Chầu Thánh Thể Chúa Nhật V Phục Sinh- Năm B: Hãy Gắn Bó Và Ở Lại Trong Chúa Phục Sinh Để Được Bình An

Hãy Gắn Bó Và Ở Lại Trong Chúa Phục Sinh Để Được Bình An

I. Chủ Sự Đặt Mình Thánh Chúa

Hát: Lòng Chúa Aí Tuất – Nguyễn Bang Hanh

1.Đây lòng Chúa ái tuất không bến bờ, Thương loài nhân thế đang vướng tội nhơ. Đem trót Máu Thịt nuôi dưỡng xác hồn. Ngày đêm ban xuống cho muôn ngàn dân.

2.Trong hình bánh Chúa náu thân khó hèn. Con dù không thấy luôn vững niềm tin. Đây chính Máu Thịt con Đức Chúa Trời. Là Vua trên hết các Vua trần ai.

ĐK: Con xin kính tin sắp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình.

II.TÂM TÌNH ĐẦU                        

          Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa chính là Tình Yêu. Vì thương yêu loài người chúng con, Chúa đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người, chịu chết khổ đau, nhục nhã trên Thập Giá để cứu độ chúng con. Không những thế, vì muốn cho chúng con được sống và sống dồi dào bởi Mình và Máu Chúa, Chúa đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể và hiển ngự trong Tấm Bánh Thánh Thể để trở nên lương thực thần linh nuôi sống linh hồn và thân xác chúng con. Quả thực, chúng con cảm thấy thật diễm phúc khi được Chúa ân ban cho hồng phúc lớn lao này. Chúng con xin dâng lên Chúa tâm tình thờ lạy, ca ngợi và tri ân.

          Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật: Chúa chính là Cây nho còn chúng con là những cành nho. Cành chỉ sống và phát triển khi được liên kết với thân, con cành lìa khỏi cây sẽ trở nên ủ rũ, héo tàn. Vì thế, chỉ khi ở lại trong Chúa, chúng con mới được sống và sống dồi dào. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết khao khát Chúa, cố gắng ở lại trong Chúa qua việc sống kết hợp, gắn bó mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, chiêm niệm và các hoạt động tông đồ, để mỗi ngày sống của chúng con trở thành những chuỗi ngày hạnh phúc và bình an. Rời xa Chúa, cuộc đời chúng con sẽ trở nên bất an và đau khổ.

          Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hiện nay, thế giới vẫn còn đó nhiều người chưa được tháp nhập vào thân mình của Chúa hoặc đang sống rời xa Giáo Hội của Chúa. Xin cho chúng con, những môn đệ của Chúa nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, ý thức được trách vụ ngôn sứ của mình để trở nên cam đảm, ra đi đem Chúa đến với họ, giúp họ được tháp nhập vào Hội Thánh hầu tất cả hợp nhất nên một trong thân mình của Chúa.

Hát: Về Bên ChúaSr. Trầm Hương

1. Tìm đâu giây phút dịu êm hơn bên Chúa đây. Lặng nghe khúc hát tình yêu ngây ngất say. Về đây bên Chúa Tình Yêu con lắng nghe, Chúa nói đi, giây phút này! Hồn con vươn tới trời quê hương, ôi sướng vui hạnh phúc Thiên Đường.

ĐK. Tìm về bên Chúa, ôi Chúa Giêsu! Nguồn tình yêu mến chan chứa vô bờ. Bừng bừng lửa cháy, trái tim ngời sáng. Thiết tha ân tình ngàn đời khôn vơi.

2. Từ nơi cung thánh vọng vang tiếng Chúa gọi. Đền bồi những tháng ngày vong ân hững hờ. Về đây bên Chúa Tình Yêu con lắng nghe, Chúa nói đi, giây phút này! Tình yêu Thiên Chúa thật bao dung, nhưng thế nhân vẫn mãi lạnh lùng.

 (Thinh lặng)

III. Suy Niệm Tin Mừng

Hát: Xin cho con biết lắng nghe – L.m Nguyễn Duy

ÐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.

Tin Mừng Theo Thánh Gio-an (15, 1-8)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

Suy Niệm            

          Khao khát bình an là xu hướng tâm lý chung của con người chúng ta. Sinh ra giữa biển đời đầy đau khổ và chết chóc, chúng ta luôn mong muốn đạt được sự bình an để giảm bớt đau khổ và xoa dịu những thương đau của cuộc đời. Chính vì thế, mà chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, mỗi ngày sống của mỗi người chúng ta là một nỗ lực để đi tới sự bình an. Chúng ta cố gắng làm việc, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chính là mong muốn tìm thấy được sự bình an nơi của cải vật chất, tiền tài, danh vọng, vì “có tiền thì mua tiên cũng được” và “có tiền là có tất cả” trong đó có cả bình an. Có nhiều người nỗ lực tìm kiếm bình an nơi các nẻo đường tâm linh nên họ tìm đến các tôn giáo vì đó được xem như là những bậc thang đưa ta đến với sự bình an. Thế nhưng, từ thuở sơ khai cho đến nay, nhiều người vẫn chưa tìm được sự bình an đích thực, có chăng họ chỉ tìm thấy thứ bình an giả tạo chóng qua bên ngoài, vì người giàu cũng đau khổ, kẻ thành công cũng trải qua khổ đau, người cao sang quyền quý hằng ngày cũng phải ngụp lặn trong biển khổ: tâm trạng bất an, tâm lý sợ hãi. Sợ mất tiền, mất của, mất danh vọng. Vậy một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là: làm sao để đạt được sự bình an đích thực?

           Bài Tin Mừng  vừa nghe cho chúng ta thấy rằng: Chúa Giêsu, Đấng là Hoàng Tử Bình An, được ví như thân nho, còn chúng ta là những cành nho. Cành chỉ sống và sinh hoa trái khi được gắn chặt với thân nho, còn cành lìa khỏi cây sẽ trở nên khô héo, chết dần chết mòn theo năm tháng và cuối cùng bị người ta nhặt lấy quăng vào lửa. Chính vì thế, con đường duy nhất để tìm thấy sự bình an đích thực là gắn bó và ở lại trong Chúa Phục Sinh. Chỉ trong Ngài chúng ta mới được sống và sống bình an. Như Vịnh Gia cảm nghiệm: “Chỉ trong Thiên Chúa này hồn tôi mới nghỉ ngơi yên hàn.” (Tv 62, 2)

          Thật vậy, hoa trái thiêng liêng của việc sống gắn bó với Chúa Phục Sinh là bình an. Kinh Thánh cho chúng ta thấy, Đức Giêsu chính là Vị Sứ giả Bình An, được Chúa Cha sai đến trần gian để trao ban bình an cho nhân loại, ngõ hầu dẫn đưa tất cả mọi người về với Thiên Chúa là Nguồn Mạch Bình An Vĩnh Cửu.”[1] Bởi vậy mà trong biến cố Nhập Thể, khi Đức Giêsu giáng sinh tại Bêlem, các thiên thần đã đồng thanh ca hát rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). Trong suốt hành trình dương thế, Đức Giêsu đã trao ban bình an cho tất cả mọi người: từ người tội lỗi đến người nghèo khó, từ người bị xã hội bỏ rơi đến người đau ốm, bệnh tật. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người đã để lại bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14, 27). Cuối cùng, sau khi phục sinh Ngài cũng ban bình an cho các môn đệ của Ngài: “Bình an cho anh em.” (Lc 24, 36). Cho nên, sống gắn bó với Chúa Phục Sinh, chúng ta cũng sẽ được Ngài trao ban bình an và ở trong bình an của Ngài, vì: “Ai ở lại trong Thầy thì Thầy ở lại trong người ấy, và người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15, 1-8). Mặt khác, bình an mà Đức Ki-tô ban tặng không phải bình an theo kiểu thế gian, thứ bình an hào nhoáng bên ngoài, nhưng đó là thứ bình an bên trong sâu thẳm tâm hồn. Thứ bình an vượt thắng được mọi sữ dữ và có thể phá tan được mọi sự chia rẽ hận thù, ghen tương, đố kị, ghen ghét và có khả năng kiến tạo hoà bình. Như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô khẳng định: “Chính Đức Giê-su là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.” (Ep 2,14-15). Được sống, gắn bó và được nâng đỡ bởi một thứ bình an giá trị như vậy, tâm hồn chúng ta cũng được gạn lọc khỏi những sự dữ để trở nên thanh thơi và bình an. Vì thế, ngay từ bây giờ, mỗi người chúng ta hãy cố gắng sống kết hợp mật thiết với Chúa để làm cho tâm hồn chúng ta nên hoan lạc và tràn đầy niềm vui. Để làm được điều này, chúng ta phải vun đắp cho đời sống cầu nguyện của chúng ta qua việc dành nhiều thời gian suy gẫm, cầu nguyện, chiêm niệm trước Chúa Giêsu Thánh Thể, đồng thời cũng cần phải thi hành đức bác ái với tất cả mọi người, cách đặc biệt là những người nghèo khó, đau yếu, bệnh tật, vì họ chính là hình ảnh của Chúa Giêsu ở trần gian.

           Bình an cũng chính là hoa trái của việc ở lại trong tình yêu của Chúa Phục Sinh. Mặc khải đức tin cho chúng ta biết rằng, Chúa Phục Sinh là một vị Thiên Chúa của Tình Yêu: Vì tình yêu, Ngài Nhập Thể làm người; suốt hành trình dương thế, Ngài rao giảng, sống và làm chứng cho tình yêu; cuối cùng, Ngài chịu khổ nạn, chịu chết cũng vì tình yêu. Đó là một tình yêu cao quý, vượt xa mọi tình yêu. Một tình yêu vô bờ vô bến, không có giới hạn. Một tình yêu quảng đại, vị tha. Một tình yêu hiền hoà và đầy lòng bao dung, nhân hậu. Cho nên, ở lại trong tình yêu ấy, chúng ta sẽ được tình yêu ấy nuôi dưỡng, quan phòng, nâng đỡ, chở che khỏi những vướng bụi trần gian, khỏi những cám dỗ của ma quỷ, xác thịt. Đồng thời, tình yêu đó sẽ biến đổi, hoán cải và thanh lọc khỏi tâm hồn chúng ta những vết nhơ tội lỗi. Như Thánh Phaolô, sau khi cảm nhận được tình yêu nồng nàn đến từ Thiên Chúa đã thốt lên rằng:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:3-7).

          Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều tâm hồn đã tìm lại được sự bình an sau khi được gặp gỡ tình yêu của Đức Kitô. Lêvi, vốn là một người thu thuế tội lỗi, sau khi gặp gỡ Đức Giêsu, đã được tình yêu của Ngài biến đổi để rồi trở thành một môn đệ của Ngài. Kế đến là Giakêu, một người tội lỗi, sau cuộc hội ngộ với Thầy Chí Thánh Giêsu, đã cảm nhận được sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa, từ đó có một cuộc biến đổi ngoạn mục. Ông sẵn sàng chia nửa gia tài cho người nghèo và đền gấp bốn cho những ai mà ông đã cướp đoạt. Nổi bật hơn cả vẫn là Madalêna, một cô gái điếm vô cùng tội lỗi, đáng lý ra phải chết vì đã phạm tội ngoại tình, nhưng tình yêu của Thiên Chúa đã đem lại bình an cho cuộc đời cô: “Chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”

          Như thế, ở lại trong tình yêu của Chúa Phục Sinh chính là chìa khoá để mở cánh cửa bình an. Tình yêu của Đấng Phục Sinh được biểu lộ qua hai giới răn: Mến Chúa và Yêu người. Chính vì thế, để ở lại trong Tình Yêu ấy, chúng ta phải kính mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Đồng thời, phải yêu thương người thân cận như chính mình, cho dù họ là những kẻ thù của chúng ta.

          Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giữa những xao động của trần thế nổi trôi, giữa những sục sôi tranh chấp trong kiếp người, việc sống gắn bó và ở lại trong tình yêu của Đấng Phục Sinh luôn là một thách đố đối với mỗi người chúng con. Do hậu quả của tội Nguyên Tổ, bên trong mỗi người chúng con vẫn còn đó những sự yếu đuối, mỏng giòn và dễ nghiêng chiều về tội lỗi. Đôi khi, chúng con sẵn sàng loại Chúa ra khỏi cuộc đời để thoả mãn cái tôi của mình. Vì vậy, để sống gắn bó và ở lại trong tình yêu của Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết cắt tỉa cuộc đời qua sự dâng hiến hoàn toàn bản thân cho Chúa, và để ân sủng của Chúa biến đổi chúng con từng ngày, từng giờ. Dẫu biết rằng, cắt tỉa sẽ làm cho chúng con đau đớn, khổ đau, buồn sầu, thế nhưng, tất cả sẽ biến thành hoan lạc và bình an nếu chúng con biết cậy trông vào bày tay của Chúa. Với sự khôn ngoan và lòng nhân hậu, chúng con tin tưởng Chúa sẽ loại đi những thói hư, tật xấu và những gì không đẹp lòng Chúa, để những đức tính tốt lành được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Chúng con xác tín Chúa sẽ biến đổi chúng con trở thành những con người biết sống hiền hậu và khiêm nhường của Chúa. Từ đó, chúng con sẽ cảm nghiệm được bình an của Chúa trong tâm hồn. Amen.

Hát: Chúa Là Cây Nho – Lm Ân Đức

1. Chúa là cây nho, con là cành nho. Chúa đưa con vào mối tình, mối tình đầu tiên. Chúa khoác con bằng hồng ân, áo trắng vô ngần. Chúa là cây nho, con là cành nho. Con chết mỗi ngày, với Ngài cho ngàn tội lỗi. Con sống cho Ngài từ đây trong cuộc đời mới.

ĐK: Để từ đây con chung mối hiệp thông, cùng Ba Ngôi cực thánh ôi muôn trùng. Để từ đây sống luôn trong niềm vui, Mẹ Hội Thánh dấu yêu, ôi tuyệt vời. Để từ đây con không ngớt ngợi khen Tình yêu Chúa, nguồn thánh ân diệu huyền. Để từ đây con sẽ là bài ca, một bài ca muôn đời tạ ơn Chúa

2. Chúa là cây nho, con là cành nho. Cũng như muôn cành kết hợp, kết hợp cùng cây, Chúa muốn con hằng trổ sinh hoa trái thơm lành. Chúa là cây nho, con là cành nho. Chúa muốn con hằng ở lại trong Tình yêu Chúa, Chúa muốn con là từ đây, như người bạn thân.

[1] Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Đức Giêsu Kitô – Đường Bình An”, truy cập ngày 24/4/2024, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-binh-an-41225.

IV. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Muốn sống hiệp thông, chúng ta phải tăng triển đời sống thân mật với Chúa, và thi hành sứ mệnh Ngài trao cho trong tinh thần khiêm tốn, cậy trông. Muốn được như vậy chúng ta tha thiết cầu xin:

1. Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành.” Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị mục tử trong Hội Thánh luôn biết sống gắn bó, kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô để được Ngài nâng đỡ, giữ gìn và ban muôn ơn lành hồn xác hầu chu toàn tốt sứ mạng mục tử mà Chúa đã trao phó.

2. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết yêu chuộng hoà bình và biết lấy tình bác ái để xây dựng một thế giới thái bình và dân nước được an cư lạc nghiệp.

3. Chúa nói: “. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” Chúng ta cùng hiệp lời cầu xin Chúa ban cho các giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ luôn biết ở lại trong Chúa qua đời sống cầu nguyện và phục vụ, để được Chúa hướng dẫn, nâng đỡ, hầu phát sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện.

4. Chúa nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta được Chúa Phục Sinh biến đổi, trở nên môn đệ đích thực của Chúa qua việc sống kết hợp với Người, dấn thân phục vụ tha nhân và rao truyền tình thương Chúa cho mọi người.

Lời nguyện kết: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa chính là cội nguồn và là cùng đích của mọi sự bình an. Chỉ nơi Chúa và trong Chúa, chúng con mới tìm thấy được sự bình an đích thực. Xin cho chúng con được gắn liền với Chúa, như cành nho gắn chặt với cây nho, để được Chúa chuyển thông dòng nhựa sống luôn tràn đầy sinh khí của Thánh Thần, qua đó, mỗi ngày sống của chúng con là những chuỗi ngày hoan lạc, hạnh phúc chứa chan. Lạy Chúa, cây nho chỉ thực sự sinh bông kết trái khi nó chịu để thợ làm vườn cắt tỉa, xin cho chúng con luôn biết phó thác cuộc đời chúng con trong tay Chúa để Chúa gọt giũa, cắt bỏ những yếu đuối, lỗi lầm, tội lỗi của chúng con, nhờ đó hoa trái bình an triển nở trong tâm hồn chúng con. Amen.

V. GIỜ CHẦU TIẾP DIỄN NHƯ THƯỜNG LỆ

VI. HÁT KẾT

Hát: BÀI CA HIỆP NHẤTThành Tâm

ÐK. Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bât hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời.

1. Vì Ngài được sai đến, để tìm chiên khắp nơi xa xôi. Vì rằng Cha sai đến, đến đưa về đàn chiên duy nhất. Thì này nguyện xin Chúa, hãy thương ban Thánh Linh của Ngài. Hiệp nhất chúng con trong Chúa.