HIỆP NHẤT NÊN MỘT TRONG THÁNH THỂ

Phụng Vụ Bẻ Bánh Hiệp Nhất Giáo Hội Sơ Khai

Các tín hữu thời Giáo hội sơ khai sống hiệp nhất nên một với Đức Ki-tô và hiêp nhất với nhau được ghi lại trong sách công Công Vụ Tông Đồ như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,44). Các Ki-tô hữu yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Trong tình yêu thương của Thiên Chúa, cách riêng là trong tình thương của Chúa Ki-tô đã hiến mình vì dân của người qua bữa ăn của Chúa [phụng vụ Bẻ Bánh]. Như vậy, sự hiệp nhất nên một trong phụng vụ Bẻ Bánh thời giáo hội sơ khai mang chiều kích cộng đoàn, được diễn tả trong chính đời sống phụng vụ của cộng đoàn Ki-tô hữu.

Qua một vài tác phẩm như sách truyền thống Tông Đồ, sách Didache sẽ giúp ta tìm lại được sự hiệp thông cộng đoàn trong phụng vụ Bẻ Bánh giai đoạn này. Khi nói về Hi Lễ Tạ Ơn sách Didache đề cập đến việc liên quan tới Phụng vụ Bẻ Bánh: Trong khi bẻ bánh, chúng ta cảm tạ Cha vì đã ban cho chúng ta sự thông hiểu qua Đức Giêsu Con Cha, chúc tụng Cha vinh hiển muôn đời.[1] Về chén thánh chúng ta cũng phải cảm tạ Cha vì rượu thánh của Đa-vít con Cha mà Cha đã tỏ cho chúng ta qua Đức Giêsu Con Cha, chúc tụng Cha vinh hiển muôn đời.[2] Sau khi lễ Tạ ơn đã hoàn tất, thì cảm tạ Chúa vì đã ngự vào lòng, tiếp theo là lời nguyện cầu cho Giáo Hội và xin Chúa mau đến.[3] Đồng thời, khi bàn về ngày Chúa Nhật, trong khi quy tụ nhau lại, anh chị em làm nghi thức thống hối, và hòa giải với nhau vì Chúa phán: Mọi nơi mọi lúc, hãy dâng lên Ta hy lễ tinh sạch, vì Ta là vua cả, và Ngài cũng phán: Danh Ta cao sang giữa muôn dân.[4] Ngoài ra, tác phẩm còn cho ta biết nhiều nét khác nhau trong đời sống đạo đức thiêng liêng của các Ki-tô hữu thời xưa. Chẳng hạn, ăn chay một tuần hai lần vào thứ tư và thứ sáu, cầu nguyện ba lần mỗi ngày…[5] Cùng với sách Didache, sách truyền thống Tông Đồ của thánh Hippolyto, cho chúng ta biết được hầu như toàn bộ nghi thức phụng vụ của Giáo hội thời đó, đặc biệt là Kinh Tạ Ơn, sau này đã đưa vào Sách lễ Rôma làm Kinh Tạ Ơn II, có sửa đổi đôi chút.[6]

Như vậy, việc cử hành phụng vụ Bẻ Bánh thời Giáo hội sơ khai là biểu tượng cho sự hiệp nhất cộng đoàn. Nhờ cử hành phụng vụ Bẻ Bánh, các Ki-tô hữu xác tín Đức Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn, và cộng đoàn đang được đi vào mầu nhiệm hiệp nhất nên một với Ngài. Qua phụng vụ Bẻ Bánh, các Ki-tô hữu gắn kết với nhau và mạnh mẽ sống đức tin trong hoàn cảnh chịu cấm cách bắt bớ.

Phụng Vụ Thánh Thể Hiệp Nhất Cộng Đoàn Dòng Thánh Thể

Nếu như phụng vụ Bẻ Bánh giúp cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai hiệp nhất nên một với Chúa Ki-tô và với nhau thì với dòng Thánh Thể, lý tưởng của Dòng cũng nói lên ý nghĩa sự hiệp nhất sâu xa đó. Lý tưởng của cha Eymard và các tu sĩ của ngài là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy để Đức Ki-tô được hiển trị và vinh quang Thiên Chúa được tỏ rạng trên trần gian.[7] Lý tưởng hiệp nhất đó được thể hiện qua căn tính của tu sĩ Thánh Thể. Căn tính đó được tóm gọn như sau: “Cử hành và sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể, nội tâm hóa mầu nhiệm ấy mỗi ngày qua việc cầu nguyện trước Thánh Thể và chia sẽ với người khác sự sống tuôn trào từ mầu nhiệm ấy.”[8] Căn tính đó lại được thể hiện qua lối sống của Dòng theo ba chiều kích cộng đoàn huynh đệ, cộng đoàn cầu nguyện và cộng đoàn phục vụ:

a) Cộng đoàn huynh đệ

Ơn gọi và lối sống của tu sĩ dòng Thánh Thể là làm chứng rõ hơn cho đời sống của Đức Ki-tô, tuôn trào từ Bí Tích Thánh Thể.[9] Thật vậy, cộng đoàn Thánh Thể nỗ lực sống tình huynh đệ theo mẫu gương nơi nhà tiệc ly, nơi mà không có tình yêu nào lớn hơn người hiến mạng sống mình cho bạn hữu.[10]

b) Cộng đoàn cầu nguyện

Cử hành Thánh Thể trở nên trung tâm, “nguồn và tột đỉnh của đời sống Ki-tô hữu.”[11] Việc nội tâm hóa Thánh Thể qua đời sống cầu nguyện dưỡng nuôi tương quan chúng ta với Chúa và tha nhân, giúp hiện thực đời sống của từng cá nhân. Đồng thời, cộng đoàn là nơi thường xuyên quy tụ để chia sẻ Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể, để hiệp nhất nên một trong đức tin.

c) Cộng đoàn phục vụ

Thánh tổ phụ Peter Julian Eymard là gương mẫu khi ngài dâng hiến bản vị của mình cho việc phụng sự Chúa và nhân loại. Chính đời sống và những chọn lựa của ngài thúc đẩy các tu sĩ của Dòng nhiệt thành cho sứ vụ Thánh thể. Hơn nữa, cộng đoàn Thánh Thể không tồn tại cho chính mình nhưng là nơi cho việc tìm kiếm ý Chúa, tỏ lộ tình yêu của Ngài cho người xung quanh và chia sẻ cuộc sống với gia đình nhân loại.[12]

Nếu như ngày xưa nhờ phụng vụ Bẻ bánh, các Ki tô hữu được hiệp nhất với nhau, thì ngày nay qua Bí Tích Thánh Thể quy tụ mỗi thành viên vào dòng Thánh Thể để cùng với anh em sống thành cộng đoàn phụng sự Chúa Giê-su Thánh Thể và phục vụ tha nhân. Thật vậy, mọi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi đón nhận nhau với những khác biệt của nhau. Mỗi thành viên tôn trọng nhau, nhận ra anh em mình như là món quà Chúa trao, nỗ lực phát huy tương quan huynh đệ chân thành. Hơn nữa, sống trong đời tu là cùng nhau chia sẻ một đặc sũng của đấng sáng lập đã lãnh nhận [mang tính cộng đoàn]. Nhưng đặc sủng đó được thể hiện qua mỗi cấu trúc của từng con người [mang tính cá nhân] ngang qua ba lời khấn, chính cộng đoàn là nơi nâng đỡ để mỗi thành viên sống các lời khuyên phúc âm.

Ngày xưa nhờ phụng vụ Bẻ bánh, các Ki-tô hữu xác tín Đức Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn, và cộng đoàn đang được đi vào mầu nhiệm hiệp nhất nên một với Ngài, ngày nay các tu sĩ dòng Thánh Thể luôn xác tín sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Như lời Thánh Kinh “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), Đức Giêsu vẫn hiện diện và một cách cụ thể, Người hiện diện thực sự giữa nhân loại nơi Bí Tích Thánh Thể. Đây chính là sự hiện diện trong niềm tin, vượt không gian và thời gian; một sự hiện diện huyền diệu, mãnh liệt, sâu thẳm, sung mãn, liên tục và không biên giới. Sự hiện diện trong niềm tin, mời gọi mỗi thành viên trong cộng đoàn đáp trả tiếng vọng tình yêu từ trên cao và từ nơi bàn tiệc Thánh Thể. Để đến khi mỗi người nói được rằng: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) và “Tôi coi tất cả là rác rưởi, là thiệt thòi so với cái lợi tuyệt vời là Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả là rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9). Điều đó có nghĩa là, mỗi tu sĩ của dòng phải là những người say yêu Chúa Giê-su Thánh Thể, để Thánh Thể chiếm ngự cuộc đời mình. Từ đó, người tu sĩ thánh thể ôm ấp tất cả những đau khổ của anh chị em của mình dâng lên cho Chúa qua mỗi giờ cầu nguyện trước Thánh Thể.

Như vậy, chiều kích cộng đoàn được thể hiện qua lối sống gắng kết nên một với Chúa Ki-tô và hiệp nhất với nhau của các Ki-tô hữu thời Giáo hội sơ khai thể hiện qua việc Bẻ Bánh cũng là chiều kích hiệp nhất mà tu sĩ dòng Thánh Thể nỗ lực mỗi ngày qua Hi Lễ Tạ Ơn và Hi Lễ Tạ Ơn kéo dài [Chầu Thánh Thể]. Quả thật, khi Bánh và Rượu, hiến dâng trong nghi thức Phụng Vụ để trở thành Mình và Máu Thánh Đức Kitô, các Ki-tô hữu ngày xưa cũng như ngày nay được thánh hiến và tháp nhập vào Thân Mình của Người. Như vậy, Thánh Thể là mối dây hiệp nhất của toàn thể cộng đoàn Giáo hội từ xưa đến nay và kéo dài đến muôn đời. Thánh Thể là trung tâm nối kết mọi người nên một với Chúa và nên một với nhau.

Phê-rô Lê Tiến Quỳnh


[1] The Didache, 9, 10.
[2] Ibid.
[3] Ibid.
[4] Ibid, 14, 15.
[5] Ibid, 8.
[6] Cha Giuse Phạm Đình Ái,SSS, Khi Ngài Rộng Mở Tay Ban (Học Viện Thánh Thể, 2014), 166.
[7] Dòng Thánh Thể, Luật Sống, 1.
[8] Dòng Thánh Thể, Căn Tính Thánh Thể và Linh Đạo Canh Tân (Lưu Hành Nội Bộ, 2016), 10.
[9] Ibid, 22.
[10] Ibid.
[11] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1424.
[12] Dòng Thánh Thể, Luật Sống, 10.