Hội Thánh Công Giáo tin vào “sự hiện diện đích thực” của Chúa Ki tô nơi nhiệm tích Thánh Thể. Bánh và rượu linh mục dâng tiến không chỉ là một biểu tượng nhắc nhớ về Chúa Giê su và những gì Người đã làm cách đây hơn 2000 năm mà bánh và rượu đã thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Giê su Ki tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng nếu như quyền năng của Chúa Ki-tô – quyền năng dời núi chuyển non, làm cho La-za-rô chết sống lại và tạo thành trời đất – hiện diện trong phụng vụ, lẽ nào những người tham dự thánh lễ lại không cảm nhận được một chút biến đổi nào trong cuộc sống của mình?
Một cuộc điều tra đã chứng tỏ rằng đa số những người thỉnh thoảng tham dự thánh lễ có một lối sống và các giá trị y như những người chẳng bao giờ đi lễ. Từ đó, một số người kết luận rằng giáo huấn của Hội Thánh về sự hiện diện thực sự có thể là sai. Tuy nhiên, có hai khía cạnh trong giáo huấn của Hội Thánh về thánh lễ và chúng ta phải lưu ý đến cả hai để giải đáp vấn đề. Một mặt, Đức Ki tô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể. Người ở giữa chúng ta một cách đích thực như Người đã ở giữa đám đông dân chúng trong khi thi hành sứ vụ công khai. Mặt khác, kết quả có được trong đời sống từ cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Ki-tô sẽ tương ứng trực tiếp với đức tin và sự cởi mở nơi chúng ta. Điều này giải thích tại sao chỉ có rất ít người tỏ ra là họ được biến đổi do gặp gỡ Chúa Ki tô nơi nhiệm tích Thánh Thể.
ĐỨC TIN LÀM NÊN KHÁC BIỆT
Quả thực, việc Chúa Giê su hiện diện thể lý ngày nay nơi nhiệm tích Thánh Thể có tác động chẳng khác gì sự hiện diện của Người trong những ngày Người thi hành sứ vụ công khai. Hãy nghĩ tới đám đông đang chen chúc vào lúc Chúa Giê-su đi ngang qua, Người xoay quanh và nói : “Ai đã chạm đến Ta?”(Mc 5,24-34). Các tông đồ bối rối. “Thưa Thầy, Thầy muốn nói gì?” Thày đang chạm đến cả hàng trăm người cơ mà.” Nhưng Chúa Giê su có ý nói: “Ai đã vươn tới Ta và chạm đến Ta bằng đức tin?”. Thế rồi người phụ nữ bị băng huyết đã bước ra, phủ phục trước mặt Người. Rất đông người chen lấn đụng chạm đến Chúa Giê su về thể lý nhưng duy chỉ có người phụ nữ ấy được chữa lành. Không người nào khác nhận ra Chúa Giê-su là ai; họ chẳng trông đợi gì nơi Người và kết quả là họ chẳng được gì. Trái lại, đức tin của bà đã làm thành cầu nối cho phép quyền năng chữa trị của Chúa Ki tô tuôn chảy vào bà. Đức tin của bà đã làm nên tất cả sự khác biệt. Những người không đạt được gì từ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Ki tô cũng giống như trường hợp mảnh đất khắc nghiệt của vùng Texas vào mùa hè. Bắt đầu từ tháng 5, mặt trời không dứt tỏa sức nóng xuống vùng đất này. Đến khoảng giữa tháng 6, mặt đất bị nướng khô và trở nên cứng như đất sét nung. Kết quả là bất cứ khi nào xảy ra cơn mưa rào mùa hè thì lập tức dẫn đến ngập lụt. Nước không thể ngấm vào trong lòng đất và chẳng ích lợi gì cho những cây cối đang khát nước bởi vì đất đã không được chuẩn bị. Nước cho cây cối sự sống như thế thành ra vô ích. Đối với nhiều người đi lễ cũng vậy. Quyền năng của ân sủng biến đổi đời sống luôn có đó, nhưng không thể thâm nhập vào chúng ta. Do chúng ta chưa sẵn sàng. Do đầu óc chúng ta chai đá và vẫn chưa vữa ra nhờ cầu nguyện, đức tin và ăn chay.
Để hưởng được nhiều ơn ích hơn từ thánh lễ, đây là một vài đề nghị :
CHUẨN BỊ KỸ CÀNG HƠN
CHUẨN BỊ BẰNG ĂN CHAY.
Hội Thánh có kỷ luật về chay Thánh Thể. Trong đó, các tín hữu kiêng dùng mọi thức ăn thức uống trước khi rước lễ một giờ, chỉ trừ nước lã. Đòi hỏi tối thiểu này nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể. Chắc chắn rằng, chúng ta có thể tự do làm nhiều hơn thế. Chẳng hạn, chúng ta có thể “chay tịnh” khỏi ồn ào và khỏi những chia trí do các phương tiện truyền thông gây ra. Nhờ đó, tâm trí chúng ta sẽ thảnh thơi hơn trước những tiếng ầm ỹ và bừa bộn. Chúng ta cũng khỏi phải chiến đấu vất vả để có thể tập trung vào Chúa khi bước vào thánh lễ.
SUY GẪM CÁC BÀI ĐỌC.
Chúng ta có thể chuẩn bị thánh lễ bằng việc đọc kỹ các bài đọc trước lễ. Điều này giúp chúng ta hiểu chúng trước khi được nghe đọc lớn tiếng trong phụng vụ.
CẦU NGUYỆN TRƯỚC.
Hội Thánh luôn luôn khuyên nhủ chúng ta chuẩn bị tham dự thánh lễ bằng cầu nguyện. Một đề nghị thực tiễn là chúng ta nên đến nhà thờ sớm hơn một chút. Sớm trước ít phút giúp chúng ta có thời gian để tĩnh tâm, trầm lắng cầu nguyện và chú tâm hết sức vào thánh lễ. Chúng ta ý thức “làm một hành vi đức tin” vào sự hiện diện đích thực của Chúa Ki tô trong những khía cạnh khác nhau của phụng vụ. Nếu không cầu nguyện tự phát, chúng ta có thể nói với Chúa : Lạy Chúa Giê su, con thực sự tin rằng những người ở chung quanh đây là anh chị em của Chúa và vì thế cũng là anh chị em của con. Trong Chúa, chúng con là một nhiệm thể. Con xin tôn vinh Chúa ở đây. Lạy Chúa Giê su, con tin vị chủ tế hôm nay sẽ thực sự hành động nhân danh Chúa và ngài sẽ thi hành chức tư tế của Chúa. Xin Chúa chúc lành và xức dầu cho bài giảng của ngài hôm nay. Xin trợ giúp ngài tham dự một cách trọn vẹn thánh lễ này. Lạy Chúa, con tin Chúa sẽ hiện diện trong Lời Chúa. Xin mở tai con để lắng nghe Chúa. Con không muốn suy nghĩ viển vông về những gì con sẽ phải làm hay những gì con còn chưa làm được. Xin giúp con có thể tập trung được để lắng nghe và đáp lại Chúa. Cuối cùng, lạy Chúa, xin trợ giúp con chào đón Chúa ngự vào lòng con khi con tiếp nhận Mình và Máu Chúa và được biến đổi nhờ sự hiện diện của Chúa.”
Làm một “hành vi đức tin” như thế là một cách thao luyện bắp thịt đức tin của chúng ta. Nó cũng giống như việc tập thể dục vậy. Cơ bắp của chúng ta thực sự chẳng thể săn chắc trừ phi được tập luyện.
ĂN MẶC CHỈNH TỀ XỨNG ĐÁNG.
Chúng ta chỉ cần suy nghĩ rằng mình sẽ đi thăm Chúa Ki-tô và đó là biến cố quan trọng nhất trong tuần lễ của tôi, vậy tôi phải ăn vận thế nào?
CÒN NHIỀU ĐIỀU KHÁC NỮA
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bỗng dưng bạn nhảy khỏi bữa tiệc thịnh soạn, đi ra ngoài rồi tham gia chạy marathon? Chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa và những điều tồi tệ hơn nữa! Chẳng lẽ chúng ta lại không cho chính mình một cơ hội để tiêu hóa những gì đã lãnh nhận trong thánh lễ sao, sau khi rời khỏi Bàn Tiệc Của Chúa. Thánh lễ là một bữa tiệc thịnh soạn, một Lễ Hội Đức Tin. Chúng ta cần có thời gian để tiêu hóa và dần dần hưởng ơn ích từ đó. Bởi vì thánh lễ quá bổ dưỡng cho chúng ta hấp thụ tất cả ngay lập tức, cho nên Hội Thánh khuyến khích chúng ta dành thời gian cầu nguyện trước thánh lễ. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ ra rằng “Kinh nguyện tiếp nhận phụng vụ và đồng hóa với phụng vụ trong khi và sau khi được cử hành”(#2655).
Nơi tốt nhất để cầu nguyện là chính nhà thờ chúng ta sẽ tham dự thánh lễ. Khi có thể, hãy ở lại thêm một chút với Chúa Ki-tô sau khi kết lễ để cảm tạ Người. Đây là lời khuyên của Hội Thánh và chúng ta đọc thấy trong tài liệu chính thức có tên “Về việc Rước Lễ và Phụng Thờ Mầu Nhiệm Thánh Thể ngoài Thánh Lễ” rằng: “Để tiếp tục việc cảm tạ trong thánh lễ được dâng lên Thiên Chúa một cách chắc chắn hơn, theo một cách thức trổi vượt, những ai đã được dưỡng nuôi bởi hiệp lễ được khuyến khích nên lưu lại để cầu nguyện”(25). Thời gian chúng ta dành cho những thành viên khác của nhà thờ cũng thật quan trọng. Vì tất cả chúng ta là những chi thể của nhiệm thể Chúa Ki tô. Chúng ta nên biết nhau và vui thú gặp gỡ thân tình với nhau trước hay sau thánh lễ chúa nhật. Tuy nhiên, điều này không thể so sánh với việc dành ít phút cầu nguyện riêng với Chúa sau giờ phụng vụ . Sẽ rất hữu ích nếu toàn bộ giáo xứ cam kết với nhau giữ thing lặng sau lễ. Tình bằng hữu cộng đoàn có thể bắt đầu bên ngoài cung thánh – nơi tiền sảnh, cửa nhà thờ, hội trường giáo xứ hay bãi đậu xe. Một số nơi có thói quen rất tốt là lúc kết lễ, họ tắt bớt một số đèn và để ánh sáng trong nhà thờ tối hơn. Ai cần rời khỏi nhà thờ thì rời, còn hầu hết mọi người quỳ xuống cầu nguyện ít phút, sau đó họ ra ngoài để dùng cà phê, chia sẻ, đùa vui với nhau. Nếu sau lễ, nhà thờ được sử dụng để cử hành thánh lễ tiếp theo, việc cầu nguyện cảm tạ Chúa có thể thực hiện sau đó tại một nơi khác hoặc tại gia đình chúng ta.
ƠN ÍCH TÙY THUỘC VÀO CHÚNG TA
“Tôi chẳng được gì từ thánh lễ cả”. Lần tới, khi nghe ai nói câu này hay chính chúng ta suy nghĩ như thế – hãy nhớ những gì Hội Thánh dạy về sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô nơi nhiệm tích Thánh Thể. Tin tốt lành cho chúng ta là đích thực Người vẫn ở đó cho dù linh mục, nhà thờ, âm nhạc và phụng vụ thế nào đi nữa. Không gì và không ai có thể ngăn chúng ta khỏi ở lại trước sự hiện diện của Chúa Ki-tô để đón nhận Người và dâng hiến chính mình cho Người. Còn tin dữ cho chúng ta là nếu không hưởng được ơn ích gì từ thánh lễ, chúng ta nên trách kỷ, chứ đừng trách nhân.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss chuyển ngữ
[ nguồn “Getting More out of the Mass” của Dr. Marcellino D’Ambrosio]