Hippôlytô là một trong số các nhà thần học hàng đầu hồi thế kỷ III và là giáo sĩ thuộc Hội Thánh Rôma có lẽ vì đó là nơi ngài được sinh ra và lớn lên. Hippôlytô đã viết nhiều tác phẩm trong đó phải kể đến cuốn Truyền thống Tông đồ (Traditio apostolica) được trước tác năm 215. Cuốn này chứa đựng những nghi lễ phụng vụ phong chức sớm sủa nhất của Kitô giáo.[i]
Đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có sức mê hoặc đặc biệt bởi vì nó là một trong những yếu tố cổ xưa nhất của phụng vụ thánh. Chúng ta gặp thấy những lời tương tự như cuộc đối thoại này [lần đầu tiên được sử dụng trong phụng vụ tại Rôma] trong Kinh Tạ Ơn/ Lễ quy được gán cho Hippôlytô hồi đầu thế kỷ III (Truyền thống Tông đồ),[ii] diễn ra sau nghi thức tấn phong giám mục và trước kinh tiền tụng, dĩ nhiên là trước cả Kinh nguyện Thánh Thể vốn được đọc lên bởi vị chủ tế. Sau khi đã trở thành Giám mục, mọi người dâng cho ngài cái hôn bình an, chào ngài vì đã trở nên cao trọng. Các phó tế đưa lên cho ngài lễ vật, ngài đặt tay trên chúng cùng với linh mục đoàn và tạ ơn như sau:[iii]
GM: Chúa ở cùng anh chị em!
- CĐ: Và ở cùng thần trí cha.
GM: Hãy nâng tâm hồn lên!
- CĐ: Chúng con đang hướng lên Chúa.
GM: Hãy tạ ơn Chúa!
- CĐ: Thật là chính đáng.
Tuy nhiên, Hippôlytô đã lưu ý rằng vị tân Giám mục không bị ràng buộc phải sử dụng Kinh nguyện này, nhưng có thể tự do cầu nguyện bằng ngôn từ của riêng mình và theo khả năng của mình.[iv]
Phiên bản Hy Lạp nguyên thủy của Hippôlytô đã bị thất lạc, chúng ta chỉ biết đến phiên bản La tinh được viết lại với nội dung được coi là thấm đẫm thần học của Irênê và với cấu trúc của Kinh nguyện này tương tự như hình thức của bản văn Antiokia sau này.[v] Theo đó, Hippôlytô chia Kinh tiến dâng thành 6 phần mà “Hãy nâng tâm hồn lên” là phần thứ I (II- Kinh tiền tụng: Chúc tụng Chúa Cha vì Công trình của Chúa Con; III- Tường thuật thiết lập Thánh Thể; IV- Kinh tưởng niệm (anamnesis); V- Kinh khấn xin Chúa Thánh Thần (epiclesis); VI- Vinh tụng ca).[vi] Như vậy, Kinh tiến dâng của Hippôlytô không có kinh Sanctus (vì kinh “Thánh Thánh Thánh” chỉ thấy nơi các Kinh nguyện Thánh Thể từ thế kỷ IV) cho nên Kinh tạ ơn được đọc từ trên xuống dưới, từ các lời đối thoại đi thẳng xuống vinh tụng ca luôn.[vii]
Cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” không bao giờ xuất hiện trong bất kỳ buổi quy tụ nào mà không phải là cử hành Thánh Thể (Truyền thống Tông đồ, số 25) cũng như khi đọc “Hãy nâng tâm hồn lên” thì linh mục nhấc cả tay và hướng cả mắt mình lên cao.[viii] Đây là khoản khắc phụng thờ mà cộng đoàn cảm nghiệm rằng họ như được tác động một cách mãnh liệt nhất.[ix]
Thật ra, Hippolyto đã không cung cấp bất kỳ một chú giải nào về cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”. Tuy nhiên, lời đáp của dân chúng theo sau đơn giản khẳng định rằng tâm hồn các tín hữu phải quy hướng về Chúa. Do vậy, Hippôlytô có thể đã hiểu “Hãy nâng tâm hồn lên” được nối kết theo chủ đề với bí tích Thánh tẩy.[x]
Đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” không chỉ giới hạn trong phụng vụ của nghi lễ La Tinh mà còn được tìm thấy nơi hầu hết các truyền thống phụng vụ Kitô giáo khác. Tác giả Robert Cabié ghi nhận rằng, “Trong truyền thống ở khắp nơi, Kinh nguyện Thánh Thể luôn được đi trước bởi cuộc đối thoại giữa vị chủ sự và cộng đoàn vốn được cảm hứng từ thực hành của Do Thái.”[xi]
Lần xướng đáp thứ III (“Hãy tạ ơn Chúa” – “Thật là chính đáng”) thịnh hành trong thời giáo phụ. Theo Robert Cabié, phần này cũng thuộc yếu tố cổ xưa nhất của phụng vụ:
Đây là công thức của Hippôlytô, mặc dầu truyền thống tại Roma sau này đã thêm vào cụm từ “Domino Deo nostro” trong phần xướng của chủ tế [thành ra “Gratias agamus Domino Deo nostro”(Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta). Bên Đông phương vẫn trung thành với phiên bản gốc vốn được chứng thực ở Giêrusalem, Antiokia, Constantinopoli và Alexandria. Lời đáp thì thấy ở khắp nơi.[xii]
Lời đối đáp thứ II (“Hãy nâng tâm hồn lên” – “Chúng con đang hướng về Chúa”) lần đầu tiên được sử dụng có lẽ là khoảng cuối thế kỷ III hay đầu thế kỷ IV khi ngôn ngữ của Hội Thánh chuyển từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh:
Lời đối thoại thứ II (“Hãy nâng tâm hồn lên” – “Chúng con nâng tâm hồn lên tới Chúa”) có nguồn gốc thuần Kitô giáo; lời xướng thuộc về thành ngữ Hy Lạp hơn là La Tinh, trong khi lời đáp lại thuộc về thành ngữ La Tinh hơn là Hy Lạp, điều này có thể là một dấu chỉ cho biết nơi chốn phát xuất ra chúng. Nhưng chúng được tìm thấy trong tất cả phụng vụ Hy Lạp cũng như tất cả phụng vụ La Tinh, và quả thực, chúng được chứng thực bằng tiếng Hy Lạp bởi Hippôlytô. Hoàn toàn chắc chắn rằng chúng thuộc về thành phần cốt lõi đầu tiên của phụng vụ Thánh Thể.[xiii]
Những phần khác của cuộc đối thoại, có thể bắt nguồn từ tiếng Aram hoặc Hipri. Bấy kể toàn bộ cuộc đối thoại này liệu có phải được sử dụng trước tiên bằng tiếng Hy Lạp hay La Tinh hay không, nhưng phải công nhận rằng cho đến nay chúng vẫn là chất liệu phụng vụ cổ xưa nhất mà chúng ta có được.[xiv]
Chính vì cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có những nét đặc biệt nên chúng mới được đem vào phần khai mào của Kinh nguyện Thánh Thể, bất kể Kinh nguyện Thánh Thể thuộc về địa phương hay văn hóa nào cũng như có những khác biệt giữa các Kinh nguyện Thánh Thể với nhau. Chúng ta có thể tìm thấy cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” nằm trong các Kinh tiến dâng (Anaphora) của Đông phương.
Khi nghiên cứu về chủ đề này trong các nghi lễ Đông phương (liên quan đến lời xướng đáp thứ II: “Hãy nâng tâm hồn lên” – “Chúng con đang hướng về Chúa”), Jungmann đã kết luận trong tác phẩm The Mass of the Roman Rite của mình như sau:
Công thức đơn giản này, vốn đã được giữ lại trong phụng vụ La tinh, chắc hẳn là một trong những công thức cổ xưa nhất. Nó được xác thực trong giáo lý khai tâm Giêrusalem và ngày nay đôi khi cũng tìm thấy bên Đông phương. Tất nhiên, nói chung, người ta sử dụng những công thức khác nhau: “Hãy nâng trái tim lên”, “Hãy nâng tinh thần lên”, “Hãy nâng tâm hồn lên”.[xv]
Chúng ta có thể nghiên cứu về lần đối đáp “Hãy nâng tâm hồn lên” từ hai nền phụng vụ cổ thời, đó là phụng vụ mà Hippôlytô đã đề cập ở trên và bài giảng của các giáo phụ về phụng vụ thánh. Các giáo phụ đề cập nhiều đến những phần khác nhau của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên’ trong bài giảng của mình bao gồm thánh Cyprianô (Catharge), thánh Cyrilô (Giêrusalem), thánh Augustinô và thánh Gioan Kim Khẩu.
“Hãy nâng tâm hồn lên, đừng giơ cao điện thoại lên” (ý của ĐGH Phanxicô)
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
[i] Xc. Paolo O. Pirlo, SHMI, “Sts. Pontian & Hippolytus”, My First Book of Saints (Sons of Holy Mary Immaculate – Quality Catholic Publications, 1997), 179–180
[ii] Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development, 113; E. Lash, ‘Sursum corda – The Meaning of a Dialogue’, Sobornost, Volume 18, Issue 1: 1996, 19.
[iii] Xc. J. Gélineau, Họp nhau Cử hành Phụng vụ, Tập II (Nxb Đồng Nai, 1992), 352.
[iv] Xc. Alan f. Detscher, “The Eucharist Prayers of the Roman Catholic Church” trong New Eucharistic Prayers, ed. Frank C. Senn (Mahwah, NJ: Paulist Press, 1987), 16
[v] Ibid.
[vi] R. C. D. Jasper – G. J. Cuming, Prayers of the Eucharist: Early and Reformed, 3rd edition (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1990 / A Pueblo Book, 1987), 32.
[vii] Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (1999), 398.
[viii] Dölger, Sol Salutis, 301-302 trích lại trong Jason Darrell Foster, Sursum Corda: ritual and meaning of the liturgical command in the first five centuries of the Church (England: Durham University, 2013), 5.
[ix] Xc. C.A. Bouman, ‘Variants in the Introduction to the Eucharistic Prayer’, Vigiliae christianae, 4 (1950), 94-115.
[x] Jason Darrell Foster, Sursum Corda: ritual and meaning of the liturgical command in the first five centuries of the Church, 218.
[xi] Robert Cabié, The Church at Prayer: Volume II, the Eucharist, ed. Aimé Georges Martimort (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1986), 92.
[xii] Robert Cabié, The Church at Prayer: Volume II, the Eucharist, 92.
[xiii] Dix, The Shape of the Liturgy (NY: The Seabury Press, 1982), 126-127.
[xiv] Dix, Jew and Greek. A Study in the Primitive Church (Westminster, Dacre Press, 1953), 105.
[xv] Robert Cabié, The Church at Prayer: Volume II, the Eucharist, 92.