1- NHẬP ĐỀ
Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm về đề tài nòng cốt của những buổi gặp gỡ này. Xin các bạn hãy tưởng tượng như mình đang ở Giê-ru-sa-lem, tại chính nơi Chúa Giê-su lập Thánh Thể, nơi mà ngày nay được gọi là núi Xi-on, đôi khi Kinh Thánh đề cập đến nơi này và gọi nơi này bằng nhiều danh hiệu khác nhau, chẳng hạn: Lầu Trên (Upper Room), Phòng Lớn Rộng Rãi (Large Spacious Room), Nơi các Tông Đồ tụ họp. Truyền thống ki-tô giáo gọi nơi này Phòng Tiệc Ly (Cenacle).
Thành phố Li-ông ở Pháp là nơi đầu tiên mà linh đạo về Phòng Tiệc Ly được phát triển. Cha E-ma đã từng sống ở đây khi ngài là một tu sỹ Dòng Đức Mẹ, và Phòng Tiệc Ly là hình ảnh mà ngài rất ưa thích.
Nếu xét theo khoa Từ Nguyên Học (Etymology), và khảo sát những gì được các Phúc Âm đề cập tới liên quan đến từ này, chúng ta sẽ nhận ra lý do phát sinh một linh đạo theo từ ngữ này.
Từ “Xê-na-cơn” (đọc theo tiếng Anh: Cenacle), tức Phòng Tiệc Ly phát nguồn từ gốc La-tinh Xê-na (Coena) có nghĩa là Bữa Ăn hay Bữa Tối. Từ ngữ này cũng có gốc Hi-lạp là “Coi-nô-ni-a” (Koinonia) nghĩa là Hiệp Thông, hay “Ca-lu-ma” (Kaluma) nghĩa là nơi tiếp tân. Qua những ý niệm đó, chúng ta có thể dễ dàng tiến thêm một bước nữa là coi Xê-na-cơn là một địa điểm địa dư, nơi đã diễn ra Bữa Tiệc Ly của Chúa, và trong Bữa Tiệc Ly ấy, Chúa Giê-su đã thiết lập Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Những bản dịch Kinh Thánh diễn tả từ này bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều ám chỉ cùng một thực tại, đó là địa điểm Chúa Giê-su ăn Bữa Tối Sau Hết với các môn đệ trước khi Người tự hiến mình để chịu chết chuộc tội cho nhân loại.
Chúng ta hãy nghe những bản văn Phúc Âm và Công Vụ Các Tông Đồ nói về địa điểm này.
2- CÁC BẢN VĂN TÂN ƯỚC
a- Đoạn trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô (Mc.14:12-16)
“Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: ‘Thầy muốn chúng con đi dọn choThầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’. Người sai hai môn đệ đi và dặn họ: ‘Các anh đi vào thành, và sẽ có người mang vò nước gặp các anh anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?’. Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta’. Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua”.
b- Đoạn trích Phúc Âm theo thánh Lu-ca (Lc.22:14-16)
“Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn cùng với các Tông Đồ. Người nói với các ông: ‘Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”.
c- Đoạn trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu và Mác-cô (Mt.26:30; Mc.14:26)
“Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu”.
d- Đoạn trích sách Công Vụ Tông Đồ (Cv.1:10-14)
“Và đang lúc các còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: ‘Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng đã vừa lìa bỏ các ông và được rước về trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời’.
“Bấy giờ các ông từ núi gọi là Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lo-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc Nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su”.
e- Đoạn trích Phúc Âm theo thánh Lu-ca (Lc.24:49)
“Phần Thầy, Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.
f- Đoạn trích sách Công Vụ Tông Đồ (Cv.2:1-4).
“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động, như tiếng gió ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.
Những đoạn Kinh Thánh trên đây trình bày cho chúng ta những biến cố chính đã được diễn ra tại Phòng Tiệc Ly, đó là:
1- Bữa Tiệc Vượt Qua của Chúa Giê-su với các môn đệ.
2- Chúa Giê-su thiết lập Thánh Thể và chức Linh Mục.
3- Qui tụ các môn đệ sau khi Chúa chết.
4- Những lần Chúa Phục Sinh hiện ra.
5- Qui tụ các môn đệ cùng với Đức Ma-ri-a để cầu nguyện và chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.
6- Ban Chúa Thánh Thần.
7- Xuất phát thi hành sứ vụ.
Tất cả những biến cố Phúc Âm ấy được bao hàm trong từ ngữ “Phòng Tiệc Ly”, vì thế từ ngữ này chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa mà Hội Thánh không ngừng suy niệm.
Trong Thông Điệp về Chúa Thánh Thần, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết về Phòng Tiệc Ly như sau:
“Giữa những khó khăn, thất vọng và hi vọng, giữa những mất mát và thối lui của thời đại chúng ta, Hội Thánh luôn trung thành với mầu nhiệm phát sinh ra mình. Nếu theo sự kiện lịch sử, Hội Thánh được phát sinh ra từ Phòng Tiệc Ly trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thì theo một ý nghĩa nào đó, Hội Thánh không hề rời xa nơi này. Về phương diện thiêng liêng, biến cố Hiện Xuống không nguyên chỉ thuộc quá khứ: Hội Thánh luôn lưu lại ở Phòng Tiệc Ly, và Phòng Tiệc Ly luôn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Hội Thánh kiên trì trong cầu nguyện như các Tông Đồ đã từng thực hiện xưa cùng với Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Ki-tô, và cùng với những người ở Giê-ru-sa-lem thiết lập thành phần nồng cốt đầu tiên của cộng đoàn ki-tô hữu và chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong cầu nguyện”.
“Hội Thánh kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Ma-ri-a. Sự hiệp nhất trong cầu nguyện này của Hội Thánh với Mẹ Chúa Ki-tô đã là thành phần trong mầu nhiệm của Hội Thánh, ngay từ lúc khởi đầu của Hội Thánh. Chúng ta thấy Đức Ma-ri-a hiện diện trong mầu nhiệm này như người đã hiện diện trong mầu nhiệm của con người… Lời cầu nguyện của Hội Thánh là lời kêu cầu không ngừng, trong đó ‘Chúa Thánh Thần cầu bầu cho ta’. Theo một ý nghĩa nào đó thì chính Ngài cầu nguyện với Hội Thánh và trong Hội Thánh. Quả thực, Thánh Thần đã được ban xuống cho Hội Thánh, để nhờ quyền lực của Ngài mà toàn thể cộng đoàn dân Chúa kiên trì trong niềm hi vọng, vì ơn cứu độ chính là đối tượng của niềm hi vọng”.
Trong các hình ảnh được cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma sử dụng trong linh đạo của ngài, thì Phòng Tiệc Ly là một hình ảnh được ngài sử dụng thường xuyên hơn cả. Nếu đọc kỹ các Thơ và các Bài Thuyết Trình của ngài, chúng ta thấy ngài thường xuyên nhắc đến Phòng Tiệc Ly. Như vậy, chắc chắn ngài phải thường xuyên suy niệm về ý nghĩa sâu xa và phong phú của Phòng Tiệc Ly. Chúng ta có thể thấy được tâm hồn ngài xúc động biết bao khi ngài suy gẫm về Bữa Tiệc Ly của Chúa, khi cố gắng thấu hiểu tình yêu nơi tâm hồn của Chúa Giê-su lúc Người thiết lập Thánh Thể. Đây là suy niệm căn bản cho tất cả mọi giáo huấn của ngài về tình yêu và về lòng tri ân đối với Chúa. Nếu đọc kỹ các tài liệu của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, chúng ta thấy ngài qui ý nghĩa của Phòng Tiệc Ly thành ba loại, đó là:
1)- Phòng Tiệc Ly Lịch Sử.
2)- Phòng Tiệc Ly Biểu Tượng.
3)- Phòng Tiệc Ly Nội Tâm.
3- PHÒNG TIỆC LY LỊCH SỬ
Khi nói đến Phòng Tiệc Ly Lịch Sử, điều đó ám chỉ: địa điểm hiện tại ở Núi Xi-on, tại Giê-ru-sa-lem, nơi mà người ta tin rằng Chúa Giê-su đã thiếp lập Thánh Thể trong Bữa Tối Sau Hết của Người với các môn đệ.
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thường xuyên nhắc đến nơi này, ngài nhắc đến Lầu Trên và chọn đó làm trọng tâm cho những suy niệm của ngài. Tuy nhiên, ngài cũng nói đến một địa điểm về địa dư còn tồn tại ở thời ngài, và hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trước đây cũng như bây giờ, tòa nhà này không thuộc chủ quyền của các ki-tô hữu. Đó là một nơi trung lập, một căn phòng rộng và trống rỗng. Đây không phải là tòa nhà nguyên thủy lúc Thánh Thể được thiết lập. Tòa nhà ấy hiện không còn nữa. Phòng Tiệc Ly ngày nay có lẽ được xây cất để làm nhà thờ vào thời Đạo Binh Thánh Giá. Tòa nhà được xây cất trên chính địa điểm mà phần đông người ta cho rằng đó là địa điểm nguyên thủy nơi Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, đồng thời là nơi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô rất ước mong mua lại được tòa nhà ấy và được phép Tòa Thánh thành lập tai nơi ấy một Nhà Nguyện để chầu Thánh Thể ngày đêm trong suốt cả năm. Nhưng sau những cố gắng, cùng với sự giúp đỡ trung gian của Tòa Thánh và của chính phủ Pháp, ngài đã không thành công trong việc thực hiện giấc mơ ấy.
4- PHÒNG TIỆC LY BIỂU TƯỢNG
Khi dùng từ ngữ “Phòng Tiệc Ly”, hầu như thánh E-ma luôn ám chỉ về “Phòng Tiệc Ly Biểu Tượng”. Vậy “Phòng Tiệc Ly Biểu Tượng” là gì?
“Biểu Tượng” theo ý tưởng của cha E-ma là một Khuôn Mẫu (Paradigm), và theo Tự Điển định nghĩa thì Khuôn Mẫu là “Một so sánh đầy đủ theo nghĩa biểu tượng để làm sáng tỏ một thực tại nào đó”.
Khi thánh Phê-rô Giu-li-a-nô chiêm niệm về Phòng Tiệc Ly và về những biến cố đã từng diễn ra ở đây, ngài đã khám phá ra được những ý nghĩa và giá trị thiêng liêng mà ngài muốn đưa vào lối sống của Dòng mà ngài sáng lập.
Đối với chúng ta cũng vậy, khi suy gẫm về những yếu tố được diễn ra ở Phòng Tiệc Ly, chúng ta cũng có thể khám phá ra những yếu tố của linh đạo thánh thể là những yếu tố cấu tạo nên bản chất của một lối sống: Thánh Thể, cầu nguyện, phục vụ, cộng đoàn và sứ vụ.
Khi đề cập đến “Phòng Tiệc Ly”, điều quan trọng không phải là một địa điểm về địa dư, hay những biến cố đã từng diễn ra ở đây, nhưng đặc biệt là hãy nhìn vào ý nghĩa sâu xa của các cố ấy và khám phá ra những giá trị liên kết cuộc sống ta với Thánh Thể và với Chúa Thánh Thần. Đó là lý do khiến thánh Phê-rô Giu-li-a-nô rất ưa thích dùng từ “Phòng Tiệc Ly”, hay “Phòng Tiệc Ly để chầu Chúa”, để gọi các cộng đoàn ngài thiết lập. Ngài không gọi các nhà do ngài thiết lập là Tu Viện, Đan Viện, nhưng ngài gọi là “Phòng Tiệc Ly”. Khi dùng từ “Phòng Tiệc Ly” theo nghĩa biểu tượng, ngài nói về các cộng đoàn tu sỹ do ngài thiết lập, nhất là những cộng đoàn của các Nữ Tỳ Thánh Thể, với những ý nghĩa là: Nơi Thiên Chúa ngự trị; Nơi yêu thương và chúc tụng; Nơi cầu nguyện cùng với Đức Ma-ri-a như các Tông Đồ xưa; Địa điểm và thời gian biến đổi. Chúng ta hãy coi một vài thí dụ điển hình sau đây:
– Ngày1 tháng 1,1855, ngài viết cho Mẹ Mác-gơ-rít:
“Nguyện cho Phòng Tiệc Ly tình yêu và chúc tụng được thể hiện giữa thế giới vô ơn và sao lãng này. Cho dù bị khinh bỉ và nhục nhã, nhưng không gì có thể lung lạc được cha trong công cuộc chuẩn bị Phòng Tiệc Ly. Chúng tôi đã hoàn tất được mọi sự. Tất cả đều là thần linh khi chúng ta phụng sự Thiên Chúa”.
– Ngày 25 tháng 1, 1855, ngài viết cho Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô:
“Cha sung sướng biết bao nếu trước khi lìa trần được nhìn thấy ít nhất một Phòng Tiệc Ly được thành lập. Đó là danh xưng mà chúng ta sẽ gọi các cộng đoàn chầu Chúa của chúng ta. Khi Thánh Gio-an dựa đầu vào ngực thánh Chúa, ngài đã rút ra được tình yêu của Chúa và sứ vụ mà Chúa Cha ủy thác cho Người. Cha cũng rất cần, không phải được vinh dự lớn lao như vậy, nhưng ít nhất được ở dưới chân Chúa. Đã gần 20 năm qua, cha sống cuộc đời hoạt động, giờ đây cha cần ở lại nơi Phòng Tiệc Ly”.
– Ngày 21 tháng 5, 1855, cha thánh viết cho bà Phờ-răng-sê (Franchet):
“Tôi rất thích hình ảnh bà so sánh bà với ngọn đèn chầu, đặc biệt là bà khát mong được trở thành ngọn đèn chầu quạnh hiu này, ngọn đèn leo lét cháy và tự thiêu hủy đi để phụng sự Chúa. Nếu làm được như vậy, thì quả thực bà đã chia sẻ cùng một đời sống như Ma-đa-lê-na và như Đức Trinh Nữ ở Phòng Tiệc Ly, trước Nhà Tạm thần linh”.
– Ngày 23 tháng 5, 1855, ngài viết cho Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô:
“Hãy nuôi dưỡng đời sống nội tâm của con bằng tinh thần sám hối và từ bỏ, để chết đi cho con người cũ. Ước chi lòng sùng mộ của con luôn phát nguồn từ việc kết hiệp với Chúa, để nhờ hi sinh đời sống mình, mà con đạt được đời sống của một hiền thê. Hãy khao khát có được một chỗ nhỏ ở Phòng Tiệc Ly và trên đỉnh đồi Can-va-ri-ô, đó là nơi cư ngụ thần linh của tình yêu, và Chúa sẽ mãn nguyện”.
– Ngày 31 tháng 5, 1856, ngài viết cho cô Đờ Rơ-ven (Revel):
“Ngày mai chúng tôi sẽ di chuyển vào Phòng Tiệc Ly mới. Hãy cầu nguyện để chúng tôi trở thành những môn đệ đích thực của tình yêu Chúa Giê-su Ki-tô, ngõ hầu một ngày kia được trở thành những tông đồ xứng đáng của Người”.
– Ngày 28 tháng 6, 1856, ngài viết cho cô Rô-giơ Ne-gờ-rờ (Rose Negre):
“Phòng Tiệc Ly nhỏ của chúng tôi đã được chuẩn bị sẵn sàng và chúng tôi hăng say làm việc để được thấy ngày hạnh phúc khi Chúa Giê-su ngự trên ngai tình yêu và vinh quang của Người”.
– Ngày 1 tháng 7, 1856, ngài viết cho cô Stê-pha-ni Go (Stephanie Gord):
“Cha không thể diễn tả hết cho con được sự bình an và niềm vui mà tâm hồn cha cảm nghiệm được khi nhận biết rằng, cha được kêu gọi đến với Phòng Tiệc Ly thần linh! Vì thế, dù bị khinh bỉ và nhục nhã thế nào chăng nữa, cha cũng không sao xuyến trong việc chuẩn bị Phòng Tiệc Ly. Chúng tôi đã hoàn tất mọi sự. Tất cả đều là thần linh khi chúng ta phụng sự Thiên Chúa”.
– Ngày 8 tháng 7, 1856, ngài cũng viết cho Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô:
“Chúng ta đang thi hành cùng một công việc như thánh Phê-rô và thánh Gio-an làm xưa, đó là chuẩn bị Phòng Tiệc Ly. Khi mọi sự đã hoàn tất, thì Chúa Giê-su sẽ sai các môn đệ của Người tới”.
Khi thánh Phê-rô Giu-li-a-nô trao bản thảo Hiến Pháp đầu tiên cho các chị Nữ Tỳ Thánh Thể vào ngày 15 tháng 8, 1859, ngài đã giới thiệu Hiến Pháp này qua một bức thơ giới thiệu, trong đó có đoạn như sau:
“Các con thân mến, cha gởi đến các con những qui luật này như một món quà từ nơi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ nhân từ của chúng ta, trong ngày trọng đại này khi người lên trời và rời nhà tạm thần linh, nhưng người muốn để lại cho các con vị trí của tình yêu người nơi Phòng Tiệc Ly, để các con thay người mà ở đó, gần gũi với Chúa Giê-su, gần gũi với Thiên Chúa của Thánh Thể. Về phần người, người ra đi để chuẩn bị cho các con một chỗ ở bên người trên thiên đàng, xung quanh Ngai Tòa vinh quang”.
Qua những trích dẫn trên, chúng ta có thể nhận thấy, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dùng cảnh tượng Phòng Tiệc Ly để làm đề tài cho những suy niệm của ngài. Chúng ta nên nhớ rằng, theo lịch sử, thì vào thời các Tông Đồ, không có việc cầu nguyện bên Nhà Tạm, vì lúc ấy chưa có thói quen giữ Mình Thánh lại sau Thánh Lễ để tôn thờ. Vì thế, theo lịch sử, chúng ta không thể phác họa hình ảnh Đức Ma-ri-a ở vị thế này được. Tuy nhiên, trong suy niệm, chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của vị thế ấy. Cũng như trong linh thao, thánh I-nha-xi-ô đã suy tưởng về “cuộc đàm đạo nơi nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa trước khi thực hiện Mầu Nhiệm Nhập Thể”. Không nên giải thích hay phân tích những suy niệm tưởng tượng ấy theo nghĩa lịch sử, nhưng phải theo nghĩa thiêng liêng, theo nghĩa biểu tượng hoặc tương tự mà thôi. Những suy niệm tưởng tượng là một giải thích thần bí nhằm mục đích biểu lộ ý nghĩa thiêng liêng tiềm tàng trong các biến cố lịch sử.
– Ngày 20 tháng 9, 1856, cha E-ma viết cho Mẹ Mác-gơ-rít như sau:
“Chúng ta cần đào tạo những kẻ tôn thờ đích thực của Chúa Giê-su trong Thánh Thể rập theo khuôn mẫu của Đức Ma-ri-a ở Phòng Tiệc Ly, đó là tôn thờ và sống bên cạnh nhà tạm thần linh. Chúng ta sẽ khởi đầu công cuộc này bằng cách qui tụ quanh Phòng Tiệc Ly: các linh mục, một số phụ nữ mà Chúa Giê-su sẽ chọn, để âm thầm, chứ không phô trương, đào tạo họ theo đời sống thánh thể. Khi họ đã sẵn sàng, chúng ta sẽ bàn hỏi với Chúa để xin Người cho biết, Người muốn lọai Phòng Tiệc Ly mới này ở đâu”.
– Ngày 24 tháng 9, 1856, ngài viết cho bà Phờ-răng-sê (Franchet):
“Chúng ta không hề bỏ Đức Ma-ri-a để đến với Chúa Giê-su. Chính Vị Nữ Vương thần linh của Phòng Tiệc Ly này sẽ dẫn dắt và chỉ đường cho chúng ta tới đó. Chính dưới tước hiệu cao cả Đức Mẹ của Phòng Tiệc Ly mà chúng ta tôn kính người. Chúng ta là đoàn con nhỏ quì bên Mẹ hiền trước Thánh Thể”.
– Gởi cho cô Đờ Rơ-ven (de Revel), ngài viết:
“Lý do chúng ta hiện hữu, chính là để làm vinh quang Chúa. Như vậy chẳng có gì bất kính khi nhờ tay Đức Mẹ dẫn dắt (ở đây ngài ám chỉ về những năm ngài sống trong Dòng Đức Mẹ) để tới phụng sự trực tiếp Chúa Giê-su, để từ Na-gia-rét tới Phòng Tiệc Ly, mà đúng hơn, và đó cũng quả thực là việc tôn kính Đức Ma-ri-a là Mẹ và là Nữ Vương của Phòng Tiệc Ly Thánh Thể”.
Ngài cũng thường đề cập đến khoảng thời gian phụng vụ giữa Lễ Chúa Lên Trời và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như thời gian của Phòng Tiệc Ly. Vì theo truyền thống, Hội Thánh coi khoảng thời gian này như khoảng thời gian các Tông Đồ và Đức Mẹ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đây là tuần cửu nhật đầu tiên của Hội Thánh. Vì thế ngày 18 thánh 5, 1856, ngài đã viết cho bà Tô-lanh Bô (Tholin-Bost): “Tôi đã tĩnh tâm ở Phòng Tiệc Ly”, ngài ám chỉ về cuộc tĩnh tâm để nhận định công cuộc mới về Thánh Thể, và ngài đã thực hiện cuộc tĩnh tâm này trong khoảng thời gian từ Lễ Chúa Lên Trời cho đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Như chúng ta thấy, trong tất cả những trích dẫn trên đây, cha E-ma đã luôn nói về Phòng Tiệc Ly theo nghĩa biểu tượng.
5- PHÒNG TIỆC LY NỘI TÂM
Cách thứ ba mà chúng ta hiểu về Phòng Tiệc Ly, đó là “Phòng Tiệc Ly Nội Tâm”. Đây là từ ngữ mà cha E-ma đã sử dụng trong thơ gởi cho bà Na-ta-li Gioóc-đăng (Natalie Jordan) ngày 8 tháng 1, 1864:
“Cầu mong sao cho tôi có được Phòng Tiệc Ly thực sự trước, rồi đến Phòng Tiệc Ly Nội Tâm, như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi”
Thành ngừ “Phòng Tiệc Ly Nội Tâm” này đã trở thành bất hủ nhờ công cuộc của cha Lô-rê-a Xanh Pi-e,SSS (Lauréat Saint-Pièrre) trong cuốn sách của ngài tựa đề là “Giờ của Phòng Tiệc Ly” (The Hour of the Cenacle).
Khi thánh Phê-rô Giu-li-a-nô tới Rô-ma để vận động mua lại Nhà Tiệc Ly ở Giê-ru-sa-lem, với hi vọng được phép thành lập một Nhà Nguyện ở đó để liên tục chầu Thánh Thể ngày đêm trong suốt cả năm. Vì phải cân nhắc thận trọng yêu sách của ngài, nên các Hồng Y và Giám Mục có trách nhiệm đã phải trì hoãn liên tục. Trong khi ở Rô-ma, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã khôn khéo sử dụng thời gian chờ đợi này. Ngài tới tu viện của các cha Dòng Chúa Cứu Thế để tĩnh tâm. Lúc đầu cuộc tĩnh tâm được dự trù kéo dài một tuần, nhưng vì những trì hoãn liên tiếp, nên cuộc tĩnh tâm đã kéo dài tới 65 ngày. Cuộc tĩnh tâm này được gọi là cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma của cha E-ma. Gọi là “Đại Tĩnh Tâm” phần vì khoảng thời gian dài, nhưng nhất là vì tính cách quan trọng của cuộc tĩnh tâm này. Trong thời gian này, Thiên Chúa đã tác động sâu xa vào tâm hồn và đời sống của cha E-ma. Cố gắng mua được Nhà Tiệc Ly trở thành vô vọng, nhưng nhờ ơn Chúa, ngài đã khám phá được yếu tố cốt yếu của đời sống nội tâm. Ngài đã đi đến kết luận: Nhiệt tâm đối với vinh quang bề ngoài dành cho Thiên Chúa là quá đáng và có hại đến việc hiến thân trọn vẹn nơi nội tâm. Ngài đã suy niệm về những lời của Chúa Giê-su: “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Ngài cầu xin Chúa cho biết ý nghĩa thực của những lời ấy là gì. Chúng ta sẽ suy niệm về vấn đề này một lần nữa khi đề cập đến: Phòng Tiệc Ly, nơi biến đổi.
Vấn đề ở đây thật giản dị, đó là ngài đã khám phá ra được Phòng Tiệc Ly Nội Tâm: Ý thức rằng mục đích tối hậu của Chúa trong việc Hiệp Lễ là trở nên trung tâm cho đời sống của ta, là ngự trị nơi tâm hồn ta.
Như chúng ta thấy, việc khám phá ra từ ngữ then chốt trong linh đạo của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô giúp ta nới rộng tầm nhìn về linh đạo của ngài và thấm nhuần sâu xa hơn tinh thần của linh đạo ấy. Trong các buổi chia sẻ tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục suy niệm về những đề tài chính trong linh đạo của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô và đặt chúng song song với các biến cố Phúc Âm đã diễn ra ở Phòng Tiệc Ly.
Để dễ theo dõi từng điểm của khuôn mẫu này, trong những ngày sắp tới đây, chúng ta sẽ đề cập đến Phòng Tiệc Ly như là:
1)- Nơi tình yêu được ban tặng.
2)- Nơi tình yêu được truyền dạy.
3)- Nơi qui tụ.
4)- Nơi biến đổi nhờ Thánh Thần.
5)- Nơi ban hành sứ vụ.
Khi nói với An-tô-ni-a Bô (Antonia Bost) về đời sống tu trì, ngày 25 tháng 1, 1866, cha E-ma viết:
“Chúng ta cần một đời sống ẩn tu vào một thời kỳ nào đó, một đời sống đan sỹ trong cuộc sống chung, và một đời sống tình yêu lớn lao cho Phòng Tiệc Ly”.
Hi vọng rằng, khi khám phá ra linh đạo của Phòng Tiệc Ly, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những lời trên đây của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, và hiểu biết bao quát hơn về linh đạo của ngài.
PHÒNG TIỆC LY
NƠI THIẾT LẬP THÁNH THỂ
VÀ TÌNH YÊU ĐƯỢC BAN TẶNG
A- BIẾN CỐ PHÚC ÂM
“Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng: ‘Thầy muốn chúng tôi đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’ Người sai hai môn đệ đi và dặn họ: ‘Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?’. Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta’. Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua” (Mc.14:12-16).
B- NƠI THÁNH THỂ ĐƯỢC THIẾT LẬP
VÀ TÌNH YÊU ĐƯỢC BAN TẶNG
Phòng Tiệc Ly là nơi Thánh Thể được thiết lập, nơi Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với ta: “Thiên Chúa quá yêu thương trần gian đến nỗi đã ban Con Một cho trần gian”. Đó là nơi Chúa Giê-su đã ban mình làm Bánh Hằng Sống cho trần gian. Người cũng mời gọi chúng ta đến Phòng Tiệc Ly để hiến thân làm lễ vật như vậy. Thánh Thể, tặng vật mà Người đã phải trả bằng một giá rất mắc là cuộc Thương Khó và Tử Nạn trên thập giá, vì thế đó là tặng vật cao quí nhất của tình yêu.
1- THÁNH THỂ, TẶNG VẬT CỦA TÌNH YÊU
Thánh Thể là tặng vật cao quí nhất của tình yêu. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã không hề nhàm chán khi lặp đi lặp lại chân lý này, và ngài cũng đã dùng tư tưởng này để làm căn bản cho những suy niệm, hồi tâm và lòng nhiệt tình của ngài. Tặng vật của tình yêu này sẽ còn tiếp tục mãi cho đến tận cùng thời gian, vì Chúa đã truyền cho ta phải làm như vậy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Bánh Hằng Sống được ban cho ta, để ta có thể đạt tới cùng đích của cuộc hành trình trần gian này.
Vào thời của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, căn bản của thần học thánh thể là giáo lý của Công Đồng Tri-đen-tri-nô. Nền thần học này nhấn mạnh đến ba đặc điểm của Thánh Thể là: Lễ Hi Sinh, Hiệp Lễ, và Sự Hiện Diện Thực. Tất nhiên thánh Phê-rô Giu-li-a-nô chấp nhận ba đặc điểm này cùng với những giới hạn của chúng. Tuy nhiên, dựa vào trực giác, Kinh Thánh và các Giáo Phụ, ngài còn tiến xa hơn nữa. Ngài đã nhận ra sự liên kết mật thiết giữa các khía cạnh khác nhau của Mầu Nhiệm Thánh Thể. Đối với ngài, Thánh Thể là Mầu Nhiệm trung tâm của Đức Tin, Mầu Nhiệm chứa đựng tất cả mọi mầu nhiệm khác. Chân lý ấy sau này đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II xác nhận và công bố: Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh, là trung tâm và cùng đích mọi cuộc sống.
Chính nhờ Thánh Thể mà chúng ta hiểu biết sâu xa về Chúa Ki-tô, nhất là Hiệp Lễ; và sau đó, qua việc chầu Thánh Thể, chúng ta liên kết với triều thần thiên quốc mà thờ lạy Chúa Giê-su, Con Chiên vinh thắng đã bị sát tế để cứu chuộc chúng ta. Rồi cùng với Người, chúng ta tôn thờ Đức Chúa Cha trong Thánh Thần và chân lý.
Để hiểu biết thánh Phê-rô Giu-li-a-nô hơn, chúng ta không nên coi ngài như một nhà thần học, mà là một tôn sư về linh đạo, nhất là một nhà thần bí: một con người say mê Chúa Giê-su và nhiệt tâm làm vinh danh Chúa trong Thánh Thể. Sở dĩ ngài trở thành vị tông đồ thánh thể là vì ngài đã mở rộng tâm hồn tới mức độ sâu xa nhất để được biến đổi nhờ Thánh Thể, và ngọn lửa nhiệt thành này đã biến ngài thành một vị thánh và một vị tông đồ. Ngài quả đáng được gọi là “ngôn sứ và chứng nhân của Thánh Thể”, một tước hiệu mà cựu Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thánh Thể là cha An-tô-ni Mạc-xuy-ni,SSS (Anthony McSweeney,SSS), xưng tụng. Tước hiệu này cũng phải là tước hiệu mà Dòng Thánh Thể cũng như Nữ Tỳ Thánh Thể phải tự nhận lấy cho mình (Xin coi tài liệu: Các ngôn sứ và chứng nhân của Thánh Thể):
“Đối với ngài (cha E-ma), Thánh Thể không phải là một nghi thức, mà là một Ngôi Vị, tức là Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su yêu thương ta, biến đổi ta, sống trong ta, Người đã đến để nên một với ta. Đối với cha E-ma, Thánh Thể là chính Chúa Giê-su. Người đến để canh tân xã hội bằng sự sống của Thiên Chúa. Đối với cha E-ma, đặt Thánh Thể để chầu là một phương thế kéo chú ý của thế giới, để người ta đến với sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Ki-tô hiện diện giữa chúng ta, và biểu lộ đức tin của ta đối với sự hiện diện này. Đối với cha E-ma, Thánh thể là Mầu Nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa mà giờ đây bao gồm tất cả mọi mầu nhiệm khác về Chúa Ki-tô được cử hành trong phụng vụ.
Đối với cha E-ma, thành lập các dòng tu là để biểu lộ quyền năng của Thánh Thể và sự hiện diện của Chúa Ki-tô ở giữa ta. Công cuộc này đã có thể thực hiện được chính là nhờ Thánh Thể, nhờ chính Chúa Giê-su”.
Nói về Thánh Thể trong lịch sử, trong giáo huấn của Hội Thánh ngày nay, hay trong giáo huấn của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thì không biết phải cần đến bao nhiêu thời gian cho vừa. Đây là kho tàng của Hội Thánh mà ơn kêu gọi của chúng ta, những tu sỹ thánh thể, phải khám phá để có thể học biết thêm… Như các bạn biết, tôi cảm thấy dường như bất lực hoàn toàn khi đề cập đến vấn đề nồng cốt của ơn kêu gọi của chúng ta, một vấn đề mà không bao giờ có thể nói cho đủ được. Thánh Tô-ma Tiến Sỹ, trong Bài Ca Tiếp Liên của Lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô đã viết: “Hãy ca ngợi Người hết sức ngươi và sẽ chẳng bao giờ đủ”. Đó cũng là tiếng thở than từ đáy tâm hồn ta. Tuy nhiên, hi vọng rằng những khảo sát này có thể giúp các bạn định được vị trí linh đạo thánh thể của chúng ta trong bối cảnh lịch sử và Hội Thánh. Ơn kêu gọi mà Chúa ban cho chúng ta sẽ giúp chúng ta thấu hiểu sâu xa hơn đặc ân mà Ngài ban cho ta qua cá nhân thánh Phê-rô Giu-li-a-nô.
2- THÁNH THỂ TRONG PHỤNG VỤ
VÀ TRONG CÁC HÌNH ẢNH KINH THÁNH
Khi đề cập đến Thánh Thể theo ánh sáng của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chúng ta dùng những phạm trù (Categories) phát xuất từ Phụng Vụ, Kinh Thánh, hay những phạm trù khác thuộc lãnh vực mục vụ.
– Những phạm trù Phụng Vụ: Nghi thức, cộng đoàn tụ họp, Lời Chúa, lời nguyện tạ ơn.
– Những phạm trù Kinh Thánh: Mầu Nhiệm Vượt Qua, Giao Ước, Tưởng Niệm, Bánh Hằng Sống, Con Chiên bị sát tế, Nước Thiên Chúa, Cây Nho và ngành nho, hạt lúa miến.
– Những phạm trù thuộc Mục Vụ: Thánh Thể là Của Dưỡng Nuôi, Ơn Giao Hòa, năng lực biến đổi, sự hiện diện thường trực, chiêm niệm, giải phóng.
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dùng rất nhiều những quan niệm này trong các giáo huấn của ngài, nhưng ngài diễn tả những quan niệm ấy bằng những từ khác, vì ngài không có những từ vựng khác hơn là những từ vựng của Giáo Hội thời bấy giờ, để diễn tả những trực giác của ngài. Ngài cũng dùng nhiều hình ảnh có tính cách thi ca, như: lửa, mặt trời, hay những hình ảnh xã hội, như: vua, triều đình, hoặc gia đình, chủ và tôi tớ.
Mong mỏi của cha E-ma là chúng ta khám phá ra thêm những ý nghĩa phong phú của Thánh Thể, như ngài nói: “Đó là công việc của các con” (C’est votre affaire). Công việc đó không nguyên chỉ là nghiên cứu học hỏi và suy tư mà thôi, nhưng còn là công cuộc mà chúng ta cần thực hiện khi chầu Chúa trong Thánh Thể, đó là khám phá ra tâm hồn của Chúa ngự trong Bí Tích Tình Yêu này. Ngài chỉ cho ta đường lối mà ngài đã đi để vào tận trung tâm của Thánh Thể, để khám phá ra phương pháp tâm nguyện thích hợp cho việc cầu nguyện trước sự hiện diện của Bí Tích Thánh Thể và ngài đã biến phương pháp ấy thành tinh thần của cuộc sống, đó là: tôn thờ, cảm tạ, đền tội và cầu xin. Trọng tâm của Thánh Thể là gì? Đó là Của Ăn thiêng liêng cho sự sống nhờ đó mà chúng ta không bao giờ bị kiệt sức trong cuộc hành trình nơi dương gian này.
3- BÍ TÍCH BIẾN ĐỔI
Cuối cùng, sự hiểu biết của ngài về Mầu Nhiệm Vượt Qua khiến ngài nói về Thánh Thể như một Bí Tích Biến Đổi, một lời mời gọi đến hiệp nhất với Chúa Giê-su cách âm thầm, chúng ta dần dần lưu tâm đến lời mời gọi trở thành thánh thể qua đời sống ta: “Được thấm nhuần tinh thần lễ Vượt Qua, chúng ta dấn thân đáp lại tặng vật của Chúa Ki-tô, bằng lễ vật bản thân ta, để biến toàn thể cuộc sống ta thành thánh thể, là cuộc mừng hiệp nhất trong bình an và niềm vui, là sự tôn thờ trong tinh thần và chân lý” (Luật Sống của Nữ Tỳ Thánh Thể, #2).
4- MẦU NHIỆM HIỆP NHẤT
Đường lối mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đi tới các Mầu Nhiệm của Năm Phụng Vụ cũng tương tự như đường lối của Trường Phái Linh Đạo Pháp. Nhờ chiêm niệm những Mầu Nhiệm về Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thấm nhuần mỗi ngày một sâu xa hơn mọi khía cạnh của Mầu Nhiệm Cứu Rỗi. Tuy nhiên, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã áp dụng sự hiểu biết này vào Mầu Nhiệm hiện hữu của Chúa Ki-tô trong sự hiện diện thực của Người nơi Bí Tích Thánh Thể, Mầu Nhiệm này có thể thấm nhuần sâu xa vào cuộc sống thiêng liêng của ta, đến nỗi chúng ta có thể kêu lên như thánh Phao-lô: “Không còn phải là tôi sống, nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi”.
Cuộc Tĩnh Tâm ở Rô-ma cho thấy, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô luôn tìm cách để hiểu biết sâu xa hơn về hình ảnh Cây Nho và ngành nho, nghĩa là làm thế nào để có thể thực sự trở nên một với Chúa Giê-su, làm thế nào để có thể thực sự ở trong Người.
5- MẦU NHIỆM NHẬP THỂ NỐI DÀI
Một lần nữa, nhờ chiêm niệm thánh thể với Đức Ma-ri-a, Nữ Vương của Phòng Tiệc Ly, cha E-ma đã coi Thánh Thể như Mầu Nhiệm nối dài của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chúa Giê-su giờ đây sống trong ta, Chúa Thánh Thần giờ đây đang tác tạo nên hình ảnh của Chúa Ki-tô ở trong ta và làm cho ta tham dự vào công cuộc của Người, để ta có thể nên “lời ca tụng vinh quang Thiên Chúa”.
Trong một bài thuyết trình chủ yếu cho các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi nhân dịp tĩnh tâm thành lập Dòng vào tháng 7, 1859, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói với các chị là: phải “sống với Chúa Giê-su, cho Chúa Giê-su, và trong Chúa Giê-su”. Đó là chương trình ngài vạch ra cho chính ngài trước, rồi sau đó mới cho chúng ta, những tu sỹ Thánh Thể. Ngài quả là con người say mê cuồng nhiệt, đã nóng nẩy khát khao Chúa Giê-su và là Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Còn chúng ta thì sao?
C- CÁC BẢN VĂN
1- TẶNG VẬT THÁNH THỂ
(Sơ Valentine Bouchard, SSS, sưu tập)
Để khởi đầu, điều quan trọng là cần phải hiểu biết chính xác về ý niệm Tôn Thờ (Adoration) theo như cha E-ma hiểu. Ngài dùng từ này theo nhiều nghĩa khác nhau:
– Tôn thờ là thờ phượng, đó là một tôn giáo.
– Tôn thờ là cầu nguyện, tôn thờ trong tinh thần và chân lý.
– Tôn thờ là đời sống ki-tô hữu.
Có lẽ chúng ta thường hiểu tôn thờ là hành vi và thời gian quì trước sự hiện diện của Chúa được đặt trên bàn thờ. Đối với thánh E-ma, tôn thờ là thái độ nội tâm luôn hướng về Chúa Giê-su trong mọi sự, và là nguồn nâng đỡ cho mọi hoạt động của ta.
– “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga.4:23).
– “Lễ hi sinh của Thánh Lễ và sự hiệp thông với Mình Chúa Ki-tô vượt trên mọi lòng tôn sùng khác và chắc chắn phải là cùng đích của tôn giáo và là nguồn mạch đem lại sự sống cho đời sống tôn giáo”.
“Để xứng đáng tham dự vào cuộc tưởng niệm của Mầu Nhiệm này, mỗi người chúng ta đều nhận được những đặc ân và khả năng cá nhân, đó là một tình yêu nhậy cảm đối với Thiên Chúa và lòng sùng mộ chân thành. Những phương tiện này phải được sử dụng để hướng ta tới cuộc cử hành Thánh Thể” (Theo Bản Ghi Chép của St Bonnet, 1863).
– “Hiệp Lễ phải là cùng đích của lòng sùng mộ. Hiệp Lễ là tặng vật cao quí nhất của tình yêu Chúa Giê-su, Đấng liên kết mỗi người rước lễ với chính Người. Các lòng sùng mộ khác của ki-tô giáo chỉ là chuẩn bị cho Hiệp Lễ, hay để cảm tạ ơn trọng đại này. Mọi thực hành không liên quan đến Hiệp Lễ đều không phải là mục tiêu đích thực của lòng sùng mộ” (Thư Mục dành cho các Tán Trợ. Những tác phẩm thiêng liêng II).
– “Xác tín rằng, Lễ hi sinh của Thánh Lễ và hiệp thông với Mình Chúa Giê-su Ki-tô là nguồn mạch ban sự sống và là tột đỉnh của tôn giáo, mỗi người phải hướng lòng sùng mộ, các nhân đức, cũng như nhiều phương tiện khác tới mục tiêu là cuộc cử hành xứng đáng, hay lãnh nhận Nhiệm Tích thần linh này cách hữu hiệu” (Bản văn của St Bonnet).
– “Hiệp Lễ là lãnh nhận Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng sau khi đã lãnh nhận rồi, ta còn phải thấm nhuần và đồng hóa với Của Ăn này nữa” (Tĩnh Tâm thường niên cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày cuối cùng, năm 1868).
– “Hiệp Lễ là một hành vi thánh thiện nhất, thần linh nhất, hành vi này không thể phát sinh công hiệu nếu thiếu việc tôn thờ (chầu Chúa), nhưng nhờ việc tôn thờ mà hành vi ấy sẽ phát sinh hoa trái phong phú. Khi rước lễ, là các con thực hành những hành vi nhân đức; nhưng khi chầu, thì Chúa sẽ hoạt động trong các con. Vì thế các con tạo nên sự sống của Chúa trong các con. Còn Chúa thì nuôi dưỡng sự sống ấy, các con không còn phải đi khất thực nữa” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể ngày 27 tháng 12, 1859).
Trong một bài suy niệm vào Thứ Năm Tuần Thánh, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã cố gắng tìm hiểu sâu xa tâm hồn Chúa Giê-su lúc Người lập Thánh Thể. Sau đây là một vài tư tưởng trích trong bài suy niệm ấy:
– “Tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã muốn ban cho mỗi người tất cả những gì Người có, và tất cả những gì tạo nên Người, bằng một tặng vật vĩnh cửu và bất khả hồi tố. Hậu quả của cử chỉ tình yêu ấy là gì? Liệu người ta có tin vào tặng vật ấy hay không? Những ai tin vào tặng vật ấy, liệu họ có đón nhận với lòng tri ân sâu xa hay không? Những kẻ đón nhận và thụ hưởng ơn ấy, liệu họ có trung thành với ơn cao cả ấy hay không? Rất tiếc là không… Cho dù người ta có nhìn nhận hay không nhìn nhận đó là một tặng vật cao quí, cho dù người ta có đón nhận và tôn thờ tặng vật ấy hay không, tình yêu của Chúa Giê-su vẫn không ngừng thổn thức nơi trái tim Người”.
– “Tâm hồn Chúa Giê-su muốn ở giữa những kẻ thuộc về Người dưới hình thức một bí tích che giấu nhân tính Người – Người dùng bánh và rượu để thực hiện điều đó – Người hiệp nhất khăng khít với họ và họ trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện, hi lễ và hiệp thông của Người”.
– “Chúa Giê-su phán: ‘Tâm hồn Thầy đã chọn hình thức Bí Tích này để tất cả mọi người có thể đến với Thầy cách dễ dàng và trong niềm tin tưởng. Khi thấy Thầy dưới hình thức này, các con sẽ thấu hiểu hơn những lời của Thầy: ‘Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Hiện Diện Thực, tr. 7).
2- THÁNH THỂ: CUỘC TƯỞNG NIỆM TỐI CAO
CỦA TÌNH YÊU CHÚA GIÊ-SU
“Khi thánh Gio-an tông đồ viết: ‘Chúa Giê-su đã yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở lại trần gian, Người đã yêu thương họ đến cùng’ (Ga.13:12). Qua lời này, thánh Gio-an cho thấy nguyên lý hướng dẫn toàn thể cuộc đời Chúa Giê-su là gì? đó là: tình yêu. Chính tình yêu đã đưa Người từ trời xuống, biến Người thành bạn hữu và anh em của hết thảy chúng ta, đã chịu treo Người lên thập giá. Vì thế, mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi hành động của Chúa Cứu Thế đều do tình yêu nơi tâm hồn Người thúc đẩy. Phải, tình yêu được triển nở qua những tặng vật và cảm xúc. Tình yêu đã không mãn nguyện với tặng vật hằng ngày, mà còn muốn một bữa tiệc trọng thể như một bữa tiệc vương giả để có thể bộc lộ tình yêu ấy – Bữa Tiệc tình yêu của Chúa Giê-su đã diễn ra ở Phòng Tiệc Ly, trong Bữa Tối Sau Hết. Đó là việc thiết lập Thánh Thể. Chúa Giê-su đã chờ tới cuối cuộc đời, lúc đó Người mới thực hiện Bữa Tiệc này để biến Bữa Tiệc ấy thành tặng vật tối cao và vĩnh cửu của tình yêu Người. Bởi thế, Bí Tích này mới được gọi là Bí Tích Tình Yêu”.
3- THÁNH VỊNH 111
1 Ha-lê-lui-a.
Tôi xin hết lòng cảm tạ CHÚA,
trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội.
2 Việc CHÚA làm quả thật lớn lao,
người mộ mến ra công tìm hiểu.
3 Sự nghiệp Chúa oai phong hiển hách,
đức công chính của Người tồn tại thiên thu.
4 Chúa đã truyền tưởng niệm những kỳ công của Người.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu.
5 Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn ;
giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi.
6 Sức mạnh việc Người làm, Người cho dân thấy rõ,
khi tặng ban cho họ gia sản của chư dân.
7 Những công trình tay Chúa thực hiện
quả là chân thật và công minh.
Huấn lệnh Người ban đều chắc chắn,
8 bền vững đến muôn đời muôn thuở,
căn cứ vào sự thật lẽ ngay.
9 Người đem lại cho dân ơn giải thoát,
thiết lập giao ước đến muôn đời.
Tôn danh Người thánh thiêng khả uý.
10 Kính sợ CHÚA là đầu mối khôn ngoan.
Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.
Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người.
4- KINH CẦU THÁNH THỂ
– Lạy Bánh Hằng Sống,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Của Nuôi các linh hồn,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Tiệc chí thánh,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Bánh bởi trời,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Bánh bồi dưỡng,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Hiến Tế thánh thiện,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Hạt Lúa tuyển chọn,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Man-na thần linh,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Đấng Mục Tử nhân lành,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Linh Mục thượng phẩm,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Chiên Thiên Chúa,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Lương Y thần linh,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Tặng Vật vĩnh cửu,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Cuộc Tưởng Niệm của tình yêu Thiên Chúa,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Mầu Nhiệm Đức Tin,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Bàn Tiệc tinh tuyền,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Lời Hứa cứu độ,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Niềm Hi Vọng vinh quang,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Đá Tảng nền móng Hội Thánh,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Lời Thiên Chúa,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Ánh Sáng trần gian,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Mặt Trời công chính,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Mầu Nhiệm sinh động,
– Xin thương xót chúng con.
– Lạy Đấng Thiên Sai thần linh,
– Xin thương xót chúng con.