“HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN” TỪ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II ĐẾN NAY

Kể từ Công đồng Vaticanô II cho đến nay, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” vẫn là một chủ đề được bàn thảo khá nhiều và xoay quanh các vấn đề sau: [i] Vị trí của cuộc đối thoại trong mối tương quan với Kinh nguyện Thánh Thể; [ii] Tư thế và cử điệu thích hợp của các tín hữu trong cuộc đối thoại này; [iii] Liệu việc nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có khiến người ta hiểu nhầm hay không về sự tham gia tích cực của tín hữu vào hy tế Thánh Thể. Sau đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng điểm một.

Đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” thuộc về Kinh nguyện Thánh Thể?

Một vấn đề được bàn cãi trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II và thời kỳ hậu Công đồng là cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có phải thuộc về Kinh nguyện Thánh Thể không? Bản thảo cổ xưa nhất, chẳng hạn như cuốn Sacramentarium Gelasianum cho thấy, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” rõ ràng nằm trong phần Lễ quy Thánh Thể (Canon). Tuy nhiên, một vài trong số những bản thảo này lại không có lần xướng đáp thứ nhất (“Chúa ở cùng anh chị em” – “Và ở cùng thần trí cha”), thay vào đó, lại bắt đầu ngay với câu “Hãy nâng tâm hồn lên”. Joseph Jungmann tin rằng điều này không phải để chỉ ra rằng những lời trong lần xướng đáp thứ I bị thiếu mất, nhưng đúng hơn, chúng có dụng ý là thừa nhận ít ra một âm thanh du dương long trọng đã không khởi sự cho tới khi có câu “Chúa ở cùng anh chị em”.[1] 

Mặc dầu sách Sacramentarium Gelasianum cho biết cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”  thực sự là nằm trong Lễ quy Thánh Thể, nhưng mặt khác, truyền thống theo sau lại cho rằng: 

Phải chỉ ra hạn từ “canon actionis” trong “Sacramentarium Gelasianum” là một tiêu đề ở trước “Sursum corda” (Hãy nâng tâm hồn lên), lý do là vì không quá lâu sau đó, Lễ quy (Canon) sẽ bắt đầu được đọc lên chỉ sau kinh Sanctus. Theo thể thức ấy, hạn từ praefatio (kinh Tiền tụng) mà dường như thánh Cyprianô áp dụng cho cả cuộc đối thoại dẫn nhập, sẽ biểu thị cho toàn bộ phần uyển chuyển này, còn trong nghi điển Rôma, nó thiết lập nên phần mở đầu của Kinh tiến dâng (anaphora).[2]   

Trong những lần xuất bản Sách lễ Rôma sau này, nhưng trước Sách lễ của Đức Phaolô VI (1970), hạn từ “canon” chỉ được áp dụng kể từ phần Te Igitur (Chúng con khẩn khoản nài xin Cha) cũng như cho những lời nguyện theo sau, vì thế cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, kinh Tiền tụng và kinh Sanctus không thuộc về Canon mà cả 3 yếu tố này có lẽ chỉ được coi là những lời nguyện dẫn nhập.

Mặc dầu chữ đỏ đã không nói cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể, thế nhưng truyền thống lâu đời vẫn truyền cho linh mục chủ tế không được quay mặt xuống dân chúng khi đọc lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” trong cuộc đối thoại dẫn nhập này (“Chúa ở cùng anh chị em” – “Và ở cùng thần trí cha”). Tại sao vậy? Lý do là vì một khi hành động thánh đã khai mở, một khi hoạt động hướng về Thiên Chúa đã bắt đầu rồi (tức Kinh nguyện Thánh Thể đã bắt đầu), thì việc quay xuống là không thích hợp.[3]

Truyền thống này chứng tỏ rằng tầm quan trọng hàng đầu của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” không chỉ là bao hàm nhận thức của các tín hữu, như sẽ được tỏ bầy qua việc linh mục quay mặt về phía dân chúng, nhưng đúng hơn, đây là sự thừa nhận của họ về hành động sắp diễn ra, và lôi kéo các tín hữu cùng nhau chăm chú vào Nhiệm Thể Chúa Kitô trong việc chuẩn bị cho Hy tế Thánh. 

Dựa trên lý lẽ của Jungmann và những nhà thần học khác vốn cho rằng cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là phần khai mào của Lễ quy, Ủy ban chịu trách nhiệm chuẩn bị Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSL) cho cuốn Sách lễ mới (Novus Ordo) đã quyết định sắp xếp cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, cũng như kinh Tiền tụng và kinh Sanctus trở nên thành phần của Lễ quy Thánh Thể. Bởi vậy, hiện nay, theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] số 78, chúng ta đọc thấy:

Bây giờ bắt đầu đi vào tâm điểm và cao điểm của toàn bộ việc cử hành, nghĩa là đến chính Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn), là kinh nguyện tạ ơn và hiến thánh. Linh mục mời cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô, và trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là để toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ. Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn) đòi mọi người cung kính và thinh lặng lắng nghe (QCSL 78).

Trong phần trình bày này [vốn liên quan đến thần học về Lễ quy Thánh Thể], hành động hay chủ đề tạ ơn và thánh hóa tách biệt nhau một cách rõ rệt. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của phụng vụ thánh như được đề cập trong các tài liệu của Công đồng: vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa nhân loại. Vì thế, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” ở đây thuộc về phần biểu thị ra  bên ngoài “sự hợp nhất của tín hữu với Thân mình Mầu nhiệm  của Chúa Kitô”.

Một số sử gia và thần học gia có cùng một tư tưởng như quyết định như Công đồng trong việc phác thảo cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, kinh Tiền tụng và Sanctus trở nên thành phần của Lễ quy. Điều này gây ra 2 vấn đề. [i] Thứ nhất, chúng đi ngược lại hoàn toàn với truyền thống lâu dời của Hội Thánh vốn chỉ ra rằng Lễ quy không khởi sự với cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” nhưng đúng hơn là từ phần Te Igitur (Chúng con khẩn khoản nài xin Cha …); [ii] Thứ hai, nội dung hay thành phần của cuộc đối thoại dẫn nhập này, nếu như nằm trong Lễ quy, thì có thể tạo ra sự nhầm lẫn về phương diện thần học giữa vai trò của chức tư tế thừa tác của linh mục và chức tư tế cộng đồng của tín hữu. Những ai đã chịu chức thánh để trở nên thừa tác viên linh mục và giám mục đều có thể hiến dâng hy lễ nhân danh Chúa Kitô (in pernona Christi). Các giáo hữu còn lại thì khác, họ không được phong chức tư tế để hành động như vậy, do đó, họ không thể hiến dâng tế phẩm theo cách như các tư tế thừa tác. Tuy nhiên, cho dù cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có thuộc về Lễ quy Thánh Thể hay không, điều tỏ tường là, các tín hữu vẫn tham gia vào việc tiến dâng hy lễ, qua con người của tư tế từa tác và nhờ hy tế này, Thiên Chúa được tôn vinh và nhân loại được thánh hóa.

Tư thế và cử chỉ khi tham dự cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”

Quy chế phụng vụ hiện nay [liên quan đến tư thế và cử điệu của người tham dự trong cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”] cho biết rằng linh mục dang tay trong tư thế cầu nguyện (orans), đang khi đó, các tín hữu không cần phải có một cử chỉ đặc biệt nào. Jungmann nói về tư thế cầu nguyện này của linh mục như sau:

Ý nghĩa cổ xưa của hình thức này cũng được biểu lộ trong cử chỉ đi kèm; việc kêu mời hãy nâng tâm hồn lên được đi kèm với việc linh mục nâng cao hai tay của mình lên, và rồi linh mục vẫn giữ hai tay dang ra trong thái độ cầu nguyện, với tư thế cầu nguyện của Hội Thánh ngày xưa.[4] 

Quả thật, đây là một cử chỉ và tư thế đã tồn tại ngay từ thời Hội Thánh sơ khai. Bởi vậy, những lời truyền thống của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” được bảo tồn thế nào thì tư thế và cử chỉ kèm theo cũng được giữ gìn như thế.

Tuy nhiên, cử chỉ này lại trở thành một đề tài gây nhiều tranh cãi gần đây: có nên để các tín hữu cầu nguyện trong cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”  này với đôi tay dang ra không?

Những người phản đối ý tưởng này khẳng định rằng dang tay cầu nguyện là một cử chỉ cầu nguyện đặc biệt vốn chỉ phù hợp với chức năng chuyển cầu của linh mục thừa tác. Theo truyền thống, cử chỉ / tư thế cầu nguyện này nói lên chức vị của linh mục thừa tác là người đóng vai trò trung gian cầu nguyện giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Do đó, nếu khuyến khích tín hữu sử dụng tư thế và cử điệu này thì chẳng khác gì tạo thêm sự nhầm lẫn giữa các chức năng và phẩm trật trong cấu trúc của Hội Thánh.  

Các học giả ủng hộ tín hữu sử dụng cử điệu cầu nguyện dang tay lại nhấn mạnh rằng ý nghĩa của nó không chỉ giới hạn trong việc chuyển cầu. Họ cho rằng tư thế cầu nguyện dang tay cũng được các tín hữu thưở xưa thực hành như một phần của truyền thống phụng vụ và được mô tả trong các tác phẩm của Tertulianô, Origen, Athenagoras cũng như những tác giả khác nữa. Sau khi đã nghiên cứu và khám phá ra tư thế cầu nguyện trong cộng đoàn phụng tự của các Kitô hữu thời xưa, như được tìm thấy nơi 3 giáo phụ vừa nêu [mà tất cả đều nói đến việc nâng hai tay lên và mắt thì hướng về Chúa], E. Ferguson đi đến kết luận sau:   

Tất cả điều này khiến tôi đề xuất trường hợp nào thì trỗi dậy mà đưa ra lời “Hãy nâng tâm hồn lên”. Câu “Hãy nâng tâm hồn lên”này có giá trị như chữ đỏ vậy nhằm mời gọi các tín hữu hãy nâng tay của họ lên, hay nếu như họ đang ngồi, thì đứng dậy và nâng đôi tay họ lên cao khi tham dự Kinh nguyện Thánh Thể. Khi tất cả tín hữu cùng nhau trỗi dậy, như Justinô nói, họ cũng nâng hai tay lên, mắt ngước lên trời và miệng đáp lại “Tâm hồn chúng con đang ở với Chúa”. Bằng cách này, cộng đoàn đang quy tụ lại với nhau được đánh thức vào thời khắc cao trọng này. Dân chúng được mời gọi để trỗi dậy và do đó nâng tâm hồn họ lên với Chúa. Sự việc nâng cao tâm hồn của họ lên được diễn tả ra bên ngoài bằng cách nâng cao đôi tay lên để cầu nguyện. Dân chúng đã đáp lại bằng cử điệu và lời nói của họ trong việc hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa. Vì thế, hy lễ cầu xin và tạ ơn được kèm theo bằng một tế phẩm biểu tượng là dân chúng trình bày chính họ trước nhan Thiên Chúa.[5]    

Như vậy, Ferguson tin rằng chính cử điệu làm bật ra ngôn từ chứ không phải ngược lại. Cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là một lời hô hào củng cố cho tư thế hay cử điệu cầu nguyện vốn cho phép biểu lộ ra bên ngoài thái độ bên trong của chúng ta. Đây là điều cần thiết và đáng ao ước trước khi bước vào phần Lễ quy của Thánh lễ.

Trong Kitô giáo, cử điệu dang tay và giơ lên cao là thái độ cầu nguyện mà các Kitô hữu ban đầu thường xuyên thực hiện như chúng ta thấy trên các hình ảnh và bản văn để lại. Suốt trong thời Trung cổ cũng vậy, các tín hữu vẫn có thói quen dang tay khi đọc kinh, nhất là tại các tu viện ở Ý và Ái Nhĩ Lan.[6]

Kitô hữu lấy lại cử chỉ này của người Do Thái đồng thời cho nó một ý nghĩa mới: tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô dang hai tay trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại (LNGM 104).[7] Do đó, tại Rôma ngày xưa, dù người ta không chú tâm đến việc dang tay khi cầu nguyện lắm nhưng Đức Innocent III đã ra lệnh cho thầy phó tế nâng hai cánh tay của chủ tế lên khi ngài dang tay đọc lời nguyện; đầu thế kỷ XV, chủ tế thường dang thẳng cánh tay theo hình thánh giá khi đọc Lễ quy; còn hiện nay, cử chỉ dang tay luôn luôn được chủ tế sử dụng trong các lời nguyện thuộc về chủ tọa trong Thánh lễ như Lời nguyện Nhập lễ, Lời nguyện Tiến lễ, Lời nguyện Hiệp lễ, Kinh Tạ Ơn, và kinh Lạy Cha.[8]

Theo ĐGH Bênêđictô XVI, cử điệu dang tay và giơ lên cao là một trong những cử chỉ nền tảng nhất của con người khi kêu cầu Thiên Chúa và được tìm thấy trong mọi tôn giáo trên thế giới. Cử điệu dang tay có khá nhiều chức năng. Chẳng hạn, đôi tay dang ra diễn tả thái độ vừa tìm kiếm vừa hy vọng, diễn tả thái độ của con người muốn vươn đến một Thiên Chúa ẩn kín, vươn ra hướng về Ngài. ĐGH cũng đồng hóa đôi tay dang ra như hình tượng của đôi cánh, diễn tả con người nỗ lực tìm kiếm những thực tại trời cao là nơi Thiên Chúa vốn tạo ra cho họ. ĐGH cũng đưa ra hai ý nghĩa của tư thế này mà chúng ta có thể sử dụng để liên kết với hai mục đích chính của phụng vụ: tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa nhân loại. Ngài gọi cử điệu này như diễn tả sự bình an; bằng việc dang tay, con người mở lòng mình ra cho người khác, cho cộng đồng. Hơn nữa, đối với người Kitô hữu, đôi tay dang rộng cũng có ý nghĩa Kitô học, chúng nhắc chúng ta nhớ đến đôi tay của Chúa Giêsu dang ra trên thánh giá. Do việc dang đôi tay ra, chúng ta quyết tâm cầu nguyện với Đấng chịu đóng đinh, hợp nhất chúng ta với “tâm trí” Người” (Pl 2,5).[9] Về điều này, ĐGH Bênêđictô XVI viết:

Trong cánh tay của Đức Kitô dang rông trên thánh giá, người Kitô hữu nhìn thấy hai ý nghĩa. Trong trường hợp của Người, trường hợp trổi vượt trên hết, cử chỉ này là một hình thức triệt để của thờ phượng, sự hợp nhất giữa ý chí mang tính nhân loại của Người với ý chí của Chúa Cha. Nhưng đồng thời, những cánh tay ấy cũng mở ra hướng về chúng ta. Những cánh tay này mở rộng ôm lấy chúng ta, bởi đó, Đức Kitô muốn kéo chúng ta đến với Người (Ga 12, 32). Thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân, nội dung của điều răn chính tóm tắt luật lệ và các ngôn sứ, đã trùng hợp trong cử chỉ này. Mở chính lòng mình ra cho Thiên Chúa, hoàn toàn phó dâng chính mình cho tha nhân. Sự kết hợp hai chiều hướng của tình yêu trong cử chỉ của Đức Giêsu trên thánh giá vén mở, trong cách thế khả thị và thân xác, một chiều sâu mới của cầu nguyện Kitô giáo và như thế, diễn tả luật bên trong thuộc về lời cầu nguyện của chúng ta.[10]    

Qua những gì vừa trình bày, chúng ta như thấy hai điều răn cao trọng nhất của Kitô giáo hòa nhập với nhau nơi cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”. Con người tận hiến chính mình cho Thiên Chúa, và khi làm như thế, chúng phải trở nên sự thông chuyển bác ái hoàn hảo cho tha nhân. Chúng ta có thể kết luận rằng, cử điệu dang tay cầu nguyện đã bắt đầu nơi cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” sẽ được tiếp tục sau này nơi hành vi trao chúc bình an (Pax Domini), và được hoàn tất khi chúng ta tiếp nhận Mình và Máu Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Khi xem xét trong ánh sáng này, chúng ta không còn bị nhầm lẫn nữa giữa vai trò của vị tư tế thừa tác với vai trò của các tín hữu nếu như cả hai đều sử dụng cùng một cử chỉ này.

Cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” và sự tham dự phụng vụ cách tích cực

Một số học giả phụng vụ gần đây đã nêu ra ý kiến rằng cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có vị trí quan trọng đặc biệt trong Thánh lễ chỉ vì nó là một trường hợp hàng đầu liên quan đến sự tham gia của tín hữu vào cử hành Thánh Thể. Chẳng hạn, một trong số những học giả viết như sau:

Thậm chí, còn hơn cả chính Kinh tiến dâng nữa, những tiếng hô hoán [trong cuộc đối thoại] này thiết lập nên một trong những thời khắc đáng chú ý nhất của phụng tự Kitô giáo, bởi vì cộng đoàn phụng vụ phải chú tâm đến những lời ấy ngay lập tức…Tầm quan trọng đó không những chỉ bởi sự kiện là những lời hô hào này giống như một phần dẫn nhập để đi vào Kinh nguyện Thánh Thể ngay lập tức, mà còn bởi trong một thời gian dài, chúng là bản văn được coi là đặc trưng nhất nhờ đó giáo hữu tham dự vào các nghi lễ thánh.[11]              

Tác giả tiếp tục chỉ ra rằng cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là cuộc đối thoại duy nhất có nội dung dài hơn lời đáp trong Ordo Romanus I cũng như dài hơn bất cứ một bản văn tương ứng nào khác trong Hội Thánh Đông phương. Ông phát biểu rằng sự kiện này được ủng hộ bởi một số những gợi ý liên quan đến cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” nằm trong các khảo luận và bài giảng của các văn sĩ trong Hội Thánh.  

Vấn đề ở đây là cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” nhắm đến sự tham gia tích cực của tín hữu vào cử hành phụng vụ hay nhắm vào mục tiêu của sự tham dự đó. Có thể kết luận rằng, trong trường hợp của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, dầu đây là lời mời gọi dân chúng tham gia vào cử hành phụng vụ một cách trọn vẹn, ý thức và linh động như đòi hỏi của Hiến chế Phụng vụ Thánh (số 14), nhưng chính sự tham gia này lại không mang tầm quan trọng hàng đầu. Nói cho chính xác và đầy đủ hơn, các tín hữu tham gia là bởi vì họ đang hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa, họ đang đưa ra lời tán đồng của mình đối với hy tế sắp diển ra trên bàn thờ, sự ưng thuận của họ lôi kéo họ cùng nhau bước vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhờ đó họ trở nên con cái của Thiên Chúa và đón nhận được sự sống đời đời.

Một sự trình bày quân bình hơn về tầm quan trọng của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” đến từ Robert Cabié, tác giả viết:

Lời đáp là cao điểm của toàn bộ cuộc đối thoại. Dân “tư tế cộng đồng” đang ở với Chúa của họ, sự hiện diện của Chúa được đại diện bởi vị chủ tế mà qua việc phong chức thánh ngài đã lãnh nhận “thần trí” của Chúa Kitô. Mọi người bây giờ chăm chú hướng đến những “thực tại trên cao” nơi Đức Kitô phục sinh đang sống trong vinh quang; tất cả mọi người đều có ý định là cùng với Ngài mà bước vào trong vận hành của Ngài, đó là “từ thế giới này mà về với Chúa Cha” (Ga 13, 1). Lời nguyện theo sau được liên kết với phần dẫn nhập bằng những lời mở đầu của nó” “Thật là chính đáng.”[12]     

Thay vì ám chỉ cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” còn “quan trọng hơn chính Kinh tiến dâng”, Cabié chỉ ra rằng những lời đáp lại của các tín hữu là cao điểm của cuộc đối thoại. Tín hữu tham dự vào Lễ quy bằng sự đại diện của vị chủ tế hành động nhân danh Chúa Kitô. Những lời các tín hữu thưa lên vào lúc này thể hiện một cách chắc chắn sự chú tâm của họ vào hành động sắp diễn ra trên bàn thờ, đó là sự hiến dâng của Chúa Kitô lên Chúa Cha một cách “thật xứng đáng và ngay chính”. 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS


[1] Xc. Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development, trans. Francis A. Brunner (NY: Benzinger Brothers, 1949), 115.

[2] Robert Cabié, The Church at Prayer: Volume II, The Eucharist, ed. A. G. Martimort (Collegeville, MN; The Liturgical Press, 1982), 91.

[3] Xc. Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development,112.

[4] Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development,112.

[5] E. Ferguson, “The Liturgical Functon of the ‘Sursum Corda’, Studia Patristica 13 (TU 116: Berlin: Akademiee Verlag, 1975), 360-363.

[6] Xc. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Thánh lễ 2, 110-111.

[7] Xc. A.G. Martimort, The Church at Prayer, 1: 186-187.

[8] Xc. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Thánh lễ 2, 110-111.

[9] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, dg. Nguyễn Luật Khoa & Pham Thị Huy (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2007),  218-219.

[10] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, 219-220.

[11] C. A. Bouman, “Variants in the Introduction to the Eucharistic Prayer”, Vigilae Christianae 4 (1950), 114.

[12] Cabié, The Church at Prayer: Volume IIThe Eucharist,  92.