“HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN” TRONG TƯ TƯỞNG CỦA THÁNH CYPRIANÔ

Từ ban đầu, trong năm thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, phần đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” (Sursum Corda) có dụng ý nhắc nhở các tín hữu đang tụ họp để cử hành Thánh Thể về vị trí trên trời của họ trong Chúa Kitô nhờ bí tích Rửa tội mà họ đã lãnh nhận. Vào thời khắc vị linh mục hô lên khuyến dụ “Hãy nâng tâm hồn lên” thì các tín hữu ở trong tư tế cầu nguyện theo cách tương tự như họ đã làm lần đầu tiên lúc đọc kinh Lạy Cha sau khi chiu Thánh tẩy. Từ thế kỷ thứ III- V, các giáo phụ đã cho biết nhiều ý nghĩa khác nhau của mệnh lệnh “Hãy nâng tâm hồn lên” khi liên hệ phần đối thoại này với các nghi thức tiến vào thánh đường. Nếu những người đi vào nhà thờ nâng tâm hồn họ lên cao, họ sẽ nhận được khả năng phòng chống những cuộc tấn công của ma quỷ vốn dĩ khiến họ phải lo ra chia trí khi tham dự phụng vụ (được chứng minh bởi các mối quan tâm, thái độ, hành động và nhận thức mang tính trần tục). Nhờ đó, họ có thể nhận thức đúng đắn nghi lễ phụng vụ cũng như các lễ phẩm Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Kitô. Trong thế kỷ thứ IV – VIII, khi tiến vào thánh đường, những bài thánh ca đi kèm theo cuộc rước chất chứa những lời kêu gọi rằng “hãy gạt tất cả những lo lắng trần thế ra ngoài” (trước đó được kết nối với phần đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”). Ý nghĩa nguyên thủy của mệnh lệnh “Hãy nâng tâm hồn lên” là như thế và dành cho các tín hữu bước vào thánh đường cử hành phụng vụ, nhưng rồi được chuyển sang phần chuẩn bị trước khi thánh hiến lễ phẩm. Sự tiến hóa phụng vụ này đã dẫn đến việc “Hãy nâng tâm hồn lên” (Sursum Corda) dịch chuyển vừa văn bản vừa chủ đề sang lời khuyên gọi các tín hữu hãy vươn tâm trí mình lên Giêsualem mới. Khi trái tim thực hiện cuộc hành trình này, nó hợp nhất với Thiên Chúa trong phép Thánh Thể: kết quả cuối cùng sẽ là một thực tại cánh chung. Do đó, “Hãy nâng tâm hồn lên” phát triển từ một mệnh lệnh để ghi nhớ hoặc nhận ra căn tính trên trời của người Kitô hữu trong Chúa Kitô qua bí tích Tái sinh đến mệnh lệnh kêu gọi họ hãy vươn tâm hồn lên cao một cách thiêng liêng đến thành đô của Thiên Chúa trên trời trong cử hành phụng vụ thánh như những công dân nước trời với cả mắt, tay và tim đều quy hướng về Chúa.[1]

Thánh Cyprianô (tử vì đạo vào năm 258) được cho người đầu tiên đề cập đến kinh Tiền tụng (praefatio) trong khung cảnh của phụng vụ Thánh Thể. Ngài đã nói đến chủ đề “Hãy nâng tâm hồn lên” trong các bài thuyết giảng giáo lý dành cho các dự tòng về kinh Lạy Cha (De Dominica Oratione,  chương 31). Ngài cho biết, vị tư tế chuẩn bị tâm hồn anh chị em tín hữu trước Kinh Tạ Ơn bằng vài lời dẫn nhập: “Hãy nâng tâm hồn lên,” và cộng đoàn đáp lại: “Chúng con đang để tâm hồn mình hướng về Chúa”. Tất cả được thực hiện trong tư tế đứng trước nhan Chúa với ý định nhắc nhở họ đừng suy tưởng một điều gì khác ngoài Chúa như người cha của mình (De Dominica Oratione,  chương 9).[2]

Thánh Cyprianô nói: “Đừng để hành xử của chúng ta vuột ra khỏi tâm trí; đúng hơn, chúng ta – những người đã bắt đầu trở nên thần thiêng và thuộc về thượng giới, phải suy nghĩ và biểu tỏ ra những sự thuộc thiêng liêng và trời cao.”[3] Ở chương 19 (De Dominica Oratione), thánh nhân nhắc cho các người dự tòng nhớ rằng những ai tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể hàng ngày thì cũng phải là người biết “từ bỏ thế gian, của cải thế gian và vẻ xa hoa của nó”.[4] Tại đây, ngài gợi lại mệnh lệnh từ bỏ Satan và những thứ thuộc về thế gian trong nghi thức trừ quỷ trước khi lãnh nhận phép Rửa.[5]

Theo ngài, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” với chức năng phụng vụ được tìm thấy trong kinh Tiền tụng là một cách chuẩn bị lý tưởng cho việc cử hành Hy tế Thánh Thể. Vì thế, cuộc đối thoại này phải trở thành một mẫu thức giúp ta biết cách làm thế nào để có thể tiếp cận với mọi lời nguyện nói chung, tức phải được đọc lên trước mỗi kinh nguyện.[6] Jungmann viết:

Cyprianô đã chú giải cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” rồi và ngài nhận ra trong những lời này sự diễn tả sắc thái trong đó Kitô hữu nên bắt đầu mỗi lời nguyện thế nào cho thích hợp: mọi tư tưởng phàm tục phải bị xua tan và tâm trí chỉ còn biết hướng về Chúa.[7]   

Nếu tìm đọc bài giảng của các giáo phụ, chúng ta sẽ khám phá ra ở đó những điểm chung rất giống nhau về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”. Cuộc đối thoại này thường được nhìn như là một kiểu mẫu cho lời cầu nguyện hoàn hảo của Kitô hữu, nghĩa là mọi tín hữu nên sở hữu và phỏng theo thái độ của người xưa khi tiến dâng lời nguyện và hy tế lên Thiên Chúa.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS


[1] Xc. Jason Darrell Foster, Sursum Corda: ritual and meaning of the liturgical command in the first five centuries of the Church (England: Durham University, 2013), 99. 102-103.

[2] Xc. Stewart-Sykes, Tertullian, Cyprian and Origin: On the Lord’s Prayer (Crestwood: SVS Press, 2004), 70-71.

[3] Ibid., 11.

[4] Ibid., 79.

[5] Xc. H. Kelly, The Devil at Baptism: Ritual, Theology, and Drama (Ithaca: Cornell University Press, 1985), 10.

[6] Xc. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 397.

[7] Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development, trans. Francis A. Brunner (NY: Benzinger Brothers, 1949), 110.