HY TẾ THÁNH LỄ: HY LỄ DO QUYỀN NĂNG CHÚA THÁNH THẦN THÁNH HÓA VÀ BIẾN ĐỔI

Thánh lễ là hoạt động trung tâm của phụng tự Kitô giáo. Bởi lẽ, Thánh lễ không là gì khác hơn việc cử hành Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập trong bữa Tiệc Ly, khi Người truyền cho các Tông đồ rằng: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Chính vì thế, việc cử hành Thánh Thể thường được gọi là “Hy tế Thánh lễ”[1]. Và một trong những bản chất của Hy tế Thánh lễ là Hy lễ do quyền năng Chúa Thánh Thần thánh hóa và biến đổi.

Khi nói đến một hy tế, Huấn quyền sử dụng hạn từ sacrificium bằng tiếng Latinh, được ghép bởi sacrum và facere, có nghĩa tiếng Việt là “hy lễ” hoặc “hy tế” hay “hiến tế” (lễ tế, lễ hy sinh). Theo nguyên ngữ, sacrificium có nghĩa là làm cho linh thánh, tức là người ta dâng lên Đấng Tối Cao một không gian, một thời gian, một vật…dành riêng ra[2]. Nói cách khác, “hy tế là một tặng phẩm của con người dâng lên Thiên Chúa; qua hy tế, quyền làm chủ của Thiên Chúa được nhìn nhận”[3]. Trong phụng vụ Kitô giáo, người ta hiểu “hy tế” là một hành động nội tâm tự hiến mình cho Thiên Chúa và được thể hiện qua kinh nguyện, bác ái, hy sinh hãm mình. Hơn nữa “hy tế” là một hành động, trong đó tư tế dâng lễ vật để ca ngợi vinh quang Thiên Chúa và để giao hoà với Người khi con người sa ngã, phạm tội[4]. Như thế, hy tế là “hình thức thờ phượng cao nhất, trong đó một tư tế có thẩm quyền sẽ nhân danh toàn dân hiến dâng một tế vật để nhìn nhận chủ quyền tối thượng của Thiên Chúa và sự lệ thuộc hoàn toàn của con người vào Thiên Chúa”[5].

Còn khi nói về Thánh lễ, tiếng Latinh gọi là missa, phát xuất từ chữ missio (sai đi), có nghĩa là sau Thánh lễ, các tín hữu được sai đi thực hành những gì họ đã học hỏi được và sử dụng những ơn mà họ đã nhận được trong phụng vụ Thánh Thể. Thánh: thuộc về thần linh; còn lễ là nghi thức. Thánh lễ là nghi thức dành cho thần linh[6]. “Thánh lễ là lễ tế của Giao ước mới, là “cuộc tế lễ” không đổ máu, do linh mục cử hành dâng lên Thiên Chúa chính Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô đã được truyền phép trên bàn thờ”[7]. Thánh lễ là việc Hội Thánh tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, hiện tại hoá Hy tế Thập giá của Người[8]. Thánh lễ cũng là Bàn Tiệc Tạ Ơn, nơi đó Hội Thánh thờ lạy, chúc tụng và tung hô Thiên Chúa vì công trình Ngài tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá qua Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần[9]. Như thế có rất nhiều định nghĩa về Thánh lễ, điều này nói lên tính chất phong phú và đa dạng của Thánh lễ.

Tuy nhiên để hiểu rõ hơn về Hy tế Thánh lễ, ta cần tìm lướt qua lịch sử của nó được nói đến trong Cựu Ước và Tân Ước. Hy tế Thánh lễ được xem như là một buổi tiệc Vượt Qua của Cựu Ước được nối dài[10]. Vì thế, lịch sử của Hy tế Thánh lễ phải khởi đi từ “lễ Pascha – lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Lễ này nằm ở nghi thức phụng tự giết chiên và tưới máu chiên lên bàn thờ. Và máu chiên không những trở thành dấu chỉ là phương tiện che chở cho người Do Thái, mà còn trở thành nguyên nhân phát xuất ơn cứu độ cho họ[11].

Xuất phát từ lễ Vượt Qua của người Do Thái, lịch sử của Hy tế Thánh lễ đi từ chứng cứ lễ vật của Menkixêđê: “Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao” (St 14,18). Theo cách giải thích truyền thống, Menkixêđê mang bánh và rượu ra để dâng lên Thiên Chúa một lễ vật như thói quen của các người chiến thắng. Ý hướng này được nhấn mạnh cách rõ ràng vào chức vụ tư tế của Menkixêđê. Theo tác giả của thư Hípri (5,6; 7,1-19), Thiên Chúa cần một vị Tư Tế khác, không thuộc dòng Lêvi, nhưng thuộc dòng Menkixêđê, là Đức Kitô, và theo như cách giải thích truyền thống, Người mang một lễ vật tương tự như Menkixêđê. Lễ vật này chỉ được thấy trong việc hiến dâng chính Mình và Máu Thánh Người dưới hình bánh và rượu nơi bàn Tiệc Ly và trong Thánh lễ mà thôi. Như vậy, lễ vật của Menkixêđê như là tiền ảnh của Hy tế Thánh lễ. Điều này được truyền thống Dothái, Kitô giáo, cũng như các Giáo phụ nhìn nhận[12]. Menkixêđê chỉ dâng hiến bánh và rượu, còn Đức Kitô, Người đã hiện thực hình ảnh của quá khứ bằng việc dâng hiến Mình Máu Thánh Người dưới dạng bánh rượu[13].

Sau đó, việc dâng Hy tế Thánh tiếp tục được ngôn sứ Malakhi tiên báo: “Đức Chúa các đạo binh phán: Ta chẳng hài lòng chút nào về các ngươi, nên Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng. Từ nay, từ đông sang tây và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân” (Ml 1,10-11). Qua đoạn Kinh Thánh này, Thiên Chúa không còn đón nhận lễ vật không tinh sạch của các tư tế Dothái nữa; Người cho nhân loại hiểu về một Hy tế mới, tinh tuyền hơn. Cho nên, lời tiên báo của ngôn sứ này phải được hiểu cách minh nhiên là chỉ về Hy tế Thánh lễ, một Hy tế duy nhất của Tân Ước, một lễ hiến dâng tinh tuyền và thánh thiện, được chính Đức Kitô dùng các linh mục của Người cử hành để dâng lên Chúa Cha mọi nơi, mọi lúc[14].

Như vậy, lễ vật của Menkixêđê là hình ảnh tiên trưng của Hy tế Thánh lễ và lời tiên báo của ngôn sứ Malakhi về Hy tế tinh tuyền muốn ám chỉ cách minh nhiên đến Hy tế Thánh lễ.

Tính cách lịch sử của Hy tế Thánh lễ trong Tân Ước được nhấn mạnh bởi sự kiện Đức Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và cử hành bữa tiệc Vượt Qua của Ngài với các môn đệ vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Theo Mc 14,23 và Ga 13,30, “giữa bữa ăn”, Đức Giêsu bẻ bánh. Đó là nghi thức nhập tiệc: Đức Giêsu xử sự như người chủ nhà, trao bánh và chén rượu cho những người đồng bàn, đồng thời giải thích ý nghĩa của bánh và rượu. Điểm đặc biệt ở đây là thay vì gợi nhớ lại lễ Vượt Qua của người Do Thái, Người giải thích bánh rượu là Thịt và Máu của Người. Chính lời giải thích này đã nối kết cuộc Vượt Qua cũ của người Do Thái với cuộc Vượt Qua mới mà Người sắp thực hiện[15]. Như thế, Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể hay Hy tế Thánh lễ trong bữa Tiệc Ly với nghi thức của người Do Thái, cùng với những lời truyền phép trên bánh và rượu theo phong cách riêng của Người.

Việc Đức Kitô thiết lập cho Mình và Máu Thánh Người hiện diện trong hai hình dạng tách biệt và trong hình thức một Hy tế là một sự kiện làm cho Hy tế Thánh lễ có tính cách lịch sử trong thời Tân Ước. Đức Kitô xem Mình Người là Thân Xác Hy tế và Máu Người là Máu Hy tế[16], khi phán: “Đây là Mình Thầy hiến dâng vì anh em” (1 Cr 11,24). Trong Tin Mừng Gioan có câu: “Bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: này là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới (x. 1 Cr 11,25; Lc 22,20). Những thuật ngữ “hiến dâng thân xác”, “đổ máu” là những thuật ngữ nói về Hy tế trong Thánh Kinh, muốn nhấn mạnh đến việc hiến dâng một lễ vật thực sự và chính đáng. Việc Đức Giêsu đổ máu, tự hiến mình trên thập giá cách hữu hình, thì cũng đổ máu cách vô hình trong tấm bánh, dựa vào lời nói của Người. Mặt khác, việc linh mục hằng ngày cầm chén Chúc Tụng, như nghi thức chính Đức Giêsu thiết lập, luôn luôn nối kết với cái chết thập tự của Người; cũng như việc “đổ máu ra để cứu chuộc muôn người” liên kết từ bàn Tiệc Ly đến thập giá, thì cũng liên kết với nghi thức chính Người đã lập ra, vì mỗi lần chúng ta thực hiện nghi thức này là “loan truyền việc Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11,26)[17].

Như vậy, các chứng cứ của Cựu Ước và Tân Ước đã làm cho Hy tế Thánh lễ mang tính chất lịch sử và sẽ trường tồn của mãi mãi cho đến tận thế.

Những gì đã trình bày trên đây là cơ sở để ta đi đến việc phân tích bản chất của Hy tế Thánh lễ, là Hy lễ được quyền năng Chúa Thánh Thần thánh hóa và biến đổi. Tác giả thư gửi các tín hữu Hípri viết: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Hr 9,4). Câu Kinh Thánh này cho thấy vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Hy lễ của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần hiện diện nơi Đức Giêsu để thúc đẩy Người hoàn toàn hiến thân mình trong tay Chúa Cha khi Người hy sinh trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Hy lễ của Đức Giêsu khi xưa trên Thánh giá tiếp tục được hiện tại hoá trong Hy tế Thánh lễ. Hy lễ này được Chúa Thánh Thần tác động và thánh hiến. Ngài biến đổi bánh và rượu nên chính Mình và Máu của Đức Kitô[18]. Điều này được nói đến trong Lời khẩn cầu của Kinh nguyện Thánh Thể II: “Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện, vì thế, chúng con nài xin Chúa đổ ơn Thánh Thần xuống thánh hoá những của lễ này, để trở nên cho chúng con, Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể III cũng đề cập đến vai trò biến đổi của Chúa Thánh Thần trên của lễ: “Lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ cũng một Chúa Thánh Thần thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con”. Như thế, trong Hy tế Thánh lễ, Chúa Giêsu hiện diện nhờ tác động của Chúa Thánh Thần biến đổi Bánh và Rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Ngoài ra, trong Hy tế Thánh lễ, Giáo hội tưởng nhớ cái chết và phục sinh của Chúa Kitô. Theo chiều hướng đó, Chúa Thánh Thần sẽ biến cái chết của Chúa Kitô thành Hy lễ dâng lên đẹp lòng Chúa Cha[19]. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tín hữu không ngừng được thông dự vào cái chết và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như được thánh hoá và biến đổi nên giống hình ảnh Chúa Kitô mỗi khi tham dự cử hành Hy tế Thánh lễ: “Nguyện xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa, để cùng được thừa hưởng gia nghiệp cùng với các người Chúa đã chọn…”[20].

Như vậy, Hy tế được dâng lên trong Thánh lễ là Hy lễ được Chúa Thánh Thần dùng quyền năng mà thánh hoá và biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô. Đồng thời, qua việc tham dự vào Hy tế Thánh lễ, tín hữu sẽ được Chúa Thánh Thần làm cho lễ vật bản thân họ được trở nên một với Lễ vật chí thánh[21].

Giuse Nguyễn Danh Dũng,SSS


[1] X. EDWARD SRI, Tìm hiểu Thánh lễ, dịch giả Trần Công Thượng, nhà XB (không), nơi XB (không), 2011, tr. 15.
[2] X. NGUYỄN VĂN TRINH, Bí tích Thánh Thể, tập II, nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 309.
[3] J. DHEILLY, Từ điển Kinh Thánh, hạn từ “Hy tế” nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 709.
[4] X. LUDWING OTT, Tín lý II, dịch giả Nguyễn Văn Trinh, nhà XB (không), nơi XB (không), 2003, tr. 296.
[5] JOHN A. HARDON, Từ điển Công giáo phổ thông, hạn từ “Hy tế”, dịch giả Nhóm Chánh Hưng, Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 282.
[6] X. UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Từ điển Công Giáo, hạn từ “Thánh lễ”, Tôn giáo, Hà Nội, 2016, tr. 800.
[7] HỒNG PHÚC, Điển ngữ đức tin Công giáo, hạn từ “Thánh lễ”, nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 469.
[8] X. UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s. 1330, Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 402.
[9] X. UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, ss. 1328 & 1346, tr. 402 & 407.
[10] X. Lc 22,7-15.
[11] X. NGUYỄN VĂN TRINH, Bí tích Thánh Thể, tập II, nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 133.
[12] X. LUDWING OTT, Tín lý II, dịch giả Nguyễn Văn Trinh, nhà XB (không), nơi XB (không), 2003, tr. 298-299.
[13] X. NGUYỄN VĂN TRINH, Bí tích Thánh Thể, tập II, nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 316.
[14] X. MARTINNUS VON COCHEM, Thánh Thể – Hy Tế tuyệt vời, dịch giả Văn Thuấn – Quang Vũ, Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr. 31.
[15] X. NGUYỄN VĂN TRINH, Bí tích Thánh Thể, tập II, nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 159.
[16] X. LUDWING OTT, Tín lý II, dịch giả Nguyễn Văn Trinh, nhà XB (không), nơi XB (không), 2003, tr. 300.
[17] X. NGUYỄN VĂN TRINH, Bí tích Thánh Thể, tập II, nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 316-317.
[18] X. NGUYỄN THẾ THỦ, Tìm hiểu các bí tích công giáo, nhà XB (không), nơi XB (không), 2002, tr. 269.
[19] X. LÊ TIẾN, Phụng vụ-Công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhà XB (không), nơi XB (không), năm XB (không), tr. 90.
[20] UỶ BAN PHỤNG TỰ, Sách Lễ Rô-ma, Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr. 89.
[21] X. TRẦN NGỌC QUỲNH, Cử hành mầu nhiệm Tạ ơn, Tp. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 173.