CON NGƯỜI ĐƯỢC THẦN HÓA NHỜ VÀ QUA THÁNH THỂ

Dẫn nhập

Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài (x. Ep 1, 9); nhờ mầu nhiệm đó, loài người có thể đến cùng Thiên Chúa, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). Vậy qua việc mạc khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17), do tình thương chan hòa của Ngài, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và liên lạc với họ (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15; Br 3,38), để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài bằng nhiều cách khác nhau.[1]

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nơi mầu nhiệm Giêsu Kitô, đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể, là đỉnh cao mà Giêsu Kitô kiến thiết và thánh hóa con người như một cuộc sáng tạo mới như thế nào?

1. Thiên Chúa – Nhà Kiến Thiết Tài Ba

Thiên Chúa thực sự là một Nhà Kiến Thiết Tài Ba, bởi khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Người đã dự liệu tất cả. Ngay khi nguyên tổ con người phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa làm cho tội thâm nhập vào thế gian. Từ đó, tội làm cho con người xa cách Thiên Chúa, mất sự hòa hợp với nhau và mất sự hòa hợp với các tạo vật khác nữa. Con người phải sống trong đau khổ và phải chết. (x. St 3) Nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ con người trong tình trạng tội lỗi mà Ngài đã sai chính Con Một của Ngài đến để cứu chuộc con người. Chính Thiên Chúa đã chủ động và thực hiện kế hoạch yêu thương để giải thoát con người khỏi tình trạng tội lỗi.(x. Rm 10,20)

 Chúng ta dễ nhận thấy, ân sủng của Chúa luôn luôn đi bước trước để giúp con người tội lỗi được nên công chính hóa: Chúa đến để cho ta được sống và sống dồi dào. (x.Ga 10,10) Quả thực, một nhà kiến thiết tài ba sẽ biến những thứ lỗi thời hay coi là đổ bỏ đi thành những kiệt tác, Thiên Chúa đã đón lấy tất cả tạo thành, đặc biệt là con người và rồi thánh hóa nó (x. 2Cr 5,21). Trước một nhân loại tội lỗi, thay vì nổi cơn thịnh nộ, Thiên Chúa lại biểu lộ sự công chính của Ngài để làm cho con người tội lỗi được trở nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Đây là một hồng ân cao cả và vĩ đại mà Thiên Chúa ban cho con người, được thực hiện nơi cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô.[2]

Hơn thế nữa, Nhà Kiến Thiết là Thiên Chúa còn sáng tạo một tác phẩm tuyệt diệu mang tên Thánh Thể để tiếp tục công trình cứu độ con người cách trọn hảo nhất: Cho con người đi vào trong chính sự sống thần linh của Thiên Chúa (x. 2Pr 1,4). Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” ( Ga 6,56) Chính công trình đó làm nên cuộc kết hiệp, đồng hình đồng dạng với tác giả là chính Thiên Chúa. Quả thật, nhờ “lòng rộng rãi” của Thiên Chúa dành cho con người qua thần lực của Đức Kitô, ban tặng con người được sống và sống dồi dào như Thiên Chúa như đã hứa (x. Ga 10,10; 1Pr 2,24; 2Pr 3,4.9). Cũng bởi, Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đã nhận lấy trọn vẹn bản tính nhân loại và trở nên con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15; Ga 1,14), để rồi qua bản tính ấy, Ngôi Lời trở nên Đấng Trung Gian bắc chiếc cầu nối xa vời vợi giữa trời và đất, nối kết giữa Thiên Chúa và con người, gắn chặt một thân phận tạo vật bất toàn với sự siêu việt và vĩnh hằng của Thiên Chúa.[3]

Đến đây, chúng ta cùng xem Nhà Kiến Thiết Tài Ba dùng bí tích Thánh Thể như là “công cụ”, “cầu nối”, để con người bước dần đến Thiên Chúa, để con người không chỉ là hình ảnh của Thiên Chúa nữa mà dần dần trở nên giống như Thiên Chúa qua và trong Giêsu Thánh Thể.

2. Bí Tích Thánh Thể đỉnh cao của sự thần hóa

Trước nhất, bí tích Rửa tội là cửa ngõ để Thiên Chúa thánh hóa con người tội lỗi nhưng đặc biệt hơn, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Thịt Máu Chúa Kitô trở nên “thịt máu” của ta và ta được thông phần bản tính của Ngài. Thánh Thể gắn kết và biến đổi những ai kết hợp nên hình dạng của Đức Kitô (x. Rm 8,29; Gl 4,19; 2Cr 3,18; Pl 3,10), mặc lấy Đức Kitô (x. Gl 3,27), thông phần vào cái chết với Người để cũng được thông dự vào sự phục sinh của Người. Khi lãnh nhận Thánh Thể chúng ta được trở nên những thụ tạo mới: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới; cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cr 5,17) Giáo Phụ Athanasius đã diễn tả công hiệu của Thánh Thể như là cuộc “thần hóa” hoặc “thiên hóa”. Chúng ta được thần hóa không phải là do thông phần vào thân thể của một người nào, nhưng chỉ vì chúng ta lãnh nhận thân xác, yếu tính của chính Ngôi Lời là Thiên Chúa thật.[4]

Bên cạnh đó, khi nói về hiệu quả của bí tích Thánh Thể, thánh Tôma Aquinô nói đến ơn thánh hóa đặc biệt của bí tích này: Đức Kitô mang đến đời sống ân sủng (x. Ga 1,17), Thánh Thể kết hiệp nhiều người trở nên một, ai lãnh nhận Thánh Thể thì hưởng sự sống đời đời nhờ chính Đức Kitô là suối nguồn bất diệt.[5]

Quả thật, khi tham dự tiệc Thánh Thể, Chúa ban “Mình Người” cho con người và trở nên của riêng mỗi người chúng ta, hoàn toàn thuộc về chúng ta, trong Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính Người. Nhờ Hiệp lễ, Chúa Giêsu ngự vào trong trái tim chúng ta và ở lại hiện diện trong chúng ta, Chúa chiếm đoạt chúng ta và chúng ta chiếm đoạt Chúa (x. Ga 6,57), điều đó khiến toàn thể Giáo Hội vui mừng: Giáo Hội trên trời, trong Luyện ngục và trên trần gian. Một dòng suối mới của tình yêu xâm nhập thiên đàng và một niềm hoan lạc mới đến với các thần thánh mỗi khi một thụ tạo kết hợp sốt sáng với Chúa Giêsu để Chiếm đoạt Chúa và Chúa chiếm đoạt họ.[6]

Sự biến đổi con người chúng ta nhờ bí tích Thánh Thể là điều Giáo Hội hằng tin tưởng, và Công Đồng Vaticanô II đã nói vắn tắt như sau: “Việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Đấng mà chúng ta lãnh nhận.”[7] Quả thật, khi ăn uống Thịt Máu Chúa không những được “Sự Sống” của Thiên Chúa nơi mình, mà còn xảy ra một sự biến đổi. Thông thường, sau khi ăn đồ ăn thức uống trần gian, cơ thể ta tiêu hóa chúng và biến chúng thành thịt máu ta, bồi dưỡng thân thể ta. Còn khi rước Thịt Máu thần thiêng của Chúa, ta không biến thành thịt máu ta, nhưng ngược lại, chính Chúa tác động biến đổi ta nên giống Người, có sự sống của Người, có sức mạnh của người.[8] Như thế, ơn gọi của chúng ta là được thông dự vào sự sống thần linh của Đức Kitô, được trở nên thần thiêng giống Thiên Chúa (2Pr 1,4).[9] Tuy nhiên, sự thần hóa này là cả một hành trình dài vì thực chất con người vốn là những kẻ đã chết vì những sa ngã và tội lỗi (x. Ep 2,1; Cl 2,13), song vì ý định nhiệm mầu mà Thiên Chúa – Nhà Kiến Thiết Tài Ba, đã dùng đến chính Mình Máu Thánh của Người đảm nhiệm việc biến đổi tiệm tiến này.[10]

Kết luận

Tóm lại, nơi Giêsu Kitô, Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi đã cho đi hết, yêu đến nỗi đi vào trong chúng ta, yêu đến nỗi nên một với chúng ta, yêu đến nỗi chia sẻ chính yếu tính của Người, điều đó được thánh Athanasius cảm nhận và xác tín: “Bởi Người đã đích thân làm người để chúng ta được thành Thiên Chúa.”[11] Thật thế, tình yêu Thiên Chúa thật quá đặc biệt, Thiên Chúa không còn xa cách con người nữa, nhưng chính Người là chủ thể của sự thần hóa con người. Sự thần hóa đó làm cho hữu thể con người được thông dự và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, làm cho phẩm giá con người được nâng cao nhất trong loài thụ tạo, được đi vào trong chính “sự sống thần linh bất diệt” của Thiên Chúa, được trở nên những vị thiên chúa trong và qua chính Đức Giêsu Kitô, nhưng cũng đòi hỏi sự đáp trả của con người bằng chính lối sống tách biệt so với thế gian. (x. 1Ga 3,2; Ga 1,9; 1Ga 2,14) Đặc biệt, nơi Bí tích Thánh Thể, nhờ quyền năng Thánh Thần mà Thiên Chúa thần hóa vật chất nhỏ bé nhất là “bánh và rượu” trở nên Mình và Máu Chúa, với mục đích rất rõ ràng: Không những ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, mà còn luôn mời gọi tất cả con người không loại trừ ai tháp nhập, thông phần vào sự sống bất diệt và thần linh của Thiên Chúa qua “Hiệp lễ”. Tắt một lời, nhờ đón rước Thánh Thể mà con người đi vào trong Thiên Chúa và Thiên Chúa đi vào con người, con người và Thiên Chúa nên một. Đó chính là đỉnh cao của sự thần hóa nơi Thánh Thể.

Giuse. Nguyễn Đức Huy

SÁCH THAM KHẢO

  1. Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Phân Khoa Thần Học, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X chuyển dịch (Đà Lạt, 1972).
  2. Karl-Heinz Ohlig, Kitô Học Qua Các Tác Giả,(1991).
  3. Vũ Chí Hỷ, Thần Học Bí Tích Thánh Thể, (Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, 2015).
  4. Manelli, Chúa Giêsu Tình Yêu Thánh Thể Của Chúng Ta, (NXB: Phương Đông, 2015)
  5. Hoàng Minh Tuấn, Mạc Khải Về Thánh Thể, (NXB: Tôn Giáo, Hà Nội, 2013).
  6. Phạm Xuân Uyển, Công Vụ, Các Thư Do Thái & Công Giáo, Khải Huyền (NXB: Đồng Nai, 2015).
  7. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh Tập 8, (Học Viện Đa Minh, 2009).

[1] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của Thiên Chúa, Phân Khoa Thần Học, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X chuyển dịch (Đà Lạt, 1972), #2.
[2] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh Tập 8, (Học Viện Đa Minh, 2009), 424.
[3] Phạm Xuân Uyển, Công Vụ, Các Thư Do Thái & Công Giáo, Khải Huyền (NXB: Đồng Nai, 2015), 424.
[4] Vũ Chí Hỷ, Thần Học Bí Tích Thánh Thể, (Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, 2015), 159.
[5] Vũ Chí Hỷ, Thần Học Bí Tích Thánh Thể, 177.
[6] M. Manelli, Chúa Giêsu Tình Yêu Thánh Thể Của Chúng Ta, (NXB: Phương Đông, 2015), 50-52.
[7] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, #26.
[8] Hoàng Minh Tuấn, Mạc Khải Về Thánh Thể, (NXB. Tôn Giáo, Hà Nội: 2013), 300.
[9] Phạm Đình Ái, Cao Cả Thay Mầu Nhiệm Cứu Độ, (NXB: Phương Đông, 2014), 90.
[10] Hoàng Minh Tuấn, Mạc Khải Về Thánh Thể, 304.
[11] Karl-Heinz Ohlig, Kitô Học Qua Các Tác Giả,(1991), 219.