CẢM NGHIỆM VỀ TUẦN THÁNH TẠI GIÁO XỨ ANGLEH
Trần Thuyết, SSS
Chúng tôi đặt chân đến giáo xứ Angleh vào buổi bình minh của ngày thứ năm Tuần Thánh. Cha chánh xứ và hai ông trùm đón chúng tôi ở cổng chào giáo xứ và dẫn chúng tôi về trên một con đường mà hai bên là bạt ngàn cà phê – vừa trải qua đợt trổ bông cho vụ mùa hứa hẹn sắp tới. Cả hàng ngàn cánh bướm vàng xanh dập dìu dẫn chúng tôi đi. Cảm giác ban đầu đặt chân đến giáo xứ sao an bình đến lạ! Còn gì tuyệt vời hơn việc khởi đầu Tam Nhật Thánh với một tâm hồn ngập tràn niềm vui và bình an…
Tuần Thánh năm nay tôi may mắn được đến giúp tại giáo xứ Angleh, giáo phận Kontum cùng với ba người anh em trong cộng đoàn. Đây là một giáo xứ mới được thành lập năm 2020 và do cha Laurenxô Lê Công Trần Phát, SSS làm chánh xứ. Trong bốn ngày ngắn ngủi ở nơi đây, tôi đã có rất nhiều cảm nghiệm và cũng đã thủ đắc cho mình những bài học kinh nghiệm quý giá.
Phụng vụ sinh động và sốt sắng
Điều để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất chắc hẳn là bầu khí phụng vụ nơi đây. Mỗi lần tham dự các nghi thức phụng vụ cùng với cộng đoàn giáo xứ, tôi đều có cảm tưởng như mình đang ngồi trong một ngôi thánh đường cổ kính nào đó ở Âu châu, đang vang lên những bản thánh thi, theo thể bình ca bằng tiếng Latin, với kiểu đệm đàn dù không hoa mỹ, nhưng lại tạo nên một bản hoà âm thánh thiêng đến lạ kỳ. Mặc dù tiếng Bana thuộc ngữ hệ Nam Á, nhưng mỗi lần nghe giáo dân nơi đây đọc kinh hay hát thánh ca, tôi cảm thấy như họ đang dùng tiếng Latin vậy.
Trong các đêm Vọng Phục Sinh, tôi thường chờ đợi giây phút được nghe ca đoàn hát vang bài ca Xuất Hành của cha Hoàng Kim, bài ca hùng hồn và đầy ý nghĩa, là một phần không thể thiếu trong Đêm Thánh cực trọng này. Năm nay, tôi thực sự xúc động khi lần đầu tiên được nghe bài ca tuyệt vời này bằng tiếng Bana. Với chất giọng mang âm hưởng rất riêng của người đồng bào Bana, ca đoàn Angleh như thổi vào bài hát vốn đã rất hay này – thêm sự hùng tráng và lắng sâu diệu vời. Một điểm nhấn trong phụng vụ của đêm Vọng Phục Sinh.
Một nét đặc sắc khác trong phụng vụ của giáo xứ nơi đây chính là việc họ sử dụng những điệu múa mang bản sắc Bana vào trong từng lời chúc tụng trong thánh lễ. Từ kinh Vinh Danh, lời Tuyên xưng đức tin, kinh Lạy Cha, Thánh Thánh Thánh… họ đều có những điệu múa phù hợp và sinh động. Điều này làm cho bầu khí phụng vụ thêm phần sống động và sốt sắng.
Là một người từ vùng xa đến giáo xứ để phụ giúp Tuần Thánh, tuần lễ cao điểm trong năm phụng vụ, tôi tự nhủ phải cố gắng chu toàn bổn phận cách tốt đẹp nhất để mang lại bầu khí sốt sắng cho cộng đoàn. Nhưng thực tế là, trong mỗi nghi thức, chính giáo dân mới là những người truyền lửa sốt sắng cho tôi. Sự chân thành, bình dị, mộc mạc thể hiện từ ánh mắt đến cử chỉ hành động; tôi đọc được nơi đó là cả một niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối của những người con nhỏ bé đối với Người Cha yêu thương của mình. Tâm tình của giáo dân Angleh làm tôi liên tưởng đến tâm tình của thánh Phaolô: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng đại lễ”.[1]
Những hình ảnh này thực sự tác động đến tôi không chỉ lúc đó, mà còn đọng lại trong tâm trí tôi mãi cho tới bây giờ, lúc tôi đang ngồi gõ những con chữ này, nơi tu viện.
Nể phục những anh em đang mục vụ nơi đây
Đời sống giáo dân thật sự khó khăn, địa bàn giáo xứ hút sâu trong miền núi, cơ sở vật chất thiếu thốn, các giáo họ cách xa nhau trong khi đường sá lại không thuận lợi… vô vàn khó khăn là vậy nhưng các anh em đang mục vụ nơi đây vẫn hoạt động với một tinh thần đáng nể phục. Những tình cảm của giáo dân dành cho các “Bạ”[2] cho thấy điều đó. Trong những ngày ngắn ngủi ở nơi đây, tôi đã cảm nghiệm được phần nào tâm huyết của các anh đối với những người giáo dân nghèo đói, thiếu thốn.
Điều này gợi lên trong tôi hình ảnh vị mục tử tận tình chăm sóc đàn chiên bé nhỏ; và rồi cũng làm tôi liên tưởng đến cha thánh Tổ Phụ Eymard. Lúc sinh thời – vì bị cật vấn về những thiếu thốn của anh chị em sống chung quanh, cả về vật chất chất lẫn đời sống thiêng liêng – cha đã tận tâm tận lực phục vụ anh chị em hết tình, đã tiêu hao bản thân để hướng dẫn bao con người đói khát đến tận hưởng nguồn ân sủng tuôn trào nơi Bí tích Thánh Thể. Chắc hẳn, giờ đây – khi đang hầu cận Chúa trên Nước Trời – cha cũng rất hài lòng vì hậu duệ của cha vẫn đang đi lại con đường mà chính cha đã vạch lối.
Suy nghĩ về sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội và Hội Dòng
Người đời vẫn nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Quả vậy, đã bao lần tôi được nghe các linh mục, các tông đồ giáo dân giảng dạy và chia sẻ về sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy có một chút thôi thúc trong lòng. Nhưng đến khi được đặt chân đến những miền đất xa xôi, nơi những anh chị em đang đói khát Lời, thiếu thốn sự đồng hành sẻ chia, thậm chí thiếu thốn cả miếng ăn thức uống, tôi mới nhớ lại và thấu cảm những chia sẻ của những con người vẫn miệt mài rảo chân trên cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông bát ngát. Tôi cũng nhớ đến tâm tình của Đức Giêsu khi Ngài đề nghị Simon: “Hãy tiến ra chỗ ước sâu”,[3] và với các môn đệ khi chứng kiến đoàn dân bơ vơ không người coi sóc: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa.”[4]
Đến với giáo xứ Angleh trong mấy ngày qua, một lần nữa lòng tôi lại dậy lên những trăn trở đó. Cùng với anh em dành một vài buổi sáng để đi thăm viếng các gia đình trong và ngoài địa bàn giáo xứ, tôi mới thấm thía thế nào cái gọi là nghèo, là khổ thực sự; mới thực sự hiểu thế nào là sự bất lực của rất nhiều gia đình… Từ đó, tôi mới hiểu hơn thao thức của cha giáo Giuse Nguyễn Thanh Bình – người chưa bao giờ để cho đôi chân mình ngừng đi… đến những chỗ nước sâu. Chắc hẳn, cha giáo Giuse đã nhìn thấy hình ảnh Chúa Giêsu trong những con người cùng khốn đó…
Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội vẫn luôn là một sứ mạng hàng đầu. Là một phần tử của Giáo Hội, Dòng Thành Thể cũng ý thức tầm quan trọng của sứ mạng ấy. Có thể nói, với số lượng tu sĩ trẻ ngày một nhiều hơn, Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam ngày càng tham gia vào sứ mạng quan trọng này một cách tích cực hơn và theo cách riêng của mình, phù hợp với sứ vụ và linh đạo của Hội Dòng. Ước mong sao các thành viên trong Tỉnh Dòng luôn nhiệt tâm cho sứ vụ cao cả này, và cũng cầu chúc cho sứ vụ của Tỉnh Dòng gặt hái được nhiều hoa quả đẹp lòng Chúa!
Sống đức tin là biết ướm cuộc đời mình vào Đức Kitô Phục Sinh
Cha giáo Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP từng chia sẻ trong một tiết học triết: “Đức tin là gì, là cách ta ướm mọi niềm vui, nỗi buồn, cái sướng, cái khổ và ướm cả cuộc đời ta vào Đức Kitô Phục Sinh”. Thật là sâu sắc! Trên đường từ giáo xứ Angleh về lại cộng đoàn tu trì của mình, tôi không ngừng suy tư về biến cố Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Cả một khung trời ý tưởng đan dệt trong đầu tôi. Tôi treo những hình ảnh về những giáo dân yếu đuối, nghèo đói, tật nguyền, và treo cả những yếu đuối của bản thân lên cây thập giá của Chúa Giêsu, Ngài đang dang tay như muốn ôm trọn tất cả. Tôi nhắm mắt lại và rồi nhìn thấy hình ảnh những em bé ngơ ngác lên hôn chân Chúa, những cụ già thành tâm gối quỳ lúc đi đàng thánh giá, những thiếu nữ duyên dáng múa nhảy trong thánh lễ – tất cả đang vui vầy hạnh phúc bên Đức Kitô Phục Sinh, trong chính ngôi thánh đường bằng gỗ theo kiến trúc đặc biệt của đồng bào Bana. Và lòng tôi cũng hoà điệu trong niềm vui khôn tả đó…
Với tôi, Tuần Thánh năm nay đã khép lại một cách đầy ý nghĩa như thế!
[1] 1 Cr 5.8
[2] Tiếng Bana, “bạ” nghĩa là cha.
[3] Lc 5, 4
[4] Mt 9,37-38