HÃY YÊU ĐI! VÀ TIN VÀO ĐIỀU BẠN MUỐN[1]

Tình yêu là trung tâm của mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm Đức Ki-tô nhập thể. Vậy tình yêu là gì và có liên hệ gì đến đức tin?

Chúng ta tin điều gì trong vấn đề này? Tiêu đề của bài suy tư này xem ra không nói lên được điều gì. Nó ngụ ý rằng tình yêu là trung tâm và quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Điều này đúng hay sai? Thế còn niềm tin của chúng ta có làm nên điều gì khác biệt chăng?

Một trích đoạn từ cuốn sách xuất bản năm 1960 sẽ cung cấp nền tảng cho suy tư này. Sách có tựa đề Khám Phá về Thiên Chúa của thần học gia và sau này là Đức Hồng Y Henri de Lubac. Trích đoạn dưới đây chỉ ra 3 điểm mà chúng ta cần suy tư. Ngài viết:

Hãy yêu đi! Rồi làm điều bạn muốn. Thánh Augustin đã nói, nếu bạn yêu đủ để hành động thì trong mọi trường hợp, bạn sẽ thực hiện theo những gì tình yêu mách bảo.

Ai đó cũng có thể nói, “Hãy yêu đi! Và tin vào điều bạn muốn”, nếu bạn biết cách rút ra tất cả tinh túy của tình yêu mà nguồn phát xuất không phải đến từ bạn.

Tuy nhiên đừng vội kết luận rằng bạn biết về tình yêu.”

(Khám Phá về Thiên Chúa, tr. 159-60).

Hãy yêu đi! Rồi làm điều bạn muốn

Chúng ta hãy bắt đầu với câu đầu tiên: “Hãy yêu đi! Rồi làm điều bạn muốn”. Hẳn nhiên chúng ta thường nghe những lời đó của Thánh Augustin với nhiều lối giải thích cũng như những cách hiểu khác nhau và đã được kiểm chứng qua giòng thời gian. Nếu bạn thực sự yêu và thực sự bạn là một con người của tình yêu thì bất cứ điều gì bạn làm đều sẽ là tốt đẹp và thuận theo luật Chúa.

Câu trích dẫn trên bắt nguồn từ bài giảng từ thư 1Ga 4,4-12 của thánh Augustin:

Điều tôi muốn nhấn mạnh: chúng ta chỉ có thể hiểu được những hành vi của một người ngang qua tình yêu căn cốt của họ. Tất cả các loại hành vi chỉ tốt bề ngoài thì không phát xuất từ cội rễ của tình yêu. Hãy nhớ rằng cây gai cũng có hoa: có một số hành vi dường như hung dữ nhưng được thực hiện dựa trên nguyên tắc được thúc đẩy bởi tình yêu. Một lần cho tất cả, tôi đưa cho bạn một mệnh lệnh ngắn: Hãy yêu đi rồi làm điều bạn muốn. Nếu bạn giữ bình an hãy giữ bình an đó trong tình yêu. Nếu bạn có khóc thì khóc trong tình yêu. Nếu bạn sửa lỗi ai đó thì hãy sửa lỗi trong tình yêu. Nếu bạn tha thứ cho ai đó thì hãy tha thứ trong tình yêu. Hãy để cội nguồn của tình yêu ở trong bạn: không một điều gì phát sinh ra từ tình yêu ngoại trừ điều tốt…

Sau đó Hồng Y Lubac đi từ suy tư đó của thánh Augustin sang một sự chuyển đổi hay một minh hoạ thú vị, một cụm từ mà tôi chưa bao giờ nhớ là đã từng thấy hoặc đã từng nghe. Ngài viết: Hãy yêu đi! Và tin vào điều bạn muốn. Tuy nhiên đây là cụm từ mà tôi cảm thấy rất quen thuộc ở quê nhà. Nó có nghĩa là gì? Điều gì kéo theo từ câu nói đó?

Cũng giống như với Augustin, Hông Y Lubac khởi đầu và giả định rằng bạn là một người có tình yêu, rằng tình yêu trong bạn rất mạnh mẽ và là trung tâm của cuộc đời bạn. Sau đó, Đức Hồng Y tiếp tục đi theo một hướng khác. Thay vì nhìn vào hành vi của một người (“làm điều bạn muốn”) như thánh Augustin [đã nhìn], ngài chuyển đến tâm trí, theo lối suy nghĩ và niềm tin của chúng ta, ngài nói: “hãy tin vào điều bạn muốn”. Chúng ta chỉ biết cách tương đối những gì người khác tin tưởng và suy nghĩ. Kết quả là ta có thể nói được rằng hệ thống tín ngưỡng và niềm tin của một ai đó chỉ là điều thứ cấp theo sau tình yêu.

Nói thẳng ra, Hồng Y Lubac cho rằng người ta có thể không tin vào Thiên Chúa và Giáo hội, hay không tin vào Đức Giê-su Ki-tô và Kinh thánh, nhưng nếu một người có tình yêu thì người ấy kể là công chính trước mặt Thiên Chúa và đi đúng đường trong cuộc đua. Chúng ta có thể thấy ngài nhắc lại những lời trong thư 1Pr 4,8: “Trên tất cả, anh em phải có lòng yêu thương nhau, vì tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi”. Lubac khẳng định rằng tình yêu bao trùm vô số tội lỗi, bao gồm những lỗi lầm về thần học, lạc giáo, hay những sai lầm và tội chối bỏ niềm tin, kể cả vô thần!

Có thế nào chúng ta nói được rằng đây sẽ trở thành phương pháp mới để nhìn vào những người thân cận, là anh chị em của chúng ta và chính chúng ta – những người Ki-tô hữu? Hãy đặt trọng tâm vào chính nơi xứng hợp: trung tâm của tình yêu. Có lẽ Lubac muốn hàm ý đến cả hai thứ tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận. Nhưng tôi tin chúng ta cũng có thể nói rằng chỉ tình yêu đối với người thân cận là đủ rồi. Lời khẳng định này dựa trên suy tư về tầm quan trọng của tình yêu đối với người thân cận trong Thánh Kinh.

Chương 25 Tin Mừng Matthêu mô tả về ngày phán xét sau cùng. Nên biết rằng tiêu chuẩn để phán xét không phải là việc ta có tin vào Thiên Chúa, hay ta có là thành viên của Giáo hội, hay ta đã chịu phép rửa chưa, nhưng là việc ta có giúp đỡ những người nghèo, những người cần đến chúng ta. “Khi Ta đói, Ta khát, Ta ngồi tù… và các người có đến hỏi han”. Vậy yêu thương người thân cận chính là tiêu chuẩn để đánh giá. Chúng ta không chỉ gặp gỡ những người nghèo, những người cần đến ta nhưng qua đó ta còn gặp được chính Đức Giê-su. Đây chính là cơ sở để xét xem chúng ta có lãnh nhận được ơn cứu độ hay không.

Tin Mừng Gioan và thư thứ nhất của thánh Gioan cũng đã khẳng định điều quan trọng tương tự này, và quả thật trên hết là lòng yêu thương người thân cận. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34) và “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Thánh Gioan không phủ nhận tầm quan trọng của tình yêu đối với Thiên Chúa, nhưng ở đây ngài nhấn mạnh đến lòng yêu thương đối với người thân cận. Thư Gioan thậm chí còn nhấn mạnh hơn: “Thông điệp ngay từ lúc khởi đầu là chúng ta nên yêu thương nhau” (1 Ga 3,14). Ngài còn nói thêm rằng “Nếu ai nói : ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4,20).

Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đến lòng yêu thương người thân cận. “Thật thế, các điều răn như: […] đều tóm lại trong lời này : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Rm 13,9). Trong thư gửi Côrintô, thánh Phaolô xác quyết rằng đức tin cũng cần phải dẫn đến tình yêu: “Nếu tôi có đức tin mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13,2).

Thánh Giacôbê đã đặt đức mến làm trung tâm điểm khi ngài nói rằng: “Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân” (Gc 1,26). Ngài còn nói tiếp rằng “đức tin mà không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Vì vậy, chúng ta dám nói rằng không phải là có 2 điều răn trọng nhất nhưng chỉ là một, bởi trên danh nghĩa, khi yêu thương người thân cận chính là lúc chúng ta yêu mến Thiên Chúa!

Đừng vội vàng kết luận rằng bạn biết về tình yêu

Giờ đây chúng ta chuyển sang câu nói thứ ba của Lubac. Ngài muốn nhắc chúng ta nhớ rằng tình yêu đích thực đối với người thân cận là một thứ tình yêu hy sinh và vị tha. Chúng ta hãy xem những lời sau của bà Dorothy Day: “Tình yêu trong hành động thì thật khắc nghiệt và khủng khiếp khi so sánh với tình yêu trong những giấc mơ”. Tình yêu phải dẫn đến việc hy sinh chính mình và cái tôi ích kỷ của mình. Tình yêu là phải chết đi con người của mình và sống cho người khác. Tình yêu phải đụng chạm đến, phải sẻ chia và quan tâm người khác.

Phải chăng khi nhấn mạnh đến tình yêu theo cách trên đã khiến chúng ta nói và suy nghĩ rằng những điều mà một ai đó tin thì không còn quan trọng và không còn ý nghĩa nữa? Không hẳn như vậy, vì còn liên quan đến cả một hệ thống đức tin của chúng ta. Kết quả, ta nói được rằng, tôi tin “ngoài tình yêu người thân cận thì không có ơn cứu độ”. Những gì bạn tin thì có thể đúng hoặc sai. Điều đó có thể rất quan trọng đối với một ai đó nhưng điều đó vẫn chỉ đứng sau đức ái.

Đức ái trỗi vượt trên cả đức tin.

Trên thực tế, người ta có thể phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, phủ nhận sự hiện hữu của thiên đường và hỏa ngục; người ta có thể không tin vào Đức Giê-su Ki-tô và Giáo hội. Nhưng nếu người đó yêu người thân cận, thì họ có thể ở với Chúa, và chúng ta tin rằng Chúa ở cùng họ.

Thật vậy, đức ái thì trỗi vượt trên cả đức tin. Đức ái thì rõ ràng hơn, nhưng khó thực hiện hơn và cần nhiều sự trợ giúp của ân sủng hơn. “Hãy yêu đi! Và tin vào điều bạn muốn” nghĩa là Thiên Chúa coi trái tim hơn cả khối óc. Đức tin trong Tín Biểu thì vẫn còn đó. Và nó vẫn luôn quan trọng. Điều này đem ra cho chúng ta một thế giới quan mà trong đó chúng ta nhìn, biết và được thách thức để yêu, để thấy được tình yêu và để được yêu thương. Thực tế, Tín Biểu Ki-tô giáo dạy chúng ta rằng đức ái thì quan trọng đồng thời là trung tâm điểm và chính Thiên Chúa là tình yêu.

Vì thế chúng ta dám nói được rằng trung tâm của tôn giáo là tình yêu, và tất cả các tín ngưỡng, hay mọi đức tin đều phải dẫn đến tình yêu.

 

Lời Kết

Những lời của Hồng Y Lubac “Hãy yêu đi! Và tin vào điều bạn muốn” hướng dẫn chúng ta quay trở lại trọng tâm – để đặt ra những câu hỏi căn bản như: Trên tất cả, Ki-tô giáo là gì? Chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta phục vụ Thiên Chúa cách nào? Đức Giê-su Ki-tô mạc khải và mời gợi gọi chúng ta làm gì? Chúng ta hiện hữu trên thế giới này để làm gì? Mục đích của cuộc đời chúng ta là gì? Câu trả lời luôn phải bao hàm một sự tham chiếu đến tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Với ý nghĩa hài hước nhưng trong cái nhìn sâu sắc, tôi nhớ đã nghe ai đó nói rằng “hãy trở thành một người Do Thái tốt, bạn không cần phải tin vào Chúa, chỉ cần làm những gì Chúa muốn bạn làm”. Đối với người Ki-tô hữu và cả với tất cả mọi người, điều này có nghĩa là hãy yêu thương người thân cận. Nói cách khác, để trở thành một Ki-tô hữu tốt, hay đơn giản là một người tốt, điều thực sự quan trọng vẫn là việc trong họ có tình yêu hay không.

Chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa bằng cách yêu người thân cận. Đây là những gì Đức Ki-tô đã dạy, và cũng là điều Giáo hội dạy. Và vào lúc kết thúc cuộc đời, chúng ta lại bị chất vấn – người có yêu thương người thân cận không?

Peter Schineller, S.J.
Phaolô Nguyễn Hồ Hữu Thành, S.S.S

chuyển ngữ