THÁNH THỂ – ĐỜI SỐNG PHỤC VỤ
I. Chủ Sự Đặt Mình Thánh Chúa
Hát:
Hát: Ôi Thần Linh Chúa
ĐK: Ôi Thần Linh Chúa, êm dịu khôn xiết, Chúa muốn thương yêu con cái nơi trần gian, ban bánh thơm ngon, ban bánh Thiên Thần. Người giàu đói nghèo, kẻ đói no giàu.
1- Chúa nuôi đoàn con, này đây bánh miến no lòng. Chúa cho đoàn con luôn luôn hưởng nếm mật ong. Ngợi khen cảm mến Thiên Chúa cứu tinh muôn đời. Tung hô Vua Trời tổ phụ Israen.
2- Nhớ trong rừng xưa đoàn người Hy-bá trở về. Uống ăn thoả thuê man-na nuôi sống toàn dân. Giờ đây đoàn con khao khát Thánh Thể Vua Trời. Tung hô muôn đời lòng Chúa khoan nhân.
II.TÂM TÌNH ĐẦU
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã ở lại với chúng con nơi Nhiệm Tích Tình Yêu, để nuôi dưỡng, nâng đỡ và dẫn đưa chúng con về với đường ngay nẻo chính, chúng con chúc tụng và thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa, chúng con là thụ tạo bất toàn, mỏng dòn và yếu đuối. Chúng con được Chúa tạo dựng, được sống và cảm nếm muôn vàn điều tốt đẹp mà Chúa đã trao ban. Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng con cũng khao khát được mọi người quý mến, tôn trọng và khen ngợi. Thế nên, chúng con thường có xu hướng đặt mình làm trung tâm, làm gì cũng muốn được nhiều người biết tới. Vì thế ở mọi nơi và mọi thời, sự ngạo mạn, háo danh gần như đã bén sâu trong tâm trí chúng con. Cũng ngay từ thời xa xưa, các Luật Sĩ và Biệt Phái cũng bị cái tôi tự mãn phủ lấp tâm hồn, nên họ làm công việc gì cũng muốn thiên hạ ca ngợi và tôn vinh.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! nhờ được học hỏi, được lắng nghe Lời Chúa, được ở lại trong Chúa, chúng con tin rằng Chúa không muốn chúng con ham danh lợi giống như các luật sĩ và biệt phái. Nhưng Chúa muốn các môn đệ, dân chúng và cả chúng con luôn biết khiêm nhường, phục vụ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên ( Mt 23, 11-12). Ngoài ra, Chúa không dạy chúng con hãy lợi dụng chỗ thấp hèn với mục đích tôn vinh mình. Trái lại, chúng con cần có tâm tình khiêm nhường, sẵn sàng làm những công việc khiêm tốn, chọn đứng về những người có địa vị kém cỏi. Chúng con cũng cần sử dụng những điều Chúa ban cho xứng hợp với nhân phẩm của mình, đúng với luật tự nhiên và luật Chúa truyền. Đừng vì địa vị, danh lợi, quyền lực mà chúng con tranh cãi, bất hòa, và đối xử với nhau một cách bất công thậm tệ. Như lời thánh Giacôbê dạy: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,16-17).
Vậy, giờ phút linh thiêng nơi nhà nguyện này, chúng con nguyện xin cho được ơn khiêm nhường phục vụ, không phải để thống trị nhưng là để phục vụ kẻ khác như lời Chúa đã phán: “Con Người đến không để được phục vụ mà để phục vụ và hiến thân vì người khác. Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ.” Amen.
(thinh lặng ít phút)
III. Suy Niệm Tin Mừng
Hát: Điệp khúc: XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE – L.m Nguyễn Duy
ÐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.
TIN MỪNG THEO THÁNH MÁTTHÊU
(Mt 23,1-12).
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’. “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘ráp-bi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
SUY NIỆM TIN MỪNG
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! trong Bữa Tối Sau Cùng, Người đã để lại một tấm gương hết sức khiêm hạ nhằm cho thấy thực tại phận Người Tôi Tớ của Thiên Chúa qua hành vi rửa chân các môn đệ: “Người đứng đậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng… đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn mà lau” (Ga 13,4- 5). Trong hành vi rửa chân này, Chúa hẳn nhiên vừa mời gọi, vừa khuyên bảo các môn đệ hiệp thông với Người và với nhau vào chung một vận mệnh, một sứ mạng phục vụ mà Thiên Chúa đã trao phó. Vì không người môn đệ nào có thể làm chứng cho sự thật về Người, nếu chưa có kinh nghiệm thấm đẫm được Tình Yêu Tự Hiến của Người tuôn trào và thôi thúc trong tâm hồn.
Chính vì thế, khi chúng con cử hành Thánh Thể là chúng con đang thực hành yêu thương, nên làm sao để cuộc cử hành phụng vụ biến đổi cuộc sống phù hợp với mẫu thức của Tình Yêu Tự Hiến: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Bởi vì, cộng đoàn tham dự Thánh Thể không phải là một tập hợp gồm những cá nhân đơn lẻ đóng kín chỉ đơn thuần tuân theo một số những luật lệ áp đặt, nhưng trước hết và trên hết là cộng đoàn các môn đệ của Người, tin theo Người và hành động như Người, nghĩa là sống hiệp thông với nhau để phục vụ; mà phục vụ là để xây dựng tình hiệp thông, loan báo hiệp thông, và như thế, mới đích thực là cộng đoàn Thánh Thể. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
Vậy nên, giờ phút chúng con cử hành Thánh Lễ và Chầu Thánh Thể là chúng con đang sống những gì Thánh Thể cử hành, nghĩa là bước vào hành trình Vượt Qua, hòa mình vào dòng chảy Tình Yêu Tự Hiến của Người, ra khỏi chính mình như một cuộc xuất hành thiêng liêng, cùng với Người dấn thân phục vụ tha nhân. Vì: “Căn cứ vào điều này, chúng con biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (Ga 3,16). Yêu thương là cách thức diễn tả hữu hình, thôi thúc của Thánh Thể: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3 ,18). Cũng thế, lời chất vấn của Thánh Thể được tạo nên bởi tình yêu trong ý muốn phục vụ xót thương tha nhân: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3,17).
Như thế, Thánh Thể là nguyên lý của yêu thương và phục vụ qua việc Người rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tối Sau Cùng. Thánh Thể, vừa nói lên chiều kích hiệp thông chủ vị với từng người tín hữu, vừa đồng thời làm thành nguyên lý hiệp thông liên chủ vị với tất cả mọi thành viên của cộng đoàn được quy tụ nên một trong Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).[1]
Vì thế, là Kitô hữu, chúng con trước hết rập theo cung cách phục vụ của Người. Để phục vụ, Người đã luôn mời gọi chúng con cần xóa mình, xoá những chức vụ, địa vị, những đặc quyền, hay đặc ân mình có. Phục vụ không phải là chuyện nhục nhã, luồn cúi hay nhút nhát nhưng là vinh dự, là một mối phúc. Chúa nói: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16).
Thế nên, khi chúng con được cảm nếm hạnh phúc nhờ sự phục vụ nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng con ra đi trở về với cuộc sống thực tại, chúng con cũng đem niềm hành phúc đó chia sẻ cho những người chúng con gặp gỡ trong tinh thần khiêm nhường phục vụ tha nhân. Bởi vì, Khiêm nhường là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng con tới quê hương Nước Trời. Người khiêm nhường biết từ bỏ mọi sự, ngay cả bản thân cùng với địa vị và danh dự. Người sống khiêm nhường biết nhận định đúng về con người của mình, đồng thời biết quên mình đi để mưu cầu lợi ích cho những người chung quanh. Chính vì thế, người sống đời khiêm nhường, phục vụ tha nhân được người khác dành cho nhiều tình cảm tốt đẹp và được chính Thiên Chúa đón nhận, bởi họ được thong dong, không có những vướng mắc và níu kéo. Do đó, Chúng con nài xin Chúa hướng dẫn, chỉ bảo để chúng con tránh xa thói kiêu căng, tự mãn. Bởi, con người kẻ kiêu căng luôn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, muốn người khác phải trọng kính và coi mình như một vị thủ lãnh. Chính vì thế, kẻ kiêu căng không hề biết vâng lời và yêu thương. Người kiêu căng sẽ không bao giờ được thỏa mãn, lúc nào cũng ghen tức vì thấy người khác được thành công.
Lạy Chúa! qua bài Tin Mừng, chúng con cảm nhận rằng sống mầu nhiệm Thánh Thể là biết quan tâm và phục vụ anh chị em cách vô vị lợi. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa, trong và cùng với xã hội, cũng như cuộc đời mỗi người. Thánh Thể là Hiện diện của một tấm bánh bẻ ra cho thế giới, một thế giới chan hòa yêu thương, một thế giới hạnh phúc thực sự.
Lạy CHÚA GIÊSU Thánh Thể, chúng con cầu xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn phục vụ, biết vâng nghe tiếng Chúa và biết yêu thương người khác như đức ái đòi hỏi: mến Chúa – yêu người. Amen.
Hát : Kinh hòa bình- phổ nhạc: Lm Kim Long
Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, Đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, Đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, Đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con Tìm an ủi người hơn được người ủi an, Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
IV. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Chủ tế: Chúa Giê su đã làm gương về đời sống phục vụ âm thầm trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Người đã sống hết mình vì con người với một thái độ khiêm nhường, tự hạ, hăng say phục vụ chứ không mong được người khác phục vụ. Với tâm tình yêu mến, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời tha thiết nguyện xin:
1. Xin cho các Giám mục, Linh mục luôn thấm nhuần tinh thần khiêm hạ của Thầy Chí Thánh Giêsu, để có thể phục vụ cộng đoàn Dân Chúa trong mọi nghịch cảnh.
2. “Người làm lớn phải làm đầy tớ mọi người”. Xin cho những nhà lãnh đạo quốc gia luôn nhiệt thành lo cho dân nước để cùng nhau hướng tới một thế giới công bằng, bác ái và trọng nhân vị.
3. Xin Chúa khơi lên nơi các bạn trẻ tinh thần hăng say phục vụ quên mình, để thắp lên ngọn nến, xua tan màn đêm tối tăm giả dối của thế giới ảo và thực dụng.
4. Xin cho chúng ta luôn ý thức sâu sắc về phận mình để trong mọi việc chúng ta luôn làm với một thái độ khiêm tốn vì tất cả đều bởi ơn Chúa thương ban.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin ban cho tâm hồn chúng con luôn được bình an, với tâm tình phó thác cho sự quan phòng của Cha trên trời, để chúng con luôn vui sống, hăng say trong phục vụ, chuyên cần tìm gặp Chúa nơi anh chị em đồng loại. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
V. HÁT (QUỲ): ĐÂY NHIỆM TÍCH – PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH
(khi cha hay phó tế ban phép lành Thánh thể thì cúi đầu và làm dấu thánh giá)
VI. HÁT KẾT (ĐỨNG)
Hát: Thắp sáng lên – Sr. Trầm Hương (FMSR)
ÐK: Thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa. Thắp sáng lên trong con tình tuyệt vời.
Ðể con hân hoan đem tin yêu đi về muôn lối. Tựa như mưa tuôn, mưa hồng ân Chúa trên trần đời.
Ðể con say mê tim reo vang rộn ràng đi tới. Niềm tin cao dâng, ôi niềm tin thánh ân tuyệt vời.
[1] Vũ Chí Hỷ, Thánh Thể trong Tân Ước (NXB: Phương Đông, 2017), 141-150.