Dấu Thánh Giá

Dấu thánh giá[1]

Khi bắt đầu cử hành Thánh lễ, chúng con làm dấu thánh giá đang khi vị chủ tế cất tiếng đọc “Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn thường tự hỏi tại sao chúng con lại phối hợp dấu thánh giá với danh Ba Ngôi chí thánh. Chúng con tin rằng chính bởi vì mọi kinh nguyện của Kitô hữu đều gợi lại hy tế trên thập giá. Chúng con kết hợp cả hai để nhắc nhớ mình rằng Chúa đã quy tụ chúng con để cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi bữa tiệc thánh trong sự tưởng niệm Chúa chịu nạn và chịu chết trên thánh giá.

Dấu thánh giá là một phương tiện nhờ đó chúng con thừa nhận sự hiện diện của thánh giá Chúa trong cuộc đời chúng con. Chúng con quan sát thấy dân chúng làm dấu thánh giá trong những hoàn cảnh khác nhau: lúc vui cũng như khi nghe tin buồn; lúc gặp hiểm nguy do sự xúc phạm bằng bạo lực từ con người hay do tai họa từ thiên nhiên; khi khởi sự cầu nguyện hay bắt tay vào công việc gì. Lạy Chúa, thánh giá Chúa là biểu tượng cho quyền năng Chúa và nhắc nhớ chúng con nhiều điều. Thật an ủi và bảo đảm cho chúng con được sống dưới bóng che chở của thánh giá Chúa.

Khi chúng con làm dấu thánh giá, chúng con kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi. Chính do ý muốn và quyền bính của Chúa Cha và với uy lực của Chúa Thánh Thần mà Chúa, lạy Chúa Giêsu, đã vác thập giá lên đồi Canvê. Khi Chúa từ bỏ mạng sống mình “bằng tiếng kêu la và giọt lệ khẩn nài”, sự xấu xa của tội lỗi nhân loại hiện ra càng ghê ghớm nhưng rồi lòng trắc ẩn đầy yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi đã được tỏ hiện. Lạy Chúa, chính trên thánh giá, Chúa đã đã quay về với cung lòng của Chúa Cha và dạy chúng con biết rằng nhờ chịu đóng đinh vào thánh giá mà chúng con được kéo lên với Chúa. Thật là một tư tưởng lạ lùng: bị đóng đinh song được nâng lên cao! Cũng chính trên thánh giá mà Chúa đã ban Thánh Thần cho chúng con – Đấng đã đồng hành với Chúa từ nhập thể cho đến khi bị đóng đinh trên thánh giá. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn bám chặt không rời khỏi Chúa Thánh Thần khi chúng con phải đương đầu vượt qua sóng gió cuộc đời này.

Chúa Thánh Thần và thập giá của Chúa: đó là một mầu nhiệm cao cả, lạy Chúa Giêsu, nhưng nhờ ân sủng, chúng con có thể hiểu được lờ mờ mầu nhiệm ấy trong bí tích thánh tẩy. Trên hết, khi chịu phép thanh tẩy, chính với dấu thánh giá ghi trên trán chúng con mà nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa Cha đã đón nhận chúng con làm con cái của Người. Nhờ thánh giá Chúa, Chúa Thánh Thần được ban cho chúng con; bởi thánh giá Chúa mà Chúa Cha nhận chúng con làm nghĩa tử. Ước gì bí tích rửa tội chúng con lãnh nhận luôn giữ mãi trong lòng trí chúng con sự hiện diện của Chúa Thánh Linh và quyền năng của thánh giá.

Thánh Ambrosio, một vị giám mục vĩ đại đã phát biểu một điều khiến trí tưởng tượng của chúng con bị đánh động. Ngài nói rằng, Chúa Thánh Thần và thánh giá nằm ngay trong nước rửa tội. Điều này đã làm chúng con ngất ngây đến nỗi đã họa ra trong trí về cuộc đời mình, cuộc đời đã được nhận chìm trong dòng nước thanh tẩy, chính nơi dòng nước này mà chúng con, khi bám lấy thập giá Chúa, đã được hòa hợp với Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Một văn sĩ trước thánh Ambrosio là Tertuliano đã gọi Chúa là “cá” và so sánh các Kitô hữu là “những con cá nhỏ”. Lạy Chúa, xin hãy để cho dòng nước thánh tẩy thường xuyên tồn tại trong chúng con. Xin luôn luôn nhắc nhớ chúng con rằng bên ngoài dòng nước này, chúng con sẽ chẳng thể nào hít thở được thần khí sự sống của Chúa Thánh Linh; không có dòng nước rửa tội này, chúng con sẽ không thể thấu hiểu được thập giá. Cuộc sống sẽ là gì nếu không thông hiệp với Chúa Ba Ngôi? Đời sống chúng con sẽ bấp bênh chao đảo thế nào nếu không có đồn lũy của thập giá chở che?


[1] PHẠM ĐÌNH ÁI, Để tham dự Thánh lễ sốt sắng hơn, Học viện Dòng Thánh Thể, lưu hành nội bộ, 2016, được lược dịch theo nguyên tác: ANSCAR J. CHUPUNGCO, Meditations on The Mass, Claretian Publications, Quezon city, Philippines, 2010.