấn Kitô hữu Giáo dân “Christifideles laici” của Đức Gioan Phaolô II. Ở đây thiết tưởng cần phải làm nổi bật những thừa tác vụ và đặc sủng khác nhau của Thần Khí trong Giáo Hội, nhằm cho tất cả Thân Mình được tăng trưởng. Và bởi vì sự sáng tạo của Thần Khí không bao giờ cạn kiệt, nhưng luôn sống dồi dào, và hoạt động, nên Kitô hữu nào cũng là người đồng trách nhiệm, đều dự phần vào việc truyền bá Phúc Âm. Vì thế, như trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta đọc thấy: “Giáo dân đã và đang góp phần thật phong phú và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, như mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, chia sẻ công sức tiền của, nhất là những lời cầu nguyện và bao hy sinh âm thầm để xây dựng sự hưng thịnh và sinh động của cộng đoàn Dân Chúa. Thật đáng trân trọng những đóng góp quý giá đó, nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ. Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội ”.[xv] Thật vậy, để đón nhận sự mới mẻ của Tin Mừng, Giáo Hội cần ý thức sâu sắc về tinh thần đồng trách nhiệm. Nếu tất cả đều đã nhận được Thần Khí, thì tất cả phải chuyển đạt Thần Khí ấy bằng cách góp phần làm cho Giáo Hội tăng trưởng trong sự hiệp thông và phục vụ Tin Mừng.

Từ đó, Giáo Hội cũng đặc biệt lưu tâm tới đời sống gia đình. Vì gia đình được quan niệm như “Giáo Hội tại gia”, việc người nam và người nữ trao hiến cho nhau tạo nên một thực tại hiệp thông mới, thực tại về tình yêu và sự sống trong một thân mình được chia sẻ, để rồi trào sang cuộc sống Giáo Hội và cộng đồng xã hội. Tình yêu vợ chồng là một dấu chỉ bí tích của tình yêu Đức Kitô đối với Giáo Hội như một Thân Mình hiệp nhất. Trong bối cảnh đó, có những cuộc hôn nhân chan hòa yêu thương và gia đình sống hạnh phúc có thể đóng góp rất nhiều cho thiện ích chung, làm chứng cho Tin Mừng về tình yêu hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Trái lại, có những cuộc hôn nhân đổ vỡ và gia đình rạn nứt, chắc hẳn cũng gây nên nhiều thương tích cho xã hội và Giáo Hội. Do đó, nỗ lực rao giảng Tin Mừng cách mới mẻ không thể tách rời khỏi mảnh đất gia đình. Vấn đề là làm thế nào để có thể giúp đỡ cho gia đình trong thời hiện đại sống trọn tình hiệp thông của mình, đồng thời cũng khám phá xem cuộc sống gia đình, với nhiều chiều kích phong phú, có gì để cống hiến cho tình hiệp thông rộng lớn hơn trong Giáo Hội.

Kết Luận

Từ những suy tư và nhận định trên, sứ vụ rao giảng Tin Mừng với phương thức mới, với nhiệt tình mới là thông truyền đức tin trong nỗ lực đối thoại với thời đại chúng ta, làm sao có thể nối kết con người của ngày nay với Thiên Chúa. Bằng một cách thức cô đọng và sống động, khái niệm Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô cho chúng ta thấy được tiến trình từ Đức Kitô “nhập thế” rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đến Giáo Hội “lên đường” rao giảng Tin Mừng đợi chờ Nước Thiên Chúa. Giáo Hội chỉ có thể tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô là “Đầu” của toàn Thân Mình, khi hiểu rằng tất cả công trình cứu độ của Người là muốn cho nhân loại nhận ra tình yêu hiệp thông giữa Người với Chúa Cha, nhận biết Người là Đấng được Chúa Cha sai đến, Đấng lãnh nhận và trao ban Thần Khí, để nhờ sự Phục Sinh mà đặt nền móng cho sự hiệp nhất giữa con người trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 14:20; 17:21,23). Điều này đòi hỏi Giáo Hội sống hiệp thông với Đức Kitô và với nhau để loan báo Tin Mừng hiệp thông cho thế giới, cùng dự phần vào cuộc vượt qua của Đấng chịu đóng đinh và Phục Sinh, cống bố và thực hiện trước tương lai của Nước Thiên Chúa mang dung mạo của Người.

Như thế, loan báo Tín Mừng cách mới mẻ có chiều kích Ba Ngôi học, Thánh Thần học, Kitô học, Giáo Hội, Thánh Thể và niềm hy vọng cánh chung. Công cuộc loan báo Tin Mừng Tình Yêu cứu độ và hiệp nhất của Đức Kitô khởi sự trước hết nơi mỗi người tín hữu trong sức mạnh của Thần Khí nối kết tất cả, làm cho tất cả nên một với Đức Kitô, phục vụ thế giới dưới dấu chỉ của Thập Giá, chuẩn bị cho Lễ Hội Nước Thiên Chúa. Thời gian lịch sử qua đi, và có thể còn đó một cánh đồng truyền giáo mênh mông bất tận, những thách đố ở những nơi và những lúc khác nhau, tiếp nối với những nỗi vất vả nhọc nhằn của việc loan báo Tin Mừng. Thế nhưng, tin tưởng vào quyền năng của Đấng Tử nạn và Phục Sinh, Giáo Hội vui mừng vì biết rằng bình minh của Nước Thiên Chúa đang đến, thực sự đã bắt đầu nơi Thân Mình Đức Kitô.

Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS.


[i] Cf. Nguyễn Trung Thành, Dẫn Luận Văn Hóa Việt Nam, (2009-2010), tr. 3. Cf. Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hoá Việt nam, NXBGD, 1999, tr. 15.
[ii] Bruno Forte, The Portal of Beauty: Towards a Theology of Aesthetics, Grand Rapids: Michigan, 2008, p. 2.
[iii] Bruno Forte, The Portal of Beauty: Towards a Theology of Aesthetics, 13.
[iv] Bruno Forte, The Portal of Beauty: Towards a Theology of Aesthetics, 43.
[v] Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, số 1.
[vi] Cf. “Thánh Thể: Hiệp Thông với Đức Kitô và với nhau” – Suy Tư Thần Học và Mục Vụ hướng tới Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland, Tháng 6, Năm 2012, số 22.
[vii] T. P. Rausch, Đạo Công Giáo Thiên Niên Kỷ thứ Ba, Nguyễn Đức Thông chuyển dịch, NXBTG: 2010, tr. 432
[viii] Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp về truyền giáo, Redemptoris missio, 5 và 55.
[ix] Lineamenta, Thượng Hội Đồng Giám Mục, 8.
[x] Lineamenta, Thượng Hội Đồng Giám Mục, 6.
[xi] Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est,19.
[xii] Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est,27.
[xiii] Sacramentum Caritatis, Bản dịch của UBGLĐT thuộc HĐGMVN, 2077, số 92
[xiv] Ecclesia de Eucharistia, số 20. Xem Gaudium et Spes, số 39.
[xv] HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa, 2010. Số 27.