Chầu Thánh Thể Chúa Nhật IV Phục Sinh- Năm B: Mục Tử Nhân Lành

Mục Tử Nhân Lành

 

Thứ Hai tuần 4 Phục sinh - Chủ chiên (Ga 10,11-18)

I. Chủ Sự Đặt Mình Thánh Chúa

Hát: ÔI THẦN LINH CHÚA – Vinh Hạnh

ĐK: Ôi Thần Linh Chúa, êm dịu khôn xiết, Chúa muốn thương yêu con cái nơi trần gian, ban bánh thơm ngon, ban bánh Thiên Thần. Người giàu đói nghèo, kẻ đói no giàu.

1- Chúa nuôi đoàn con, này đây bánh miến no lòng. Chúa cho đoàn con luôn luôn hưởng nếm mật ong. Ngợi khen cảm mến Thiên Chúa cứu tinh muôn đời. Tung hô Vua Trời tổ phụ Israen.

2- Nhớ trong rừng xưa đoàn người Hy-bá trở về. Uống ăn thoả thuê man-na nuôi sống toàn dân. Giờ đây đoàn con khao khát Thánh Thể Vua Trời. Tung hô muôn đời lòng Chúa khoan nhân.

II.TÂM TÌNH ĐẦU                  

            “Ta là mục tử nhân lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”. Đó là lời xác tín mà Chúa muốn tỏ bày cho đoàn chiên của mình. Chúa là mục tử nhân lành, Ngài luôn theo sát đoàn chiên, chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên. Ngài không muốn cho một con nào bị hư mất; Ngài hăng say đi tìm những con chiên xa lạc để đưa về làm thành một đàn chiên duy nhất. Người mục tử nhân lành đã yêu thương đoàn chiên, đã hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, cho đoàn chiên để chiên được sống và sống dồi dào.

            Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã hiến tế chính thân mình cho chúng con, làm của lễ sống động đền thay tội lỗi chúng con. Chính Ngài cũng đã phục sinh để đưa chúng con từ cõi chết đến sự sống vĩnh cửu với Ngài. Xin Chúa cho chúng con trong giờ phút linh thiêng này nhận ra tình yêu, lòng nhân lành của Chúa. Xin biến đổi tâm trí chúng con hầu chúng con lắng nghe tiếng Chúa, thực thi lời của Ngài. Xin Chúa đồng hành và giúp chúng con sẵn sàng lên đường, dấn thân để phụng sự Chúa và giới thiệu Chúa chính là vị mục tử tốt lành đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Amen.

Hát: TÌNH NGÀI YÊU CON – Lm. Huy Hoàng

1/ Tình Ngài yêu con bao la vươn lút trời xanh, tình Ngài yêu con như biển thắm sóng dâng dạt dào. Tình Ngài yêu con như mẹ hiền thức trọn đêm khuya, canh cho con giấc ngủ yên lành vì đời con nên đã quên đời mình

ĐK: Xin đoan nguyện một đời, một đời con yêu Chúa trọn phận người, một đời con yêu mến Ngài mà thôi. Mong sao người, mọi người tìm tình yêu trong mối tình của Ngài để trần gian liên kết vui sống hoài.

2/ Đường trần con đi chung quanh bao nỗi hiểm nguy. Tình Ngài theo con, con nhịp bước hết lo sợ gì. Dù ngàn gian nan ân tình Ngàì nhắc nhở lo toan con an tâm vững dạ đi về, vì Ngài luôn bênh đỡ luôn phù trì.

 (Thinh lặng)

III. Suy Niệm Tin Mừng

Hát: Xin cho con biết lắng nghe – L.m Nguyễn Duy

ÐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.

Tin Mừng Theo Thánh Gio-an

 Ga 10,11-18

11 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn,13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.

14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi,15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.

17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.

18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

Suy Niệm            

“Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”

            Nếu người mẹ cần thiết cho con cái thế nào, thì người Mục Tử cũng cần thiết cho đàn chiên như vậy. Trong văn hóa và nếp sống của người Do Thái, khi nhắc đến cụm từ “Mục Tử”, người ta sẽ hình dung và nghĩ ngay đến “đàn chiên”. Điều này, nói lên mối tương quan khăng khít giữa người mục tử và đàn vật của mình “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi.” (X. Ga 10,14). Chính hình ảnh thân quen và gần gũi này, một lần nữa được Chúa Giêsu miêu tả cách sinh động, nhằm biểu lộ mối dây yêu thương của Thiên Chúa dành cho loài người. Hơn nữa, nói khác đi, định mệnh của đàn chiên chính là người Mục Tử. Đàn chiên có được những bữa ăn no nê trên đồng cỏ xanh tươi, có được nguồn nước tươi mát để uống, có được sự an toàn tránh khỏi những con thú hung dữ, tất cả cũng là nhờ công sức dẫn dắt đàn chiên của người Mục tử. Vậy chúng ta mới thấy được, người Mục Tử chẳng khác gì một người mẹ, được Thiên Chúa gửi đến để bảo vệ, chăm sóc, dạy dỗ đứa con của mình trên hành trình cuộc đời đầy những thử thách gian truân. Thấu hiểu được thân phận con người, Chúa Giêsu đã lãnh lấy sứ mạng người Mục Tử để chung chia mọi vui buồn với chúng ta qua những thăng trầm của cuộc sống. Ngài đã đi đến tận cùng để dám chết cho đàn chiên của mình. Và Ngài còn dám bẻ cuộc đời mình để trở nên thần lương nuôi dưỡng chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Chính điều đó, càng minh chứng cho chúng ta rõ hơn về người Mục Tử nhân lành dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên.

            Trước sứ điệp Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta đều được đánh động bởi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ở đây, chúng ta cùng suy niệm qua ba điểm gợi ý sau:

            Trước hết, Chúa Giêsu là Mục Tử – mẫu gương của sự phục vụ tuyệt hảo. Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài đã đánh đổi trọn vẹn, Ngài không ngại khó, ngại khổ trong hành trình phục vụ rao giảng. Ngài đã từ bỏ mọi cách thức ưu đãi, sang giàu, chấp nhận sinh ra trong hoàn cảnh nghèo hèn nhất, thiếu thốn nhất và bị đe dọa nhất, Ngài đã từ bỏ vinh quang để chọn một cuộc sống bình thường, âm thầm, khiêm hạ trong một gia đình lao động vô danh. Rồi, vào giai đoạn công khai, Ngài cũng chọn một đời hoạt động bấp bênh với hai bàn tay trắng. Ngài sống lối sống đơn sơ, gần gũi để ai cũng có thể tiếp cận được. Đặc biệt, Ngài gần gũi với những người nghèo khó, người tội lỗi và người bị bỏ rơi hơn cả trong xã hội. Trước cuộc thương khó, Chúa Giê-su đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một cử chỉ đầy yêu thương và khiêm hạ, dù Ngài là “Thầy” và là “Chúa” của họ. Chúa Giê-su đã hạ mình từ địa vị Thiên Chúa cao trọng và vinh quang để mặc lấy thân phận một con người, Ngài để lại mẫu gương tuyệt diệu với hai chữ “phục vụ” vì tình yêu. Chúa Giê-su đã quên mình phục vụ thánh ý Thiên Chúa Cha. Ngài đã không giữ lại gì cho riêng mình. Do đó, Thái độ phục vụ quên mình như Chúa Giê-su là lời mời gọi đầy thử thách dành cho mỗi Kitô hữu trong bối cảnh tục hóa của xã hội ngày nay. Liệu rằng, sự phục vụ đó là khi chúng ta dám sẻ chia một chút cơm bánh cho người nghèo, cho những anh chị em đói khổ quanh ta? Liệu rằng, sự phục vụ đó là khi chúng ta dám hy sinh bỏ đi cái tôi để trở thành người chồng gương mẫu, người vợ đảm đang, người con ngoan thảo trong gia đình? Và liệu rằng sự phục vụ đó là khi chúng ta dám bỏ chút công sức để chăm sóc nhà Chúa qua các công việc chung của giáo xứ? Những câu hỏi này xin được gửi đến mỗi người. Để trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta dám thân thưa với Ngài rằng, “Lạy Chúa, con đây, con làm vì lòng yêu mến Chúa”.

            Kế đến, Chúa Giêsu là Mục Tử – mẫu gương của sự trung tín. Trung tín là một đức tính cao quý nơi một người. Đó không hệ tại ở trách vụ được giao phó, nhưng hệ tại ở cách thức người đó tuân giữ như thế nào, nghĩa là sống với điều mình nói – mình làm. Hoàn cảnh, địa vị không làm cho người ta trở nên sang trọng hay thấp hèn, nhưng đó là cơ hội để mỗi người biết phụng sự Thiên Chúa và sống trung tín với Ngài trong chính phận vụ của mình. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng, sự cao trọng của Phêrô không hệ tại ở vai trò mà Chúa Giêsu đã đặt cách cho ông làm “Trưởng Tông đồ đoàn, thủ lãnh của Giáo Hội”, nhưng hệ tại ở việc sau những lần ông chối Chúa và rồi ông nhận ra sự bất trung của mình, kết quả cho những kinh nghiệm đau thương, là Phêrô đã biến đổi chính mình, trở thành một Tông đồ nhiệt thành, trở thành một chứng nhân trung tín đến hơi thở cuối cùng. Trong đời sống của người Kitô hữu, để có được sự trung tín, đòi hỏi chúng ta phải có thái độ nội tâm đầu tiên là sự khiêm nhường. Vì khiêm nhường giúp chúng ta sẵn sàng trở nên người tôi tớ biết lắng nghe và thi hành điều mình đã lãnh nhận. Nhờ khiêm nhường, chúng ta có thể chân nhận sự yếu đuối của bản thân và tập cho mình một thói quen thật thà. Từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng sống trung tín vì tình yêu và hết mình chu toàn đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, hãy lấy sự trung tín mà sống với nhau, như cách mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi mỗi người chúng ta từ ngàn đời.

            Cuối cùng, Chúa Giêsu là Mục Tử – mẫu gương của sự quan tâm chăm sóc. Quả thật, khi nhìn vào Chúa Giêsu, cả cuộc đời của Ngài được sánh ví như bản tình ca về “tình người Mục Tử”. Vị Mục Tử đó sẵn sàng để lại 99 con chiên lành để đi kiếm tìm con chiên lạc. Vị Mục Tử đó sẵn sàng ra đi để đến những đàn chiên khác đang lang thang không người săn sóc. Hơn nữa, vị Mục Tử đó sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì đàn chiên của mình. Tất cả sự quan tâm chăm sóc của người Mục Tử dành cho đàn chiên và là tấm gương để đàn chiên biết hướng nhìn lên – bắt chước cung cách sống của người Mục Tử nhân lành. Với mỗi người chúng ta, kể từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương đế của Chúa Kitô. Nghĩa là chúng ta được trở nên đồng thừa tự với Chúa Giêsu, cũng như được mời gọi trở nên một người Mục Tử sống giữa lòng thế giới. Vậy Chúng ta đã trở nên người mục tử như thế nào? Đó có thể là khi chúng ta bỏ chiếc điện thoại sang một bên và dành thời gian đến với Chúa ngang qua Thánh Lễ và Chầu Thánh Thể. Đó là khi chúng ta biết tạm gác công việc nơi công sở, nơi làm việc, và bớt chút thời gian để hun đúc ngọn lửa gia đình qua các giờ kinh tối chung với nhau, hay qua việc quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Và đó là khi chúng ta buông xuôi những điều đã trôi qua, và đặt mình trước Chúa để nhìn lại con người của mình, để thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa nói với ta.

            Do đó, lời mời gọi trở nên người Mục Tử theo gương Thầy Chí Thánh, là một thách thức không hề nhỏ đối với mỗi người trong cuộc sống ngày nay.

            Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng con trở nên những cánh tay nối dài của Chúa, trở thành những Mục Tử được Chúa sai đi để rao giảng tin mừng và phục vụ Nước Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết bắt chước Chúa phục vụ như Ngài phục vụ, luôn trung tín, biết quan tâm chăm sóc, biết đặt thánh ý Thiên Chúa trên hết mọi sự, biết đón nhận tất cả mọi người và biết quên mình phục vụ anh chị em. Lạy chúa, Trên hành trình ấy, dẫu nhiều thử thách gian truân, dẫu nhiều cám dỗ bủa vây, nhưng chúng con luôn tin vào lời Chúa hứa từ ngàn xưa rằng: “Ta sẽ ở cùng con, như người mẹ yêu con, như người cha xót thương con”. Amen.

Hát: CHÚA LÀ MỤC TỬ – Nguyễn Duy Vi

1/ Chúa là Mục Tử, Người dẫn lối chỉ đường cho con đi. Đi trong tay Chúa nào con thiếu chi con sợ chi? Cỏ tươi rợn đồng xanh con no thỏa không bao giờ thiếu nữa. Suối nước trường sinh nghỉ uống no đầy

ĐK: Chúa Chiên nhân từ, Người dẫn con tới đồng nội. Này suối nước mát bóng, con tới uống thảnh thơi. Chúa ơi sướng vui trong tay Chúa, Người dẫn con đi. Đi giữa suối mát, cỏ xanh con thiếu gì.

2/ Chúa là Mục Tử, Người dẫn dắt con lần theo chính lối. Cho con đi tới vì Danh Chúa con không lạc vương. Tối tăm con sợ chi, vì có Chúa với con cùng tiến bước. Cánh tay Người đưa, gậy Người dẫn yên lòng

IV. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Lấy lời nguyện tín hữu ngày Chúa nhật.

V. GIỜ CHẦU TIẾP DIỄN NHƯ THƯỜNG LỆ