Cha Eymard và các Linh mục

CHA EYMARD VÀ CÁC LINH MỤC
…+…

Năm nay là năm dành cho các linh mục được ấn định vào dịp lễ kỷ niệm lần thứ 150 ngày cha thánh Gioan Maria Vian-ney qua đời. Thiết tưởng đây cũng là cơ hội thích hợp để khơi lại hình ảnh về thánh Phêrô Julianô Eymard vị tông đồ thánh thể bên cạnh mẫu gương của vị linh mục vĩ đại này. Các vị ấy đã cùng sống vào thời nữa thế kỷ thứ XIX và đã gắn kết với nhau bằng một tình bạn thân thiết. Mặc dù hành trình và sứ vụ của các ngài khác nhau, nhưng các ngài đã sống đời linh mục của mình với cùng một mối quan tâm đến các linh mục và đời sống thánh hiến của họ. Các ngài cũng được thắp lên cùng một ngọn lửa đam mê thánh thể. Nhà điêu khắc Ca-bu-chet đã thổi vào trong bức tượng bằng đá cẩm thạch ánh nhìn gián chặt vào nhà tạm của cha sở thánh thiện. Gương mặt của cha Eymard cũng có nét diển tả tương tự trước mặt nhật Mình Thánh Chúa được đặt trang trọng trên bàn thờ.

Thánh Thể Là Trung Tâm

Nghiên cứu về cha Eymard, chúng ta có thể tổng lược nguồn khởi hứng cho sứ vụ của người trong tư cách là Đấng sáng lập qua những bút tích mà cha đã viết cho chị Virginie Danion vào ngày 27 tháng 9 năm 1857, người sẽ trở thành đấng sáng lập của Dòng Tạ Ơn. Người phụ nữ này đã tự vấn chính mình là có nên liên kết với một hội dòng đang tồn tại. Cha Eymard đã đưa ra lời khuyên đối nghịch lại với ý tưởng này: “Bản thân tôi cũng có vài lần được đề nghị làm công việc sát nhập này, và tôi đã không muốn”. Tôi chỉ có một ý tưởng: “Chúa Thánh Thể đủ vĩ đại và đầy đủ sức mạnh để tự sung mãn”; mọi sự đều phát xuất từ Thánh Thể và đều phải trở về với Thánh Thể. Tinh thần của Thánh Thể phải là MỘT và phát xuất từ trái tim Thiên Chúa này.

1/ Thánh Thể trung tâm của đời sống linh mục.

Cha Eymard đã khai thác đề tài này bằng việc đặt Thánh Thể làm nền tảng của Hội Dòng Thánh Thể. Khi Đức Ki-tô cử hành lễ vượt qua với các môn đệ trong bữa ăn tối cuối cùng, Người đã trao cho họ Bí tích Mình và Máu Người: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”. Mặc dù thừa tác vụ linh mục không chỉ giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể, nhưng việc cử hành Thánh Thể quả thực lại là chóp đỉnh. Thánh Thể thắp sáng và trổ sinh hoa trái trong suốt cuộc đời linh mục bằng nhiều sứ vụ khác nhau. Việc khai tâm Tin Mừng, việc khơi dạy đức tin và giáo lý, việc dạy các bí tích khai tâm và ban các bí tích khai tâm, việc hướng dẫn các tín hữu, đặc biệt qua các bí tích hòa giải và xức dầu bệnh nhân, việc linh hoạt đời sống thiêng liêng và các nhóm tông đồ trong mọi dạng thức khác biệt của Thánh Thể, vừa là nguồn mạch của mọi ân sủng vừa là chóp đỉnh quy tụ tất cả mọi thành tựu của Thánh Thể. Như vậy, việc cử hành Thánh Thể chính là trọng tâm của đời linh mục.

2/ Một đức tin sống động về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể.

Theo cha Eymard, dựa vào những ghi chú của ngài trong quá khứ, đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đời của ngài. Chính ngài đã nhấn mạnh: “Ân huệ lớn lao nhất cuộc đời tôi là đức tin sống động nơi bí tích cực thánh ngay từ khi tôi còn trẻ”. Đức tin của ngài từ khi còn là một cậu bé cho đến khi trở thành linh mục trẻ đã được trở nên phong phú qua nhiều năm tháng nhờ những ân sủng đặc biệt. Lấy những ví dụ, trải nghiệm thiêng liêng của ngài trong cuộc rước kiệu THÁNH THỂ tại nhà thờ Thánh Phao-lô ở thành phố Lyon vào ngày 25 tháng 5 năm 1845, khi ngài quyết định chỉ giảng về Đức Giê-su Ki-tô, và Đức Giê-su Ki-tô Thánh Thể; và ơn gọi của ngài tại Fourvrière vào 21 tháng giêng năm 1851, khi ấy ngài của nhận được tiếng gọi phải làm một việc gì đó cho Thánh Thể, và lại một lần nữa ơn nhận được tại La Seyne-sur-Mer sau khi ngài dâng thánh lễ vào ngày 18 tháng 4 năm 1853, khi ấy ngài đã nhận được sức mạnh để làm bất cứ điều gì có thể, ngay cả cái giá phải trả là những hy sinh lớn lao để thành lập một Hội Dòng Thánh Thể, vào chính thời gian của Thiên Chúa muốn. Điều ngài đã nhiệt thành giảng dạy cho các tín hữu, ngài cũng nhắc cho các linh mục, đặc biệt là những vị đã thờ ơ lãnh đạm về điểm này. Ngài đã khó chịu khi thấy một số linh mục bị mắc vào những buổi cử hành lễ an táng (chúng ta có thể tìm hiểu về những việc thực hành an táng trong thời của ngài tại Paris, nơi mà người ta đòi hỏi phải có một số linh mục hiện diện trong lễ an táng tùy theo lễ an táng cử hành long trọng) hoặc là họ tỏ ra thụ động, không tham dự vào những phong trào chầu Mình Thánh đang phát triển trong thời bấy giờ.

3/ Một lòng nhiệt thành tông đồ được Thánh Thể nuôi dưỡng.

Tin vào sự hiện diện của Chúa thì vẫn chưa đủ: “đức tin thì phải dẫn tới yêu”. Trong khi cha Eymard giảng nhiều bằng lời nói, lời chứng về cuộc đời của ngài cũng không kém phần thuyết phục. chúng ta chỉ cần nhắc lại việc chuẩn bị lâu dài của ngài trước thánh lễ khi còn ở Chatte hoặc ở Monteynard. Vì xuất thân là một linh mục dòng Đức Bà (Mary), ngài thường mời gọi trẻ nhỏ và thiếu niên của vùng Belley và vùng La Seyne-sur-mer đến rước lễ, một thực hành rất không bình thường trong thời bấy giờ.

Vì phải đối mặt với sự thờ ơ thường diển ra trong đời sống người Ki-tô hữu, phương thế cứu vãn duy nhất ngài tìm thấy là: “Thánh Thể”, tình yêu dành cho Chúa Giê-su Thánh Thể. Trong lá thư ngài viết cho bà Tholin Bost vào ngày 22 tháng 10 năm 1851: “Nguyên nhân đầu tiên của việc mất đức tin chính là đánh mất tình yêu, bóng tối xảy ra là bị mất ánh sáng; băng giá chết chóc là vì thiếu lửa”. Trong tạp chí Bí Tích Cực Thánh của ngài, cha Eymard cũng viết một đề tài tương tự vào tháng 7 năm 1864, ngài viết rằng: “Điều xấu nhất của thời đại chúng ta chính là việc chúng ta không đến với Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế và là Thiên Chúa của chúng ta”. Chúng ta đã bỏ đi nền tảng duy nhất, lề luật duy nhất, ân sủng duy nhất của ơn cứu độ. Điều khó khăn đối với một lòng đạo đức cằn cỗi chính là lòng đạo đức ấy không phát xuất từ Đức Ki-tô hoặc lòng đạo đức ấy không đạt đến Chúa Ki-tô… Vậy chúng ta phải làm gì? Hãy đi đến với nguồn mạch sự sống, hãy đến với Chúa Giê-su; không chỉ đến với Ngài chỉ khi Ngài đang đi qua Giu-đê-a trong thời quá khứ, hoặc đến với Chúa Giê-su đã được vinh hiển trên cõi trời mà còn đến với Chúa Giê-su trong Thánh Thể… Chúng ta nên quán triệt điều này: có cuộc sống và cũng có sự đo lường về đức tin của cuộc sống, về đức ái và lòng đạo đức.

Trong tư cách là Đấng sáng lập, mục tiêu kiên định trong cuộc đời sứ vụ của cha là: “đưa dẫn các tín hữu đến với Chúa Ki-tô bằng việc làm cho họ nhận biết sự hiện diện Thánh Thể của Ngài trong Hội thánh, và dẫn họ đến việc rước lễ thường xuyên, thậm chí mỗi ngày”.

4/ Thánh Thể sức mạnh thánh hóa và biến đổi thế giới.

Vì là bí tích tình yêu, Thánh Thể chính là nguyên lý, là phương tiện và là cứu cánh của việc thánh hóa. Việc tôn thờ chính là chiêm ngắm Đức Ki-tô Đấng ban sự sống dưới dấu chỉ của bí tích này. Chúng ta chỉ cần để Đức Chúa “nhìn” chúng ta, để Đức Chúa yêu và biến đổi chúng ta. Rước lễ chính là cách chúng ta liên kết thân mật nhất với tặng ân mà Đức Ki-tô đã biến chính mình Ngài thành lương thực cho Hội thánh của Ngài, để chính chúng ta cũng dấn thân cho công cuộc cứu độ thế giới. Cha Eymard nói về sự kết hợp bản thể; ngài triển khai tình yêu xã hội này vốn giúp chúng ta liên kết với Đức Ki-tô và là nguồn mạch của sự chữa lành, của sự trưởng thành trong đức tin và tình yêu, của sự dấn thân phục vụ anh em. Khi nói về Vương Quốc Thánh Thể của Đức Ki-tô, cha không có ý nói nhiều đến việc tán dương Vương Triều của Ngài như một vị vua trần thế, ngay cả khi cha dùng thứ ngôn ngữ rất phổ thông trong thời ấy, cha hình dung một xã hội được biến đổi bởi tình yêu được khơi nguồn từ Thánh Thể. Về điểm này, ví dụ sáng giá nhất về chiều kích xã hội của Thánh Thể được nhìn qua công việc rước lễ lần đầu của những người lớn, việc cha dấn thân cho những người công nhân trẻ nghèo nàn đến từ Faubourg Saint-Jacques hoặc từ quận hạt Mouffetard, là những người sống bên lề của mọi tổ chức giáo xứ trong quận hạt 14 của Paris. Ngài viết cho cha De Cuers: “đây chính là công việc của tiệc cưới Thánh Thể thuộc Vương Quốc Nước Trời”.

5/ Dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Toàn bộ cuộc đời của cha Eymard là một lời chứng. Cha đã diển tả cuộc đời mình giống như Gia-cop luôn trên đường hành trình. Ngài đã lưu ý đến một số giai đoạn: Marseilles Lyons, và cuối cùng là Paris. Thực ra, cha có vẻ giống như là một nhà du hành của thời đại hôm nay, tùy theo hoàn cảnh khác nhau, cha đi bằng xe ngựa, bằng tàu, bằng ca-nô, bằng xe lửa, một loại phát minh sáng giá trong thời của cha. Không thể liệt kê hết được vô số những cuộc hành trình đã đưa dẫn cha khởi hành từ La Mure rồi lại trở về La Mure. Nhưng điều quan trọng chính là cuộc hành trình thiêng liêng của cha. Nếu như ngài luôn trên đường hành trình, thì điều này có nghĩa là ngài đã luôn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. những ơn gọi tiếp theo của cha là: linh mục triều, tu sĩ dòng Marist, Đấng sáng lập… chính là những đáp trả cá nhân của cha trước tiếng gọi nội tâm.

Sự ngoan ngùy của cha trước Chúa Thánh Thần được nhìn thấy đặc biệt qua công việc thành lập Hội Dòng Thánh Thể. Giữa ơn lập dòng mà cha nhận được tại Fourvière vào ngày 21 tháng Giêng năm 1851 và việc được đức giám mục Sibour chấp thuận tại Paris vào ngày 13 tháng 5 năm 1856, lại có cả một chuỗi những biến cố, những việc chuẩn bị, những cuộc tham vấn tại Pháp hoặc tại Rôma, cha luôn luôn vâng phục cho đến khi có quyết định của cha Favre vào ngay 22 tháng 4 năm 1856. Sau đó, ngay cả lúc phải đối mặt với những khó khăn nảy sinh từ hội dòng Đức Bà, cha đã khẩn cầu bề trên của mình trì hoãn lại việc thi hành quyết định của cha cho đến khi cha nhận được câu trả lời cuối cùng tại Paris, một câu trả lời hoàn toàn “lạ lùng”1 đến từ cá nhân của đức tổng giám mục Paris. Kể từ lúc ấy trở đi cha Eymard nhận thức rằng cha không làm công việc của riêng mình, nhưng là công việc của Thiên Chúa, vào đúng thời giờ của Thiên Chúa.

Mối quan tâm của cha là thi hành ý muốn của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc thành lập hội dòng của cha, một hội dòng dành cho các nam tu sĩ và sau đó là các chị em Nữ Tỳ Thánh Thể. Là một người hoàn toàn lạ giữa Paris, không có thân nhân, không có nguồn tài trợ, chỉ có lòng can đảm là phương tiện duy nhất của mình, cha Eymard đã mở cộng đoàn đầu tiên vào năm 1857. Những cộng đoàn tiếp theo mọc lên ở Marseilles rồi tại Angers và những nơi khác. Không gì có thể ngăn chặn lòng nhiệt thành của cha đặt Thánh Thể Chúa, để tỏ lộ cho mọi người thấy sự phong phú của Thánh Thể và thức tỉnh niềm tin của các tín hữu. Ngay cả những thử thách và những thất bại đến với cha cũng trở thành một lời mời gọi để cha đến với một đời sống đức tin tinh ròng và hoàn hảo hơn.

6/ Tiến tới quà tặng hiến dâng toàn thân.

Vào năm 1865, trong khi chờ đợi tại Rô-ma để nhận được phép mở một cộng đoàn ngay tại phòng tiệc ly ở Giê-ru-sa-lêm, một giấc mơ không thành, và sau một cuộc tĩnh tâm dài ngày trong tâm trạng mở lòng ra hoàn toàn trước Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Sau thánh lễ tạ ơn vào ngày 21 tháng 3 năm 1865, cha đã nhận một ơn thay đổi hoàn toàn chính con người của cha để trở thành một con người nội tâm: Đó chính là quà tặng hiến dâng toàn thể con người của cha, mà cha đã tự ràng buộc chính mình bằng một lời khấn. Chẳng còn điều gì đơn giản và tận căn hơn bằng những lời của chính cha: “hy lễ tạ ơn, đi đến tận cùng của lễ tạ ơn của tôi, tôi đã làm lời khấn vĩnh viễn dâng cá vị của tôi cho Chúa Giê-su Ki-tô trong tay của Đức Trinh Nữ rất thánh và thánh Giu-se, dưới sự bảo trợ của thánh Benedict (ngày lễ bổn mạng của cha); chẳng có gì dành cho tôi trong tư cách là một người, chỉ một lời cầu nguyện xin ơn cần thiết đối với quà tặng này: chẳng có gì bởi tôi. Mẫu gương của quà tặng này: sự nhập thể của Ngôi Lời ”.

Cũng theo ý tưởng này, có một bản văn được rút ra từ Sách Giáo Lý Công Giáo về đời sống nội tâm được xuất bản bởi tác giả Olier, trong tác phẩm này tác giả triển khai lý thuyết về sự hạ mình của Đức Ki-tô nhập thể. Qua tham chiếu Tin Mừng Gioan 6, 57 nói về những người chuẩn bị rước lễ lần đầu: “Cũng vậy, nhờ việc rước lễ các con sẽ sống nhờ ta, và như vậy các con sẽ hoàn toàn thuộc về ta… ta sẽ trở nên con người trong nhân vị của con và nhân vị của con sẽ thuộc về sự sống của Ngôi Vị của ta ở trong con”. Chỉ một vài ngày sau đó, cha Eymard đã nhận ra rằng dự án của cha đã bị từ chối. Cha đã vâng phục và lập tức rời khỏi Rô- ma. Cha đã mơ về phòng tiệc ly ở Giê-ru-sa-lem; nhưng cha đã nhận được theo như ngài đã cảm nghiệm vào sáng sớm ngày 5 tháng 2: “phòng tiệc ly trong nội tâm tôi và vinh quang của Chúa ở trong tôi. Thiên Chúa ưa thích điều này hơn mọi việc tôn thờ khác tôi dâng cho Chúa mà không có chính tôi, ngoại trừ chính tôi.” ( trích Ouve Complete, retreat note số 44, 23 quyển V, trang 217)
Kể từ thời gian đó, cha Eymard đã hầu như trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su Ki-tô Đấng đã yêu thương những kẻ thuộc về Người cho đến cùng (Trích Gioan 3, 11). Ơn thần bí này ghi dấu ấn trong những năm cuối đời của ngài. Cha sẽ phải trải qua những thử thách và khó khăn, nhưng những điều ấy đã mang lại cho cha một nhận thức mới về mầu nhiêm Thánh Thể. Cuộc tĩnh tâm riêng của cha tại St.Maurice, ba tháng trước khi ngài qua đời, đã vang vọng lại đêm tăm tối mà ngài đã tự nhấn chìm và bỏ mình hoàn toàn trong tay Chúa. Trong một buổi suy gẫm vào ngày 28 tháng 4 năm 1868, sau khi đã ghi lại những (cái chết) mà ngài mới vừa trải nghiệm, cha Eymard đi đến kết luận: “và sự sống vẫn nối tiếp theo sau cái chết; đó chính là sự sống của hội dòng và của tôi”. Cha Eymard đã được biến đổi nhờ mầu nhiệm phục sinh ngài cử hành với tâm tình sốt sắng như vậy. Trong nhiều dịp, khi nói về công đồng Trante, ngài đã khai thác chủ đề về Đức Ki- tô Đấng hiện diện trong Thánh Thể, vừa là linh mục và vừa là của lễ. Chính nhờ Người với Người và trong Người, cha Eymard cũng đóng vai trò vừa là người tế lễ vừa là của lễ được hiến tế.

7/ Tình huynh đệ của các linh mục.

Linh đạo của cha Eymard chính là linh đạo của Phòng Tiệc Ly. Linh đạo ấy được khởi hứng bởi tường thuật về bữa ăn sau cùng của Đức Giê-su với các môn đệ, đặc biệt trình thuật của thánh Gioan 13, 17 và đồng thời cũng trong trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ. Chính trong sách Công Vụ Tông Đồ đã gợi lại hình ảnh cộng đoàn Giê-ru-sa-lem đầu tiên, với Đức Maria mẹ của Chúa Giê-su và các môn đệ chăm chỉ nghe lời giáo huấn của các tông đồ, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng (Trích Cv 2, 42).

Với tư cách là Đấng sáng lập, trung thành với lý tưởng nhìn mọi sự trong Chúa Giê-su Thánh Thể, cha Eymard không ngừng triển khai lối tiếp cận về đời sống Thánh Thể bằng nhiều cách khác nhau. Việc này đã được chứng thực đặc biệt qua mối liên hệ của cha với các linh mục. Ngài hiểu rõ tình cảnh của các linh mục tại các giáo xứ và cả những linh mục sống trong các cộng đoàn tu. Cha đã đồng hành với các linh mục và cộng tác với các vị mục tử qua mục vụ giảng dạy của cha. Cha cũng đã giảng một số buổi tĩnh tâm cho các linh mục và các chủng sinh, và trong các bài giảng đó cha nhấn mạnh về sự cao cả của ơn gọi và sự thánh thiện xuất phát từ vai trò của họ mỗi khi cử hành Thánh Thể. Cha cũng đã hiểu được tình cảnh khó khăn của một số linh mục, sự nghèo túng vật chất, sự cô đơn, những thử thách về luân lý, và ngay cả những thất bại của những người đã rời bỏ đời sống linh mục.

Chính lý do này đã khiến cho cha quan tâm đặc biệt đến các linh mục:

– Trước hết là trong chính hội dòng của cha. Trong một của những bản thảo đầu tiên của bộ hiến pháp được viết vào năm 1857, cha đã nhìn thấy trước ở giữa các thành viên của hội dòng, và bên cạnh những linh mục và tu huynh, một nhóm thứ ba: đó chính là Huynh Đoàn Thánh Thể của các linh mục, là các linh mục đã về hưu hoặc các linh mục vẫn còn đang hoạt động, những vị vì lý do tuổi đã cao hoặc sức khỏe đã kém, không thể theo sát toàn bộ luật sống của hội dòng, nhưng vẫn muốn liên kết bao nhiêu có thể với đời sống Thánh Thể và như thế được sống và chết trong một bầu khí thánh thiện hơn bên vị thầy chí thánh của họ. Hội dòng sẽ vây quanh các linh mục ấy với tất cả sự kính trọng và sự quan tâm dành cho các thừa tác viên của Chúa Giê-su Ki-tô. Nhưng bởi vì theo cơ cấu giáo luật về đời sống tu, số luật này đã bị loại bỏ trong những ấn bản hiến pháp được phát hành sau này. Điều này cho thấy cha Eymard đã có ý tưởng muốn liên kết các linh mục với hội dòng. Mặc dù thời ấy có thói quen là không quấy rầy các tu sĩ đang trong giờ nguyện ngắm chầu Chúa, tuy nhiên, cha Eymard luôn sẵn lòng khi một linh mục đến xin được gặp cha.

– Trong đời sống xứ vụ của cha, cha Eymard đã giúp đỡ rất nhiều linh mục, đã rời bỏ đời linh mục và sống trong tình trạng bất hợp pháp. Mặc dù những tài liệu thì rất hiếm nhưng có không ít những chứng từ về điều này. Với sự hợp tác của viện phụ Dhé là một linh mục sống tại Paris, cha Eymard đã có tư tưởng hình thành một chương trình để chăm sóc cho các linh mục đang sống trong tình trạng khó khăn này. Dự án này vẫn chưa được thực hiện, nhưng mặc khác chúng ta cũng biết được rằng cha Eymard đã ủy thác cho các chị em Nữ Tỳ Thánh Thể công việc cầu nguyện cho những linh mục này.

– Vào cuối đời, cha Eymard đã gửi gắm cho cha Tesnière tiếp nối ý tưởng của ngài liên quan đến sứ vụ đặc biệt của hội dòng đối với các linh mục: cha đã lên kế hoạch quy tụ các linh mục ấy thành một hiệp hội, quy tụ họ lại và trình bày cho họ về Bí Tích Thánh Thể. Cha có ý định thánh hóa các linh mục bằng Thánh Thể. Điều cha đã không thể thực hiện khi còn sống thì sau khi chết đã trở thành hiện thực với một hiệp hội các linh mục chầu Thánh Thể.

– Từ sự việc này, chúng ta đã có thể cảm nhận được điều cha muốn nói có ý nghĩa gì khi ngài thốt lên: “Ô! Linh mục, linh mục, tôi sẽ bỏ mọi sự vì các linh mục”.

Kết luận:

Cha Eymard đã không để lại cho chúng ta một luận án về linh mục và Thánh Thể. Nhưng ngài đã sống một đời linh mục thẳm sâu trong những hoàn cảnh rất khác nhau của cuộc đời, để rồi cha được mọi người biết đến như một linh mục của Thánh Thể. Vì thế, cha đã để lại một mẫu gương và một nguồn khởi hứng cho mọi linh mục, tất cả những điều trong cuộc đời sứ vụ của cha.

Giáo huấn của cha Eymard đã đi trước công đồng Vaticanô II khi cha đặt Thánh Thể là trung tâm của đời sống ki-tô hữu và trung tâm đời sống của linh mục. Cha mời gọi các linh mục luôn biết trở về với trung tâm đời sống này là chính Đức Giê-su Ki-tô, trong quà tặng Chúa Ki-tô đã ban chính Mình cho Hội Thánh của Ngài, để kín múc từ Ngài nguồn ơn thánh thiện luôn luôn mới.

Trong dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1868, bằng một ngôn ngữ rực lửa, cha Eymard đã thách thức những người đang nghe ngài giảng ở trong nhà nguyện của cộng đoàn ở Paris: lẽ nào Thiên Chúa của chúng ta lại không có được những tông đồ như khi xưa? Chúng ta rất cần họ. Rõ ràng là linh mục thì có thể đạt tới cấp độ này, nhưng lại thiếu các vị tông đồ mà không điều gì có thể cản trở được bước chân các ngài. Vâng đúng vậy, rõ ràng là có các linh mục ở tại Pháp, nhưng chúng ta đã trói chặt họ vào những buổi lễ an táng người chết. Vì vậy, chúng ta hãy xin cho có được những tông đồ của Phòng Tiệc Ly. Quỷ dữ đang nắm chặt thế giới! Loài quỷ này có rất nhiều hậu duệ! Hãy xin cho có được những vị tông đồ, những linh mục có lòng can đảm để chỉ nói về sự thật và dám sẵn sàng chết cho sứ vụ của họ. Nếu họ có bị giết, như thế thì tốt hơn nhiều, chúng ta sẽ đặt họ trên thiên đàng! Không ai có thể ngăn cản những ngọn lửa như thế này. Trở thành tông đồ của Phòng Tiệc Ly… đây chính là lý tưởng linh mục mà cha Eymard đã sống và đã đề nghị với các linh mục trong thời của ngài và cả các linh mục của thời đại hôm nay.

Paris ngày 5 tháng 11 năm 2009
Cha Andre Gitton, sss


1 Đọc tham khảo trong tài liệu của Dòng viết về giai đoạn Cha Eymard xin thành lập dòng để biết Cha Eymard đã bị những trở ngại nào.