ĐỨC GIÊSU KITÔ, VỊ THƯỢNG TẾ CỬ HÀNH THÁNH THỂ THEO THƯ GỬI TÍN HỮU HIPRI

Ngày nay, các Kitô hữu dâng lễ như một thói quen, với thái độ hững hờ, bàng quang và câm lặng… Thư Hipri nhắc nhở điều này khi nói việc dâng hy lễ trong Itsrael xưa như một thói quen, họ thay việc hoán cải tâm hồn bằng dâng cúng của lễ vật chất theo luật buộc mà tội ác vẫn cứ tiếp diễn. Vì vậy, Thư Hipri cho chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa tế tự của Đức Kitô: Trong tư cách là Con Thiên Chúa, trong sự cảm thông và liên đới với tội nhân, Người hiến dâng chính mình chứ không phải dâng bất cứ lễ vật nào khác. Người là Thượng Tế của Giao Ước Mới giao hòa giữa Thiên Chúa và con người.[1] Từ đó, chúng ta, qua mẫu gương Hy Tế của Người và được kết hợp với Người, chúng ta không còn đặt việc thờ phượng bên lề cuộc sống. Nhưng thiết tha cử hành hy lễ tạ ơn với thái độ được diễn tả bằng đức tin, với việc hoàn toàn quy phục trong tinh thần khiêm nhu và sám hối (x. Tv 51,19.21). Để việc cử hành Thánh Thể và Phụng vụ Kitô giáo trong sự thánh thiện và bình an mà sinh ơn cứu độ cho nhân loại giữa lòng thế giới lịch sử (x. Hr 6,12; 10,36; 12,1-13).[2]

1. Đức Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế Vì Yêu Dâng Chính Mình Và Máu Của Mình

  • Đức Giêsu Kitô Vị Thượng Tế

Thư Hipri cho ta thấy tự bản chất, tư tế là người trung gian theo hai chiều đi lên và đi xuống, với những đặc tính: Bản chất nhân loại, được Thiên Chúa kêu gọi (x. Hr 5,4), được thánh hiến hay cắt đặt (x. Hr 5,1), phải thánh thiện và được thành toàn cách sung mãn nơi Đức Kitô (x. Hr 2,11-18; 9,26; 10,5-10). Điều này hàm ngụ rằng Đức Giêsu vì yêu thương, Người đã nên giống chúng ta mọi sự, chỉ trừ tội lỗi (x. Hr 2,11-19; 4,5). Khi trưng dẫn Thánh vịnh 110 câu 4, tác giả khẳng định Chức tư tế của Đức Kitô được phác họa qua hình ảnh của Melkisedec: Vua công chính, vua bình an, không có cha mẹ (x. Hr 7,3), là một chức tư tế vĩnh cửu (x. Hr 5,6; 6,20; 7,3.17.21.25). Bản văn còn cho thấy, Đức Kitô đã không tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con (Hr 5,5). Như thế, Đức Kitô trong tư cách là Con Thiên Chúa (x. Hr 1,6; 7,16) nên tự bản chất Đức Kitô là Tư Tế do bởi sự Ngôi Hiệp. Đức Kitô là tư tế ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của việc Nhập Thể (x. Hr 2,10-18; 10,5-9), trong việc tự hiến tế chính mình (x. Hr 9,26-28), và sự vinh thăng trong vĩnh cửu (x. Hr 10,11-15) nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi (x. Hr 7,24).[3]

  • Đức Kitô Dâng Chính Mình Và Máu Của Mình

Kinh Thánh Tân Ước cho thấy Đức Giêsu nói về thân mình Người được ban làm của ăn, và về máu Người như là Máu Giao Ước sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội (x. Mt 26, 26-28; Mc 14, 22-25; Lc 22, 19-20; 1Cr 11, 23-26). Người hiến dâng chính mình làm của lễ đền tội (x. Hr 9, 14). Chúng ta có thể hiểu với sự giải thích của thư Hipri về Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu: Người đã vào cung thánh không phải với máu của các con dê, bò, nhưng với chính máu của mình như là một lễ hy sinh, một lần cho tất cả để loài người được dứt khoát cứu chuộc (x. Hr 9,11-13).[4] Đây chính là một sự quy chiếu mặc nhiên đến một Hy Lễ Phụng Tự Mới, phá vỡ khung cảnh hạn hẹp của mọi nghi thức, mọi ngăn cách đặt trên lề luật: Đức Kitô, nhờ vào Chúa Thánh Thần, qua cuộc khổ nạn và cái chết đã dâng tiến chính Mình và Máu của Người lên Chúa Cha trong một hành vi tuyệt hảo của lòng mến và sự vâng phục. Và đây chính là hành vi thờ phượng cao cả nhất mà Đấng Trung Gian có thể thực hiện, để rồi Người trở thành vị Thượng Tế của Giao Ước Mới giao hòa giữa Thiên Chúa và con người (x. Hr 10,9-14).[5] Như vậy, cộng đoàn các tín hữu có “một vị Thượng Tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa” (Hr 10,21). Người là Đấng thiết lập Thánh Thể, vì Thánh Thể là Hy Lễ Tạ Ơn của Giao Ước Mới được thiết lập trong Máu của Người.[6]

2. Đức Giêsu Kitô Vị Thượng Tế Cử Hành Thánh Thể

  • Thánh Thể, Hy Lễ Tạ Ơn Của Giao Ước Mới

Nền tảng vững chắc của Hy Lễ Tạ Ơn nơi Giao Ước Mới là được lập bằng máu của Đức Giêsu Kitô. Để thấy rõ đặc tính “mới” này, chúng ta so sánh mối tương quan giữa Tế Tự và Giao Ước[7]:

  • Sơ đồ của Tế Tự trong Giao Ước cũ (x. Hr 9,1-10): Tư Tế và Lễ vật hy sinh (x. Hr 9,9-10); Lễ vật hy sinh và Thiên Chúa (x. Hr 9,4-7); Dân Chúa và Thiên Chúa (x. Hr 9,6-7) tất cả đều tách rời nhau. Hiệu quả: Dân Chúa được tinh luyện, được tha thứ… nhưng chỉ nhất thời và không thể nào trọn vẹn đến cùng Thiên Chúa được, hoặc có đến thì đến từ xa xa… vì vẫn còn sự cách biệt.
  • Sơ đồ của Tế Tự trong Giao Ước Mới: Tư Tế và Lễ vật hy sinh = Đức Kitô (x. Hr 5,7-8; 9,14-25); Lễ vật hy sinh và Thiên Chúa = Đức Kitô (x. Hr 9,14); Dân Chúa và Thiên Chúa = cái chết của Đức Kitô trung gian (x. Hr 2,17; 4,15; 9,15). Hiệu quả: Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Kitô đã hiến thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (x. Hr 10,5-10). Chúng ta bước sang một việc phụng tự bằng đời sống khiến cho toàn con người kết hiệp với Thiên Chúa và với tha nhân (x. Hr 9,11-14).

Từ ba cấp độ tương quan: 1) nô lệ và ông chủ – làm vì sợ bị phạt…; 2) tình ban – theo lời khuyên, nghe hay không…; 3) tình yêu – muốn trở nên giống nhau, vì nhau, ở trong nhau… Chúng ta có thể thấy tế tự của Giao Ước cũ chẳng khác gì tương quan nô lệ và ông chủ: Con người chỉ dâng lễ theo sự áp đặt của lề luật nên Giao Ước cũ chỉ là điều “mô phỏng”, vì vậy, “máu không đổ thì tội vạ không tha” (Hr 9,18-22). Ngược lại, trong Giao Ước Mới ta thấy mối tương quan của tình yêu mà định luật của nó là muốn biến hóa, hiệp nhất với người yêu, hai phải nên một. Quả thật, trong hành vi tế lễ, Đức Kitô đã lấy máu Người làm lễ vật hy sinh (x. Hr 9,26-28). Người vừa kết hợp làm một với Đấng sẽ nhận hy lễ của Người dâng tiến mà đồng thời cũng nên một với loài người mà Người đại diện để dâng hy lễ. Như thế, đời sống của con người trong Giao Ước Mới không còn bị nô lệ tội lỗi nữa, bởi chúng ta có Vị Thượng Tế Trung Gian, vừa biết xót thương, vừa trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa (x. Hr 2,17). Vì vậy, tác giả mời gọi chúng ta “dạn dĩ tiến lại gần ngai toà ân sủng” (Hr 4,16), để “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà lại gần Thiên Chúa…” (Hr 7,25).

  • Kitô Hữu Bước Vào Đời Sống Mới Trong Đức Kitô

Cuối thư, tác giả đã quảng diễn sâu rộng ý nghĩa lễ tế của Đức Kitô. Chính Hy Lễ Tạ Ơn của Giao Ước Mới bảo đảm về một lời hứa tương lai, đó là được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hằng hữu và được tận hưởng phúc lộc muôn đời (x. Hr 4,14; 5,7-9; 6,19-20; 7,27). Quả thật, Đức Kitô đã mở cho chúng ta “một con đường mới” qua chính thân xác của Người (x. Hr 10,20). Đó cũng là điều mà Tin Mừng Gioan nói về Thánh Thể trong Diễn Từ “Bánh Trường Sinh”. Phải chăng đây cũng là ý nghĩa sâu xa mà Thư Hipri cho thấy viễn cảnh cử hành Phụng Vụ Thánh Thể khi nhắc tới “Máu” Đức Kitô (Hr 2,14) và “Thân Xác” của Người (Hr 20,19-20). Thánh Thể được thiết lập như Hy Lễ Tạ Ơn với tình yêu tự hiến của Đức Kitô, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu, hầu làm cho nhân loại trở thành “lễ vật toàn vẹn” xứng đáng dâng lên Thiên Chúa (x. Hr 7,27; 9,13), số phận con người được thay đổi tận căn. Đức Kitô đã khai mở kỷ nguyên mới với nền Phụng Tự Mới trong đó các tín hữu được thánh hiến, và chính “nhờ Người, với Người và trong Người” mà trở nên những kẻ thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Hr 9,14). Thật vậy, qua bí tích Thánh Tẩy các Kitô hữu bước vào đời sống mới trong Đức Kitô, mặc lấy chính thực tại của Người để rồi được thông dự vào Hy Tế của Người. Công Đồng Vatican II còn cho thấy, các linh mục còn được một bí tích riêng in dấu, được Chúa Thánh Thần xức dầu để nên giống Chúa Kitô Tư tế, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động. Cho nên, để sống trong hồng phúc của con người được tha thứ mọi tội lỗi, tác giả nhắc nhở mọi người hãy sống trung thành với Giao Ước Mới: Đừng bỏ ơn cứu rỗi (x. Hr 2,1-4), hãy hăm hở gắng vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa (x. Hr 3,6-4,11), hãy kiên nhẫn trong lòng tin (x. Hr 10,36-39), đừng sờn lòng nản chí khước từ Thánh Thể, hay chối bỏ đạo (x. Hr 6,4-6; 10,29; 12,24-25). Những ai tự đặt mình ngoài Giao Ước Mới, không thể bắt gặp được ơn tha thứ (x. Hr 10,26-29). Bởi ơn cứu độ chỉ do một mình Đức Kitô mà đến, nghĩa là chỉ bằng cách trở nên đồng hình đồng dạng với Người thì ta mới đạt đến ơn cứu độ.[8]

Tóm lại, Thư Hipri cho chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa tế tự của Đức Kitô: Người là Thượng Tế của Giao Ước Mới, dâng tiến chính sự sống của mình lên Chúa Cha trong một hành vi tuyệt hảo của lòng mến và sự vâng phục, hành vi thờ phượng cao cả nhất mà Đấng Trung Gian có thể thực hiện. Vì yêu thương, Người đã cử hành Hiến Tế Tạ Ơn, giao hòa chúng ta với Chúa Cha, Người hiến dâng chính mình làm của ăn như quà tặng của Chúa Cha ban cho chúng ta để diễn tả sự khao khát nên một với chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy.” (Ga 6,56) Để từ đó chúng ta được đi vào mối tương quan tình yêu với Người, được ở lại, được nuôi dưỡng, được thánh hiến để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Nghĩa là chúng ta không còn đặt việc thờ phượng bên lề cuộc sống, là mỗi khi cử hành Hy Lễ Tạ Ơn, chúng ta cũng mang lấy chính thực tại của Đức Kitô: Ôm trọn nhân loại vào lòng mà dâng tiến cho Chúa Cha với thái độ của lòng tin, cậy, mến. Như thế, chúng ta, khi tham dự vào Tiệc Thánh Thể thì cũng phải cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống của chúng ta hoàn toàn trở thành “Thánh Thể.”[9]

Vinh-sơn Nguyễn Văn Dũng, SSS


[1] Roch A. Kereszty, Đức Giêsu Kitô Tập I, Nguyễn Đức Thông chuyển dịch (NXB: Tôn Giáo, 2014), 244-249.
[2] Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ (NXB: Phương Đông, 2017), 206-207.
[3] Fernando Ocáriz – Lucas F. Mateo Seco – José Antonio Riestra, Mầu Nhiệm Đức Kitô, TTHVĐM chuyển dịch 2014, 258-270.
[4] Felipe Gomez, Kitô Học, Antôn và Đuốc Sáng chuyển dịch 2002, 287-288.
[5] Fernando Ocáriz – Lucas F. Mateo Seco – José Antonio Riestra, Mầu Nhiệm Đức Kitô, 260-263.
[6] Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ, 210.
[7] Lm. Giuse Võ Đức Minh, Thần Học Kinh Thánh Bài 1130, http://www.simonhoadalat.com/ HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2004/Chuong1.htm ( truy cập ngày 14/5/2018).
[8] Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ, 205-224.
[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch, #20.