“HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN” THỜI KỲ CAROLINGIEN & PHONG TRÀO PHỤNG VỤ

Thời kỳ Carolingien (800-1000)

Thời Carolingien kéo dài từ thế kỷ thứ VIII-IX và thuộc về thời kỳ đầu tiên trong 3 thời kỳ của phong trào phục hưng Trung cổ vốn lấy nguồn cảm hứng từ Kitô giáo của thế kỷ IV trong đế chế Rôma. Thời Carolingien có những phát triển rực rỡ từ văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, luật pháp cho đến cả phụng vụ và nghiên cứu Thánh Kinh. Riêng về cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, chúng ta không phát hiện bất cứ lời giải thích hay chú giải nào về ý nghĩa của phần này ngoài việc xác định rõ cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” thuộc về phần đầu của kinh Tiền tụng cũng chính là những lời khai mở để bước vào Kinh nguyện Tạ ơn.

Khi việc tổ chức cử hành phụng vụ thánh trên đà tăng tiến, những lời nguyện thuộc phần tiến lễ cũng như chuẩn bị lễ phẩm được thực hiện trong Lễ quy và chúng ngày càng đạt tầm mức quan trọng. Tuy nhiên, theo Jungmann, sự phân chia Kinh nguyện Thánh Thể thành lời Tiền tụng (praefatio) và Lễ quy (Canon) đã không được biết đến trong phụng vụ Rôma trước thời kỳ Carolingien bởi vì không chỉ Lễ quy quy chiếu đến toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể mà có lẽ cả kinh Tiền tụng cũng quy chiếu đến toàn bộ Kinh nguyện này luôn. Bằng chứng được tìm thấy trong sách Sacramentarium Gregorianum khi thuật ngữ “kinh Tiền tụng” (praefatio) áp dụng cho cả phần Hanc igitur (Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con…) lẫn phần các phúc lành đi trước Vinh tụng ca cuối cùng.[1] Điều này có nghĩa là không dễ dàng gì để có thể phân biệt ranh giới rạch ròi giữa lúc kết thúc phần tiến lễ với lúc khởi đầu Lễ quy. Jungmann lập luận như sau: mặc dầu quá ít dấu chứng cho thấy sự tách biệt giữa phần tiến lễ và Lễ quy, nhưng các tín hữu vẫn biết rằng cuộc đối thoại dẫn nhập đánh dấu thời điểm Lễ quy sắp bắt đầu:

Cuộc đối thoại dẫn vào kinh nguyện tạ ơn ngày nay đan kết quá khít khao với nghi thức trước đó đến độ không có một dấu chứng nào tách chúng ra. Sau phần chuẩn bị lễ vật trong thinh lặng, vị tư tế khởi sự bằng việc nói lớn tiếng: đến muôn thưở muôn đời bắt đầu, đây là những lời kết thúc kinh thầm nguyện (secreta) và do đó nằm trong phần tiến lễ. [2] Thế là câu “Chúa ở cùng anh chị em” (Dominus vobiscum) được cất lên hoàn toàn không như một sự khởi đầu, mà chỉ ra như một sự kế tục thôi. Trường hợp này đã xảy ra trong thế kỷ thứ VIII rồi. Tuy nhiên, vào lúc đó, vẫn tồn tại sự hiểu biết với ý thức rằng khởi đầu thực sự [của kinh nguyện tạ ơn] là khi bắt đầu câu “Chúa ở cùng anh chị em”.[3] 

Câu hỏi được đặt ra là liệu các tín hữu vào thời kỳ đó có cùng một ý thức như thế khi cử hành phụng vụ thánh không? Kể từ thời gian đó, trong nghi lễ Rôma, thật ra không có sự phát triển hay thay đổi nào đáng kể cả về ngôn từ lẫn thực hành liên quan đến cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” (Sursum corda) cho đến khi tầm quan trọng của cuộc đối thoại này được khám phá trong Phong trào Phụng vụ hồi thế kỷ XX.

Phong trào Phụng vụ (thế kỷ XX)

Những người khởi xướng Phong trào Phụng vụ muốn xoáy sâu vào việc canh tân phụng vụ thánh bằng cách xem xét lại chính các bản văn phụng vụ. Họ tin rằng nếu như thẩm tra lại những bẳn văn này, mỗi tín hữu sẽ có thể hiểu biết một cách sâu xa hơn không những mục tiêu của phụng vụ mà còn cả các phương thế để đạt đến mục tiêu ấy một cách hiệu quả nhất bao nhiêu có thể.

Sử dụng chính những lời trong cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, Hellriegel đã nỗ lực mô tả chức năng và mục đích của cuộc đối thoại này tại Tuần Phụng vụ Quốc gia được tổ chức vào năm 1951 ở Dubuquem, bang Iowa  (Hoa Kỳ). Theo đó, Hellriegel chỉ ra rằng trong cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, vị tư tế và các tín hữu tham dự Thánh lễ hợp nhất với nhau đi đến Hy tế Thánh Thể sắp diễn ra:

Vị chủ tế khởi sự kinh Tiền tụng lớn, đây là “Kinh nguyện Thánh Thể” cổ xưa mà chính thức khai mở Lễ quy của Thánh lễ. Trong một cách thức rất thực, nó hợp nhất chúng ta, dưới sự chủ tọa của linh mục, cùng với các thiên thần và các thánh trên trời, chung tiếng hát lên bài ca chúc tụng không cùng: “Thật là chính đáng” khi chúng ta hành động như thế, bấy giờ thì “nâng cả tâm hồn lên” nữa và đôi tay với hiến lễ thánh còn tâm trí luôn hướng về gia sản vinh quang của chúng ta nhờ Chúa Kitô, hướng về vương quốc của Ngài.[4] 

Mặc dầu nói đến toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể, thế nhưng Hellriegel muốn diễn tả rằng những lời của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” trình bày một cái nhìn duy nhất về những gì sẽ diễn ra trong chính Lễ quy. Ba lần xướng đáp miêu tả sự việc chẳng bao lâu nữa sẽ diễn ra trong và qua bí tích Thánh Thể: Khi tiến dâng chính mình lên Chúa Cha trên trời, các tín hữu hợp nhất trong và qua Hy tế Thánh Thể mà trở nên một phần của hành động tiến dâng đó vốn dĩ tôn vinh Thiên Chúa cách trọn vẹn và đem đến hiệu quả là thánh hóa nhân loại. 

Một diễn giải khác về cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” đến từ Joseph Kreuer, OSB. Vị đan sĩ này sử dụng vừa các công trình của phụng vụ thánh lẫn các tác phẩm của giáo phụ để giải thích phần đặc biệt này của Thánh lễ: 

“Hãy nâng tâm hồn lên” của Thánh lễ nhắc nhớ chúng ta những lời trong bài Thánh Thư của thứ Bảy Tuần Thánh: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Thánh Augustinô viết: “Chúng ta được mời gọi để nâng tâm hồn lên. Đây không phải là bổn phận của các chi thể của Chúa Kitô sao? Anh chị em đã trở thành chi thể của Chúa Kitô, vậy thì đầu của anh chị em ở đâu? Anh chị em nhắc lại những gì trong kinh Tin kính? “Và ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, Ngài lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng.” Đây là lý do tại sao Hội Thánh mời gọi anh chị em nâng tâm hồn lên với Chúa; và lời đáp của anh chị em là “Chúng con đang hướng tâm hồn mình lên Chúa.[5]

Joseph Kreuer nối kết cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” với mục tiêu thứ hai của phụng vụ, tức là thánh hóa nhân loại. Ngài tin rằng những lời trong cuộc đối thoại này tượng trưng cho hành động sắp diễn ra trong linh hồn và lòng tâm trí của các tín hữu đang hiện diện. Vì thế, ngài tiếp tục phát biểu:

Theo những lời của phụng vụ, chúng ta phải được “đổi mới vả thân xác lẫn linh hồn” (Tổng nguyện thứ Bảy Tuần Thánh) và được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ con người cũ và biến đổi chúng con thành thọ tạo mới (Lời nguyện [sau] Hiệp lễ thứ Tư trong tuần Phục sinh). Để sản sinh những hoa trái này, chúng ta phải đem ra thực hành những điều Hội Thánh dạy ta trong bài thánh thư đọc hôm thứ Bảy Tuần Thánh: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới” (Col 3, 1-2).[6]

Joseph Kreuer giải thích rằng cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là sự diễn tả ra bên ngoài một cách trọn vẹn thái độ cầu nguyện nội tâm mà tất cả các tín hữu được mời gọi đi tới. Vì tín hữu là chi thể của Thân mình Chúa Kitô, cho nên phải nhận là bắt trước gương mẫu của Ngài – không thể theo Ngài vào thiên đàng với thân xác, nhưng các tín hữu phải nỗ lực để đi theo Ngài với cả lòng trí của mình nữa. Điều chúng ta có thể học được từ ví dụ này là cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” không chỉ được diễn dịch như một phần lõi của chính Kinh nguyện Thánh Thể, như đã thấy ở trên, mà còn diễn tả thái độ cần thiết cho toàn bộ đời sống của người Kitô hữu nữa.   

Joseph Kreuer tiếp tục thắt nối cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” với không chỉ đời sống của Kitô hữu trên trần gian, mà còn chứng tỏ cuộc đối thoại này tượng trưng cho sự toàn vẹn của đời sống Kitô hữu, cùng với các thiên thần và các thánh. Thái độ này trong kinh nguyện của người Kitô hữu là cần thiết để tôn vinh Thiên Chúa.

“Hãy nâng tâm hồn lên” là sự kết hợp của Hội Thánh trên trời với Hội Thánh dưới trần; “Hãy nâng tâm hồn lên” ghi dấu chiến thắng trên sự chết , trên sự chia rẽ. Cùng với tất cả các thiên thần, chúng ta công bố lòng thương xót và sự vĩ đại của Thiên Chúa. Do vậy, thực thi hoạt động của chúng ta như những công dân nước trời, chúng ta hòa nhập tiếng nói của mình với tiếng nói của ca đoàn thiên thần mà reo lên : Thánh, Thánh, Thánh, trời đất đầy vinh quang Chúa.[7]

Xem xét những gì các giáo phụ đã nói, chúng ta nhận ra rằng một số các vị khởi xướng Phong trào Phụng vụ có lẽ chỉ là lặp lại ý tưởng của giáo phụ thôi: cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là sự tán đồng của các tín hữu đang quy tụ đối với những gì sắp xảy ra (về Hy tế của Chúa Kitô).

Do đó, đúng như vậy, từ những ngày xa xưa nhất, vị chủ tế đã luôn luôn mời gọi cộng đoàn: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”: chúng ta hãy cùng nhau tiến dâng nghi thức tạ ơn này, Hy lễ Tạ ơn này. Và khi kinh nguyện vĩ đại – hành vi tạ ơn này hoàn tất, tất cả dân chúng phải làm chứng cho sự tham gia của mình bằng việc thưa “Amen” – điều này hẳn muốn diễn tả rằng: “Ngài đã nói và hành động thay cho chúng tôi.[8]

Chúng ta có thể nhận ra trong các nguồn tài liệu của Phong trào Phụng vụ cũng chứa đựng những chủ đề tương tự như các giáo phụ thời xưa. Theo đó, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là một sự biểu hiện của Nhiệm Thể Chúa Kitô; nhờ được lôi kéo vào trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, các tín hữu được tháp nhập vào trong Hy tế Thánh Thể của Ngài. Hơn nữa, đó cũng là phương thế mà các tín hữu, vừa một cách cộng thể vừa một cách đơn độc, tiến dâng hy lễ của họ lên Cha trên trời. Hậu nhiên, cuộc đối thoại này là một sự thể hiện lý tưởng của thái độ mà mọi Ki tô hữu phải có khi cầu nguyện.    

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS


[1] Xc. Enrico Mazza, The Eucharist Prayers of the Roman Rite, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville, MN: Liturgical Press / A Pueblo Book, 2004), 36

[2] Tức là Lời nguyện trên những gì đã được lựa ra (oratio super secreta), hay là Lời nguyện trên lễ vật (oratio super oblata). Từ secreta về sau bị hiểu sai là kín đáo, bí mật, và vì thế lệnh đã được ban ra là tư tế phải đọc thầm lời nguyện này. Kinh thầm nguyện (secreta) ngày xưa nay được gọi là kinh tiến lễ (offetorium).

[3] Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development, 114-115.

[4] Martin B. Hellrigel, “A Demonstration of Low Mass”, National Liturgical Week held at Loras College, Duquque, Iowa, August 20-23, 1951 (Conception, MO: The Liturgical Conference, 1951), 10.

[5] Joseph Kreuer, OSB, “Resurrection”, Orate Fratres 5 (April 1931): 252.

[6] Joseph Kreuer, OSB, “Resurrection”, 251.

[7] Joseph Kreuer, OSB, “Resurrection”, 252.

[8] Godfrey Diekmann, OSB, “With Christ in the Mass”, National Liturgical held in Porland, Oregon, August 18-21, 1947 (Boston, MA: The Liturgical Conference, 1948), 46.