Chầu Thánh Thể Chúa Nhật V Thường Niên- Năm B: Cậy Trông Vào Chúa Và Thực Thi Đường Lối Của Người

Cậy Trông Vào Chúa Và Thực Thi Đường Lối Của Người

Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B | Tổng Giáo Phận Hà Nội

I. Chủ Sự Đặt Mình Thánh Chúa

Hát: Thờ lạy Chúa – Hoài Đức

ĐK: Thờ lạy Chúa! Thờ lạy Chúa! Uy quyền khả ái trong hình bánh hiến thân. Thờ lạy Chúa! Thờ lạy Chúa! Uy quyền khả ái hiến mình cho thế trần.

1. Hồi tưởng xưa kia Chúa đã hi sinh nằm thánh giá, lòng thương mến bao la còn chưa thỏa tâm yêu, mà nay Chúa đến dưỡng nuôi bao linh hồn bơ vơ, này của ăn quý giá Thần lương đây sẵn chờ, chúng con xin thành tâm mến tin, chúng con xin thành tâm kính thờ.

2. Và tổ tông xưa thu tích Man- na dành sức sống. Đường quê có lao công mà không quản long đong, Thần lương nuôi dưỡng khiến trên dương gian đầy gai chông. Ngàn hiểm nguy chất đống hồn con bước đến cùng, tới Quê Thiên Đàng con ước mong, có Giêsu nào con ngã lòng.

II. Tâm Tình Đầu   

      Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin rằng Chúa đang ngự thật nơi tấm bánh tình yêu trên bàn thờ. Chúa đã làm người để chia sẻ thân phận yếu hèn của chúng con ngoại trừ tội lỗi. Chúa đến không chỉ ở nơi Tấm Bánh mà còn ngự vào tâm hồn mỗi người chúng con để chúng con có nơi nương tựa là chính Chúa. Lạy Chúa, nhân loại chúng con đang trải qua những “đêm tối” của chiến tranh, bệnh dịch và hận thù. Tệ hơn, những đêm tối ấy lại xuất phát từ sự ghen ghét của chúng con. Điều này cho chúng con thấy rằng, chúng con là con của Chúa mà chẳng có Chúa, chúng con là môn đệ của Chúa mà chẳng thực thi đường lối của Người. Vậy, lạy Chúa, trong giờ phút linh thiêng này, xin Chúa cho chúng con nhìn nhận Chúa là điểm quy chiếu, là khuôn mẫu về đời sống sứ vụ cho chúng con noi theo, ngõ hầu, đời sống của chúng con sẽ thành chứng tá cho Tin Mừng của Ngài. Amen

Hát : Về bên Chúa _Trầm Hương
1. Tìm đâu giây phút dịu êm hơn bên Chúa đây. Lặng nghe khúc hát tình yêu ngây ngất say. Về đây bên Chúa tình yêu con lắng nghe, Chúa nói đi, giây phút này. Hồn như vươn tới trời quê hương, ôi sướng vui hạnh phúc thiên đường.
2. Từ nơi cung thánh vong vang lên tiếng Chúa gọi. Đền bồi những tháng ngày vong ân hững hờ. Về đây bên Chúa tình yêu con lắng nghe Chúa nói đi, giây phút này. Tình yêu Thiên Chúa thật bao dung, nhưng thế nhân vẫn mãi lạnh lùng.
ĐK. Tìm về bên Chúa ôi Chúa Giê-su, nguồn tình yêu mến chan chứa vô bờ bừng bừng lửa mến trái tim ngời sáng thiết tha ân tình ngàn đời khôn vơi.

(Thinh lặng ít phút)

III. Đọc Tin Mừng Và Suy Niệm

Hát: Lắng Nghe Lời Chúa – Lm Nguyễn Duy

ÐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.

TIN MỪNG THEO THÁNH MAC-CÔ (Mc 1, 29-39)

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

SUY NIỆM

          Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marco đã phác họa lại cho chúng con thấy toàn cảnh về sứ vụ rao giảng của Chúa được dệt nên bởi ba khía cạnh là: rao giảng, chữa lành và cầu nguyện. Quả thế, việc Đức Giêsu tiếp tục đi rao giảng nhắc nhớ cho chúng con rằng, sứ vụ loan báo Tin Mừng thì không có hồi kết, luôn luôn là một hành trình không bến. Việc Chúa chữa lành cho bà mẹ vợ ông Simon cũng như chữa mọi kẻ bệnh tật ốm đau hay xua trừ ma quỷ chứng tỏ rằng Chúa có quyền năng trên những thế lực chống đối Ngài. Sau tất cả, Chúa đi cầu nguyện cho chúng con nhận ra rằng cầu nguyện luôn là điểm khởi và điểm kết cho mỗi cuộc hành trình. Như vậy, rao giảng, chữa lành và cầu nguyện và là ba nhân tố không thể thiếu nơi mỗi người kitô hữu.

          Đầu tiên, là về sứ vụ rao giảng, chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 3) hay trong Gioan 20,21: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Như vậy, rao giảng Tin Mừng, tự bản chất là sứ mạng của mỗi con người trong mọi thời đại. Nói cách khác, loan báo Tin Mừng không chỉ dành riêng cho linh mục hay tu sĩ nhưng còn là sứ vụ của tất cả mọi người, những người đã được lãnh bí tích Rửa Tội. Về điểm này, chính tông đồ Phaolô đã tự nhủ bản thân rằng: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16). Nhưng chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng bằng cách nào đây? Đọc và sống Lời Chúa mỗi ngày ư? Chưa đủ! Rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh ư? Chưa đủ! Giúp người khác sống theo Tin Mừng ư? Chưa đủ!…Ngoài những điều trên, chúng ta được mời gọi sống chứng tá ngay trong lòng thế gian. Sống chứng tá cần được thể hiện qua lối sống và hành động cụ thể, bởi vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Như Đức Giêsu, Người đã hành động trên ma quỷ, bệnh tật và đau khổ để tỏ lòng thương nhân loại thì chúng ta cũng được mời gọi noi gương Người hãy có những việc làm cụ thể và thiết thực. Bên cạnh đó, đời sống chứng tá của chúng ta được thúc đẩy khởi đi từ đời sống trần thế và lời rao giảng của Đức Giêsu, chỉ có như thế, lời rao giảng của chúng ta mới có thể gieo hạt giống Tin Mừng trong mọi người được, bởi vì: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20).

          Thứ hai, khi nói về sự dữ và đau khổ, Kinh Thánh cho chúng ta thấy đây là điều làm cho con người chán nản và nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Dân Israel đã nghi ngờ lời hứa của Thiên Chúa khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, hay trong sa mạc dân Israel đã kêu trách Đức Chúa khi họ bị bỏ đói. Và rõ hơn là trường hợp của ông Gióp. Ông Gióp là một người đạo đức và sống đẹp lòng Chúa. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, những điều không may đã xảy ra với ông và gia đình, ông mất hết con cái và tài sản. Trong cơn đau khổ, ông đã suy nghĩ về sự vô nghĩa của cuộc đời: “Vừa nằm xuống tôi đã nhủ thầm: khi nào trời sáng; mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: bao giờ chiều buông. Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng” (G 7, 4). Có thể nói, tâm trạng của ông Gióp cũng là tâm trạng của một số người trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Họ luôn cảm thấy cuộc đời này vô vị. Họ bất mãn và nhìn cuộc đời với lăng kính u buồn. Thay vì quan tâm đến người khác, họ lại nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Họ không nhận ra ân huệ của Thiên Chúa khi Ngài ban cho họ rất nhiều cơ hội để cải thiện đời sống. Thế nhưng, dù trong mọi hoàn cảnh, ông Gióp không bao giờ kêu trách Đức Chúa, ông vẫn một niềm trông cậy. Và rồi, Thiên Chúa đã ban lại cho ông không chỉ những gì đã mất mà còn được gấp nhiều lần. Như vậy, qua hình ảnh ông Gióp, chúng ta được mời gọi hãy đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc sống. Và nếu chúng ta có niềm tin mạnh mẽ thực sự thì “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10, 27),  như mẹ vợ ông Simon, sau khi được Đức Giêsu chữa lành bà đã đủ sức khỏe để phục vụ mọi người.

          Thứ ba, về đời sống cầu nguyện, có thể nói, đời sống cầu nguyện luôn là nền tảng của đời sống kitô hữu. Cầu nguyện để nghiệm ra thánh ý Chúa và thực thi thánh ý Ngài, cầu nguyện để tiếp thêm sức mạnh từ Thánh Thần để dấn thân vào các hoạt động nơi trần thế và cầu nguyện còn là cơ hội chúng ta hồi sức sau những ngày khó nhọc gieo hạt giống Nước Trời. Trong bài Tin Mừng, chính Chúa đã dạy chúng con cầu nguyện là cần thiết, “Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó”, động từ “chỗi dậy”, “ra khỏi” và “đi đến” muốn nói đến một tâm tình sẵn sàng và quyết tâm hướng về Chúa và để Chúa hoạt động liên lỉ trong mỗi chúng ta. “Ra khỏi” không có nghĩa là từ chối thực tại, thoát khỏi các biến cố nhưng là cầu xin Chúa giúp sức cho chúng ta không đánh mất mình trong thực tại, bởi lẽ, trong Thiên Chúa, chúng ta và thực tại là một. Như vậy, qua hình ảnh Đức Giêsu cầu nguyện, chúng ta được mời gọi kết hiệp với Chúa không chỉ nơi khởi đầu và kết thúc cuộc hành trình nhưng còn kêu cầu Danh Chúa trong mọi ngữ cảnh của cuộc sống.

           Như thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu thực thi ba khía cạnh nền tảng của đời sống kitô hữu đó là : rao giảng Tin Mừng, quan tâm đến những người cùng khổ và cầu nguyện. Ba khía cạnh này đan xen lẫn nhau nhưng không loại trừ nhau và tạo nên sự quân bình trong đời sống kitô hữu của chúng ta. Chúng ta cần kết hợp hài hòa khía cạnh “động” và “tĩnh” để tạo nên một thế quân bình. Trong Tin Mừng Marco 6, 30-34, các môn đệ đã hớn hở kể cho Chúa nghe về những việc các ông đã làm, sau đó Chúa mời gọi các ông hãy đi ra nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Cũng thế, những giây phút tĩnh lặng trong cầu nguyện là cơ hội giúp chúng ta nghỉ ngơi và nghiệm lại những việc ta đã làm, từ đây, chúng ta sẽ ra đi để tiếp tục rao giảng và những hoạt động hằng ngày sẽ là hoa trái của những suy tư và cầu nguyện trước Thánh Thể.

      Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước những thách đố về niềm tin trong thời đại hôm nay, xin Chúa cho chúng con luôn giữ được và đứng trên chiếc “kiềng ba chân” là loan báo Tin mừng, quan tâm đến những người nghèo và về bên Chúa sau mỗi khoảng thời gian sống của chúng con. Chỉ có như thế, chúng con mới xứng đáng là môn đệ của Chúa. Trong những thời khắc của những ngày cuối năm, xin Chúa giúp chúng con duyệt xét lại chặng đường đã qua. Có những con đường lệch lạc mà chúng con đã đi bằng những vật chất, tiền tài và danh vọng. Có những con đường chúng con đi đầy những ngã rẽ ghen ghét, vị kỷ và vô cảm. Xin Chúa hãy giúp chúng con luôn biết chọn theo Chúa là con đường đích thật dẫn đến sự sống đời đời. Amen

Hát : Trông cậy Chúa – Nguyễn Duy & Phanxicô

1. Con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi Ngài, con hy vọng vào Ngài, đời con nương bóng Chúa thôi. Con xin trao về Chúa, niềm tin và ước mơ này, được quên đi những âu lo, tìm vui theo bước chân Cha.

ĐK. Con luôn trông cậy Chúa khác nào em bé ngủ yên trong tay mẹ hiền bên lời âu yếm. Tình Chúa mãi mãi theo con, cho tâm hồn dù trong mưa gió, mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên.

2. Giữa tháng năm đời sống nhiều khi mưa đổ bên trời, đam mê nặng lòng người, niềm đau khơi nước mắt rơi. Những ánh sao còn đó, còn tin yêu ngước lên trời, tình thương Thiên Chúa muôn nơi, ngàn năm soi ấm tin vui.

IV. Lời Cầu 

(Như Lời Nguyện Tín Hữu ngày Chúa Nhật)

V. Giờ Chầu Tiếp Diễn Như Thường Lệ