“HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN” TRONG TƯ TƯỞNG CỦA THÁNH GIOAN KIM KHẨU

Chú giải trực tiếp của thánh Gioan Kim Khẩu (349-407) về cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” (Sursum Corda) được tìm thấy trong hai bài giảng (Heb. Homily 22, 3 và Homily 9: ‘Sám hối’). Khám phá hai bài giảng này, chúng ta sẽ thấy thánh nhân liên hệ “Sursum Corda” với nghi lễ Rửa tội và Thánh Thể như thế nào.

Liên hệ giữa chức năng của mệnh lệnh “Hãy nâng tâm hồn lên” với nghi lễ Rửa tội, thánh Gioan Kim Khẩu cho chúng ta biết ý nghĩa của cuộc đối thoại “Sursum Corda” được nhìn như một bài giáo huấn mục vụ nhằm khuyến dụ các tân tòng hãy cất ra khỏi trí và do đó cả lòng của họ nữa những xu hướng nghiêng chiều về tội lỗi để hướng tâm hồn lên cao và lên tới Thiên Chúa. Ở đây, thánh nhân diễn đạt đặc nét luân lý của những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy – vì phép Rửa là thánh giá mà trên đó các tín hữu đóng đanh chính mình đối với thế gian (Homily 9, 6). Sau này trong bài giảng XXII, 8, thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Những con chim bay lượn nhanh nhất trong một thời gian ngắn phía trên các ngọn núi, phía trên rừng sâu, biển cả, và các rặng đá, thì sẽ chẳng bị tổn thương gì. Tâm trí của chúng ta cũng vậy; khi tâm hồn mặc lấy đôi cánh của nó, khi tâm hồn đã thoát ly khỏi những sự vật của cuộc sống này, thì không gì có thể giữ được tâm hồn, tâm hồn sẽ bay vút cao hơn mọi thứ, thậm chí hơn cả phi tiêu bốc lửa của ma quỷ.” Thánh nhân tiếp tục bài giảng bằng việc mô tả rằng các tín hữu cần phải được trang bị đầy đủ và được củng cố bằng “tấm khiên của đức tin, chúng ta hãy canh giữ cẩn thận với tất cả sự cẩn trọng, để trở nên bất khả xâm phạm”.[1] 

Trong phung vụ Byzantin, trước kinh tiền tụng, thầy phó tế sẽ bước khỏi cung thánh mà nói lên những lời chuẩn bị: “Hãy sẵn sàng! Hãy nghiêm chỉnh với sự sợ hãi, hãy chăm chú để dâng lên lời tạ ơn trong bình an!”[2]

Tiếp nối những lời ấy, thánh Gioan Kim Khẩu, vị thượng phụ của Constantinop quảng diễn trong bài giảng thứ XXII, 3 rằng “Hãy nâng tâm hồn lên” cùng kết hợp với tư thế cầu nguyện giúp cho người thờ lạy vượt thoát những ảnh hưởng của sa-tan. Tương tự như thánh Cyrilô và Theodore, thánh Gioan Kim Khẩu tin rằng nếu ai không nhất loạt hướng lòng trí mình lên cao khi cử hành Thánh Thể thì kẻ ấy cũng không thể gặp gỡ được Mình và Máu Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu được.[3]

Với những kẻ hay chia lòng chia trí vì toàn bận tâm đến các vấn đề thế tục đang khi quy tụ để cử hành Thánh Thể, thánh Gioan Kim Khẩu giải thích cho họ rằng đã có tới 168 tiếng đồng hồ trong tuần dành cho chúng rồi và chỉ có một giờ dành cho Thiên Chúa thôi lẽ nào họ lại sử dụng một giờ này vào những vấn đề trần tục và vô lý chăng. Ngài hướng dẫn họ phải chăm chú trước cuộc đối thoại  “Hãy nâng tâm hồn lên”. Ngài chất vấn họ: “Hỡi những con người, anh chị em đang làm gì thế? Khi linh mục nói “Hãy nâng lòng và trí chúng ta lên”, chẳng phải anh chị em đã xác nhận và nói: “Chúng con đang hướng về Chúa” đó sao? Vậy thì anh chị không sợ hãi ư? Anh chị em không hổ thẹn vì là kẻ nói dối vào giờ phút long trọng này sao? (Homily 9, 6)[4]

Giải thích ý nghĩa của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, trong bài giảng XXII, 7 (phân tích câu Tin Mừng “Hãy tìm thì sẽ gặp”), thánh Gioan Kim Khẩu nói với các thíng giả rằng khi đến với Chúa, họ hãy cẩn trọng “Vì có nhiều thứ là những trở ngại, nhiều thứ mang đến sự tối tăm, nhiều thứ cản trở cảm thức của chúng ta … nếu chúng ta chôn mình trong hố sâu của những ham muốn xấu xa, trong bóng tối của đam mê và của đủ mọi công nọ việc kia của cuộc đời này, thì thật khó khăn cho chúng ta để nhìn lên, thật vất vả chúng ta mới ngẩng đầu lên được, thật trầy trật để chúng ta có thể thấy rõ ràng … Do vậy, chúng ta hãy vứt bỏ trần gian ra khỏi chính mình, hãy dập tắt sương mù vây bọc chúng ta. Đám sương mù này dày đặc và gần sát, không cho phép chúng ta thấy rõ sự gì.[5]

Thánh Gioan Kim Khẩu để nghị rằng mệnh lệnh ““Hãy nâng tâm hồn lên” nếu được hiểu và tuân giữ cách thiêng liêng, sẽ giúp cho người nghe biết chuẩn bị tâm hồn mình cách xứng đáng. Với trái tim và tâm trí được nâng lên với Chúa, tín hữu có thể ‘nhìn thấy’ và tham gia vào cử hành Thánh Thể một cách xứng hợp. Thánh nhân khuyến khích người nghe: ‘Bởi thế, vì lý do này, thưa anh chị em, đừng vắng mặt trong các nhà thờ, và khi ở bên trong nhà thờ, chúng ta đừng chiếm lấy thời gian này để tán chuyện với nhau. Chúng ta hãy đứng với nỗi sợ hãi và run rẩy, con mắt thì hạ xuống và linh hồn ngước lên cao, với tiếng thở dài im lặng và tiếng hét lớn của trái tim.” Đây là thái độ phải có khi bước vào kinh tiến dâng (anapohora). Nhờ đó, họ mới có thể cảm nhận được phụng vụ thiên quốc và lễ phẩm Thánh Thể được thánh hiến.[6]

Trong bài giảng thứ XXIV quảng diễn thư thứ II của thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côrintô, thánh Gioan Kim Khẩu nói:

Trong giờ đó (tức giờ cử hành Thánh Thể), anh chị em đừng nên biết làm thế nào để mình phải bận bịu lo lắng; đừng nên nghĩ là mình vẫn con ở trên mặt đất này. Một người phải trơ ra như đá thì mới tin rằng mình còn đang ở trên trần gian và không tin là mình đang ca hát với ca đoàn các thiên thần. Cùng với các thiên thần, anh chị em dâng về Chúa bài ca nhiệm mầu, và cùng với các ngài, anh chị em kính dâng lên Chúa bài thánh ca khải hoàn (Hom. 24 trong II Cor.). [7]

Còn trong bài giảng thứ XVIII trước đó [cũng giảng giải thư thứ II gởi tín hữu Côrintô], thánh Gioan Kim Khẩu đề cập đến câu “Hãy nâng tâm hồn lên” trong bối cảnh của cuộc bàn thảo liên quan đến tình nghĩa huynh đệ trong Chúa Kitô:

Lại nữa, trong chính các mầu nhiệm cao cả này, linh mục cầu nguyện cho dân và dân cầu nguyện cho cho linh mục; vì những lời “và ở cùng thần trí cha” không có ý nghĩa nào khác hơn thế. Việc dâng lời cảm tạ cũng mang tính cộng đồng: vì không phải một mình linh mục cảm tạ, nhưng là toàn thể dân chúng. Trước tiên, họ bày tỏ biểu quyết của mình, sau đó tán đồng bằng câu “thật là chính đáng và phải lẽ”, rồi vị linh mục bắt đầu cảm tạ. Tại sao bạn lấy làm ngạc nhiên khi dân chúng ở bất cứ nơi đâu cũng chung một tiếng với linh mục, thậm chí với cả các thiên thần Cherubim, và các đạo binh trên trời mà cất lên những bài thánh ca đó? Bây giờ tôi nói điều này để mỗi giáo hữu cũng có thể thận trọng đề phòng, để ta có thể hiểu rằng tuy có sự khác biệt giữa các chi thể với nhau, tất cả chúng ta đều là một thân thể; không phải chỉ các linh mục mà là hết thảy chúng ta chăm lo cho toàn thể Hội Thánh như một thân mình chung của chúng ta. Vì tiến trình này sẽ cung cấp cho ta sự an toàn và sự triển nở các nhân đức một cách chắc chắn hơn.[8]      

Thánh Gioan Kim Khẩu sử dụng phần đối đáp thông thường này như một ví dụ trong phụng vụ thánh để giáo huấn mỗi thành viên tín hữu phải biết đồng hóa mình như thế nào trong sự liên kết với những anh chị em tín hữu khác. Nói cách khác, cuộc đối thoại được trình bày như một ví dụ diễn tả sự hợp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Ngài chuyển tải mối quan tâm của mình, mà vẫn tồn tại trong thời kỳ đó, về sự tán đồng của các tín hữu khi sắp đến gần Kinh nguyện Thánh Thể: không chỉ linh mục mới dâng lời nguyện nhân danh cộng đoàn đang quy tụ, mà còn nhân danh Nhiệm Thể Chúa Kitô, vốn được bày tỏ thêm nữa bằng việc hát kinh Sanctus.  

Tóm lại, phân tích các nguồn văn bản từ giáo phụ về chủ đề “Hãy nâng tâm hồn lên” chúng ta nhận thấy rằng phần đối đáp này có nội dung thần học phong phú liên quan đến sự tham gia của các tín hữu vào cử hành Hy lễ Tạ ơn. Những lời này lôi kéo các tín hữu tham dự hợp nhất với nhau và với vị chủ tế vào trong mầu nhiệm hợp nhất cao cả hơn, tức sự hợp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Phần đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” được trình bày như một thái độ không những cần phải có đối với Kinh nguyện Thánh Thể mà còn đối với mọi kinh nguyện nói chung. Hơn nữa, những lời đối đáp còn phục vụ như một phương thế nhờ đó các tín hữu có thể trình bày lễ phẩm là chính bản thân của họ mà dâng lên Thiên Chúa.  

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS


[1] Ibid., 181.

[2] Trích lại trong Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 397.

[3] Xc. Jason Darrell Foster, Sursum Corda: ritual and meaning of the liturgical command in the first five centuries of the Church (England: Durham University, 2013), 224.

[4] Ibid., 182-183.

[5] Ibid., 180.

[6] Ibid., 184-185.

[7] Trích trong Jerome Gassner, The Canon of the Mass: Its History, Theology and Art, 106.

[8] St. John Chrysostom, “Homily 18 on Second Corinthians”, J. Chrysostom Opera (Paris: Apud Gaume Fratres, Bibliopolas, 1837, 670-671, bản dịch từ http://www.newadvent.org/fathers/220218.htm