Chầu Thánh Thể Chúa Nhật XXIX Thường Niên- Năm A: THÁNH THỂ VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

THÁNH THỂ VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

Truyền giáo: Tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa Ba Ngôi

I. Chủ Sự Đặt Mình Thánh Chúa

Hát: Ôi Thần Linh Chúa

ĐK: Ôi Thần Linh Chúa, êm dịu khôn xiết, Chúa muốn thương yêu con cái nơi trần gian, ban bánh thơm ngon, ban bánh Thiên Thần. Người giàu đói nghèo, kẻ đói no giàu.

1- Chúa nuôi đoàn con, này đây bánh miến no lòng. Chúa cho đoàn con luôn luôn hưởng nếm mật ong. Ngợi khen cảm mến Thiên Chúa cứu tinh muôn đời. Tung hô Vua Trời tổ phụ Israen.

2- Nhớ trong rừng xưa đoàn người Hy-bá trở về. Uống ăn thoả thuê man-na nuôi sống toàn dân. Giờ đây đoàn con khao khát Thánh Thể Vua Trời. Tung hô muôn đời lòng Chúa khoan nhân.

II. Tâm Tình Đầu   

        Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng, thờ lạy, ngợi khen và cảm tạ Chúa! Tạ ơn Chúa đã cho chúng con một ngày mới để yêu thương, để sống và chúc tụng Chúa, để ra đi và thi hành sứ vụ mà Chúa trao phó nơi mỗi người chúng con. Hiện diện trước Chúa giờ này và ở đây, chúng con muốn cùng nhau suy niệm về chủ đề ngày Khánh Nhật truyền giáo, ngày muôn người dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin Chúa đã ban.

        Lạy Chúa, chúng con hiệp ý với nhau trong giờ chầu này để tạ ơn Chúa vì ơn đức tin mà Chúa đã ban cho chúng con, ngang qua sự dấn thân và hy sinh của các bậc tiền nhân, của những vị truyền giáo, những người đã mang Tin mừng của Chúa đến cho đất nước Việt Nam chúng con. Nhờ ơn đức tin, chúng con được biết Chúa, được sống trong gia đình Giáo hội, được vui hưởng và sống hạnh phúc trong tình yêu của Chúa.

        Chúng con cũng muốn dâng giờ phút linh thiêng này để cầu nguyện cho danh Chúa được rạng tỏ khắp trần gian. Dẫu biết rằng Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người, nhưng chúng con tha thiết cầu xin Chúa, ban ơn biến đổi, ban ơn đức tin cho những người chưa được nhận biết Chúa. Để nhờ đó, họ cũng cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho nhân loại, được sống trong gia đình Giáo hội và được hạnh phúc với Chúa ở đời này và đời sau.

        Hơn hết, chúng con muốn cùng nhau suy niệm về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và của mỗi người chúng con. Xin Chúa ban ơn soi sáng, để chúng con tìm ra ánh sáng chân lý của Chúa, nhờ đó chúng con có thể hiểu, quyết tâm và sống sứ mạng truyền giáo của chúng con ngang qua ơn gọi Kitô hữu. Xin Chúa nâng đỡ chúng con. Lạy Chúa, chúng con yêu mến và chúc tụng Chúa.

(Thinh lặng ít phút)

Hát: Xin Hãy Sai Con

ĐK. Này con đây, xin Chúa hãy sai con đi, đi làm chứng nhân cho Ngài và trở nên muối men cho đời, cho người khắp nơi.

1/ Từ bao năm qua, Lời Ngài hằng luôn thiết tha, “Lúa chín đầy đồng, mà không có bao thợ gặt”. Nay con đến bên Ngài, và con thân thưa với Ngài: “Này con đây, Chúa ơi! xin Ngài hãy sai con đi”.

2/ Trần gian hôm nay còn nhiều lầm than đắng cay, với Chúa vào đời, tình yêu hiến trao mọi người. Muôn ơn phúc cao vời Ngài ban như mưa tưới gội, trần gian nên thắm tươi muôn người sống trong an vui.

III. Đọc Tin Mừng Và Suy Niệm

Hát: Lắng Nghe Lời Chúa – Lm Nguyễn Duy

ÐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 28, 16-20)

Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Thinh lặng giây lát)

Suy niệm:

        Thánh Thể là trung tâm đời sống của Giáo Hội. Từ nơi Thánh Thể, mọi hoạt động của Giáo hội được hình thành và nuôi dưỡng. Thánh Gioan Kim khẩu đã khẳng định rằng, “không có thánh thể thì không có giáo hội”. Bên cạnh đó, giáo huấn của Giáo hội cũng khẳng định, tự bản tính, Giáo hội lữ hành là Giáo hội truyền giáo. Nếu đánh mất tính truyền giáo, thì Giáo hội không còn là Giáo hội. Như vậy, Thánh Thể và Truyền giáo chính là hai yếu tố căn bản hình thành nên Giáo hội. Thánh Thể và truyền giáo chính là 2 mặt của thực tại Giáo hội. Thánh Thể là nguồn sức sống nuôi dưỡng, còn truyền giáo chính là sức năng động của Giáo Hội.

        Lời Chúa trong ngày khánh nhật truyền giáo không chỉ cho thấy ý nghĩa và vai trò của sứ vụ truyền giáo trong Giáo hội, mà còn nhấn mạnh đến sự liên kết mật thiết giữa 2 yếu tố Thánh Thể và sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.

        Trước hết, liên quan đến căn tính của sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, sứ vụ này phát xuất từ chính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Con vâng lời Chúa Cha nhập thể làm người trong sự cộng tác với Chúa Thánh Thần. Lời Chúa hôm nay cho thấy, Chúa Con là chính Đức Kitô đã trao lại sứ mạng đó cho giáo hội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Mặc dù Chúa Giêsu đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất, nhưng ngài không sai các môn đệ ra đi và làm cho thế giới trở thành môn đệ nhân danh Ngài, nhưng là nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Quả vậy, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là xuất phát điểm của sứ mạng truyền giáo. Thiên Chúa Ba Ngôi là một liên vị nội tại, tương quan liên vị giữa Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm cứu độ được thực hiện và thành toàn trong sự cộng tác mang tính cá vị nhưng hiệp nhất của từng ngôi vị lại thực hiện trong tương quan Ba ngôi. Bản chất tương quan và sự hiệp thông Ba Ngôi này được phản ánh trong sứ mạng của Giáo hội. Các Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào sứ mạng truyền giáo không chỉ vì đó là sứ mạng, mà sâu xa hơn, đó chính là căn tính trong sự hiệp thông liên vị với Thiên Chúa Ba Ngôi và với tha nhân. Thiên Chúa Ba Ngôi với sự hiệp thông nội tại muốn chia sẻ sự hiệp thông và tình yêu thương ấy cho con người, đến lượt con người, hiệp thông và đón nhận tình yêu thương trong Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng cần thực hiện và thi hành sự hiệp thông liên vị đó với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Đó không còn là chức năng hay trách nhiệm, mà chính là căn tính của Giáo hội và của mỗi kitô hữu.  

        Như thế, yếu tố cộng đoàn và sự thông hiệp là căn cốt của việc truyền giáo. Tính cộng đoàn và sự thông hiệp này, không ở đâu khác, nhưng được thể hiện rõ nét nhất trong cử hành bí tích Thánh Thể. Nói đúng hơn, chiều kích cộng đoàn, sự hiệp thông và nên một chính là nền tảng của cử hành Thánh Thể. Trong Thánh Thể, người lãnh nhận không chỉ được hiệp thông theo chiều dọc với Chúa Kitô, là đầu của thân thể, và qua Người bước vào hiệp thông với sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi, mà còn theo chiều ngang trong sự hiệp thông với tha nhân. Người lãnh nhận không chỉ hiệp thông với quá khứ mà còn là tương lai, không chỉ hiệp thông với Hội thánh khải hoàn mà còn với Hội thánh thanh luyện. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, đã khẳng định rằng, “Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các bí tích vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha bằng cách đồng hóa với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần”. Vì thế, Thánh Thể cũng đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa với tha nhân, với cộng đoàn Hội thánh: “trong Đức Kitô và nhờ hoạt động của Thánh Thần liên kết chúng ta với Chúa Cha và với nhau.”

        Sự liên kết và hiệp thông này có điểm quy chiếu là chính Đức Kitô. Lời Chúa hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “và đây, thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Quả vậy, nơi Bí tích Thánh Thể, nơi tấm bánh bé nhỏ có sự cộng tác của công khó con người và sự hạ mình của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở giữa con người, Thiên Chúa và con người kết nối với nhau, đi vào trong một mối tương quan nhân vị. Nơi đó, Đấng tạo hóa đến và hàn huyên với thụ tạo của Ngài. Nơi đó, tương quan giữa Thiên Chúa và con người không chỉ là một ngày, hai ngày, nhưng là mọi ngày cho đến tận thế. Nơi đó, Thiên Chúa không chỉ an ủi, vỗ về, động viên con người, nhưng đã trở nên chính lương thực nuôi dưỡng con người trên hành trình tìm về quê hương đích thực của mình. Nhờ bởi chính Thiên Chúa trong Thánh Thể mà con người được hiện hữu, được chăm sóc, được nuôi dưỡng, được đồng hành và hơn nữa là được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng để đưa tới sự thành toàn, là tất cả thế giới được nên một trong tình yêu của Thiên Chúa ngang qua đời sống chứng tá của mỗi người. Như vậy, Thánh Thể chính là nguồn thần lương nuôi dưỡng sự sống và sự hiệp nhất của giáo hội. Nguồn lương thực này cũng chính là sức mạnh và là động lực cho các tín hữu sống căn tính của mình trong sứ vụ truyền giáo.

        Kinh nghiệm được điều này, Cha Thánh Eymard, một con người đi trước thời đại, đã nhìn thấy sự kì diệu của Bí Tích Thánh Thể nói trên bằng chính kinh nghiệm của ngài trong xã hội đương thời. Đối với Ngài, không phải nên thánh rồi mới rước lễ, nhưng rước lễ là để nên thánh. Với Ngài, sứ mạng của Hội Thánh khởi đi từ sứ mạng của Thánh Gioan tẩy giả, là trình bày và giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới. Nhưng không dừng lại ở đó, mà phải đạt tới một đòi hỏi vinh quang hơn là trình bày sự khải hoàn của Tình yêu Chúa Giêsu, và tình yêu đó được mạc khải đỉnh điểm trong Mầu Nhiệm Thánh Thể. Nhận chìm mình trong mầu nhiệm đó, Thánh Eymard đã dành cả cuộc đời để kêu gọi mọi người đến với Bí Tích Cực Trọng này. Với việc thành lập dòng Thánh Thể, Ngài đã quy tụ một nhóm người, không phải chỉ để tôn thờ, nhưng là để sống chứng tá và thi hành sứ mạng Thánh Thể, là trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy và làm cho Vinh Quang Thánh Thể được rạng tỏ khắp trần gian. Cuộc đời của Ngài là một minh chứng và là hình mẫu rõ ràng cho thấy rõ sự liên kết chặt chẽ giữa Thánh Thể và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Lòng nhiệt thành tông đồ mà ngài đã thể hiện suốt cả cuộc đời đã cảm hóa biết bao nhiêu người. Với khả năng tiếp cận mọi tầng lớp người trong xã hội, Ngài đã phục vụ từ tầng lớp trung lưu, công nhân và người nghèo, đến thậm chí cả tù nhân. Chung quy lại, với Thánh Eymard, phương thế hữu hiệu nhất cho sứ vụ truyền giáo chính là Thánh Thể, nguồn động lực và sức mạng của sứ vụ truyền giáo cũng chính là Thánh Thể, và khi đạt tới tình trạng viên mãn của Thánh Thể cũng chính là đạt tới tình trạng mà Chúa Giêsu đề cập trong lời Chúa hôm nay, tình trạng muôn dân trở thành môn đệ Chúa.

Cầu nguyện:

        Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con nhận thấy mình thật hạnh phúc khi được làm con cái của Hội dòng, của Giáo hội, được mời gọi sống cho Bí Tích Thánh Thể, và cho vinh Quang Thiên Chúa. Đây vừa là ân ban cao quý, nhưng cũng vừa là một đòi hỏi lớn lao đối với chúng con. Tự sức mình, chẳng bao giờ chúng con có thể thực hiện được. Xin Chúa ban ơn thêm sức cho mỗi người chúng con, xin cho chúng con biết ý thức về sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình. Sứ vụ đó trước hết là biết chu toàn và quý trọng thời gian được ở bên Chúa, vì đó chính là nguồn năng lượng của và là sức sống dưỡng nuôi Giáo hội và chúng con. Để nhờ đó, chúng con hân hoan ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho thế gian, hầu cho muôn dân được ơn cứu độ và vinh quang Chúa được rạng tỏ khắp trần gian. Amen.

 (Thinh lặng ít phút)

1. Cho con biết yêu thương trọn đời, cho con biết yêu thương ngàn đời, yêu thương cả cuộc đời, yêu thương hết mọi người, Chúa ơi. Cho con biết say mê tình Chúa, cho con biết say yêu tình Ngài, hy sinh cả cuộc đời vì lòng yêu Chúa thôi.

ÐK: Lạy Chúa, chính Ngài là tình yêu, tình yêu con tôn thờ, tình yêu ôi cao vời vượt trên muôn núi đồi. Lạy Chúa, chính Ngài là tình yêu, đời con luôn cậy nhờ, dù gian nguy trong đời tình con vẫn rạng ngời.

2. Cho con mãi trung kiên ngàn đời. Cho con chẳng khi nào phụ tình, tim luôn mở rộng mời trong say đắm tình Ngài thiết tha. Cho con vẫn tin yêu một đời, cho con biết thứ tha thật nhiều, quên đi cả khổ sầu vì lòng yêu Chúa thôi.

IV. Lần Chuỗi Mân Côi

Chúng ta cùng với Đức Maria tôn thờ và ca tụng Chúa qua một chục kinh Mân côi mầu nhiệm năm sự Mừng

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại, ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh sáng danh).

V. Lời Cầu 

(Như Lời Nguyện Tín Hữu ngày Chúa Nhật)

VI. Giờ Chầu Tiếp Diễn Như Thường Lệ