Nghi Thức Làm Phép Và Rảy Nước Thánh
(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)
8 – NGHI THỨC LÀM PHÉP VÀ RẢY NƯỚC THÁNH
I. VĂN KIỆN
…Vào ngày Chúa nhật, nhất là trong mùa Phục sinh, thay vì Nghi thức Thống hối thường lệ, thỉnh thoảng nên làm phép và rảy nước thánh để nhớ lại Bí tích Rửa tội” (QCSL 51).
II. LỊCH SỬ – Ý NGHĨA
Thói quen rảy nước thánh phổ biến trong từ thời tiền Trung cổ nhưng lại bắt nguồn từ đời sống đan tu thế kỷ VIII như một dấu chỉ của sự thánh hóa: đoàn rước đi qua hành lang tu viện và rẩy nước thánh các phòng của tu viện. Không lâu sau, nghi thức này được áp dụng trước các Thánh lễ chính tại Nhà thờ giáo xứ và dần dần mang đặc tính của Bí tích Rửa tội. Nó giúp tín hữu nhớ lại nước ban sự sống chảy ra từ giếng rửa tội.[1]
Nghi thức rảy nước thánh có tên là asperges me (xin thanh tẩy con) vì đây là từ đầu tiên của Điệp xướng được hát lúc bắt đầu và lấy từ Tv 51,9: “Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết”. Trong phụng vụ, từ “aspersion” thường chỉ việc rảy nước trên người hay trên vật để thanh tẩy.[2] Đang khi rảy, ngoài bài hát dựa vào Tv 51,9 nói trên, cộng đoàn có thể hát thay thế bằng những bài khác. Nếu ngoài mùa Phục sinh, có thể sử dụng các bài hát được sáng tác dựa trên bản văn Kinh Thánh Ed 36,25-26 và 1Pt 1,3-5; Nếu trong mùa Phục sinh, bài asperges được thay thế bằng Bài ca Vidi Aquam dựa trên Ed 47, 8-9; 1Pt 2,9; và Ga 19,34.
Nghi thức rảy nước thánh được đưa vào Thánh lễ Nghi thức Roma trong Sách lễ 1570. Chính xác hơn, nó được thêm ở phần Dẫn nhập vào phụng vụ vốn bao gồm: Điệp xướng (Tv 51,7); câu văn (Tv 51,1); Gloria Patri; và nhắc lại Điệp xướng. Trong Nghi thức Thánh lễ 1969, nghi thức rảy nước thánh được tùy chọn cử hành vào các Chúa nhật và hiện nay được đặt tại phần phụ lục của Sách lễ Roma 2002.[3]
Nghi thức rảy nước thánh là một sự nhắc nhớ sống động cho các tín hữu về Bí tích Rửa tội (một trong 3 Bí tích khai tâm) họ đã lãnh nhận, nhờ đó họ sẽ cùng chết, mai táng và phục sinh với Chúa Kitô, nghĩa là được thông dự vào cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết.[4] Vì thế, nghi thức này cũng đề cao “chức tư tế cộng đồng của tín hữu” (GH 10) và nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Bí tích Rửa tội và việc tham dự Thánh lễ của họ.[5]
Nghi thức rảy nước thánh, như được đề nghị trong QCSL 51, thỉnh thoảng nên được áp dụng vào Chúa nhật vì đó là ngày lễ Vượt qua hay ngày lễ Phục sinh trong đó các tín hữu cử hành việc Chúa Kitô đã sống lại khải hoàn, nguồn căn của mọi sự hòa giải.[6] Do đó, nó cũng trở thành một yếu tố trong việc khai mở Thánh lễ Chúa nhật vốn đã phổ biến từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội nhằm giúp cộng đoàn quy tụ và chuẩn bị họ lắng nghe Lời Chúa cũng như cử hành Thánh Thể.[7]
Từ thế kỷ VI, người ta đổ muối vào nước – có lẽ do bắt chước hành động của ông Êlisa (x. 2V 2,20-22) và cũng là lệnh truyền của Thiên Chúa trong sách Lêvi (2,13). Tin Mừng cũng nói đến việc Chúa Giêsu so sánh các môn đệ của Ngài với muối nhằm nêu cao vai trò của họ là ướp mặn cho đời (Mt 5,13.[8] Việc bỏ muối hòa vào nước là tùy ý, nó biểu tượng cho sự hiện diện sống động của Thánh Thần khôn ngoan.[9]
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss
(còn tiếp)
[1] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 15.
[2] Dom Robert Le Gall, Dictionaire de Liturgie, trans. Từ Điển Phụng Vụ (C.L.D, 1982), 220.
[3] John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite, 120.
[4] ĐHTT 63.
[5] Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts”, 142.
[6] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 15.
[7] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 117.
[8] Le Gall, La Mess au fil de Ses Rites, 33.
[9] Le Gall, “Muối” trong Tự Điển Phụng vụ (CDL ,1982)