1. Dẫn Nhập
Phụng vụ Thánh lễ là chóp đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch mọi nhân đức, Giáo Hội luôn cử hành và sống mật thiết với mầu nhiệm Thánh Lễ. Đôi dòng sau đây xin được trình bày một chút suy nghĩ về Thánh lễ dưới cái nhìn của Công đồng Vaticano II.
Hy Tế Cứu Độ
Có thể nói, ý định cứu độ con người của Thiên Chúa đã có từ đời đời. Trong suốt dòng lịch sử dân Ít-ra-en, chúng ta cũng có thể nói đây là dòng lịch sử cứu độ. Qua từng giai đoạn của lịch sử, Thiên Chúa luôn tỏ lộ tình thương của Ngài cho dân Ngài chọn bằng nhiều biểu hiện khác nhau và đỉnh cao trọn vẹn của tình thương cứu độ ấy được thể hiện cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô, qua cái chết hy tế thập giá của Ngài. Trong hy tế thập giá, tình yêu của Thiên Chúa sinh con người ra từ những vết thương nứt nẻ của Chúa Giê-su, đặc biệt là nơi cạnh sườn của Ngài, cạnh sườn được mở ra để khai nguồn sự sống ân sủng bởi nước và máu của Ngài. Nơi cạnh sườn của Ngài, E-và mới được sinh ra chính là Hội Thánh của Ngài, là dân mới của Thiên Chúa. Cũng từ cạnh sườn của Ngài, Thiên Chúa ban cho Hội Thánh những ân sủng thiêng liêng đó là các bí tích. Như vậy, Hy tế cứu độ nơi thập giá của Chúa Giê-su chính là tình yêu và sự sống thần linh vô biên của Thiên Chúa trao tặng nhân loại, ngang qua đó nhân loại được Thiên Chúa đưa vào thông hưởng sự sống thần linh và làm con Thiên Chúa. Trong Hy Tế Cứu Độ, con người được sinh ra trong ân sủng của Thiên Chúa, và được gọi là những người con của ân sủng Thiên Chúa.
Ngày này Giáo Hội tiếp tục cử hành hy tế cứu độ của Chúa Ki-tô qua việc cử hành phụng vụ Thánh Lễ. Hy tế của Đức Kitô là hành động cao cả nhất mà Giáo Hội có thể cử hành. Ở đây, chúng ta đạt tới chóp đỉnh của bậc thang các giá trị. “Vì là công việc của Chúa Kitô Tư Tế và của Thân Thể Người là Giáo Hội, mọi cử hành phụng vụ đều là hành động thiêng thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (PV 7). Công Đồng Vatican II cũng đã phục hồi địa vị trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua trong nhiệm cục cứu độ. Trong hiến tế tạ ơn, “tất cả công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (PV 2), vì hiến tế này đem lại cho con người những ơn ích của việc cứu chuộc. Thánh lễ là công cuộc cứu rỗi của Chúa Ki-tô, nhờ mầu nhiệm vượt qua cái chết, phục sinh và lên trời vinh hiển của Ngài. Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết và sống lại để tái lập sự sống. Như vậy, mỗi lần dâng thánh lễ là mỗi lần chúng ta hiện tại hóa hy tế cứu độ của Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha trên thánh giá. Mỗi lần dâng lễ cũng là mỗi lần chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi chúa lại đến.
Chúa Ki-tô hiện diện trong Giáo Hội, Ngài dùng dấu chỉ bí tích dâng lên Thiên Chúa lễ vật toàn thiêu và thánh hóa con người. Ngài cũng là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, Ngài cầu nguyện với dân Người và ban phát ơn cứu độ là chính Ngài. Ngài là của lễ, là Bàn Thờ và là Tư Tế. Như vậy, mỗi lần Hội Thánh cử hành Thánh Lễ là Hội Thánh thực thi chức vụ Tư Tế của Chúa Ki-tô. Chức tư tế hiện diện và hành động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả giác và hữu hiệu, điều này được thực hiện trong các nghi thức phụng vụ và cụ thể là Thánh Lễ. Công đồng Vaticano II đã định nghĩa Phụng vụ là việc thi hành chức vụ Tư Tế của Chúa Ki-tô, trong đó công việc thánh hóa con người được biểu hiện cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực hiện nhờ nhiệm thể Chúa Ki-tô, nghĩa là đầu cùng với các chi thể người[1], và ta có thể nói phụng vụ Thánh Lễ là chóp đỉnh của việc thờ phượng Thiên Chúa nơi Hội Thánh, qua Thánh lễ Hội Thánh được thánh hóa và được nuôi sống bằng Lời Chúa và Thánh Thể.
Nói đến hy tế là nói đến cái chết và thịt máu của vật hay người được sát tế làm của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa. Trong Cựu ước phần chính của lễ vượt qua là nghi thức ăn thịt chiên bị sát tế[2]. Với truyền thống đó Chúa Giê-su cũng cử hành nghi lễ vượt qua mà của lễ hiến tế chính là bản thân Ngài. Trong bữa tiệc ly Ngài đã ban chính Mình Máu Ngài qua dấu chỉ bí tích là bánh rượu như lời Ngài nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn này là mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy cầm lấy mà uống này là Máu Thầy sẽ đổ ra để muôn người được tha tội” (Mc 12,23-25). Hy tế của Chúa Giê-su được biểu lộ cách cụ thể trên Thánh Giá và như vậy, khi Hội Thánh dâng lễ là công cuộc Cứu Độ của Chúa Ki-tô được thực hiện một cách hiện tái hóa, Ngài ở giữa chúng ta, Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang (Lc 1,24-29).
Tóm lại, Hy Tế Cứu Độ là tất cả những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện vì lòng yêu thương con người, và Ngài muốn con người nhờ hy tế cứu độ của Ngài để con người được thông phần vào sự sống làm con Thiên Chúa, nghĩa là được cứu độ và đồng thời phải luôn cử hành hy tế qua việc cử hành Thánh lễ để tưởng nhớ đến Đấng là Hy tế của con người, như lời Ngài trăn trối: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Và Ngài cũng hứa nếu ai kết hợp với Ngài trong Hy Tế Cứu Độ thì được sống đời đời; “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì được sự sống đời đời” (Ga 6,51-52).
2. Sự Hiệp Nhất Với Thiên Chúa Và Con Người
Chúng ta có thể nói; ước muốn sâu xa của Thiên Chúa là chúng ta cảm nghiệm được sự nên một và hoà hợp với nhau. Hiệp nhất cũng là điều Chúa Giê su mong muốn và thao thức khi Ngài cầu nguyện và nói những lời sau cùng trước khi Hiến Tế; “xin cho mọi người hiệp nhất nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17, 20 -23). Hiệp nhất là bản chất, là cốt lõi, cách thức Thiên Chúa dự định để chúng ta cảm nghiệm một đời sống chung trong Hội Thánh, hội đoàn, gia đình. Mô hình tuyệt vời của sự hiệp nhất nên một là Chúa Ba Ngôi. Chính Thiên Chúa là mẫu gương cao cả nhất của một tình yêu hy sinh, khiêm tốn, biết coi trọng ngưới khác và hòa hợp nên một.[3] Để kiến tạo sự hiệp nhất này Thiên Chúa đã lập ra một công trình vĩ đại đó là Thánh lễ, vì trong Thánh lễ mọi người quy tụ làm thành một Dân Thánh Của Thiên Chúa.
Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Chúa Giê-su trong Chúa Thánh Thần. Trong công trình cứu độ, Thiên Chúa hiệp nhất nên một với con người và con người được hiệp nhất nên một với nhau trong Thiên Chúa. Mỗi lần Hội Thánh cử hành Thánh lễ là để xin Thiên Chúa ban cho Hội Thánh được hiệp nhất và cho các tín hữu được muôn ơn lành hồn xác. Sự hiệp nhất cũng là đặc tính của Ki-tô giáo, nghĩa là trong niềm tin vào Thiên Chúa, con người được nên một với Ngài và với anh chị em trong lòng Hội Thánh, đặc biệt trong việc cử hành Thánh lễ, con người đi vào tương quan thần linh với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau trong một thần mình duy nhất là Hội Thánh. Hay nói cách khác trong Thánh Lễ Hội Thánh được nên môt với vị Phu Quân của mình là Đức Giê-su. Ngoài ra, việc cử hành Thánh lễ như những cánh cửa dẫn vào thánh thiêng, là điểm Thiên Chúa hẹ gặp con người, là một lời mời gọi tới những kinh nghiệm linh thánh, kinh nghiệm tôn giáo.[4] Kinh nghiệm linh thánh làm cho con người cảm nếm được sự dịu ngọt của tình yêu tự hiến của Thiên Chúa, đồng thời liên kết con người nên một với Đấng tự hiến chính mình vì tình yêu và làm cho thân thể Ngài là Hội thánh được hiệp nhất với nhau và với Ngài. Ngoài ra, khi cử hành Thánh Lễ chúng ta cũng được hiệp nhất với toàn thể vũ trụ tạo thành. Trong Thánh Lễ, nhờ hy tế thập giá của Chúa Ki-tô, Thiên Chúa ôm ấp tất cả con người và vũ trụ thiên nhiên và dẫn đưa tất cả đạt tới sự viên mãn trong Đấng Tạo Thành. Vì nhờ Chúa Ki-tô mà muôn vật được tạo thành, cho nên khi Ngài hiến tế chính mình trên thập giá thì cũng nhờ Người mà muôn vật được cứu độ, nghĩa là được thánh hóa và quy tụ trong Thiên Chúa. Và như thế, toàn trái đất này là bàn thờ hy tế để con người và thiên nhiên dâng lên Chúa Cha hy tế cứu độ của Chúa Ki-tô để tạ ơn Thiên Chúa Cha. Con người dùng sản phẩm của hoa màu ruộng đất trong thiên nhiên mà làm nên bánh và rượu để nhờ Chúa Thánh Thần bánh rượu trở nên Thịt Máu Chúa Ki-tô nhằm nuôi sống chúng ta và để tất cả chúng ta nên một với nhau, nên một với vũ trụ thiên nhiên trong Ngài.
3. Hội Thánh Dâng Lễ
Phụng vụ là công việc chính thức của Hội Thánh, trong đó Thánh Lễ là đỉnh cao, là nguồn mạch và là chóp đỉnh của Phụng vụ. Thánh lễ là công trình của Thiên Chúa và đồng thời cũng là công trình của Hội Thánh. Công đồng Vaticano II khẳng định: “Thánh lễ là công trình của Linh mục và giáo dân”[5]. Thánh Lễ nuôi sống Hội Thánh và Hội Thánh sống nhờ Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ Hội Thánh Gặp gỡ Chúa Ki tô và nên một với Ngài. Từ việc cử hành phụng vụ lời Chúa đến việc cử hành Thánh Thể trong Thánh Lễ cho chúng ta thấy Chúa Giê-su, Ngôi lời đã trở thành xác phàm, hiện hữu trong Thánh lễ với chúng ta, Ngài tự hiến chính làm lương thực thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Và như thế, từ bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa, Giáo Hội đón nhận và trao ban cho các tính hữu sự sống.[6] Và cùng với Ngài chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha lời tạ ơn trong hy tế Thánh Thể là Thân mình Và Máu thánh Ngài. Trong Thánh, Lễ Hội Thánh cũng thi hành các Chức vụ mà Chúa Ki-tô đã trao phó đó là Tế lễ, rao giảng, và công việc bác ái qua ba phần phụng vụ trong Thánh lễ đó là; phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể, phụng vụ Tha nhân.
Phụng vụ Lời Chúa
Trong phần phụng vụ Lời Chúa, Thiên Chúa nói với của dân người qua những bài đọc Kinh Thánh mà Giáo Hội dọn sẵn cho con cái mình. Nơi đây Thiên Chúa truyền thông Chính Ngài qua việc mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và cung cấp lương thực thiêng liêng nuôi sống tín hữu và Đức Ki-tô hiện diện trong Lời của Ngài, loan báo Tin mừng. Và từ bàn tiệc Lời Chúa, Hội thánh được sai đi lên đường đến với muôn dân thi hành nhiệm vụ rao giảng gieo rắc Lời Chúa “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 9-18). Tiếp sau Lời Chúa nói với dân Ngài là việc Ngài trao ban chính mình cho chúng ta qua phần phụng vụ Thánh Thể.
Phụng Vụ Thánh Thể
Việc tế lễ là công việc của dân Chúa trong cựu ước thi hành để thờ phượng Thiên Chúa. Dân Chúa thời cựu ước tế lễ bằng nhiều lễ vật khác nhau, như chiên bò…Trong thời Tân ước Chúa Giê-su đã lập giao ước mới để tế lễ dâng lên Chúa Cha là hy tế cứu độ nhân loại. Của lễ để tế lễ đó là sự tự hiến chính mình Ngài trên thập giá. Ngày nay Hội Thánh tế lễ trong viêc dâng Thánh lễ mỗi ngày. Trong Thánh lễ Hội Thánh thi hành việc tế lễ trong phần Phụng vụ Thánh Thể. Phụng vụ Thánh thể Hội Thánh tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô. Cử hành hy lễ của Chúa Ki-tô đền tội cho nhân loại. Đây cũng là dấu ấn của Giao Ước Mới; Giao ước mà con người và Thiên Chúa hiệp thông mật thiết với nhau. Phụng vụ Thánh Thể gồm ba việc là; Chuẩn Bị Lễ Vật, Kinh Nguyện Thánh Thể và Hiệp Lễ. Cả ba công việc của Hội Thánh đều là một hành vi tế lễ để thi hành bổn phận thờ phượng Thiên Chúa của mình, ngõ hầu toàn dân Chúa được nuôi sống trong sự hiệp nhất thần linh với Chúa và với nhau. Sau khi được đón nhận Lời Chúa và Mình Máu Chúa, Hội Thánh được mời gọi phục vụ nhau qua việc thi hành công việc bác ái với anh chị em của mình, người ta gọi đây là phần Phụng Vụ Tha Nhân.
Phụng Vụ Tha Nhân
Mỗi Ki-tô hữu tham dự Thánh lễ phải có bổn phận kéo dài Thánh lễ ra cuộc sống đời thường, nghĩa là phải sống Thánh lễ. Ý nghĩa trung thực của bí tích Thánh Thể, tự nó trở thành một trường học dạy người ta thực sự yêu mến tha nhân. Chúng ta biết rằng đó chính là lệnh truyền đích thực và toàn diện về tình thương mà Chúa đã dạy chúng ta:[7] “Người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy nếu anh em co lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Mầu nhiệm Thánh lễ giáo dục chúng ta biết sống tình thương đó và cho chúng ta thấy giá trị, phẩm giá của mọi người anh chị em của chúng ta.
Trong việc cử hành Thánh thể, chúng ta gặp Đấng yêu thương ta. Ta gặp Ngài nơi bí tích Thánh Thể, thế nên ta có thể gọi bí tích Thánh Thể là bí tích Tình Thương. Chúng ta được mời gọi thi hành luật yêu thương mà Chúa đã dạy trong việc cử hành Thánh Thể. Thi hành luật yêu thương tha nhân đó là ý nghĩa của việc sống bí tích Thánh Thể hay nói cách khác là lối sống Thánh Thể. Bí tích đó nhắc lại và làm cho tình yêu thương hiện diện, đồng thời bí tích đó thực hiện tình thương. Chúng ta không những biết tình thương, mà chúng ta còn bắt đầu yêu thương. Có thể nói là chúng đi vào con đường yêu thương và chúng ta thực hiện những bước tiến trên con đường đó. Tình thương bắt nguồn từ mầu nhiệm Thánh Thể, thành hình trong chúng ta, phát triển, ăn rễ sâu xa và trở nên vững chắc trong chúng ta nhờ mầu nhiệm đó[8]. Như vậy, sống Thánh lễ là sống yêu thương phụng vụ tha nhân.
4. Tâm Tình Giáo Hội Việt Nam Với Phụng Vụ Thánh Lễ
Nhìn chung người Công Giáo Việt nam có lòng yêu mến Thánh lễ. Đức tin của người Việt Nam được nuôi dưỡng bởi những Thánh Lễ. Trải qua dòng lịch sử, người Công Giáo Việt Nam gặp nhiều gian nan thử thách trong đức tin, nhưng lòng yêu mến Thánh Lễ nơi người Việt vẫn không suy giảm. Chính nhờ yêu mên Thánh lễ nên Giáo Hội Việt Nam sản sinh ra những vị thánh anh hùng tử đạo. Cũng chính nhờ yêu mến Thánh lễ mà Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã trở nên chứng nhân hy vọng trong hoàn cảnh đen tối bi đát nhất của cuộc đời Ngài. Hiện nay lòng yêu mến Thánh Lễ của Giáo Hội Việt Nam khá mặn mà. Thánh Lễ đã đi vào các truyền thống văn hóa Việt Nam, như lễ tết, lễ giỗ… Thánh Lễ như gắn kết con người Việt Nam với Giáo Hội hoàn cầu.
Lòng yêu mến Thánh lễ của Người Việt Nam tuy rất sốt sắng, nhưng lòng yêu mến ấy mới dừng lại ở mức đạo đức bình dân, hay ở mức cảm thức đức tin. Sự hiểu biết về Phụng vụ hay ý nghĩa của Thánh Lễ thì chưa được chú trọng đòa sâu. Nhiều tín hữu chưa hiểu ý nghĩa về Thánh Lễ, người ta đi lễ như vì sợ phạm tội, vì sợ luật buộc hơn là vì yêu mến. Nhiều lúc Thánh Lễ trở nên xa lạ và gánh nặng cho họ. Để nâng cao ý thức về việc dâng Thánh Lễ cho dân Chúa, thiết nghĩ Giáo Hội tại Việt Nam cần chú trọng vào việc giảng dạy Phụng vụ cho giáo dân.
5. Kết luận
Phụng vụ Thánh lễ là điều không thể thiếu cho mỗi Ki-tô hữu, cho mỗi công đoàn trong Giáo Hội. Cử hành Phụng Vụ Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của công việc Hội Thánh. Hội Thánh sống nhờ Thánh Lễ và cho Thánh Lễ. Thánh Lễ liên kết mọi người nên một trong Chúa Ki-tô và cùng với Chúa Ki-tô Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa Cha hy tế cứu độ để cho con người được hưởng sự sống làm con Thiên Chúa. Qua việc cử hành Phụng vụ Thánh Lễ, Hội Thánh đưa con cái mình tới bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể để rồi con cái Hội Thánh thi hành lòng bác ái với mọi người. Đồng thời Hội Thánh thi hành công việc của mình là rao giảng Lời Chúa, Tế lễ, và yêu thương mọi người như Ngài đã yêu Hội Thánh.
Phê-rô Nguyễn Văn Nguyên
[1] Công Đồng Vaticano II, HIến Chế Phụng Vụ Thánh, #7, 69.
[2] Phao lô Vũ Chí Hỷ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ (TPHCM: NXB. Pương Đông, 2017), 28.
[3]http://tinmung.net/GIADINHTANHIEN/CAC%20MIEN/Tansonnhi/Hiepnhat.htm (truy cập ngày 29-1-2018).
[4] Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, Điểm Hẹn Thần Linh (Học Viện DCCT: 2007), 5.
[5] Công Đồng Vaticano II, HIến Chế Phụng Vụ Thánh, #1, 65.
[6] Dr. Edward Sri, Tìm HIểu Về Thánh Lễ, Trần Công Thượng Chuyển Dịch (Học Viện Đa Minh, 2014), 69.
[7] Lm. Augustino Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ, 525.
[8] Ibid., 523.