Chầu Thánh Thể Chúa Nhật XXVI – Năm C : SỰ LỰA CHỌN CHO NƯỚC TRỜI MAI SAU

Chủ đề: SỰ LỰA CHỌN CHO NƯỚC TRỜI MAI SAU

I. Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa

II. Cộng đoàn hát (bài hát về Thánh Thể)

III. Tâm Tình Thờ Lạy, Tạ Ơn, Và Chúc Tụng:

     Lạy Chúa Giêsu đang ngự thật trong Thánh Thể! Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa!

     Tạ ơn Chúa vì đã luôn yêu thương, bảo vệ không chỉ chúng con, mà còn cả những người thân yêu, những người bạn, những người anh em của chúng con nữa. Tạ ơn Chúa về tình yêu thương vô điều kiện và nhưng không mà Chúa đã dành cho mỗi chúng con. Tạ ơn Chúa đã chẳng bao giờ lìa bỏ chúng con, nhưng luôn ở bên cạnh chúng con trong mọi hoàn cảnh.

     Nhờ ơn Chúa, chúng con ra đời có gia đình, có Nhà Dòng, có sức khỏe, có học thức, có niềm vui hạnh phúc, có sự tự do chọn lựa, và có cả những thử thách. Tất cả mọi sự Chúa ban cho chúng con để uốn nắn chúng con trở thành con người tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn; dù đôi khi chúng con không thể nhìn thấy hoặc hiểu hết được những điều Chúa đang làm nơi chúng con.

     Mỗi ngày chúng con được sống, được biết Chúa là một hồng ân quá lớn lao. Mỗi ngày chúng con biết cách chọn Chúa ngang qua suy gẫm Kinh Thánh, ngang qua Chầu Thánh Thể, ngang qua tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ là một niềm vui lớn lao. Đó là cách chúng con tự do chọn lựa con đường sống với Chúa, con đường lắng nghe và thi hành Lời Chúa; ngõ hầu chúng con được sống trong tương quan mật thiết với Chúa, tương quan thuộc về Chúa, từ đó chúng con có thể sống tương quan với tha nhân trong nhận thức rằng mọi sự thuộc về cuộc sống trần gian này không phải là tất cả.

     Ngẫm lại tất cả mọi sự thuộc về mỗi chúng con giờ này, chúng con chỉ biết dâng lời cảm tạ và chúc tụng ngợi khen Chúa như Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô đã mời gọi: “Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.” (Ep 5,19). Amen.

IV. Cộng đoàn hát (bài hát về tâm tình tri ân cảm tạ tình Chúa)

V. Thinh lặng giây lát trước Chúa Giêsu Thánh Thể

VI. Hát: ĐK: “Lời Ngài là sức sống của con”

VII. Đọc Tin Mừng và Suy niệm (Lc 16,19-31)

     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

     Trong dụ ngôn về ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó, Chúa vẽ lên một khung cảnh tương phản đầy kịch tính – giữa giàu và nghèo, giữa thiên đường và địa ngục, giữa lòng trắc ẩn và sự thờ ơ vô cảm, giữa sự bao gồm và sự loại trừ.

1. Sự đảo ngược các bậc thang giá trị sau khi chết

     Trình thuật tin mừng hôm nay đã trình bày sự đảo ngược tình thế và nguyên nhân dẫn đến sự đảo ngược này.

     Đầu tiên, anh La-da-rô không chỉ nghèo khó và ăn mày, anh còn bị bệnh và không thể tự mình trang trải cho cuộc sống của mình. Anh nằm ở vệ đường trước cổng ông nhà giàu. Chỉ có mấy con chó đến liếm ghẻ chốc của anh ta. Chúng con biết rằng trong Thánh Kinh, chó tượng trưng cho sự khinh miệt, một con vật ghê tởm và độc dữ. Tác giả Thánh Vịnh từng viết như sau:

     “Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay” (Tv 22, 17). Còn Tin Mừng Mát-thêu chỉ ra rằng: “Của Thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7,6).

     Sự việc những con chó liếm thân mình mụn nhọt và ghẻ chốc của La-za-rô đói khát ắt hẳn làm tăng thêm nỗi thống khổ của La-da-rô. Nhưng sau khi chết, La-za-rô lại được ở trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham và hưởng an bình thảnh thơi.

     Tiếp đến, ông nhà giàu “ăn mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19). Không thấy Tin Mừng nói gì về đời sống sai trái về mặt luân lý đạo đức của ông cả. Tin Mừng cũng không kể rằng ông nhà già kinh miệt hoặc sai gia nhân xua đuổi La-za-rô nghèo khổ bần cùng đang nằm trước cổng nhà ông trong tình trạng đói khát được những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no. Nhưng Tin Mừng chỉ kể rằng ông nhà giàu đã nhận ra cuộc đời của ông bị đảo ngược hoàn toàn sau khi chết; ông bị đau khổ, trầm luân, và xa cách, chứ không được như La-za-rô hưởng phúc an nhàn thư thái bên cạnh tổ phụ Áp-ra-ham.

     Qua câu chuyện về hai số phận tương phản của hai con người trong kiếp sống trần gian: một người thì giàu có và yến tiệc linh đình, còn người kia thì nghèo khổ, cơ hàn, đói khát, và thèm ước cầu mong được ăn một chút thức ăn rơi rớt từ bàn ăn của người nhà giàu, Chúa muốn nêu bật sự dững dưng, sự thờ ơ lãnh đạm, lòng dạ khép kín, vị kỷ, ích kỷ, và thiếu lòng thương xót của ông nhà giàu khi đối diện trước tình cảnh bi đát của anh La-da-rô đang nằm đói khát trước cổng nhà ông. Hơn nữa, Chúa trong Tin Mừng hôm nay muốn dạy chúng con biết rằng trong vương quốc của Thiên Chúa, mọi tiêu chuẩn của con người và thế gian sẽ bị đảo lộn, như thánh ca Manificat đã xác tín: “kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại trở về tay trắng” (Lc 1, 52-53). Chính Thiên Chúa sẽ yêu thương, đón tiếp, chăm lo, và nuôi dưỡng những người nghèo của Thiên Chúa, những người cậy trông vào Chúa, những người bị bỏ rơi, bị coi là hèn mọn, và bị gạt ra bên lề xã hội và tôn giáo.

2. Hy vọng và đánh mất

     Trong Tin Mừng hôm nay, anh nghèo được gọi tên là La-da-rô, có nghĩa là người đã được “Thiên Chúa giúp đỡ”. Thật vậy, dẫu trải qua cuộc đời trần gian bể dâu, một cuộc đời bất hạnh và đau khổ, không được người đời thương cứu giúp, anh La-da-rô đã được Thiên Chúa thương đón nhận và giúp đỡ, vì thế anh La-da-rô đã không mất hy vọng vào Thiên Chúa, luôn luôn sống theo lòng thuần khiết và cậy trông vào lòng nhân hậu từ bi của Thiên Chúa. Anh không oán trách người nhà giàu. Đôi mắt của anh đang hướng vào một kho báu được cất giữ trên thiên đàng. Vậy, ai khiêm nhường và cậy tin vào lòng từ ái của Thiên Chúa sẽ được Thiên Chúa ở cùng và được vào Vương Quốc Thiên Chúa.

     Ngược lại, người nhà giàu trong Tin Mừng hôm nay không có tên gọi cụ thể, có lẽ vì ông không thể hướng nhìn ra ngoài những của cải vật chất và tài sản của ông. Ông không chỉ cậy dựa vào những thứ sự mà ông có đầy đủ như ăn mặc toàn lụa là gấm vóc, nhưng ông còn ích kỷ, chỉ dành tất cả những gì ông có cho riêng bản thân. Ông đã quá mải mê với những gì ông sở hữu, và tận hưởng những gì ông có, mà không lưu tâm đến nhu cầu của những người xung quanh. Ông đã đánh mất Thiên Chúa và kho tàng trên trời vì ông quá bận tâm tìm kiếm hạnh phúc đời tạm trong vật chất nay còn mai mất. Ông phục vụ của cải hơn là phục vụ Thiên Chúa. Như vậy, sự giàu có cộng với sự vô cảm không chỉ đánh mất tương quan với Thiên Chúa, một tương quan thuộc về, mà còn làm cho ông nhà giàu khép kín lòng thương cảm, khép kín tâm hồn mình với Thiên Chúa và không còn quy tâm hoặc hướng lòng về Thiên Chúa và điều răn của Người, không thực thi lòng thương xót yêu thương đối với anh chị em xung quanh, không còn nhìn thấy người nghèo khó trước cổng nhà ông, không tương quan với Chúa, không tương quan với tha nhân. Cuối cùng ông nhà giàu đã trở thành một kẻ nghèo lòng thương xót và đang ăn xin lòng thương xót của Thiên Chúa và tha nhân!

3. Sự tự do chọn lựa của chúng con.

     Nhờ trung gian Kinh Thánh, Thiên Chúa truyền đạt cho chúng con biết ý muốn của Ngài, biết luật sống đúng, biết con đường để đi về quê thật. Ý muốn của Chúa không hề khó tuân giữ như sách Đệ Nhị Luật khẳng định: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay không vượt quá sức lực và ngoài tầm tay anh em, mệnh lệnh đó không ở trên trời […], mệnh lệnh đó không ở bên kia biển […], thật vậy lời đó ở rất gần anh em ngay trong miệng trong lòng anh em để anh em đem ra thực hành (Đnl 30, 11-14). Thêm vào đó, Kinh Thánh cũng nói về trách nhiệm đối với người nghèo như sách Đệ nhị luật truyền dạy: “Nếu giữa anh em có một người nghèo, thì anh em có lòng chai dạ đá cũng đừng bo bo giữ không giúp người anh em, hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em trong miền đất của anh em (Đnl 15, 7-11). Công đồng Vaticano II đã khẳng định: “các giáo phụ và các tiến sĩ dạy rằng mọi người có bổn phận nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của cải dư thừa. Trước con sô quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh công đồng tha thiết kêu gọi mọi người hãy cho kẻ sắp chết đối của ăn và nếu không cho họ ăn là giết chết họ” (MV 69). Luật sống Dòng Thánh Thể, số 2, khi chỉ ra cho chúng con một mẫu gương về đời sống cho Chúa và tha nhân là Thánh Eymard đã viết như sau: “…Thánh nhân hoạt động phục vụ mọi người, nhất là cho các linh mục và người nghèo. Trọn vẹn cuộc sống của thánh nhân đều chứng tỏ: Người đã dâng hiến chính bản thân mình cho Đức Ki-tô.”

     Vậy, hôm nay chúng con nhận biết rằng sự lựa chọn tuỳ vào tự do của chúng con. Chúng con được mời gọi hãy chọn sự sống, hãy quy hướng đời mình về thánh ý của Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Để được nghe và thực hành lời Chúa, chúng con nhận biết rằng bản thân mình cần “luôn có Chúa ở cùng” và luôn ở cùng Chúa. Từ đó, chúng con có thể dễ dàng mở lòng ra đón nhận và sống theo Lời Chúa. Đây là con đường duy nhất giúp Ki-tô hữu chúng con tránh được sự diệt vong và đạt được sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa.

     Lạy Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, Chúa là niềm vui và là kho tàng của chúng con. Xin làm cho chúng con giàu có ý thức thuộc về Vương Quốc Thiên Chúa, giàu có sự khát vọng sống trong một tình trạng có Chúa ở cùng. Xin giúp chúng con biết chọn lựa Chúa, và xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại để chúng con có thể hào phóng chia sẻ với người khác những kho tàng vật chất và tinh thần mà Chúa đã ban cho chúng con.

VIII. Bài hát (bài hát về tâm tình cầu nguyện hoặc cậy trông vào Chúa)

IX. Dâng Lời Cầu Khấn (như Lời Nguyện Tín Hữu ngày Chúa Nhật)

X. Giờ Chầu Thánh Thể tiếp tục những phần còn lại như thường lệ.