LỄ XONG, CHÚC ANH CHỊ EM ĐI BÌNH AN

Lúc khai mạc Thánh Lễ, vị chủ tế đã chào cộng đoàn bằng lời khẩn cầu Ba Ngôi Thiên Chúa. Vào lúc kết thúc Thánh Lễ, trong phép lành thông thường, ngài lại nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa mà chúc lành cho cộng đoàn: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.[1] Sau đó, chính ngài tuyên bố giải tán hay nếu có phó tế hiện diện, thầy sẽ tuyên bố giải tán, mời gọi mọi người ra về bằng cách chắp tay và nói (hay hát): “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”.[2]

Vấn đề đặt ra là liệu có thể sử dụng những câu giải tán tự phát như “Lễ xong, chúc anh chị em một ngày mới bình an”; “Lễ xong, chúc anh chị em luôn được bình an”… hoặc những câu đại loại như thế hay không. Xin thưa rằng không thể sử dụng và phải loại trừ khỏi cử hành Thánh Lễ những công thức giải tán như vậy vì những lý do sau:

  1. Thứ nhất, xét về phương diện lịch sử

Câu “Anh chị em hãy đi trong bình an” (exite in pace) từ Lc 7,50 đã thấy xuất hiện trong phụng vụ Antiôkia, Ai Cập cũng như có trong sách Didache hồi thế kỷ IV. Phần lớn các nghi điển phụng vụ cũng đều sử dụng công thức đơn giản này để giải tán cộng đoàn như được ghi trong sách Hiến chế các Tông đồ. Còn công thức “Chúng ta hãy lên đường bình an” (procedamus in pace) được sử dụng trong phụng vụ Byzantin. Công thức thay đổi một chút là “Chúng ta hãy đi trong bình an của Đức Kitô” (x. Mc 5,34) được thực hành trong phụng vụ Đông Syria cũng như trong Giáo Hội Milan và có liên hệ đến mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Kitô trong Mt 28,19.[3]

Nguyên câu của vị phó tế “Ite, missa est” (Anh em hãy ra đi, Thánh Lễ đã xong) và lời dáp của dân chúng “Deo gratias” (Tạ ơn Chúa) được sử dụng trong nghi lễ Roma từ thế kỷ IV và đã thấy trong cuốn Ordo Romanus I: “Khi Lời nguyện Hiệp lễ chấm dứt kết thúc thì một trong số các phó tế được chỉ định bởi vị tổng phó tế sẽ hướng về Đức Giáo hoàng để khi ngài ra dấu thì phó tế nói với dân chúng ‘Ite, missa est’.”[4]Công thức này tồn tại mãi cho tới nay mặc dầu bị bỏ sót trong Sách lễ 1474. Tuy nhiên, từ ban đầu người ta sử dụng công thức đó nhằm kết thúc một phiên họp dân sự. Sau này, Kitô giáo mới thâu nạp công thức này và đem áp dụng trước hết cho việc giải tán một cuộc họp hay một phiên họp chính thức, chẳng hạn như một buổi cầu nguyện. Dần dần, nó chỉ những kinh được đọc vào lúc kết thúc buổi cầu nguyện. Cuối thế kỷ V và đầu thế kể VI, câu giải tán này mới được áp dụng như một công thức tiêu chuẩn để kết thúc một giờ kinh phụng vụ, rồi được áp dụng để kết thúc Thánh Lễ.[5]

Trước đây, nếu Thánh Lễ có kinh Vinh danh thì sẽ được giải tán bằng câu “Anh em hãy ra đi, Thánh Lễ đã xong” (Ite, missa est)Còn trongnhững Thánh Lễ khác thì sử dụng công thức “Nào ta chúc tụng Chúa” (Benedicamus Domio) vốn rất phổ biến nơi những người Franks. Vì công thức “Anh em hãy ra đi, Thánh Lễ đã xong” và theo sau là câu đáp “Tạ ơn Chúa” (Deo gratias) được coi như là sự diễn tả niềm hân hoan cho nên trong Thánh Lễ cầu cho các tín hữu qua đời ngày xưa, công thức “Anh em hãy ra đi, Thánh Lễ đã xong” được thay thế bằng “Xin cho họ được nghỉ ngơi yên bình” (Requiescant in pace). Hiện nay, hai công thức “Nào ta chúc tụng Chúa” và “Xin cho họ được nghỉ ngơi yên bình” đã bị loại bỏ, phụng vụ Rôma chỉ sử dụng công thức “Anh em hãy ra đi, Thánh Lễ đã xong” (Ite, missa est) mà thôi và ám chỉ sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh.[6]

  1. Thứ hai, xét về ý nghĩa của câu giải tán “Ite, missa est

Ý nghĩa của công thức giải tán chính là sai đi đúng như lời dạy của Giáo Hội: “Cử hành Bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh Lễ, Lễ Mi-sa, do từ La-tinh missio nghĩa là sai đi. Thánh Lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.”[7]

“Ra đi” ở đây là một sứ vụ, một mệnh lệnh loan báo Tin Mừng cho thế giới về hồng ân các tín hữu vừa lãnh nhận trong Thánh Lễ. Họ đến tham dự Thánh Lễ không phải như xem một vở tuồng hay thỏa mãn vì đã chu toàn bổn phận và giữ đúng luật, nhưng là đến để lãnh nhận bình an và tình yêu của Chúa cũng như lãnh nhận sự sống thần linh cho chính mình. Tất nhiên, lãnh nhận rồi là để ra đi mang theo một sứ mệnh trao ban bình an cho thế giới và xây dựng bình an giữa cuộc đời, là để trao ban tình mến và sự sống của Chúa cho mọi người chung quanh, cố gắng làm cho công bình và bác ái lan được tỏa khắp nơi nhằm biểu lộ cho thế giới thấy tình yêu vô hình của Cha trên trời (x. Ga 20,17).

Suy tư về ý nghĩa của lời giải tán của Thánh Lễ cũng như các tín hữu phải sống Thánh Lễ như thế nào khi rời thánh đường, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết:

Công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc Cử hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22, 20).[8]

Chính vì lý do này, nếu sử dụng lời chào “Lễ xong, chúc anh chị em một ngày mới bình an” hay “Lễ xong, chúc anh chị em luôn được bình an”… thì ý hướng quan yếu của nghi thức giải tán bị mất đi. Nếu nói theo Louise-Marie Chauvet, Thánh lễ gồm 3 phần: Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể và “Phụng vụ hàng xóm”,[9] hay nói theo nhà thần học Ion Bria vốn gọi phần thứ ba này là “Phụng vụ sau phụng vụ”, thì những lời giải tán như thế sẽ không phản ánh ý nghĩa Thánh Lễ được tiếp tục nối dài trong cuộc sống khi các tín hữu vừa tham dự Thánh Lễ sẽ được mời bước vào phần “Phụng vụ hàng xóm” hay “Phụng vụ sau phụng vụ” tiếp theo. Lệnh truyền “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22,19; 1Cr 11,23-25) không có nghĩa là cử hành Thánh Thể chỉ giới hạn trong những bức tường của nhà thờ, nhưng các tín hữu còn được sai đi qua lời giải tán của Thánh Lễ “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Đây là một hồng ân và trách nhiệm phải sống những gì vừa cử hành: cuộc sống phải trở nên như Tấm Bánh Thánh Thể sẵn sàng được bẻ ra và đem chia sẻ.[10]

III. Thứ ba, chiếu theo những tài liệu hướng dẫn của Giáo Hội

Giáo Hội ủng hộ những sáng kiến trong phụng vụ cho nên đã cho phép vị tư tế ngoài việc sử dụng những lời đã được quy định trong sách phụng vụ thì có thể dùng những lời khác nữa của chính mình. Dĩ nhiên những lời này cần theo đúng tiêu chuẩn là “làm điều mà Hội Thánh muốn làm” và trung thành với tinh thần phụng vụ.[11]

Chính vì thế, phải nhắc lại ở đây lời khuyến cáo của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma số 24 vốn dựa trên Hiến chế Phụng vụ Thánh số 22 cũng như Giáo luật số 846 #1: Vị tư tế nên nhớ rằng mình chỉ là tôi tớ, là người phục vụ chứ không phải chủ nhân của những mầu nhiệm thánh. Vì thế, ngài không được tự ý thay đổi, thêm thắt hay bỏ bớt điều gì theo ý riêng mình trong cử hành Thánh Lễ, tức là không làm biến dạng một cách tuỳ tiện việc cử hành phụng vụ. Trái lại, tư tế phải tuân giữ trung thành các sách phụng vụ đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn.[12]Chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cương quyết lên tiếng rằng: “Phụng vụ không bao giờ là một sở hữu riêng tư của ai, kể cả chủ tế và cộng đoàn cử hành các Mầu nhiệm đó” vì ngài hằng mong muốn những quy luật phụng vụ phải được tuân giữ một cách trung thành.[13] Nhờ vậy, sẽ tránh cho các tín hữu khỏi bị ảnh hưởng bởi tính chủ quan quá lớn của người này này người kia, tránh được những hành động tùy tiện và lạm dụng phát xuất từ quan niệm sai lầm về sự tự do cũng như không phá vỡ mối liên quan cần thiết giữa luật cầu nguyện (lex orandi) và luật đức tin (lex credendi).[14]

Trong Nghi thức Thánh Lễ 2002 ấn bản tiếng Việt đang được phép sử dụng hiện nay chỉ có duy nhất một công thức giải tán là “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Vì thế, những câu giải tán như “Lễ xong, chúc anh chị em một ngày mới bình an” hay “Lễ xong, chúc anh chị em luôn đượcbình an”… không bao giờ được sử dụng vì chúng không thuộc bản văn Sách lễ Rôma.

Thật ra, có thể thay thế câu giải tán “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” bằng một câu khác chứ không nhất thiết phải giữ nguyên văn câu chào chúc này. Tuy nhiên, những công thức giải tán khác cũng phải nằm trong Sách lễ do thẩm quyền của Hội đồng Giám mục soạn thảo và phê chuẩn sau khi đã được Tòa Thánh công nhận.[15] Chính vì lý do trên mà Sách lễ tại nhiều quốc gia đã dự trù những cách nói khác nhau để diễn tả nội dung đó:

Chẳng hạn trong Sách lễ Rôma bằng tiếng Ý có những lời giải tán:

–         Ước gì niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta. Chúc anh chị em ra đi bình an.

–         Hãy chúc tụng Chúa bằng cuộc sống của mình. Chúc anh chị em ra đi bình an.

–         Nhân danh Chúa, anh chị em hãy ra đi bình an.

–         Anh chị em hãy ra đi bình an và mang niềm cui của Chúa cho hết mọi người.

Sách lễ Rôma bằng tiếng Anh có những công thức giải tán như sau:

–         Thánh Lễ đã xong, anh chị em hãy ra đi.

–         Anh chị em hãy ra đi và loan báo Tin Mừng của Chúa.

–         Anh chị em hãy ra đi bình an, làm vinh danh Chúa bằng cuộc sống của mình.

–         Chúc anh chị em ra đi bình an.

Tất cả những lời giải tán vừa đề cập đều hàm chứa ngôn ngữ sai đi. Trong khi đó, câu “Lễ xong, chúc anh chị em một ngày mới bình an” hay “Lễ xong, chúc anh chị em luôn được bình an”… chỉ là một lời chúc có tính cách xã giao bình thường ngoài xã hội khi chia tay với ý nghĩa là “Mọi sự đã kết thúc rồi, bây giờ anh chị em có thể về nhà mình”. Chính vì thế, chúng không thích hợp để sử dụng trong phụng vụ Thánh Lễ. Chắc chắn chúng làm tiêu tán phẩm chất của nghi thức mà Hội Thánh muốn đặt để trong đó. Bởi vì công thức Giáo Hội muốn không phải đơn giản chỉ là giải tán một nhóm người, nhưng phản ánh thời khắc cộng đoàn Thánh Thể được sai đi truyền giáo và hiện thực hóa ơn gọi tông đồ của dân Chúa.[16] Thánh Lễ là một hành động phụng tự có mục tiêu rõ rêt: các tín hữu được quy tụ và gặp gỡ không phải như một đám đông, làm một điều gì đó rồi chia tay nhau nhưng là để phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa trong thánh đường để rồi được sai đi phục vụ Ngài giữa lòng thế giới qua những trách vụ hàng ngày của mình, tiếp tục sứ vụ mà Chúa Giêsu đã khởi sự (x. Ga 20,21; 17,18; 15,16; Lc 4,18–19).[17]

Do mối quan hệ giữa vị tư tế trong tư cách là mục tử với anh chị em giáo dân là đoàn chiên của ngài, vị tư tế nên nán lại ở cuối thánh đường sau Thánh Lễ hầu có thể gặp gỡ các tín hữu vừa mới tham dự Hy lễ Tạ ơn. Lúc này, ngài có thể sử dụng những lời chào khác nhau mang tính xã giao để chúc cho các tín hữu thân yêu của mình được mọi sự may lành và bình an trong cuộc sống. Còn trong Thánh Lễ, phó tế hay tư tế chỉ sử dụng công thức giải tán được ghi trong Sách lễ là “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,SSS

Dòng Thánh Thể


[1] Nghi thức Thánh Lễ, số 143.

[2] Xc. Nghi thức Thánh Lễ, số 144; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (=QCSL), số 185.

[3] Xc. Robert Le Gall, La Mess au Fil de Ses Rites (Chambray: C.L.D, 2001), 235.

[4] Adrian Fortescue, “Ite Missa Est”, The Catholic Encyclopedia, Vol. 8 (New York: Robert Appleton Company, 1910) từ http://www.newadvent.org/cathen/08253a.htm(23 Jun. 2015).

[5] Xc. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 280.

[6] Xc. Sacramentum caritatis, số 51; Phan Tấn Thành, Sđd; Lawrence J. Johnson, The Mystery of FaithA Study of the Structural Elements of the Order of the Mass(Washington DC:  FDLC, NE, 2003),134.

[7] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1332.

[8] Thông điệp Ecclesia de Eucharistiasố 20.

[9] Symbol and Sacrifice (Collegeville, Minnesota., 1995) Trích lại trong Eucharist: The Basic Spirituality https://theeucharist.wordpress.com/index/chapter-7-the-post-eucharist-mission/

[10] Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1070; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 90c; Ecclesia de Eucharistia 20.

[11] Xc. QCSL 31; Jean Marie Hum, “Các Sách Phụng Vụ” trong J. Gélineau (ed), Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập I (1992),110-116.

[12] Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 24; Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 31.

[13] Xc. Thông điệp Ecclesia de Eucharistiasố 20

[14] Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 7, 10 và 11.

[15] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 25; 388-393.

[16] Xc. Sacramentum caritatis, số 51; FABC IX, E.3.

[17] Xc. Jeremy Driscoll, OSB, What Happens at Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2005), 132-134.