ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦY – TỔNG QUÁT PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Tổng Quát Phụng Vụ Lời Chúa

(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)

12- TỔNG QUÁT PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 I. VĂN KIỆN 

– Các Bài đọc lấy từ Thánh Kinh, cùng với các bài hát xen giữa, tạo nên phần chính của Phụng vụ Lời Chúa; còn bài diễn giảng, kinh Tin kính và lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là Lời nguyện Tín hữu, khai triển và kết thúc phần này. Qua các Bài đọc, được bài diễn giảng giải thích, Thiên Chúa nói với dân Ngài, Ngài mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, đồng thời cung cấp lương thực thiêng liêng; chính Ðức Kitô dùng lời của mình mà hiện diện giữa các tín hữu. Nhờ thinh lặng và các bài hát, dân chúng làm cho Lời Chúa thành của mình; nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ gắn bó với Lời Chúa; và khi được Lời Chúa nuôi dưỡng, nhờ lời nguyện cho mọi người, họ cầu xin cho các nhu cầu của Hội Thánh và cho cả thế giới được cứu độ (QCSL 55).

– Phải cử hành Phụng vụ Lời Chúa thế nào tạo thuận lợi cho việc suy gẫm, vì thế tuyệt đối tránh mọi hình thức vội vã, ngăn trở việc hồi tâm. Nên có những giây phút thinh lặng ngắn, tùy theo cộng đoàn tụ họp, để nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa được tiếp nhận trong tâm hồn và lời đáp trả qua kinh nguyện được chuẩn bị. Những lúc nên giữ thinh lặng là sau Bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng (QCSL 56).

II. LỊCH SỬ VIỆC CỬ HÀNH LỜI CHÚA 

        A. Liên kết cử hành giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể 

Hầu hết các học giả đều công nhận nguồn gốc của Phụng vụ Lời Chúa được cắm rễ trong truyền thống Kinh Thánh và theo mẫu của phụng vụ hội đường Do Thái vào sáng thứ Bảy. Bằng chứng là trường hợp của Chúa Giêsu, ngài thường đến tham dự cử hành Lời Chúa tại hội đường vào ngày sabat (Lc 4,16; Mt 13, 53 -58; Mc 6,1-6), hay như trường hợp của thánh Phaolô, ông cũng tham dự buổi họp hội đường của người Do Thái, và tại đây, ông rao giảng về Chúa Kitô (Cv 13,4-5.13-15.42-44; 17,1-3.10.16-17). Việc công bố Lời Chúa là thành phần trong phụng tự thời Cựu Ước như được thấy trong nghi lễ thiết lập giao ước (Xh 24,3-11) và kết ước tuân giữ Luật của Thiên Chúa (2V 23); những nghi lễ canh tân giao ước (Gs 24,1-28; Nkm 8,1-8; 9,3-38). Đây chính là khuôn mẫu cho phần Phụng vụ Lời Chúa của Hội Thánh trong Thánh lễ.[1]

Một khuôn mẫu khác cho thấy sự liên kết giữa Lời Chúa và Thánh Thể chính là bài tường thuật hai môn đệ trên đường đi Emmaus của thánh sử Luca (Lc 24,25-32).

Trong thời Giáo Hội sơ khai, các Kitô hữu chỉ cử hành Nghi thức Bẻ bánh, tương ứng với phần Phụng vụ Thánh Thể của Thánh lễ hiện nay. Ngoài ra, những Kitô hữu gốc Do Thái vẫn đến hội đường để tham dự Phụng vụ Lời Chúa. Sau khi nghe Lời Chúa tại các hội đường, họ mới trở về tư gia để tham dự Nghi lễ Bẻ bánh. Chỉ sau này, khi xảy ra những cuộc bách hại Kitô giáo, các tín hữu mới không thể công khai tham dự phụng tự tại hội đường. Mới đầu, họ tổ chức buổi Phụng vụ Lời Chúa ở nơi khác ngoài Đền thờ, trước còn tách rời với việc Bẻ bánh, nhưng dần dần họ cử hành ngay trước phần Nghi thức Bẻ bánh, liên kết với nghi thức này làm nên phần tiền Thánh lễ, tức phần Phụng vụ Lời Chúa hiện nay. Trong phần cử hành Lời Chúa, các tín hữu lắng nghe Kinh Thánh của người Do Thái dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô. Mãi sau này, các tín hữu, ngoài việc lắng nghe Kinh Thánh, Thánh vịnh, họ còn nghe những lời từ tác phẩm của các Tông đồ (x. Cl 4,16; Plm 2; Kh 1,3) cũng như lắng nghe sự hướng dẫn và giải thích của các ngài (x. Cv 20,7-8). Như vậy Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ bắt nguồn từ thực hành của Dân Chúa trong Cựu Ước.

Sau khi cử hành Thánh Thể (Eucharistia) tách khỏi bữa ăn huynh đệ (Agape) , buổi cử hành đọc Sách Thánh phát triển theo mẫu của giờ Kinh Sáng tại hội đường. Bên Đông phương, sự liên kết cử hành giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể xảy ra từ đầu thế kỷ VI. Trong khi đó, bên Tây phương, nhiều vùng có những Thánh lễ tách biệt mà không có phần Phụng vụ Lời Chúa.[2]

Từ giữa thế kỷ II, nhờ cuốn Hộ giáo (năm 150) của thánh Justinô, người ta biết được Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể bấy giờ như sau:

Và vào ngày, gọi là ngày mặt trời (Chúa nhật), tất cả những người ở thành thị cũng như ở thôn quê đều họp lại một nơi: và người ta đọc sách các Tông đồ hay sách các Ngôn sứ, tùy thời giờ cho phép. 4 Rồi khi người đọc sách ngưng, vị chủ tọa lên tiếng khuyên giục và khích lệ mọi người thực thi những điều tốt đẹp ấy. 5 Sau đó chúng tôi đứng dậy và dâng lời cầu nguyện; và như trên đã nói, khi chúng tôi cầu nguyện xong, người ta mang bánh, rượu và nước tới, vị chủ tọa dâng lời cầu nguyện, tạ ơn tùy sức có thể, và dân chúng tung hô : Amen. Bấy giờ người ta phân phát bánh rượu đã được truyền phép cho mỗi người một phần, và nhờ các phó tế đem đến cho những người vắng mặt.6 Những người giầu có, và muốn dâng cúng, họ dâng cúng bao nhiêu tùy họ quyết định, và người ta đem những của dâng cúng cho vị chủ tọa để vị này giúp đỡ những cô nhi, quả phụ, những kẻ đau yếu hay vì bất cứ lý do gì mà phải thiếu thốn…..  (Apologia 67).

Chỉ vài thập kỷ sau đó, Tertulianô đã viết về chuyện các tín hữu ở bắc Phi: họ nghe sách Luật, sách Ngôn sứ cùng với Tin Mừng  và thư các Tông đồ.[3] Thế kỷ thứ IV, Ambrôsiô cũng cho biết  tuần tự các Bài đọc được công bố là: Ngôn sứ –  Tông đồ – Tin Mừng .

Việc mô tả thô sơ trên đây về các thừa tác viên  (người đọc sách  vị chủ tọa) cũng như các Bài đọc (sách các Tông đồ hay sách các Ngôn sứ), bài giảng và lời nguyện được coi là sự mô tả duy nhất về cử hành Lời Chúa cho mãi đến khi phát sinh cuốn Ordines Romani năm 700. Ngoài ra chỉ là những gợi ý về thực hành nghi thức và về sự phát triển chậm chạp của Sách Bài đọc xuất hiện đâu đó trong các bài giảng, đặc biệt là của thánh Augustinô và Grêgôriô Cả. [4]

Cụm từ Phụng vụ Lời Chúa (Liturgia Verbi) xuất hiện lần đầu tiên trong các sách phụng vụ chính thức của nghi lễ Roma là từ sau Công đồng Vatican II.

Theo QCSL số 28: Có thể nói Thánh lễ gồm hai phần: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẻ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phụng tự duy nhất. Quả thật trong Thánh lễ có dọn sẵn bàn tiệc Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, để các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng. Lại có những Nghi thức Mở đầu và kết thúc việc cử hành. 

         B. Thừa tác viên đọc sách – giảng đài 

Thưở đầu, Đức Giám mục chỉ định người đọc sách. Đến thế kỷ VII-VIII: thầy phụ phó tế đọc các bài Thánh thư còn thầy phó tế đọc bài Tin Mừng . Lần đầu tiên, giảng đài được đưa vào trong các Nhà thờ là vào thế kỷ thứ IV. Hình thức của giảng đài bấy giờ là một cái bàn đọc có thể mang vác đi được. Sang thế kỷ thứ VI, giảng đài trở thành vật dụng thánh không di chuyển trong Nhà thờ, phản ánh sự phát triển và định chế của phụng vụ Kitô giáo. Việc đọc Sách Thánh và cả huấn dụ của Đức Giám mục đều diễn ra tại giảng đài (tiếng Hy Lạp là anabainein – nghĩa là đi lên ) nhưng các Vương cung Thánh đường thời cổ được thiết kế với hai giảng đài: một để công bố Thánh thư (phía nam) và một để công bố Tin Mừng  (phía bắc). Sự tách rời hai giảng đài như thế cho thấy Tin Mừng  đã được công bố ở phía bắc rồi như thể việc loan báo Tin Mừng  cần phải thực hiện nơi vùng đất phương nam của thế giới nữa.[5] Nơi nào không tồn tại hai giảng đài, sự phân biệt được thể hiện ở chỗ Thánh thư được đọc ở bậc cấp thấp hơn trong khi Tin Mừng  được công bố từ bậc cấp cao hơn của giảng đài.[6]

Thời Trung cổ, chỉ còn một mình linh mục dâng lễ nên ngài đọc thầm Thánh thư ở phía bên phải Bàn thờ (phía nam) rồi ngài di chuyển Sách lễ sang phía phải Bàn thờ mà tiếp tục đọc thầm bài Tin Mừng  vì trong Sách lễ chứa đựng tất cả các Bài đọc Sách Thánh cùng những lời nguyện trong Thánh lễ,[7] giảng đài coi như bị loại bỏ (thế kỷ XII), và dần dần bị thay thế bởi một cái bục cao thiết kế ở giữa lòng Nhà thờ (pulpit) để trở nên nơi thuyết giảng hơn là là nơi công bố Lời Chúa.[8] Như vậy, giảng đài là một nơi khác biệt với Bàn thờ. Giáo Hội đã theo tập tục của Cựu Ước (x. Nkm 8,4), khi cho độc viên đứng trên một bục cao làm giảng đài, và giảng đài này được đặt phía trước mặt cộng đoàn để mọi người có thể nhìn thấy hay theo tập tục của Giáo Hội Syri, đặt ở giữa lòng Nhà thờ.[9]

Hiện nay, nhiệm vụ đọc Thánh thư trước hết thuộc về người đã lãnh tác vụ đọc sách, nếu không có sự hiện diện của họ, cha xứ hay vị quản trị Nhà thờ có thể chỉ định bất kỳ giáo dân nào khác có khả năng để thay thế. Những người đọc sách phải có khả năng để chu toàn nhiệm vụ này và được chuẩn bị cẩn thận. Họ không đọc để suy gẫm, nhưng là công bố Lời Chúa cho cộng đoàn, để khi nghe đọc Sách Thánh thì trong lòng các tín hữu nhận được tác động êm dịu và sống động của Thánh Kinh (QCSL 101 và 107). Còn việc công bố Tin Mừng  thuộc về nhiệm vụ của những người có chức thánh, tức cả phó tế hay tư tế, nhưng theo thứ tự sau: phó tế – vị đồng tế – chủ tế, vì thầy phó tế chiếm địa vị cao nhất trong số những người giúp vào việc cử hành Thánh lễ. Hơn nữa, theo truyền thống, việc đọc các Bài đọc không phải là nhiệm vụ của vị chủ toạ, mà là của người giúp. Chỉ trong trường hợp vắng mặt thầy phó tế hay không có vị tư tế nào đồng tế, vị chủ tế mới đọc Tin Mừng  (QCSL 59; 94; 175). 

Công đồng Vatican II đã khôi phục lại vị trí của giảng đài làm nơi công bố Lời Chúa, cũng ngang tầm với Bàn thờ, nơi cử hành Mình Máu Thánh nhằm nói lên phẩm giá của Lời Chúa cũng như cho thấy giảng đài là một trong những yếu tố biểu tượng quan trọng trong toàn bộ các diễn đạt nghi lễ phụng vụ (QCSL 309). Giảng đài là nơi chỉ dành cho việc: Công bố Bài đọc Sách Thánh; Thánh vịnh Đáp ca; Tin Mừng ; Bài giảng; Lời nguyện Tín hữu (QCSL 58; 309). Không được sử dụng giảng đài vào những việc khác, kể cả nhiệm vụ của ca trưởng cũng như người dẫn lễ, họ phải sử dụng một giá sách khác và nó phải đơn giản hơn giảng đài (QCSL 105; 309).  

III. Ý NGHĨA 

Thiên Chúa không phải là một Đấng ẩn mình nín lặng, nhưng Kinh Thánh cho thấy, Ngài luôn luôn tìm cách gặp gỡ và nói với các thọ tạo của Ngài. Chẳng hạn, Ngài biểu lộ chính mình trong thiên nhiên và qua các biến cố (Tv 19,2; Rm 1, 19-20); Ngài đi sâu vào tận đáy lòng con người và nói với họ trong cõi thinh lặng của lương tâm; hay Ngài tự tỏ mình ra qua Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong lòng những người tin. Hiến chế Tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa quả quyết: “Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ” (MK 21). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái bày tỏ: “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán với chúng ta qua một Người Con, mà Thiên Chúa đã đặt làm người thừa hưởng muôn vật, và cũng nhờ Người Con ấy mà Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ” (Dt 1:1-2). Quả thật, việc công bố Lời Chúa trong Thánh lễ chính là lúc Thiên Chúa nói với dân Ngài một cách rõ ràng hơn vì Ngài không còn dùng ngôn từ mập mờ, nhưng nói tất cả kế hoạch Ngài đã sắp đặt cho họ: những điều Ngài đã ra tay thực hiện trong thời Cựu Ước; nhất là, Ngài nói qua Người Con là Đức Giêsu Kitô, Đấng hiện diện trong lời của Ngài mà loan báo Tin Mừng  cho mỗi người hôm nay ở trong thì hiện tại bất cứ khi nào Phúc Âm được công bố (Rm 10, 17; PV 7, 33, 56; QCSL 29).[10] Nhờ đó, cộng đoàn đang sum họp trong Thánh lễ được gặp gỡ Đức Giêsu Kitô một cách sống động trong Lời của Người và theo một cách thức mới mẻ – trong khi bẻ bánh nữa (x. Lc 24) cũng như mối hiệp thông giữa họ với Người và giữa họ với nhau được xây đắp (ĐHTT 71).

Lời Chúa kiến tạo sự hiệp thông được giải thích bởi một lý do chính yếu: nếu người nghe biết mở lòng ra đón nhận Lời, nhờ quyền năng Thánh Thần, cuộc đối thoại – gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô trong Lời sẽ ‘Kitô-hóa’ họ, nghĩa là cuộc đối thoại – gặp gỡ đó sẽ dẫn họ đến sự chết và phục sinh nào đó trong đời, chết cho cái mà thánh Phaolô gọi là ‘con người cũ’, để mặc lấy ‘con người mới’ là Đức Kitô (x. Ep 4,22-23). Ngày ngày được nghe Lời Chúa,  các tín hữu sẽ dần hiểu sâu hơn căn tính của mình sau Bí tích Rửa tội, đó là: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nếu Đức Kitô sống trong các tín hữu, lúc đó, mọi người sẽ là một: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). [11]

Lời được công bố trong phụng vụ, dù được viết bởi con người, vẫn không phải là lời người phàm mà là Lời Chúa vì được Thiên Chúa linh hứng (theopneustos).[12] Bởi thế, trước khi đi vào đọc chính bản văn Kinh Thánh, độc viên nên dẫn nhập bằng câu “Lời Chúa trong sách…” hơn là “Bài trích…”.

Lời Chúa không phải chỉ cung cấp cho người nghe những giáo huấn luân lý hay suy tư về đời sống thiêng liêng, nhưng luôn luôn là một mặc khải về Thiên Chúa, một truyền đạt hay diễn văn của Thiên Chúa nói với con người; Lời Chúa, theo thánh Phaolô là Lời đem lại ơn cứu rỗi, ân sủng và hòa giải; là Lời sống động nuôi dưỡng và làm phấn chấn đức tin của các tín hữu; là Lời hữu hiệu nhờ quyền năng Thánh Thần; là Lời diễn tả tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu không bao giờ không sinh công hiệu cho người biết lắng nghe và đem ra thi hành (BĐ 4). Chúa Thánh Thần sẽ giúp người nghe nhận ra và tin tưởng vào tình yêu mãi mãi trung tín của Thiên Chúa được kể lại trong Kinh Thánh, đồng cảm với những gì nghe được và đáp lại Lời Chúa một cách thiết thực bằng cách ra sức thực hiện Lời Chúa (Gc 1,22).[13] Đó là tự phó dâng chính mình trong bàn tay Thiên Chúa thông qua Phụng vụ Thánh Thể vì sự đáp trả của lòng tin chính là những đòi hỏi trong Thánh lễ được bộc lộ trong việc can đảm hiến dâng chính mình, ngay cả đến mức dám chết vì người khác: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy…”.[14]

Phụng vụ Lời Chúa không chỉ là phần chuẩn bị cho cử hành Phụng vụ Thánh Thể như nhiều người lầm tưởng và từng gọi đó là phần Tiền Thánh lễ cũng như coi Phụng vụ Lời Chúa chỉ là phần phụ thuộc, không mấy quan trọng, không thật cần thiết và có thể bỏ qua mà không lỗi luật dự lễ Chúa nhật hay lễ buộc. Tuy nhiên, hai phần có liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ túc cho nhau, đến nỗi thiếu một trong hai thì hiệu quả của chúng không được trọn đầy.[15] Theo Hiến chế Phụng vụ số 56: “Hai phần này được liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất”  bởi vì Lời Chúa và Thánh Thể là hai mặt của cùng một mầu nhiệm Đức Kitô. Ngài là Lời hằng sống, là mạc khải của Chúa Cha, là Đấng mà thánh Phêrô tuyên xưng rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,63-68) và Ngài cũng là Bánh từ trời xuống, Bánh ban sự sống, là lương thực cho Dân Chúa (Ga 6,32-58). Đó là lý do giải thích tại sao không thể cử hành Phụng vụ Thánh Thể mà không có phần Phụng vụ Lời Chúa.   

 Việc tung hô của độc viên: “Đó là Lời Chúa” (Verbum Domini) vào lúc kết thúc Bài đọc cũng như lời đáp lại của dân chúng: “Tạ ơn Chúa” (Deo gracias) hay:“Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” lần đầu tiên xuất hiện trong Sách lễ của Đức Phaolô VI (1970), bởi vì trước đó, trong một thời gian dài, không có sự đối đáp giữa người đọc và dân chúng như thế mà chỉ được thực hiện bởi một mình vị tư tế. Sự thay đổi này nhằm thúc đẩy dân chúng tham gia một cách “ý thức, tích cực và trọn vẹn vào trong cử hành phụng vụ” (PV 14). Tuy vậy, thực hành này không xa lạ gì với truyền thống Kitô giáo.

Cuộc đối đáp ngắn ngủi này có những ý nghĩa sau: 1] Loan báo và thừa nhận rằng Bài đọc đã đi đến kết thúc; 2] Xác tín rằng chính Thiên Chúa đang hiện diện và đang nói với người nghe trong Lời của Ngài vừa được công bố; 3] Diễn tả sự tiếp nhận Lời Chúa của tín hữu “trong đức tin và với lòng tri ân cảm tạ Thiên Chúa” vì lời cứu rỗi Ngài và vì sự giải thoát con người khỏi tội lỗi cũng như sự chết được thực hiện nhờ chiến thắng của Đức Giêsu Kitô (Rm 7,25; 1Cr 15,57; 2Cr 2,14); 4] Cụm từ “Deo gratias” (Tạ ơn Chúa) không chỉ hiểu là “cảm ơn” Thiên Chúa vì chúng ta là những người có phúc đã được nghe Lời Chúa (Mt 13,16; Kh 1,3), nhưng còn là dấu chỉ cộng đoàn nghe Bài đọc và tán thành Lời Chúa được công bố, tức là sự mạc khải trực tiếp đến từ Thiên Chúa.[16] Đó là những lý do khuyến khích cộng đoàn thỉnh thoảng nên ca hát lời đối đáp này.[17] 

Ở phần Phụng vụ Lời Chúa, những lúc nên giữ thinh lặng là sau Bài đọc I và Bài đọc II cũng như sau bài giảng. Mục đích là tạo thuận lợi cho việc suy gẫm và hồi tâm. Nhờ những giây phút thinh lặng ngắn như vậy, các tín hữu có cơ hội chuẩn bị tâm hồn, mở lòng mình ra để Chúa Thánh Thần trợ giúp và tác động, hầu họ có thể tiếp nhận Lời Chúa và lời đáp trả qua kinh nguyện một cách hiệu quả hơn (QCSL 56). 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss

(còn tiếp)  


[1] Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite” in Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 161.

[2] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 25.

[3] CCL 1:217, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 27.

[4] Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite” in Edward Foley (ed), 162. 

[5] Cabié, “Eucharist”, 2: 152, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 27.  

[6] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 34.

[7] Paul Turner, The Supper of the Lamb, 35.

[8] Theodor Klauser, A Short History of the Western Liturgy: An Acccount and Some ReflectionI (England:   Oxford University Press, 1979), Second Editon, 104,  trích lại trong Paul Turner, op. cit., 27.   

[9] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 57.

[10] Jean – Yves Garneau, sss, Discovering Eucharist – According to A Ritual Approach, 57-58. 

[11] ĐHTT 72.

[12]  2Tm 3,16; 1Tx 2,13; MK 11và 21; GLCG 106.

[13] Xc. ĐHTT 71.

[14] Xc. Erasto Fernandez,sss, the Eucharist – Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 32.

[15] Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 51.

[16] Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb, 27.

[17] Joseph DeGrocco, A Pastoral on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 40.