ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦY – CA NHẬP LỄ

Ca Nhập Lễ

(Để Nhớ Đến Thầy tiếp theo)

4- CA NHẬP LỄ

A. VĂN KIỆN

Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát Ca Nhập lễ… (QCSL 47).

B. LỊCH SỬ

Ca hát luôn luôn làm cho phụng tự của người Kitô hữu trở nên sống động và xinh đẹp.[1] Bữa tối Cuối cùng đã kết thúc bằng việc Chúa Giêsu hát Thánh vịnh 113 – 118 cùng với các môn đệ của Ngài (x. Mt 26,30; Mc 14,26).[2] Vào thế kỷ II, ông Plinius Trẻ – Tổng trấn xứ Bithynien – đã trình lên hoàng đế Trajan (khoảng năm 111-113) về sinh hoạt của một số Kitô hữu mà ông ta đã cho bắt và hỏi cung. Plinius tường trình rằng: nhóm Kitô hữu này có thói quen tụ tập lại vào một ngày cố định, thường là trước khi mặt trời mọc (stato die ante lucem) để ca tụng Thiên Chúa của họ, một ông Chrestos nào đó, bằng cách hát luân phiên các Ca vịnh (Hymnus).[3]

Ca Nhập lễ được coi là đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ IV-V tại Roma khi những đại Thánh đường nguy nga to lớn được xây cất, đặc biệt là trong những Thánh lễ do Đức Thánh cha chủ tế, với sự tham dự đông đảo của các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.[4] Theo cuốn Liber pontificalis, Ca Nhập lễ hay kinh Nhập lễ được đưa vào trong Thánh lễ do quyết định của Đức Celestine I (+432). Ngài ban hành sắc lệnh để cho mọi người hát Ca Nhập lễ rút từ 150 Thánh vịnh của vua Đavit (được gọi là regularis) theo kiểu Điệp xướng trước khi cử hành Hy tế Thánh Thể, một điều chưa từng xảy ra trước đó vì từ xưa tới nay (thời của Đức Celestine I) người ta chỉ đọc thư của thánh Phaolô và Phúc Âm mà thôi. Sách Sacramentarium Gregorianum gọi bài ca này là Antiphona ad introitum trong khi Ordo Romanus VI (no 2) chỉ gọi tắt là introitus.[5] Honorius thành Autun (+1151) nói rằng Đức Grêgôriô Cả (+604) đã thêm Điệp xướng vào kinh Nhập lễ của Đức Celestine.[6]

Nếu cuộc kiệu diễn ra trong thinh lặng, trên một quãng đường dài, thì đâu còn gì là bầu khí tưng bừng của ngày lễ. Bấy giờ lại chưa có đại phong cầm, còn các nhạc khí khác thì bị cấm sử dụng, vì thế cần có những bài hát.

Vào thời hoàng đế Constantine, mục đích đầu tiên của bài Ca Nhập lễ là vinh danh vị Giám mục (Giáo hoàng) đang tiến vào Thánh đường cũng như người ta đã làm đối với các viên chức cao cấp trong chính quyền hay chính nhà vua. Bấy giờ, Đức Giáo hoàng nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ kinh thành Roma. Do đó, người ta muốn dành cho ngài các nghi lễ long trọng mà trước đây chỉ dành cho hoàng đế khi đến dâng lễ tại một trong các Nhà thờ ở Roma. Vào thế kỷ VII, khi Đức Giáo hoàng đến Nhà thờ sẽ cử hành Thánh lễ gọi là Nhà thờ “chặng”, dân chúng từ các nơi sẽ kéo về Nhà thờ chặng này, họ vừa đi vừa hát Thánh vịnh, lặp lại Điệp ca sau mỗi triệt của Thánh vịnh.[7] Điều này được mô tả trong một tài liệu hướng dẫn chữ đỏ có tên là Ordo Romanus I được John F. Romano coi là ra đời tại Roma trong thời Giáo hoàng Sergius I (687-701).[8]

Ngày xưa, Ca Nhập lễ đã được soạn thảo để hát theo lối luân phiên, đối đáp hoặc giữa ca đoàn và dân chúng hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng. Nó thường gồm một Tiền xướng (Điệp ca) và một Thánh vịnh. Tiền xướng được lặp đi lặp lại nhiều lần như một Điệp khúc sau mỗi triệt của Thánh vịnh như trong phụng vụ Chặng viếng. Nội dung của câu Tiền xướng lấy trong chính Thánh vịnh đang được hát, hoặc từ Thánh thư hay thậm chí từ những nguồn không phải Thánh Kinh.

Thời cải cách Carolingian, người ta biết và thực hành như trong Thánh lễ của Đức Grêgôriô Cả, khi chủ tế tới Bàn thờ, toàn thể cộng đồng sẽ hát kết thúc bằng câu ‘Sáng danh Đức Chúa Cha …’ (Gloria Patri) rồi lại lặp lại Điệp xướng (antiphona) để kết thúc.[9]

Tuy nhiên sau đó, từ thế kỷ IX trở đi, vì Ca Nhập lễ được sáng tác theo những giai điệu phức tạp hoa mỹ và rút ngắn lộ trình Rước Nhập lễ, cho nên số lượng những triệt Thánh vịnh phải hát Ca Nhập lễ giảm thiểu đáng kể. Hậu nhiên là Ca Nhập lễ chỉ còn: Tiền xướng, một triệt Thánh vịnh, Vinh tụng ca (Gloria Patri) và lặp lại Tiền xướng một lần nữa.[10]

Dần dần, một số Điệp xướng được dành cho những ngày quan trọng. Mỗi Chúa nhật hay Thánh lễ có khi được gọi tên bằng những chữ đầu của Kinh Nhập lễ. Chẳng hạn Chúa nhật Gaudete (tuần III mùa Vọng); Chúa nhật Laetare (tuần IV mùa Chay); Thánh lễ An táng là Requiem. Ở đây, cần phải nói rõ hơn về từ “Antiphon” được dịch ra Việt ngữ là Điệp ca, Điệp xướng hay Tiền xướng. Theo Ian Coleman, nó bắt đầu xuất hiện trong thế kỷ IV và được chuyển dịch không phải ra danh từ Hy Lạp – có nghĩa là một điều hay một thứ gì đó (antiphõnẽ) – nhưng ra phân từ tiếng Hy Lạp mang hình thức văn phạm giống trung, nghĩa là một hoạt động (antiphõnon), hoạt động đáp lại. Phụng vụ của thánh Gioan Kim Khẩu, Nhật ký những chuyến du lịch của Egeria và Luật của thánh Biển Đức đã làm chứng rằng những câu đáp ngắn được hát vào những dịp lễ đặc biệt bởi một ca đoàn nhằm đáp lại các triệt Thánh vịnh đã được hát bởi một lĩnh xướng viên. Câu đáp này thường được lấy từ một bản văn khác hơn là từ chính Thánh vịnh đó. Câu Điệp xướng được chọn sao cho phù hợp với ngày lễ hay mùa lễ và được biết dưới thuật ngữ là “Antiphon”.[11]

Theo cuốn Ordo of the Roman Curia (Lateran), vào thế kỷ XIII và kéo dài cho tới trước Công đồng Vatican II, linh mục đọc Kinh Nhập lễ sau những lời nguyện dưới chân Bàn thờ và trước kinh Kyrie.[12] Sau cuộc cải cách, Kinh Nhập lễ đã được phục hồi cho đúng mục đích nguyên thủy của nó (QCSL 48).

Ngày nay, Ca Nhập lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng, hoặc tất cả do dân chúng hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi (QCSL 48). Như vậy là có tới 4 cách để hát Ca Nhập lễ, nhưng vì giọng hát của cả cộng đồng mới là quan trọng nhất nên chỉ riêng ca đoàn hát Ca Nhập lễ phải coi là một chọn lựa sau cùng.[13]

Có thể dùng Điệp ca cùng với Thánh vịnh, ghi trong sách Graduale Romanum hay trong sách Graduale simplex; hoặc dùng bài hát nào khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ hay mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận.

Nếu không hát Ca Nhập lễ, thì giáo dân, hoặc một vài người giáo dân, hoặc một độc viên, đọc bài Ca Nhập lễ ghi trong Sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính vị tư tế đọc, và ngài có thể thích nghi nó theo cách lời khuyên nhủ khởi đầu (QCSL 48). Theo các bằng chứng từ thế kỷ VIII, vị linh mục sẽ đọc Kinh Nhập lễ nếu không có sự hiện diện của ca đoàn. Đến thế kỷ XIII, đây là một quy định của luật. Thực hành này là một phần của việc cá nhân hóa dần dần Thánh lễ và đạt tới cao điểm của nó trong cuốn Ordo Missae của Burckard (1501) khi nhấn mạnh rằng Thánh lễ cá nhân là một kiểu mẫu. Tuy nhiên, không như Nghi thức Thánh lễ năm 1051 và 1570, Ordo Missae 1969 đã xóa mờ hình thức này và thay vào đó là nhấn mạnh đến sự tham dự tích cực của cả cộng đồng.[14]

C. Ý NGHĨA

Ca Nhập lễ như vang vọng những bài ca đã từng được cất lên trong thời Cựu Ước cũng như tâm tình của những người Do Thái khi họ hân hoan tiến vào tiền đình Nhà Chúa, tới Bàn thờ của Chúa hay tiến tới nơi Thiên Chúa ngự trị:

Xin Ngài thương sai phái ánh sáng và chân lý của Ngài,để soi đường dẫn lối con đi về núi thánh, lên đền Ngài ngự.4 Con sẽ bước tới Bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. Con gảy đàn dâng câu cảm tạ, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ (Tv 43,3-4);

Lạy Thiên Chúa con thờ, là Vua của con, thiên hạ đã nhìn thấy đám rước Ngài, đám rước Ngài vào trong thánh điện. 26 Ca đoàn mở lối, ban nhạc theo sau, giữa là thanh nữ khua trống nhịp nhàng (Tv 68,25-26);

Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, 2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn (Tv 95,1-2);

Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo. 3 Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt. 4 Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người. 5 Bởi vì CHÚA nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín (Tv 100);

Mục đích của Ca Nhập lễ là mở đầu cho việc cử hành phụng vụ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất (quy tụ), hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ được cử hành và đi kèm với cuộc rước của các vị tư tế và người giúp lễ (QCSL 47, 121). Thật vậy, Ca Nhập lễ là bài hát đầu tiên của buổi lễ. Nhờ ca hát, cộng đồng biểu lộ sự quy tụ, hiệp nhất với nhau và trở nên sống động hơn để chào đón Chúa cũng như chào đón nhau vì Chúa chính là trọng tâm sự tôn thờ của cộng đồng các tín hữu, Thân Mình Đức Kitô.[15] Vì vậy, quy tụ luôn là chủ đề ưu tiên nhất của bài Ca Nhập lễ. Hơn nữa, cũng như bài hát trong phần Chuẩn bị Lễ vật và đang khi mọi người Hiệp lễ, Ca Nhập lễ có mục đích rất thực tiễn: đó là nội tâm hóa sự di chuyển thể lý, vì hành động đi rước, theo bản chất của nó, dễ làm người ta phân tâm cũng như mất đi sự sốt sắng. Ca hát sẽ giúp tiêu trừ, ngăn bớt sự rối lòng rối trí không cần thiết hầu làm cho dân chúng cầu nguyện tốt hơn cũng như chuẩn bị tâm tình và cả thân xác họ cho việc cử hành.[16] Vì vậy, James Hansen nhấn mạnh rằng mục tiêu của Ca Nhập lễ không phải là bài hát, nhưng là lời nguyện.[17] Đây cũng là sự tuyên xưng đức tin của cộng đồng đang bước vào buổi phụng tự. [18]

Ca Nhập lễ không phải là một bài hát cá nhân, mà được coi là là một hành động của cộng đoàn.[19] Vì thế nên chọn những bái hát dễ, quen thuộc, phù hợp với khả năng ca hát của cộng đoàn để hát cộng đồng và giúp mọi người “nên một” qua việc cùng nhau hát (PV 11).

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss

(còn tiếp)


[1] Xc. Lucien Deiss, The Mass (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 16.

[2] Ibid., 14.

[3] Trích lại trong Robert Cabié, History of the Mass (Porland, Oregon: Pastoral Press, 1992), 10.

[4] Trích lại trong Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn, ĐCV Thánh Giuse, 1997), 30.

[5] LP I: 230. Trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 3.

[6] PL 172:572. Trích lại trong Paul Turner, op. cit, loc.,cit.

[7] Nguyễn Thế Thủ, Phụng Vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 46.

[8] Xc. John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 117.

[9] Ordo Romanus I: 44,50,51.

[10] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 5.

[11] John D. Laurance (ed), The Sacrment of the Eucharist, 97-98.

[12] Raffa, Liturgia Eucaristica, 249. Trích lại trong John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, 119.

[13] Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts”, trong Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 1992), 136.

[14] Xc. Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts”, 138.

[15] Xc. Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 44.

[16] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 106.

[17] James Hansen, “Congregational Singing: Like Having a Baby?”, Pastoral Music, October/November 1983, 53.

[18] David Haas, Music and the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 15.

[19] Johannes H. Emminghaus, The Eucharist – Essence, Form, Celebration, 108.