“HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN” TRONG KINH THÁNH & PHỤNG TỰ DO THÁI

Tập quán đối thoại/ đối đáp trước Kinh nguyện Thánh Thể nằm trong phần kinh Tiền tụng có thể bắt nguồn từ phụng tự Do Thái. Câu đầu và câu cuối của cuộc đối thoại giữa chủ tế và cộng đoàn là những công thức quen thuộc được thường xuyên dùng trong phụng vụ hội đường. Những câu đối thoại này đã có từ rất lâu đời. Riêng cụm từ “Hãy nâng tâm hồn lên” thôi, các học giả phụng vụ đều công nhận có sự nối kết rõ rệt giữa chúng với những lời cầu nguyện tại bàn ăn của Do Thái. Joseph Jungmann tin rằng cuộc đối thoại trước Kinh nguyện Thánh Thể phát xuất từ cưộc đối đáp trước kinh berakak của Do Thái.[1] Học giả này cũng xác định rằng lần thứ III của cuộc đối thoại, tức câu “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta” (Gratias aganus) và lời đáp lại câu này: “Thật là chính đáng” (Dignum et iustum est) cũng nằm trong nghi thức cầu nguyện của Do Thái và trong văn hóa cổ xưa hơn nữa của họ:

“Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta” đã được biết đến như một lời dẫn nhập vào kinh nguyện cảm tạ trong nghi thức cầu nguyện của người Do Thái. Tương tự như vậy, lời đáp lại câu mời gọi này “Thật là chính đáng” cũng thuộc về kinh nguyện cảm tạ. Trong văn hóa cổ xưa, những lời tung hô thuộc loại này đóng một vai trò quan yếu. Chúng được xem như là những lời thích hợp mang tính pháp lý khi cộng đồng dân chúng thừa nhận một quyết định, một cuộc bầu cử hệ trọng hay việc đảm trách một chức vụ.[2]

Câu “Hãy tạ ơn Chúa” và có lẽ cả câu “Thật là chính đáng” đều có nguồn gốc cổ thời nhất. Cả hai có chức năng phụng vụ tương tự như câu “Hãy nâng tâm hồn lên” hiện nay: đó là dẫn nhập vào những lời kinh quan trọng, là một lời tung hô cảm tạ, và là phương thế nhờ đó các tín hữu đang quy tụ tuyên xưng rằng họ tham gia và ủng hộ các hành động phụng vụ của cộng đồng phụng tự.

Học giả Anh giáo là Dom Gregory Dix cũng xác nhận mối liên kết giữa câu “Hãy tạ ơn Chúa” (Gratias aganus) và câu đáp “Thật là chính đáng” (Dignum et iustum est) có nguồn gốc từ Do Thái. Ông nói:

Rõ ràng, chúng bắt nguồn từ lời mời của vị chủ sự trước khi đọc kinh “berakak” sau bữa ăn tối và “sự tán đồng” của những người tham dự với ông. Hình thức của Nghi thức Rôma ‘…hướng về Chúa là Thiên Chúa chúng ta’ vốn đã được quy định trong số những người Do Thái khi có sự hiện diện của một trăm người. Nguyên chỉ đoạn văn và lời đáp còn giữ lại ở thời điểm này cũng đủ để đồng nhất Kinh nguyện Thánh Thể Kitô giáo với berakah của Do Thái.[3] 

Thật hấp dẫn khi Dix lưu ý chúng ta nhìn xem sự nối kết giữa hai câu tung hô của linh mục vốn thuộc về cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nghi thức Rôma tiếp nhận hình thức mà được cho là nên được sử dụng khi có một trăm người hiện diện. Vì trường hợp này không phải luôn luôn xảy đến, cho nên chúng ta chỉ có thể coi như là một sự chỉ định hay trình bày của thần học, nghĩa là toàn bộ Nhiệm Thể diện diện trong mọi cử hành phụng vụ thánh.

Sự nối kết giữa những lời nguyện tại bàn ăn Do Thái và cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” hoàn toàn có thể tìm thấy trong phụng vụ Kitô giáo thời sơ khai. Thậm chí, cho dẫu không có bằng chứng nào để chứng minh đi nữa, nhưng chúng ta cũng thật dễ dàng để tin vào sự nối kết này. Thật vậy, các Kitô hữu thuộc thế hệ đầu tiên chẳng bao giờ dám coi mình tách biệt và không có mối dây liên hệ trực tiếp nào với cộng đồng Do Thái. Bởi đó, khám phá ra sự nối kết giữa hai thực tại chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Thật đáng lưu ý và đầy ý nghĩa vì cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có nguồn gốc xa xưa đến như thế và kết quả là, chúng nên được dành cho sự quan tâm và trân trọng một cách đặc biệt hơn.

Cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” đực coi là một hình thức mở rộng các câu: [i] “Chúng ta hãy hát mừng Chúa” trong bài ca của Môsê (Xh 15, 1-18); [ii] “Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng CHÚA đi nào” trong Thánh vịnh chúc tụng (Hallel – Tv 150); [iii] “Nào ca ngợi Chúa đi, hỡi tất cả tôi trung của Chúa” trong sách Khải huyền (Kh 19).[4]

Trong phụng vụ ngày nay, chúng ta cần đến cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” vì theo Kinh Thánh, lời cầu nguyện của chúng ta trở nên như hương trầm bay lên trước nhan Chúa. Dân Chúa ngày xưa và các tín hữu ngày nay vẫn từng cầu xin: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều.” (Tv 141, 2). Như chúng ta biết từ bản văn Xuất hành, Chúa truyền cho Môsê rằng: “Ngươi sẽ làm một bàn thờ để đốt hương… Ngươi sẽ đặt hương án đó trước bức trướng che Hòm Bia Chứng Ước, trước nắp xá tội nằm ở trên Chứng Ước là nơi Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Trên đó, Aharon sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc Aharon thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan ĐỨC CHÚA qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30, 1-8). Bây giờ trên thiên đàng, Hội Thánh trên trời đứng “trước ngai Thiên Chúa, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh” (Kh 5, 8; 8, 3).

 “Hãy nâng tâm hồn lên” có lẽ được trích dẫn từ lời của ngôn sứ Giêrêmia trong sách Ai Ca: “Hãy giơ tay và hướng lòng lên Đức Chúa, là Đấng ngự trên trời” (Ac 3, 41). Thật vậy, bất cứ khi nào dâng lời cầu nguyện, tay và lòng trí của dân Chúa trong Cựu Ước đều nâng lên với Chúa trên núi Zion (Tv 25,1; 86,4; 118,19-20; 122,1-2; 123,1-2; 132,7; 134,2; 138,2; 143,8). Hội thánh giờ đây nâng “trái tim, đôi tay và tiếng nói của mình” lên ngai vinh hiển trên trời (Kh 4-5). Vì vậy, căn tính của chúng ta thuộc về thiên quốc. Chúng ta đã được trỗi dậy cùng với Chúa Kitô và cùng ngự trị với Ngài trên cõi trời (Ep 2, 6); “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời” có nghĩa là quyền công dân của chúng ta thuộc về trời cao” (Pl 3,20), và chúng ta được mời gọi sống thế này: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Căn tính tính đó xuất hiện trong khi chúng ta thờ phượng, khi chúng ta “chẳng tới một quả núi sờ thấy được” (Núi Sinai), nhưng “tới núi Xion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben”(Hr 12,18; 22-23).

“Hãy nâng tâm hồn lên, đừng giơ cao điện thoại lên” (ý của ĐGH Phanxicô)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS


[1] Dom Gregory Dix, D.D., The Shape of the Liturgy (NY: The Seabury Press, 1982), 126.

[2] Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development, trans. Francis A. Brunner (NY: Benzinger Brothers, 1949), 111.

[3] Dix, The Shape of the Liturgy, 127.

[4] Xc. Jerome Gassner, The Canon of the Mass: Its History, Theology and Art (London: B. Herder Book, 1949), 105.