ƠN KÊU GỌI THÁNH THỂ
LỜI MỜI GỌI
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu” (Ep. 1:3-8).
1- NHẬP ĐỀ
Suy niệm về ơn kêu gọi thánh thể, hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn những thuyết trình mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã chia sẻ với các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi. Tôi sẽ trích dẫn những bài thuyết trình của cha thánh, để các bạn có dịp nghe chính tư tưởng của ngài và cảm nghiệm được phong cách của ngài.
Khi thành lập hai dòng tận hiến cho Thánh Thể là Dòng Các Cha Thánh Thể và Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, cha E-ma luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát huy đời sống thiêng liêng. Vào những năm 1858 – 1864, cả hai dòng đã sống và hoạt động bên nhau ở Pa-ri, và cha E-ma đã thường xuyên đến giảng cho các chị Nữ Tỳ Thánh Thể – mỗi tuần khoảng 2 hoặc 3 lần – và trong những buổi thuyết trình này, ngài đã chia sẻ những kiến thức phong phú của ngài về Thánh Thể, cùng với những suy niệm cá nhân của ngài về đặc sủng thánh thể trong Hội Thánh. Ngài cũng chia sẻ cả những tin tức về cá nhân ngài, về các chuyến công du của ngài, và về cộng đoàn Các Cha Thánh Thể.
Qua cái nhìn tổng quát về các buổi thuyết trình này, chúng ta nhận thấy một số đề tài ưa thích mà ngài lặp đi lặp lại nhiều lần. Trước tiên chúng được gom lại theo chủ đề thành 10 loại, và bây giờ chúng được phối hợp lại thành 5 chủ đề chính. Tuy nhiên, để các bạn có một khái niệm tổng quát, thiết tưởng danh sách đầy đủ về các chủ đề này rất lợi ích, nhất là trong những buổi hội thảo này, những đề tài ấy sẽ được thường xuyên đề cập tới.
Những chủ đề ấy là:
1- Thánh Thể là phương thế và mục đích của Hội Dòng.
2- Cầu nguyện và tôn thờ.
3- Hiến lễ bản vị và Sự Sống của Chúa Giê-su trong chúng ta.
4- Tinh thần của tình yêu.
5- Hồi tâm (cầu nguyện)
6- Mầu Nhiệm Vượt Qua (Siêu thoát, hi sinh, từ bỏ)
7- Hành trình thiêng liêng (đời sống nội tâm, những trạng thái của tâm hồn, sức lôi cuốn thiêng liêng).
8- Đời sống tu trì và các lời khấn
9- Các nhân đức: Niềm vui, khiêm nhường, bác ái.
10- Các lễ phụng vụ.
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã đan kết những đề tài này lại với nhau một cách chặt chẽ đến nỗi để giải thích vấn đề này, ngài phải dùng những khía cạnh của các đề tài khác.
Vì các bài thuyết trình này đã có từ hơn một thế kỷ nay, đề cập đến những hoàn cảnh lịch sử và văn hóa khác biệt với những hoàn cảnh và văn hóa của các bạn, cũng như của tôi ngày nay. Vì thế có nhiều chi tiết không hấp dẫn đối với chúng ta. Những từ vựng, hình ảnh, quan niệm thần học… tất cả đều phản ảnh thời gian và xuất xứ của chúng. Vì thế, cũng như khi nghiên cứu về Kinh Thánh, chúng ta cần phải khai triển một số kiến thức về phong tục, cảnh vực, lối suy luận… nhờ đó ta mới có thể khám phá được kho tàng chôn vùi trong đó.
Hiện nay chúng ta đang cố gắng phát triển một phương pháp thích nghi để chúng ta có thể rút ra được những gì tiềm tàng trong nguồn tài liệu phong phú này. Chúng ta sẽ tìm hiểu đại cương về các phương pháp ấy ở phần cuối của tài liệu này. Bây giờ xin mời các bạn hãy nghe những giáo huấn của cha thánh chúng ta qua những thuyết trình mà ngài chia sẻ với các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi.
2- TẶNG VẬT CỦA CHÚA CHA DÀNH CHO CHÚA CON
Cha E-ma luôn khuyến khích các chị Nữ Tỳ Thánh Thể tiên khởi phải năng hồi tưởng lại nguồn gốc ơn kêu gọi cá nhân của mình. Cũng như hằng ngày, chúng ta tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su, và tưởng nhớ lại những biến cố quan trọng của cuộc đời ta thế nào, thì chúng ta cũng phải luôn tưởng nhớ đến nguồn gốc duy nhất và nguyên thủy về ơn kêu gọi của ta như vậy, nghĩa là phải luôn nhớ: ta được Cha trên trời tuyển chọn và chương trình đầy từ bi của Ngài dành cho ta. Tất cả các ơn khác đều phát xuất từ ơn kêu gọi căn bản này. Chúng ta phải ghi lòng tạc dạ ơn cao cả và căn bản ấy và phải luôn ôn lại câu chuyện cuộc đời ta trong tinh thần cảm tạ sâu xa: “Đừng bao giờ quên rằng, Cha chúng ta ở trên trời, chính Ngài đã kêu gọi các con”(Directory).
Liên quan đến lời khuyên này, cha E-ma nhấn mạnh đến ba điểm chính:
a- Ân huệ Chúa Cha dành cho Chúa Con.
b- Thái độ đối với ân huệ của Chúa.
c- Mục đích của ơn kêu gọi.
a- Ân huệ Chúa Cha dành cho Chúa Con
Trong buổi thuyết trình dành cho các Nữ Tỳ Thánh Thể ngày 20 tháng 7, 1858, cha E-ma nói:
“Cha đã chọn những lời này[1] cho Hiến Pháp của chúng con để phù hợp với Phúc Âm, để diễn tả từ ngữ ấy cách sống động hơn và bớt gây khiếp đảm cho tâm hồn các con hơn.
Cha xin các con hãy cảm tạ Thiên Chúa vì mọi ân huệ tốt lành đều xuất phát từ nơi Ngài. Ngài là Đấng đã ban các con cho Con Yêu Quí của Ngài, cũng như Ngài đã chọn các Tông Đồ cho Người[2], vì Chúa chúng ta đã chẳng làm gì theo ý riêng của mình, và Người muốn các Tông Đồ của Người xác tín điều đó.
Bởi thế sau Bữa Tiệc Ly, Người đã cầu nguyện cho họ bằng những lời sau: “Lạy Cha, Con đã gìn giữ tất cả những kẻ mà Cha đã ban cho Con”.
Cũng như Chúa Cha đã chọn các Tông Đồ cho Con của Ngài, Người Cha Thần Linh này, Người là Chúa nhân lành và vinh quang, đã hoạch định một triều đình, một gia đình cho Con yêu quí của Ngài bằng cách chọn các con. Giờ đây Ngài nói với các con bằng cùng những lời mà xưa kia Ngài đã nói với các Thiên Thần của Ngài: ‘Đây là Con yêu quí của Ta’, rồi ngài thêm: ‘Hãy phụng sự Người’. Các con thân mến, hãy chúc tụng Thiên Chúa là Cha, vì Ngài đã tuyển chọn các con” (Tinh thần Luật. Thuyết trình ngày 20 tháng Bẩy, 1858).
b- Thái độ đối với ân huệ của Chúa
Trong cuốn “Thư Mục Hướng Dẫn”[3], cha E-ma thêm: “Chúc tụng Chúa Cha, vì do lòng từ bi nhân hậu, Ngài đã chọn các con…”
Lòng tri ân phải là linh hồn và là niềm vui của tâm hồn các con, vì do lòng từ bi, Thiên Chúa đã kêu gọi các con. Thiên Chúa kêu gọi các tâm hồn đến với Ngài bằng hai cách: Hoặc qua đường lối đặc biệt như thánh Phao-lô bị vật ngã trên đường đi Đa-mát-cô, hoặc qua đường lối từ bi – đó là đường lối Ngài kêu gọi các con, vì các con biết rõ những yếu đuối và những chiến đấu của mình, và chẳng có gì đặc biệt để đáng được Chúa kêu gọi”.
c- Mục đích của ơn kêu gọi
– “Ngài đã gọi các con để phụng sự Ngôi Vị đáng tôn thờ của Con Thần Linh Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”(Directory).
– “Có ba loại phụng sự Chúa: Phụng sự vì vụ lợi, đó là đường lối của những kẻ làm mướn; phụng sự để đạt ơn cứu độ, đó là đường lối chung của mọi ki-tô hữu; phụng sự vì tình yêu, đó là đường lối của con cái trong gia đình” (Tinh Thần Luật, ngày 19 tháng Bẩy, 1858).
3- KÊU GỌI ĐỂ “Ở VỚI”
– “Cùng đích của các con là chính Chúa Ki-tô… Vì thế, đời sống chúng con phải nên giống như đời sống của Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Người ngự trong Bí Tích này chỉ vì yêu thương. Và chính vì tình yêu mà các con đến và ở lại dưới chân Người.
“Chúa mong muốn các con hiến thân cho Đức Chúa Cha như Người đã thực hiện. Người muốn ta hiến dâng lên Đức Chúa Cha mọi đau khổ của ta để hoàn tất những gì còn thiếu sót nơi cuộc thương khó của Người… Chúa muốn các con được tự do để các con có thể tự sát tế chính mình và hiến thân cho Người. Sát tế mình có nghĩa là xóa bỏ mình đi, là quên mình đi, là hòa tan mình trong Đức Giê-su Ki-tô như giọt nước hòa tan trong chén rượu nho”.
“Phải, các con thân mến, chúng con cũng phải tan hòa trong Chúa Giê-su để trở nên một với Người, cũng như Người đã cầu xin với Cha Người: ‘Xin cho chúng nên một với Con cũng như Con nên một với Cha” (Tinh Thần Luật, ngày 21 tháng Chín, 1858).
– “Còn gì cao trọng hơn ở trên trời cũng như dưới đất này cho bằng việc tôn thờ chính Ngôi Vị của Chúa. Nếu các Thiên Thần và Các Thánh liên kết với ta, ta sẽ xin các ngài làm gì nếu chẳng phải là xin các ngài quì gối xuống, chứ còn làm gì khác hơn nữa? Mọi hoạt động của Hội Thánh đều qui hướng về việc tôn thờ này. Sau khi Hội Thánh đã tôn thờ Chúa rồi, thì chẳng còn gì khác để dâng lên Người nữa. Sau khi các linh mục đã tôn thờ Chúa trong Thánh Lễ và trong Kinh Thần Vu rồi, thì các ngài đến với tha nhân. Nhưng ưu tiên phải là Thầy chí thánh trước. Như vậy, các con thân mến, các con được chọn để làm các nữ tỳ, làm những kẻ tôn thờ Chúa”.
“Đây là ơn kêu gọi cao đẹp nhất, vì các con khởi sự nơi trần gian này những gì mà các con sẽ thực hiện ở trên trời sau này: cùng một việc phụng thờ, cùng một tình yêu. Chỉ có điều khác biệt, một điều khác biệt duy nhất, đó là hình thức: Ở trên trời thì Chúa ở tình trạng vinh hiển, còn nơi Bí Tích Thánh Thể thì Người ẩn mình dưới bức màn tình yêu (…). Như vậy, sự cao trọng của ơn kêu gọi mà các con nhận được hệ tại tác vụ của các con, đó là hành vi tôn thờ, vì đối với các con, chầu Chúa không nguyên chỉ là việc cầu nguyện cá nhân mà thôi, nhưng các con còn tôn thờ Chúa nhân danh GiáoHội. Chính Giáo Hội ủy thác cho các con thực hiện thay mặt Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội mà thi hành tác vụ cao cả này” (Tĩnh Tâm thường niên, ngày 15 tháng 9, 1862).
– “Nhờ chầu Thánh Thể, chúng con tranh đua với các Thiên Thần và các Thánh trong vinh quang” (Directory):
“Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta có phước hơn các Thánh trên trời, vì các ngài không còn có thể dâng lên Chúa được gì nữa. Theo một cách nào đó, chúng ta được chia sẻ hạnh phúc và vinh dự với các ngài trong việc tôn thờ Chúa. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta còn được chiến đấu và chịu đau khổ, với niềm vui là được dâng lên Chúa lễ sát tế và hi sinh của ta. Nhờ chịu đau khổ ở trần gian này trong sự kết hiệp với Chúa, chúng ta để Người chịu đau khổ trong các chi thể của Người, và những đau khổ của ta có một giá trị lớn lao nhờ sự hiệp nhất này” (Tinh Thần Luật, ngày 21 tháng 9, 1858).
– “Chúng con có thể hiến dâng Người một ngai tòa nữa, nơi đâyNgười có thể mặc lấy xác thịt và sát tế mình một lần nữa”(Directory):
Tư tưởng này là của thánh Au-gus-ti-nô và có thể cũng là của thánh I-rê-nê-ô, các ngài đã coi Thánh Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thể kéo dài, nghĩa là nhờ Thánh Thể, Chúa Ki-tô mặc lấy xác thịt ở trong ta một lần nữa, và thực hiện lại những mầu nhiệm của Người ở trong ta.
4- PHỤNG SỰ TÌNH YÊU
– “Tâm hồn và cuộc sống của các con, đó là tất cả những gì Chúa muốn nơi các con. Người chỉ cần bấy nhiêu thôi”.
– “Các con thân mến, điều tối hệ trọng là các con phải xác tín về tình yêu của Chúa đối các con, để có thể phụng sự Người bằng tình yêu và không để mình khiếp đảm trước sự cao cả của ơn kêu gọi và những thách đố của ơn kêu gọi này khi nhìn vào những yếu đuối và tội lỗi của mình (…).
“Từ đời đời, Chúa đã yêu thương các con. Khi các con chưa sinh ra, Người đã kêu gọi các con sống theo ơn kêu gọi thánh thể, vì đây không nguyên chỉ là ơn gọi để đạt tới ơn cứu độ mà thôi, hay ơn giữ gìn khỏi tội lỗi, hoặc ơn kêu gọi sám hối, mà đây là tiếng gọi của tình yêu, lời mời gọi sống đời sống Thánh Thể, trở nên những hiền thê của Chúa Giê-su Ki-tô trong Bí Tích tình yêu của Người, và sống gần Con Chiên ở trạng thái mà tình yêu đã ràng buộc Người lại ở đây (…).
“Như vậy, vì tình yêu mà các con đã được chọn, và tình yêu đặc biệt này đã làm cho các con trở nên cao sang. Chúa đã kêu gọi các con, đã làm cho các con được phong phú và trở nên cao sang để liên kết các con với Người, vì Người yêu thương các con và chính do tình yêu đặc biệt này mà Người đã dùng ơn Quan Phòng kỳ diệu để dẫn đưa các con đến gần Người hơn. Từ nguyên thủy, Chúa đã yêu thương các con bằng một tình yêu đặc biệt, mộttình yêu đem lại vinh dự cho các con (…). Tình yêu này đã lôi cuốn các con, và cũng chính tình yêu ấy, giờ đây đang biến đổi các con ở trong Chúa. Đó là ân huệ, là sức mạnh lôi kéo các con tới đây, và giờ đây nhờ ơn hiệp nhất mà Chúa muốn ban chính mình Người cho các con cùng với mọi kho tàng của Người… Vì các con muốn yêu mến Người và muốn luôn thuộc về Người hơn nữa”.
“Các con có thể nói: Làm thế nào Chúa có thể yêu thương tôi được? Tôi nguội lạnh và trễ nải. Tôi phụng sự Người cách máy móc, tôi không yêu mến Người như lúc tôi mới tới đây. Các con thân mến, nếu đặt sự cân đối giữa tình yêu Chúa với các con, và tình yêu mà các con dành cho Người, thì các con quả là những kẻ vô phúc nhất. Nhưng đối với các lỗi lầm của các con, thì tình yêu của Chúa sẽ trở thành tình yêu đầy cảm thương và từ bi. Đừng để những yếu đuối làm các con buồn phiền… Điều khiến cha xúc động hơn hết về ơn kêu gọi thánh thể là tình yêu từ bi và thương xót của Chúa, chính vì tình yêu ấy mà Người không những đã chịu đựng ta, bất kể sự nguội lạnh và thờ ơ lãnh đạm của ta, hơn nữa Người còn bao bọc ta bằng tình yêu dịu dàng, đổ tràn muôn ơn huệ cao quí xuống trên ta, và hằng ngày đón nhận ta vào bàn tiệc của Người dường như chúng ta là những vị thánh…” (Tĩnh Tâm thường niên, ngày 15 tháng 9, 1862).
– “Người ủy thác cho các con vinh quang, các kho tàng, Bản Vị, việc phụng sự tôn thờ Người… vì nếu các con không qui tụ lại với nhau như thế này, Người đã chẳng thể ban mình Người như một di sản của tình yêu được… Các con thân mến, thật phúc cho các con biết bao khi được Chúa chọn và thánh hiến các con theo ơn cao cả như vậy!… được luôn ở kề bên Thiên Chúa của trời cao, được khởi đầu cuộc sống trên trời ngay khi còn ở trần gian này. Chớ gì đừng bao giờ các con bất trung và vô ơn bội bạc! Chớ gì lòng cảm tạ và tình yêu luôn thôi thúc các con kêu lên: Lạy Chúa Trời con, tại sao Chúa lại yêu con đến thế?”.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua bối cảnh về Ba Ngôi trong linh đạo của cha E-ma. Vì theo Phúc Âm thánh Gio-an là Phúc Âm ngài ưa thích hơn cả, thì linh đạo của ngài đặt nền tảng trên mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Nếu chúng ta được gọi để phụng sự Chúa Giê-su như những kẻ tôn thờ, như những người yêu, những người bạn, đó là vì Chúa Cha đã kêu gọi ta và ban tặng ta cho Con của Ngài, nhờ Chúa Thánh Thần, như lời Chúa Giê-su nói: “Không ai đến được với Thầy, nếu không được Cha là Đấng đã sai Thầy lôi kéo người ấy”.
[1] những lời này, cha E-ma muốn ám chỉ: Ân huệ của Chúa Cha dành cho Chúa Con.
[2] Chữ “Ngài” ở đây ám chỉ Đức Chúa Cha. Còn chữ “Người” ám chỉ Chúa Giê-su.
[3] Kể từ đây, chữ “D” ám chỉ Directory, tức Thư Mục gồm những Qui Luật hướng dẫn.