SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA KITÔ
GIỮA CHÚNG TA
Sách giáo lý của Giáo Hội công giáo, ban hành vào năm 1994, dạy rằng: “Chúa Giêsu Kitô… hiện diện dưới nhiều hình thức trong Giáo Hội của Ngài… (nhưng) Người hiện diện… cách đặc biệt nhất trong Nhiệm Tích Thánh Thể”. Niềm tin vào sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể không hề thay đổi ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Có thể nói sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu là trung tâm của Bí Tích Thánh Thể. Hơn nữa, đây là sự hiện diện thật sự chúng ta cần nhận ra và chấp nhận trong đức tin; ở đây, đức tin nhất thiết có vai trò của nó. Có nghĩa là những gì được chúng ta nhìn đơn giản là bánh và rượu trên bàn thờ trước khi đọc lời thánh hiến, bây giờ, sau khi truyền phép, đã trở nên một dấu chỉ thực tại cách trọn vẹn về sự hiện diện ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô và về sự tự trao hiến của Ngài.
Đức tin của Giáo Hội vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu đã được diễn tả một cách tuyệt hảo trong bài thánh ca Adoro Te Devote, được soạn cho ngày lễ Mình Máu Chúa Kitô (Corpus Christi). Một phần nhỏ của bài thánh ca đó được dịch bởi Gerard Manley Hopkins như sau : “Thiên Chúa ẩn khuất nơi đây, Ngài là Đấng con tôn thờ, Ngài bị che dấu bởi những hình bóng, hình dáng trần trụi này và không còn gì hơn như vậy. Vì thế, các giác quan của con người khi nhìn thấy, chạm đến hay hưởng nếm Ngài sẽ ra sai lệch; vậy đâu là những lời đáng tin cậy? người ta tin tưởng vào điều gì đây; Những gì Con Thiên Chúa nói với tôi, tôi tin nhận là sự thật; Chính sự thật tự lên tiếng một cách trung thực hoặc sẽ chẳng có gì là sự thật cả.”
Đối với cha Eymard, không có một vấn nạn nào ngoại trừ vấn nạn về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô nơi Bí Tích Thánh Thể, tư tưởng, lời dạy, và cả cuộc đời của ngài sẽ làm nổi bật cách tuyệt vời sự hiện diện này. Vị tông đồ Thánh Thể của chúng ta đã không mệt mỏi nhấn mạnh đến sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể và sự thật đáng kinh ngạc về sự hiện diện Bí Tích này, đó là, Bí Tích Thánh Thể chuyển thông đến chúng ta chính ngôi vị của Chúa Kitô. Niềm xác tín mãnh liệt đó khiến thánh Eymard diễn tả đức tin một cách quả quyết và ngắn gọn như sau: “Thánh Thể là Chúa Giêsu quá khứ, hiện tại và tương lai… Thánh Thể là Chúa Giêsu dưới dạng Bí Tích… Phúc thay cho linh hồn nào tìm gặp thấy Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể thần linh.”
Quan tâm đến sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, Eymard là một đứa trẻ đã đi trước tuổi. Chị gái của Eymard, lớn hơn Eymard 12 tuổi đã kể lại (nhiều năm sau biến cố) rằng cậu em mới 5 tuổi của chị một hôm đã biến đâu mất làm chị không thể tìm ra. Nhưng rồi, chị nghĩ nên tìm cậu bé ở nhà thờ giáo xứ, và đúng thật, cậu Eymard đã ở đó. Cậu trèo lên cả bàn thờ chính và tựa đầu mình vào cửa nhà tạm. Marianne hỏi cậu, “Em đang làm gì thế?”, với sự đơn sơ của đứa trẻ năm tuổi, cậu trả lời, “Em ngồi gần sát Chúa Giêsu ở đây để lắng nghe Ngài”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cũng chính với đức tin đơn sơ tương tự như thế mà thánh Eymard chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu đang hiện diện nơi Mặt Nhật trong ngày lễ Hiển Linh, tức ngày 06 tháng 01 năm 1857. Đó là ngày Hội Dòng bé nhỏ của thánh Eymard tổ chức đặt Mình Thánh chầu trọng thể công khai lần đầu tiên. Thật ấn tượng khi có thể thu xếp để việc chầu Thánh Thể trọng thể được diễn ra vào dịp đặc biệt đó trong nhà nguyện nhỏ của ngôi nhà, lúc bấy giờ, ngôi nhà là một biệt thự dành để nghỉ hè thuộc tài sản của ông François René Chateaubriand, vị tử tước và cũng là một tác giả thời danh. Để cử hành Thánh Lễ trọng thể vào dịp đó, một giám mục truyền giáo đã được mời tới. Ngài là đức cha Anastasius Hartmann, thuộc dòng Phanxicô Capuchin và là Đại Diện Tông Tòa Bombay. Thánh Lễ được cử hành vào lúc 8 giờ sáng với sự tham dự của cha Eymard (vì không được phép làm lễ đồng tế vào thời kỳ đó) và tiếp sau Thánh Lễ là trưng bày Mình Thánh suốt cả ngày. Cha Eymard cố tình dành cho mình những giờ tôn thờ đầu tiên. Ngay sau ngày trọng đại và ý nghĩa này, thánh Eymard đã viết cho một người bạn thân: “Chúng tôi vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy Chúa Giêsu, Vua chúng ta… lần đầu tiên được đặt lên cao ở đây, trên ngai vàng tình yêu của Ngài, biểu lộ sự hiện diện của Ngài trong một cách thế độc đáo! Trái tim tôi đầy tràn ngôn từ để có thể diễn tả cảm xúc của mình … Vâng, quả thực, Thiên Chúa muốn công trình Thánh Thể này”.
Tôi tin rằng chúng ta sẽ nhìn thấy như thế ở nhiều nơi, cả châu Âu lẫn châu Mỹ, người ta sẽ lại trân quý sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Nhiệm Tích Thánh Thể và hình thức cầu nguyện trước Thánh Thể, nhằm đáp lại sự hiện diện đó! Trong đời sống của Giáo Hội Chúa Kitô, chắc chắn chầu Thánh Thể sẽ được người ta đón nhận và làm cho lớn rộng. Khi Chúa Giêsu hiến ban mình dưới hình bánh và rượu, rõ ràng, Ngài có ý định cho người ta ăn và uống quà tặng này khi lên Rước Lễ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện Bí Tích của Chúa Kitô tách rời khỏi việc cử hành Thánh Lễ, không có chức năng hoặc ý nghĩa gì nữa trong đời sống tâm linh của Kitô giáo. Sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Bí Tích Thánh Thể cũng như việc tập trung định kỳ sự chú ý và lời cầu nguyện của chúng ta vào sự hiện diện đó cho phép chúng ta kéo dài thời gian và nối dài việc cử hành Thánh Lễ, nối dài sự hợp nhất tinh thần và cuộc trò chuyện thân mật trong tình yêu giữa chúng ta với Chúa Giêsu, một cách lý tưởng, xảy ra trong hành vi Rước Lễ.
Thông qua sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa Kitô mong muốn nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng ta một cách liên tục và thường xuyên; Ngài mong muốn nuôi dưỡng chúng ta, làm chúng ta trở nên sinh động vượt qua những khoảnh khắc ngắn ngủi mỗi khi Hiệp Lễ thực sự. Ước gì chúng ta liên tục ngày càng trân quý sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Nhiệm Tích Thánh Thể và trân quý việc cầu nguyện trước sự hiện diện đó. Ước gì sự trân quý sâu sắc này sẽ trở thành một phương thế, qua đó, Chúa Kitô tác động đến tâm trí và trái tim chúng ta, tạo điều kiện cho chúng ta tiến triển về tình bác ái và bao bọc toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta trong tư cách là Kitô hữu.