Dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất -(Lc 15, 8-10)

Dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất

(Lc 15, 8-10)

          Trình thuật dụ ngôn

     Cấu trúc và ý nghĩa của dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất tương đồng với dụ ngôn liền ngay trước đó, tức là dụ ngôn Con chiên lạc, cũng xuất hiện trong Tin Mừng Matthêu (18, 12-14). Kể về người phụ nữ tìm kiếm đồng quan bị rơi mất y như hình ảnh Thiên Chúa tìm kiếm tội nhân, dường như Chúa Giêsu khiến người nghe cảm thấy ngạc nhiên và thậm chí là thay đổi quan niệm trước đây của họ về Thiên Chúa. Bằng phép ẩn dụ khá thú vị của dụ ngôn này về tình yêu kiếm tìm của Chúa, Đức Giêsu mang đến cho người nghe một lối nghĩ mới về phương cách mà trong đó Thiên Chúa hành động hướng về những người tội lỗi và những người bị ruồng bỏ.

     Đồng quan mà Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn là một đồng tiền bạc, tương ứng với một ngày công của một người lao động bình thường. Trong căn nhà của người nghèo, việc mất tiền có thể dễ dàng xảy ra, và việc tìm lại nó sẽ gặp phải khó khăn. Ngôi nhà, gồm một phòng đơn, có lẽ khá tối vì chỉ có một cửa sổ nhỏ để ánh sáng rọi vào bên trong. Nền nhà ắc hẳn là nền đất phủ đầy cỏ và sậy. Mặc dù việc tìm kiếm đồng bạc trong điều kiện như thế chẳng khác nào tìm kim trong đống cỏ khô như thành ngữ vẫn nói, thế nhưng việc tìm thấy đồng bạc lại rất quan trọng, thậm chí là thiết yếu, đối với một ai trong gia cảnh khó khăn. Do đó, người phụ nữ đã kiên trì tìm kiếm đồng bạc, vì nó tương ứng với một phần mười số tiền tiết kiệm ít ỏi của bà.

     Chúng ta để ý rằng cách người phụ nữ tìm kiếm được miêu tả trong ba hành động: bà thắp đèn, quét nhà, và tìm kiếm cẩn thận. Mỗi bước nói lên ý nghĩa khẩn trương của việc tìm kiếm. Tầm quan trọng của việc tìm kiếm và sự kiên trì của người phụ nữ đã giúp bà tìm thấy đồng bạc và niềm vui theo đó. Mỗi yếu tố trong câu chuyện có ý nghĩa chuyển tải điều gì đó về sự thật vĩ đại của tình yêu và sự quan tâm vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho tội nhân.

          Ý nghĩa dụ ngôn

     Điều đáng suy gẫm là tường thuật của dụ ngôn về niềm vui và sự phung phí của người phụ nữ. Chúng ta được kể lại rằng, sau khi tìm thấy đồng bạc, người phụ nữ gọi bạn bè và hàng xóm lại để ăn mừng, việc này có thể tốn kém hơn giá trị của đồng bạc bị mất. Thế nhưng, những điều như thế xảy ra khi có niềm vui khôn xiết; niềm vui là chủ đề nổi bật trong chương 15 của Tin mừng Luca. Theo dụ ngôn này, khi Chúa Giêsu qua thánh Luca mạnh mẽ tuyên bố: “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”, thì có nghĩa là chúng ta nghe tường thuật về niềm vui khôn xiết của Thiên Chúa vì một người được cứu thoát khỏi lối sống tội lỗi.

      Các học giả Kinh Thánh chỉ ra rằng, trong cả dụ ngôn Con Chiên lạc và dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất, đều có một sự nối kết giữa việc nhấn mạnh sự cần thiết phải sám hối và sự diễn tả niềm vui của Thiên Chúa về sự sám hối của tội nhân. Họ hướng sự chú ý đến thực tế là chẳng phải con chiên, cũng chẳng phải đồng xu “sám hối”; nhưng hành động đáng nói trong dụ ngôn được tập trung vào người tìm kiếm. Theo cách này, người nghe chú ý tới lời dạy của Chúa Giêsu không chỉ đơn giản như một lời mời gọi sám hối, nhưng như một tin vui rằng Thiên Chúa đến để tìm kiếm và cứu chữa những người lầm lạc. Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, đã đi bước trước. Việc thay đổi tâm lòng của một tội nhân không phải là điều kiện nhưng là kết quả của tình yêu Thiên Chúa.

     Do vậy, dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất khiến chúng ta cảm thấy ngạc nhiên và thách thức: rằng Thiên Chúa quả thực tìm kiếm chúng ta là những kẻ tội lỗi. Điều đó vừa ngạc nhiên vừa thách thức vì chúng ta thường bị cám dỗ để tin rằng chúng ta thấy tình yêu của Chúa chỉ khi nào chúng ta lê bước đến với Chúa trong sự mặc cảm và cầu xin lòng thương xót của Ngài. Dụ ngôn này mời gọi chúng ta tin vào một tình yêu linh thánh đang tìm kiếm chúng ta; dụ ngôn cũng gia tăng niềm tin của chúng ta vào tình yêu của Chúa bởi lẽ chúng ta thấy tình yêu ấy hóa thân trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đến để “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 10).

(Dịch từ bài viết The Parable of the Lost Coin của cha Bernard Camiré, SSS trong chuyên mục Eucharistic Sprituality – Phỏng dịch: Bụi Trần)