Những bài viết và bài giảng của thánh Augustinô (354-430) có ngày tháng ra đời là khoảng thế kỷ IV- V, chúng có ảnh hưởng đến và hình thành nên tư tưởng của Kitô giáo Tây phương. Trong những bài giảng lễ Phục sinh, ngài thường giải thích về phụng vụ thánh cho các tân tòng.
Theo thánh Augustinô, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” như một mệnh lệnh thúc đẩy Kitô hữu chuẩn bị thiêng liêng và lòng trí mình để bước vào cử hành Hy tế Thánh Thể. Đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là một lời hiệu triệu các tín hữu phải suy gẫm về bản chất của cuộc đối thoại này. Muốn thiết định lòng trí nơi “những gì là ở trên cao”, vị giám mục của chúng ta xin cộng đoàn: [i] Hãy trừ khử nơi chính mình bất cứ một cảm giác bất nhất nào; [ii] Các tín hữu phải ở đó mà chúc tụng Chúa trót cả tấm lòng và họ không thể tán dương Chúa cách chân thành khi lòng trí bị phân rẽ; [iii] Đừng nghe những lời “Hãy nâng tâm hồn lên” với đôi tai điếc lác, nhưng hãy nâng tâm hồn lên mà tiến thẳng vào thiên đàng, học yêu mến Chúa thật tình, học để khinh khi thế gian, học để tình nguyện hiến dâng hy lễ ca ngợi lên Chúa, bằng không sẽ bị hư thối nơi trần gian.[1]
Bàn về cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, thánh giám mục của Hippo nói:
Anh chị em hãy lưu ý những nghi lễ thánh tiếp theo sau như thế nào bằng những phần thích hợp với chúng. Điều đầu tiên sau lời nguyện là anh chị em được nghe mời gọi hãy nâng tâm hồn mình lên cao. Đây là sự thích đáng nhất đối với các chi thể của Chúa Kitô. Nếu anh chị em trở thành chi thể của Chúa Kitô thì đầu của anh chị em ở đâu? Vì các chi thể phải có đầu, nếu như đầu không đảm nhận vai trò dẫn dắt, thì các chi thể sẽ không thể đi theo. Đầu (Thủ Lãnh) của anh chị em tự đi đến đâu? Những lời anh chị em đọc trong kinh Tin kính các thánh tông đồ là gì? “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng.” Như vậy, Đầu của chúng ta đang ở trên trời. Do đó, với những lời “Hãy nâng tâm hồn lên”, anh chị em sẽ đáp lại “Chúng con đang hướng về Chúa”. Anh chị em đừng vội vàng nhìn nhận nguyên nhân của điều này là do sức lực riêng, do công phúc riêng hay do nỗ lực riêng của anh chị em, nhưng chỉ nhờ bởi ơn sủng Chúa mà anh chị em mới có thể nâng tâm hồn mình lên được. Giám mục đang dâng hy tế, ngay lập tức sau khi dân chúng đáp “Chúng con đang hướng về Chúa”, ngài đọc thêm những lời này “Hãy cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Nói cách khác, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa toàn năng vì sự kiện tâm hồn ta được nâng lên với Ngài, vì nếu như Ngài không ban ơn trợ giúp thì tâm hồn ta vẫn còn bị trói buộc vào trần thế. Đó là lý do tại sao anh chị em bày tỏ sự tán đồng của mình bằng việc đáp “Thật là đúng đắn và đáng ngợi khen” khi dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa, Đấng đã khiến cho hành vi này trở thành khả thể nơi ta, tức là làm cho tâm hồn ta được vươn lên tới Đầu, tới Thủ Lãnh của ta. Thiên Chúa đã muốn rằng chính ta phải trở nên hy tế dâng kính Ngài, như được bày tỏ trong những lời đôi khi được sử dụng “Ta là hy tế của Thiên Chúa” – ta là của lễ được tiến dâng.[2]
Joseph Jungmann cũng chỉ ra rằng thánh Augustinô coi cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” như sự diễn tả bổn phận và đời sống của người Kitô hữu:
Thỉnh thoảng, thánh Augustinô đã lợi dụng dịp này dịp khác để nói về “Hãy nâng tâm hồn lên”. Đối với thánh nhân, những lời ấy là cách biểu lộ thái độ của người Kitô hữu, gần y hệt như lời khuyên của thánh Phaolô đối với những ai đã trỗi dậy cùng với Đức Kitô: hãy hướng lòng về những gì thuộc thượng giới. Đầu (Thủ Lãnh) của ta ở trên trời, do đó, tâm hồn ta cũng phải ở với Ngài. Chính nhờ ân sủng Chúa mà tâm hồn chúng ta ở với Ngài và sự ý thức một cách vui sướng về điều này, như được diễn tả trong lời đáp chung của các tín hữu “Chúng con đang hướng về Chúa”, một cách cơ bản, theo thánh Augustinô, là yếu tố thúc bách linh mục tiếp tục bằng câu “Hạy tạ ơn Chúa”. Dĩ nhiên, lòng trí của ta không thể luôn luôn nghĩ tưởng về Chúa, nhưng chắc chắn và nên như thế – như một nhà chú giải khác mong mỏi – it là luôn luôn nghĩ tưởng về Chúa vào giờ phút cao cả này.[3]
Nhìn trong ánh sáng đó, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” trở thành như một cách thức biểu lộ ra bên ngoài sự hợp nhất vô hình của Thân Mình Chúa Kitô, tức là Hội Thánh. Thân Mình chân nhận rằng Đầu của Hội Thánh ở trên trời và vì thế tâm hồn của Hội Thánh cũng phải như thế. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho việc tiến dâng Hy tế Thánh Thể. Để hòa nhập vào hy lễ toàn hảo của Chúa Kitô, Hội Thánh phải bày tỏ ý định của mình trong sự hợp nhất với Ngài.
Trong các bức thư 189 đề cập đến “Sursum Corda”, Augustinô viết như sau: Đối với những của cải thế gian, nếu anh chị em không sở hữu chúng, cứ hãy để chúng trên trái đất chứ đừng tìm kiếm bằng cách làm điều xấu; và nếu anh chị em sở hữu chúng, hãy để chúng được cất giữ trên trời bằng những việc lành. Tinh thần Kitô giáo thì chẳng nên phấn khởi vì có thêm nhiều, cũng không hề sửng sốt bởi mất mát kho báu thuộc thế gian này. Chúng ta hãy suy nghĩ thấu đáo hơn về những gì Chúa nói: “Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng người cũng ở đó”. Chắc chắn, khi nghe lời khích lệ hãy nâng tâm hồn lên, bổn phận của chúng ta là phải thành thật đưa ra lời đáp mà anh chị em biết rằng chúng ta đã quen thuộc rồi.[4] Thánh Augustinô quan tâm đặc biệt đến phần đối đáp “Hãy nâng tâm hồn lên” và ngài thường xuyên trích dẫn chúng nhằm thúc bách các tín hữu nâng tâm hồn lên với Chúa, Đấng đang ngự trên trời, “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21). Thánh nhân nhấn mạnh đến việc nâng tâm hồn lên là thái độ của người được phục sinh, họ hướng lên và chỉ tìm kiếm những thực tại trên trời – nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa – vì quê hương của họ ở nơi thiên quốc (x. Mt 6,21; Cl 3,1-3; Pl 3,20).[5]
Thánh Augustinô đã sử dụng cuộc đối thoại “Sursum Corda” như một minh họa bài giảng cho nhiều chủ đề khác nhau. Ngài đã muốn thông qua những lời ấy dạy cho các Kitô hữu rằng họ có một gia sản trên trời và họ nên biết rằng điều này không được khiến chúng ta nâng tâm trí của mình lên trong kiêu hãnh, nhưng là để “nâng tâm hồn lên với Chúa” (Sermo 25).
Thánh Augustinô cũng sử dụng cuộc đối thoại “Sursum Corda” để thảo luận về ơn bình an của chúng ta trong Chúa Kitô. Bình an là gì? Hãy lắng nghe vị tông đồ đang nói về Chúa Kitô: “Ngài chính là sự bình an của chúng ta.” Vì thế, bình an là Chúa Kitô. “Chúa Kitô bị đóng đinh và mai táng, nhưng Ngài đã từ cõi chết mà sống lại, rồi lên trời ngự bên Chúa Cha.” Làm cách nào để tôi đi theo bình an đây? Hãy nâng tâm hồn lên. Mỗi ngày anh chị em nghe thấy bình an một cách ngắn ngủi khi được cho biết là hãy nâng tâm hồn lên. Hãy suy nghĩ về sự bình an sâu sắc hơn và anh chị em sẽ ở đó, đang theo đó. Cuối cùng, Augustinô sử dụng “sursum corda” để nói về việc trục xuất những suy nghĩ trần gian và nâng tâm hồn lên thiên quốc là nơi Chúa đang ngự trị (Sermo 227; Xc. Sermo 261, 263).
Phần đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” như lời chào chúc, lời khích lệ và lời đề nghị của vị chủ tế với cộng đoàn phụng tự nhằm nối kết và biểu lộ sự duy nhất của cộng đoàn, nói cách khác, là sự hợp nhất giữa chủ tế và cộng đoàn, trong lời tạ ơn long trọng dâng lên Thiên Chúa với tất cả tâm hồn hướng lên cao.[6]
Tóm lại, với cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, thánh Augustinô khẳng định: [i] Vị chủ tế (giám mục hay linh mục) có chức năng trung gian trong Thánh lễ, ngài đại diện cho dân chúng chứ không phải là người cầu nguyện đơn độc, vì vậy cần có sự tán đồng của dân chúng; [ii] Khi tham dụ phụng vụ thánh, thật thích hợp khi ta nâng tâm hồn của mình lên Chúa. Nếu như những người mới được tái sinh duy trì tâm trí mình trên thiên quốc thì họ mới có thể thấy vượt xa hơn những yếu tố trần thế nơi phép Thánh Thể. Nơi bánh và rượu đang ở trước mặt họ nhưng họ sẽ hiểu rằng đây chính là Mình và Máu thực sự của Chúa Kitô. Cảm nhận được thực tại Thánh Thể chỉ xảy ra khi rút lòng trí chúng ta ra khỏi thế gian và hướng trực tiếp đến tặng phẩm thần linh bởi trời đang ở trước cộng đoàn quy tụ; [iii] Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh, Ngài đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, cho nên các tân tòng [và tất cả chúng ta hôm nay] cũng cần định vị tâm hồn mình ở cùng nơi ấy khi nghe mệnh lệnh “Hãy nâng tâm hồn lên” xét vì mọi tín hữu đều được hợp nhất trong sự chết và phục sinh của Ngài. Những lời kêu gọi của linh mục “Hãy nâng tâm hồn lên” diễn tả thái độ phải có của người Kitô hữu: Đầu là Chúa Kitô ở trên trời thì lòng của Kitô hữu cũng phải ở đó; [iv] Nâng tâm hồn chúng ta lên được là do ân huệ Chúa ban theo sự tuyển chọn, tiền định và hiện thực hóa nhờ bí tích Thánh tẩy đã lãnh nhận; [v] Đang khi nâng tâm hồn lên tới Chúa thì đồng thời lòng trí cũng cần phải biết hạ mình xuống; [vi] Việc nâng tâm hồn lên Chúa tương đương với việc tín hữu hiến dâng chính mình cho Chúa làm hy lễ.[7]
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
[1] Xc. Jason Darrell Foster, Sursum Corda: ritual and meaning of the liturgical command in the first five centuries of the Church (England: Durham University, 2013), 199-200.
[2] Philip T. Weller, Seleted Easter Sermons of Saint Augustine (St. Louis, MO: B. Herder Book Co., 1959), 110-111.
[3] Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development, trans. Francis A. Brunner (NY: Benzinger Brothers, 1949), 110.
[4] Xc. Jason Darrell Foster, Sursum Corda: ritual and meaning of the liturgical command in the first five centuries of the Church, chú thích 186, trang 56.
[5] Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001),120-121; Xc. Adoft Adam, Eucharistic Celebration: the Source and Summit of Faith, trans. Robert C. Schultz (Collegeville, Minnesota: A Pueblo Book / The Liturgical Press,1994),72; Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites (Chambray: C.L.D, 2001), 138.
[6] Barry Ryan, “Eucharistic Prayers” trong The New Dictionary of Sacramental Worship, ed. Peter E . Fink, SJ (Collegeville, Minnesota: A. Michael Glazier Book/ The Liturgical Press, 1990), 451-459.
[7] Xc. Jason Darrell Foster, Sursum Corda: ritual and meaning of the liturgical command in the first five centuries of the Church, 197-198. 202.