CHẦU THÁNH THỂ SAU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Nhập đề

Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ là một đề tài lớn, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong giới hạn của bài viết này, chỉ xin trình bày đôi nét về việc tôn thờ nhiệm tích tình yêu ngoài Thánh Lễ sau công đồng Vaticanô II, những khó khăn mà giáo dân gặp phải, cùng với những ơn toàn xá Hội Thánh ban cho những ai đến với Chúa Giê-su Thánh Thể.

  1. Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ theo hướng công đồng vaticanô II

Bí tích Thánh Thể chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, tức là chính Chúa Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn vẹn đời sống Ki-tô giáo.[1] Chính vì thế, người tín hữu biểu lộ lòng tôn kính đối với Bí tích Thánh Thể không chỉ trong Thánh Lễ mà còn kéo dài qua các hình thức tôn thờ thánh thể.[2] Hội Thánh và thế giới ngày nay đang rất cần việc tôn thờ Thánh Thể. Do vậy, lòng tôn sùng Thánh Thể phải biểu lộ một cách cụ thể và dưới nhiều hình thức như: viếng Thánh Thể, hay khi đem Mình Chúa cho các bệnh nhân, cầu nguyện riêng tư trước Thánh Thể, những giờ tôn thờ, chầu Thánh Thể cách ngắn ngủi, lâu giờ hay hằng năm, chầu Phép lành, kiệu Thánh Thể, các Đại hội Thánh Thể.[3]

Do đó, Bênêđíctô XVI tha thiết kêu gọi Dân Chúa hãy thực hành Chầu Thánh Thể, vừa chầu riêng vừa chầu chung trong cộng đoàn. Mối liên hệ cá nhân mà từng tín hữu có được với Chúa Giê-su hiện diện trong Thánh Thể hướng họ ra khỏi chính mình để đạt đến sự hiệp thông toàn vẹn của Giáo Hội.[4]

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI xin các chủ chăn đừng tiếc lời và cố gắng để cổ động việc tôn sùng Bí tích Thánh thể, vì tất cả mọi hình thức đạo đức khác đều phải qui hướng về lòng sùng kính này. Ước gì dưới sự thúc đẩy của các chủ chăn, các tín hữu hiểu thấu và cảm nhận được lời của thánh Augustinô là để được có dồi dào sự sống, được trở nên một phần tử lành mạnh, hãy đến cùng Đức Giê-su Thánh Thể với lòng tin yêu.[5]

Mọi hoạt động của Giáo Hội phải được khởi đi từ Thánh Thể và quy hướng về Thánh Thể. Có nghĩa là Mọi dấn thân vào sự thánh thiện, mọi hoạt động nhằm hoàn thành sứ mạng của Giáo Hội, mọi nỗ lực thực hiện các chương trình mục vụ, phải múc lấy nơi mầu nhiệm Thánh Thể, sức mạnh cần thiết và phải hướng về đó như chóp đỉnh. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có Chúa Giê-su, chúng ta có hy tế cứu chuộc của Ngài, chúng ta có sự phục sinh của Ngài, chúng ta có hồng ân Thánh Thần, chúng ta có việc tôn thờ, sự vâng phục và tình yêu đối với Chúa Cha trên trời.[6]

  1. Những trở ngại Ki-tô hữu gặp phải khi đến với Chúa Giê-su Thánh Thể ngày hôm nay

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắn nhủ các chủ chăn đừng tiếc lời và cố gắng để cổ động việc tôn sùng Bí tích Thánh thể. Thế nhưng, ở Việt Nam, nhiều nhà thờ ngoài giờ Thánh Lễ là đóng cửa từ sáng đến tối, giáo dân nếu muốn viếng Thánh Thể, hay ngồi lại bên Thánh thể là chuyện không thể. Đồng thời, nhiều giáo xứ chưa có nhà Chầu Thánh thể để tiện cho giáo dân đến với Thánh Thể. Đây là điểm yếu ai cũng biết, mà chẳng ai giám nói ra hay góp ý cho cha sở, để cho giáo dân có cơ hội đến với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Về phía giáo dân, xem ra, giáo dân không mặn mà mấy đối với việc Chầu Thánh Thể hoặc viếng Chúa. Nhiều người còn cho rằng việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ chỉ là việc của những người rảnh rỗi của các ông già bà lão, các tu sĩ nam nữ mà thôi. Vậy, nguyên do bởi đâu?

Nguyên do thứ nhất có lẽ là giáo dân chưa hiểu đủ, hiểu đúng lợi ích của việc tôn thờ Thánh Thể mang lại. Họ cứ chạy đi chỗ này chỗ nọ để xin ơn nọ ơn kia, trong khi đó Thánh Thể là chính Chúa nguồn cội của các ơn lành chon nhân loại thì họ lại không để ý đến.

Nguyên do thứ hai có lẽ là do ảnh hưởng của công nghiệp hóa hiện đại hóa. Vào thời đại mà tiện nghi đã trở thành thần, con người dường nhu bị nô lệ quá đáng do tiện nghi vật chất mang lại. Con người không đủ thời gian để nhìn lại mình, không dành được đôi chút thời gian rãnh để đến với Chúa Thánh Thể, vì sức hút của vật chất quá lớn.[7]

Vì lẽ đó, cỗ võ việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ không chỉ là nhiệm vụ của các chủ chăn mà còn là nhiệm vụ của tu sĩ Thánh Thể, tu sĩ Thánh Thể cần phải thắp lên ngọn lửa say yêu Thánh Thể trong lòng giáo dân, có lẽ đây là nhiệm vụ và sứ mạng rao truyền Thánh Thể, là đặc sủng mà mỗi tu sĩ cần phải thao thức để không những tự đào luyện mình mà còn hướng người khác đến tôn sùng và kính yêu Nhiệm Tích Tình Yêu.

Giáo Hội cũng đã liệu trước được nhiều khuynh hướng có thể xảy ra làm giảm đi lòng yêu mến Thánh Thể, nên đã khuyên: Khuynh hướng tục hoá mọi sự trong thế giới hôm nay làm cho chúng ta dễ dàng đánh mất cảm thức về sự thiêng thánh. Chúng ta chiêm ngắm và thờ phượng Chúa Ki-tô trước hết trong Thánh Lễ. Việc chiêm ngắm và thờ phượng Chúa ngoài Thánh Lễ có mục đích kéo dài sự gặp gỡ, sự kết hợp giữa chúng ta với Chúa, giúp chúng ta đào sâu đời sống chiêm niệm cá nhân và cộng đồng. Chúng ta có thể dùng những bản kinh đậm chất kinh thánh, những kinh nghiệm thiêng liêng của các nhà thần bí và dùng cả tràng hạt mân côi, để cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm Chúa.[8]

  1. Những ơn toàn xá giáo hội ban khi đến với Chúa Giê-su Thánh Thể

“Ân xá là tha những hình phạt tạm do tội gây nên, dù tội đã được tha. Muốn hưởng nhờ ân xá, người Ki-tô hữu phải hội đủ điều kiện và thi hành những điều Hội Thánh qui định. Với tư cách là trung gian phân phát ơn cứu chuộc, Hội Thánh dùng quyền để ban phát và áp dụng kho tàng công phúc của Đức Ki-tô và các thánh”.[9] Giáo Hội rất rộng rãi ban ân xá cho những tín hữu đến với Chúa Giê-su Thánh Thể dưới nhiều hình thức:

Chầu Mình Thánh Chúa ít nhất nửa giờ sẽ lãnh được một ơn toàn xá.[10]

Sau Lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh, lúc cất Mình Thánh Chúa cách trọng thể hát hoặc đọc Sốt sắng Ca vịnh Tantum Ego (Đây Nhiệm tích …) sẽ lãnh được một ơn toàn xá.[11]

Tham dự Rước Kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa một cách sốt sắng, trong hoặc ngoài nhà nhờ, vào ngày Lễ trọng Mình và Máu Chúa Ki-tô sẽ lãnh được một ơn toàn xá.[12]

Người rước Lễ lần đầu, và người sốt sắng tham dự Lễ Nghi Rước Lễ Lần Đầu ấy, đều được Ơn Toàn Xá.[13]

Như vậy, có đến bốn hình thức khác nhau để ban ơn toàn xá khi giáo dân đến tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Những ơn toàn xá này tín hữu có thể dành cho mình hoặc cho những tín hữu đã qua đời.

Kết luận

Xin mượn lời khuyên của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thay lời kết: “Chúng ta không được bỏ việc tôn thờ Chúa Ki-tô Thánh Thể. Không nên quá tiết kiệm thời gian gặp gỡ thờ phượng Chúa. Sự mật thiết với Chúa Ki-tô Thánh Thể là cốt lõi của việc sùng kính bí tích Thánh Thể. Thờ phượng Chúa trong bí tích Thánh Thể là trường đào tạo lương tâm Ki-tô hữu. Chiêm ngắm gương mặt của Chúa Ki-tô chịu khổ nạn, không còn hình tượng người nữa, ta sẽ nhận ra sự tàn bạo của loài người trong đó có chúng ta. Ta được mời gọi thanh tẩy lương tâm trước khi cải cách xã hội. Chiêm ngắm Chúa Phục Sinh, lòng ta tràn ngập hân hoan, ta sẽ được đầy sinh lực mới”.[14]

Phêrô Lê Tiến Quỳnh

 

[1] Công đồng chung Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11.

[2] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Sacramentum Caritatis, 65.

[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Dominicae Cenae, 3-5.

[4] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Sacramentum Caritatis, 67-68.

[5] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông Điệp Mysterium Fidei, 64-65.

[6] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia, 60.

[7] Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Luân Lý Cơ Bản (Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài gòn), 100.

[8] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Mane Nobiscum, 18.

[9] Bản dịch của Tổng Giáo Phận Sài gòn, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1993), 1471.

[10] United States Conference Of Catholic Bishops, Manual of Indulgences, 7, §1, 1.

[11] Ibid, 7, §1, 2.

[12] Ibid, 7, §1, 3.

[13] Ibid, 8, §1, 1.

[14] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Mane Nobiscum, 18.