– Giờ Chầu. CN. V Mùa Chay, Năm B – (GIỜ CHẦU TU SĨ)

GIỜ CHẦU CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B

                                                                       Thầy Giuse Nguyễn Minh Vương, SSS

QUY TỤ ĐỂ TÔN THỜ CHÚA:

  • Đặt Mình Thánh Chúa
  • Hát Ngắm Mình Thánh Chúa

Pk1- Ngắm Mình Thánh Chúa trên bàn thờ này, nói gì cho thoả tấm lòng yêu mến. Đây Chúa Thiên cung, xuống nơi gian trần. Hồn con tin mến, lãng quên thời gian.

ĐK: Ôi Giê-su Chúa hiển vinh. Con mong ước sống an bình. Mình Máu Chúa lương thực thần linh. Nuôi hồn con cái tháng năm no lành.

PK2- Ôi tình yêu Chúa vô cùng ngọt ngào, tháng ngày nương náu để gần con yêu. Xin Chúa yêu con xuống trong tâm hồn, và con yêu Chúa đâu mong gì hơn.

 

TÂM TÌNH THỐNG HỐI:

  • Đọc Thánh vịnh sau:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm,

lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,

liêm chính khi xét xử.

Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,

dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

Xin dùng cành hương thảo

rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;

xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin cho con được nghe

tiếng reo mừng hoan hỷ,

để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.

Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi

và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một

tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

 Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;

Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,

ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ,

xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,

cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,

con có thượng tiến lễ toàn thiêu,

Ngài cũng không chấp nhận.

Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on,

thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.

Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền,

lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế.

Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.

 

TÂM TÌNH CHÚC TỤNG

Người dẫn:Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa đã tự hiến mình để cứu độ chúng con.

Cộng đoàn: “Chúc tụng Ngài là Chúa tể càn khôn / đã rộng tình nuôi chúng con từng ngày / Chúc tụng Ngài là Chúa khắp mọi nơi / Chúc tụng Ngài mãi đến muôn muôn đời.”

Người dẫn: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa đã dùng Thánh thể Chúa mà bồi dưỡng cho chúng con được sống vững vàng trong đức tin và đức mến.

 Cộng đoàn: “Chúc tụng Ngài là Chúa tể càn khôn / đã rộng tình nuôi chúng con từng ngày / Chúc tụng Ngài là Chúa khắp mọi nơi / Chúc tụng Ngài mãi đến muôn muôn đời.”

Người dẫn: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa đã làm cho chúng con nên khí cụ loan báo tình thương của Chúa.

Cộng đoàn: “Chúc tụng Ngài là Chúa tể càn khôn / đã rộng tình nuôi chúng con từng ngày / Chúc tụng Ngài là Chúa khắp mọi nơi / Chúc tụng Ngài mãi đến muôn muôn đời.”

 

CÔNG BỐ LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM

  • Lời Chúa Ga 12,20-33

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Suy niệm:

Nhìn vào cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta sẽ bỡ ngỡ  ngạc nhiên, khi thấy nhiều lần trong thời gian hoạt động công khai, Người đã tuyên bố: “Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4; 7,30; 8,20). Ta còn nhớ, trong tiệc cưới Canna, nhà đám hết rượu, Mẹ Maria ngỏ lời, Người cũng trả lời: “Giờ Con chưa đến”(Ga 2,4). Trong tin mừng Gioan, hai mươi sáu lần Đức Giê-su nói đến giờ của Người. Người ta tự hỏi giờ đó là gì ? Khi nào sẽ đến ? Giờ đó liên quan thế nào với đời sống của Đức Giê-su ? Qua cách trình bầy của các Thánh sử, đặc biệt Gioan, chúng ta khám phá ra phần nào bí ẩn giờ của Đức Giê-su. Giờ của Người không phải là những lúc thành công trong bước đường rao giảng tin mừng, không phải hệ tại những phép lạ thực hiện, cũng không phải những lúc dân chúng ngưỡng mộ, định tôn phong làm vua. Tin mừng Gioan đã ghi rõ cho chúng ta biết khung cảnh và khoảng thời gian khi Đức Giê-su công bố giờ của Người đã đến. Đó là vào tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Người, vào dịp lễ Vượt qua năm ba mươi sau khi khải hoàn vào Giêrusalem giữa những tiếng hoan hô kính phục cả đám đông Do-thái, lúc đó có vài lương dân Hylạp muốn gặp Người, Người đã công bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Để quảng diễn, Đức Giê-su dùng một dụ ngôn ngắn gọn quen thuộc ở nơi thôn dã về hạt lúa: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Vâng, cánh đồng lúa xanh mơn mởn mà chúng ta thấy đu đưa trước gió và nhẩy múa dưới ánh nắng vàng là do những hạt lúa đã bị chôn vùi trong lòng đất ẩm ướt giống như trong một ngôi mộ vậy. Thế rồi nó phải chết đi. Nếu không chết đi thì nó sẽ không mang lại sự sống mới nào. Nhưng khi nó thay đổi và chết đi thì từ ngôi mộ của hạt giống cũ, nụ chồi của một cây lúa mới đâm ra một cách lạ lùng. Đó là một nghịch lý rất ngạc nhiên, sự sống xuất phát từ cái chết. Cũng vậy, giống như hạt lúa, Đức Giê-su phải chết đi mới được Phục sinh.

Thập giá và Phục sinh thuộc cùng một mầu nhiệm, cái này không thể xảy ra mà không có cái kia. Điều đó đã được Đức Giê-su loan báo nhiều lần:“Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các thượng tế kỳ mục cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại”(Lc 9,22). Chết đi và sống lại, đó là giờ của Người. Để thực hiện “giờ này”, trước hết Đức Giê-su phải tự trao ban chính bản thân Người, như một hy sinh trọn vẹn trên thập giá. Tuy nhiên, trước cái chết, Đức Giê-su không phải là không sợ hãi. Bởi lẽ một người không biết sợ hãi thì không phải là người, nhưng người nào chế ngự được nỗi sợ hãi mới đích thực là người anh hùng. Như mọi người, Đức Giê-su cảm thấy sợ hãi. Ở đây, Gioan viết: Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biêt nói gì đây?” Luca chi tiết hơn, ông kể: trong vườn Giêsimani, Đức Giê-su quá đau khổ, mồ hôi của Người rơi xuống đất giống như giọt máu, tinh thần Người xuống tới mức thấp nhất, đến nỗi Người đã thốt lên: “linh hồn Thầy buồn đến chết được”. Và Người đã xin Chúa Cha: “Cha ơi! Nếu Cha muốn, xin tha cho Con khỏi uống chén này”. Cho dù với bản tính nhân loại Đức Giê-su sợ hãi chén đắng, sợ hãi giờ đau khổ, sợ hãi cái chết trên thập giá. Song cuộc đời Đức Giê-su luôn làm theo ý Cha, của ăn của Người là làm theo ý Cha, nên Người đã thưa với Chúa Cha: “tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con mà xin theo ý Cha”(Lc 22,42). Đức Giê-su quả là người anh hùng, Người đã sợ hãi nhưng đã chế ngự được sự sợ hãi để làm theo ý Cha.

Theo quan niệm trần thế, giây phút Đức Giê-su trên thập giá là giây phút thất bại. Tệ hại hơn, người ta còn coi đó như là giây phút của ô nhục và đáng khinh mệt. Nhưng đối với Đức Giê-su chính giờ chết của Người trên thập giá là giờ sự sống của Người được nhân lên. Đức Giê-su ở một mình trên thập giá, nhưng trên đó, một cách vô hình, Người đang được bao quanh bởi hàng tỷ người nam nữ được cứu độ nhờ hy sinh của Người, như lời Người đã nói: “khi nào Tôi được giương lên cao, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi”. Những người được Đức Giê-su kéo lên, họ thuộc mọi thành phần, mọi màu da sắc tộc, Do-thái hay Hylạp, nô nệ hay tự do. Vì thế, Đức Giê-su khi ở trên thập giá chính là giờ Người được tôn vinh. Giờ Đức Giê-su được tôn vinh còn được thể hiện bằng sự Phục sinh của Người từ cõi chết. Thực vậy, bởi Đức Giê-su đã vâng lời Chúa Cha chịu chết, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Người bằng cách cho Người sống lại. Thiên Chúa đã biến chuyển giây phút thập giá thành giây phút chiến thắng của Đức Giê-su, giây phút của ân sủng đối với chúng ta. Đây là giây phút cao quý nhất của Đức Giê-su. Đây là giờ mà tất cả những gì Đức Giê-su đã thực hiện trên trần thế đều được hoàn tất. Tất cả cuộc đời của Đức Giê-su đều đưa dẫn và chuẩn bị cho giờ này: giờ tử nạn và Phục sinh, giờ Con Người được tôn vinh.

Phần ta, để được tôn vinh với Đức Giê-su, để được từ cõi chết sống lại với Người, Đức Giê-su dậy ta không được quý mạng sống: “ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Đây là kiểu nói Do-thái Đức Giê-su dùng để dậy chúng ta phải biết yêu quý sự sống đời đời hơn sự sống đời này, nếu vì cuộc sống đời đời phải thiệt hại đến thân xác mình ta cũng phải sẵn sàng, vì cuộc sống đời đời cao trọng hơn. Đức Giê-su không dậy chúng ta ghét thân xác mình, bỏ cuộc sống mình ở đời này. Bởi Thiên Chúa dựng nên chúng ta để sống đẹp, sống tốt cuộc sống trần thế trước khi về thiên đàng. Vả lại Thiên Chúa muốn chúng ta yêu qúy bản thân chúng ta.

Nếu chúng ta không biết yêu mến chính mình, không ai có thể yêu mến chúng ta được. Chúng ta sẽ không có khả năng yêu mến bất cứ ai khác, trừ khi chúng ta biết yêu mến con người của mình. Tuy nhiên chúng ta phải học biết yêu mến chính mình, phải phân biệt giữa tình yêu chính đáng đối với bản thân và thói ích kỷ. Người biết yêu chính mình là người biết quên mình, vượt lên trên bản thân mình, điều đó có nghĩa là đánh mất, là khước từ, là chết đi cho chính mình. Chính khi biết quên mình, chúng ta mới được tự do nhất và hạnh phúc nhất, chính khi ra khỏi con người của mình, tự cống hiến bản thân cho người khác, chúng ta mới phát triển và mang lại hiệu quả. Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính Đức Giê-su, Người cũng đã hiến thân phục vụ đến quên mình, Người đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ bằng sự hiến thân làm giá chuộc muôn người. Ở đây, trong bài Tin mừng này, Người đòi hỏi chúng ta, những kẻ theo Người cũng phải phục vụ: “ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy”. Phục vụ Đức Giê-su là phục vụ tha nhân, phục vụ những người nghèo nàn đói khổ, những người thân cô thế cô, những người khách lạ, những người trần truồng đau yếu, những người tù đầy, những người bị xã hội ruồng bỏ: “mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một trong những anh em bé nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 26,40). Chân phước Têrêxa Calcut-ta đã bảo với các nữ tu của mình, khi phục vụ một người nào hãy phục vụ như phục vụ Đức Giê-su. Nếu ta thực hiện được như thế ta sẽ được cùng Chúa hưởng phúc thiên đàng như lời Đức Giê-su nói: “ai phục vụ Thầy… Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”(Ga 12,26).

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc đời Chúa luôn hướng mọi hoạt động về giờ của Chúa “giờ tôn vinh”. Xin cho mỗi chúng con cũng hướng về giờ của mình, giờ trở về với Chúa để được hưởng hạnh phúc thiên đàng Amen.

Hát: Tình Thương Nhiệm Mầu

  1. Xin cho con lòng mến thương để dù đời đắng cay trăm chiều, cho con yêu một Chúa thôi, để đời sẽ hết nỗi đìu hiu. Cho con mê say tình Ngài, để tình đời chẳng còn vương vấn. Dâng mạng sống con cho Ngài, luôn sẵn sàng minh chứng cho tình yêu.

ĐK: Yêu thương là thế đấy, tình yêu ôi đắm đuối nhiệm mầu. Yêu con, chính vì yêu con, Chúa đã chết trên đồi vắng. Con xin hy sinh cuộc tình nguyện theo tiếng Chúa mời gọi. Dầu có lúc sầu héo hon, xin trung kiên theo Chúa suốt cuộc đời.

  1. Ôi bao la tình Chúa thương, vì người mà Chúa bỏ ngai vàng. Ðem thân dãi dầu tháng năm, xoa dịu nhân thế bớt khổ đau. Nhưng sao vô tâm bạc tình, dành cho Ngài thập hình đẫm máu? Thế mà Chúa vẫn nhân từ, thương vô bờ hơn núi hơn đại dương.

 

NGUYỆN XIN

  • Lời nguyện

Trong tâm tình quyết tâm “sống mùa chay thánh” chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa ghét điều tội lỗi bao nhiêu thì cũng thương người tội lỗi bấy nhiêu, xin Chúa thương xót thứ tha tội lỗi chúng con.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, những ai chân thành xám hối Chúa không chê bỏ, xin ban cho chúng con lòng chân thành sám hối.

Lạy chúa Giê-su Thánh Thể, thánh tâm Chúa bừng bừng lửa mến, xin đốt nóng lòng chúng con, để chúng con nhận ra những lầm lỗi trong đời sống chúng con.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, lòng Chúa đã bị tan nát vì tội lỗi chúng con, xin thương xót chúng con.

  • Lạy Chúa, lịch sử nhân loại là một mùa chay kéo dài. Xin giúp chúng con nhìn nhận đời sống bản thân, từ bỏ tội lỗi để đổi mới đời sống, nhờ đó chúng con được kết hiệp với chính Chúa và hiệp nhất với mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.
  • Kinh Lạy Cha

 

CẢM TẠ VÌ HỒNG ÂN THÁNH THỂ

  • Kinh Rước Lễ Thiêng Liêng 1

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa con ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa con trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa con trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể mà chịu Chúa con cho thậy được, thì xin Chúa con ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa con đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa con cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa con bao giờ. Amen.

Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Amen.

 

PHẦN KẾT

  • Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng
  • Hát kính Thánh Thể
  • Phép lành Mình Thánh Chúa
  • Hát kết: Kinh Chay
  1. Con xin dâng muôn lời kinh thắm lệ chan hòa. Con kêu van Chúa nhân từ ghé mắt xót thương. Mùa chay Thánh Chúa thương tha thứ tội nhơ, lắng nghe con dâng lời khấn nguyện: Chúa ban ơn trong mùa thánh này.
  2. Trong đêm thâu tâm hồn con vướng bao tội tình. Bao đau thương đã phủ đầy trên tấm thân con. Vì yếu đuối Chúa đã thấu rõ hồn con, Chúa khoan nhân thương gọi trở về, khứng ban muôn tâm tình thánh thiện.