Chầu Thánh Thể Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A: EMMANUEL- THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Chủ đề: EMMANUEL- THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

I. Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa

II. Cộng đoàn hát:

Hát: Phút linh thiêng – Lm. Thành Tâm

ĐK. Người ơi! Nào mau tới thờ lạy Chúa! Qùy dâng lòng tôn kính Chúa trên cao. Linh thiêng ôi phút giây giờ đây khi đoàn con được chiêm ngắm nhan thánh Chúa chí nhân quyền uy.
Người ơi! Nào mau tới thờ lạy Chúa! Đồng thanh hợp chung tiếng hát ca khen. Cảm mến ơn Chúa ban tràn lan cho trần gian mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm.
1. Này đây Ta ban cho thân xác Ta làm của ăn Máu Ta, Ta ban cho làm của uống. Này ai, ai ăn Ta uống Máu Ta trong tin yêu thì sẽ sống, sẽ sống mãi muôn đời liên.
2. Người ơi! Không như xưa tổ tiên ngươi thời Môsê đã ăn, ăn Manna và đã chết. Ngày nay ai tin Ta ăn bánh đây Ta ban cho thì sẽ sống, sẽ sống mãi trong tình Ta.

III. Tâm Tình Thờ Lạy, Tạ Ơn, Và Chúc Tụng:

     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, bản tính chúng con vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng con đã đánh mất việc thông phần vào sự thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng con bị vây hãm trong bóng tối, nên cần đến ánh sáng. Chúng con bị tù đày nên mong người cứu chuộc; bị thua trận, nên cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng.[1]

     Mặt khác, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật đang phát triển một cách nhanh chóng và cuộc sống của con người ngày càng trở nên tục hóa, chúng con đang đặt niềm tin mãnh liệt vào khoa học trong việc giải quyết các vấn đề. Con người hiện đại của chúng con đang loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống và thay Ngài bằng những sức mạnh của ngẫu tượng như: lý trí, khoa học, tiền bạc, cái tôi…Như xưa kia nguyên tổ đã đòi được “mở mắt” (St 3, 5) để bằng Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo; Ngài siêu việt trên thế giới và con người; Ngài chăm sóc các thủ tạo của Ngài, với lòng nhân ái và yêu thương[2]. Đặc biệt, Ngài đã xuống thế, nhập thế và nhập thể để “ở với”“ở cùng” chúng con. Amen.

IV. Hát: 

Hát: Xin chỉ cho con – Hùng Lân

ÐK. Xin chỉ cho con (xin chỉ cho con) đường đi của Chúa (đường đi của Chúa). Xin dạy bảo con (xin dạy bảo con) nước bước của Ngài (nước bước của Ngài). Xin hướng dẫn con trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý, vì Chúa là Ðấng cứu độ con, là Ðấng ngày đêm con cậy trông.
1. Tất cả đường nẻo Chúa là tình yêu và chân lý dành cho những ai giữ trọn minh ước, điều răn Chúa ra nghiêm chỉnh thực thi.
2. Xin mở lượng từ bi từ ngàn xưa Ngài vẫn có, mà quên hết những lỗi lầm con mắc hồi niên thiếu vươn lên trong dại thơ.
3. Xin đừng để kẻ hại con ngày nào reo mừng chiến thắng. Thẹn thay khốn thay cho bọn thất tín, làm sao thoát tay Thiên Chúa toàn năng.

V. Đọc Tin Mừng và Suy niệm

Tin Mừng (Mt 1, 18-24)

     18Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

     19Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

     20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

     21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

     22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”

     24Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

     Suy niệm

     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xưa kia “con rắn” đã cám giỗ bà Eva tổ mẫu chúng con. Hậu quả mang lại cho con người là bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, sự gia tăng đau khổ, cuộc sống trở nên một gánh nặng và kết cục là phải chết (St 3,1-24). 

     Sự cám dỗ của “con rắn” vẫn không ngừng tiếp diễn cho tới ngày nay bằng những ẩn dụ tinh vi, làm cho sự lựa chọn của con người chúng con rời xa ân nghĩa với Ngài. Con người ngày càng sống vì chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết sống cho mình, ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quan tâm đến công ích, tìm lợi ích cho mình mà quên nghĩ đến người khác vì sợ liên lụy, mất thời gian… Chủ nghĩa tương đối coi mọi sự không có gì là tuyệt đối nên cào bằng mọi giá trị và loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống. Chủ nghĩa tự do dẫn người ta đến việc thích làm gì thì làm bất kể luân lý đạo đức, phá bỏ truyền thống văn hóa. Chủ nghĩa duy lợi làm cho con người chỉ nhắm đến lợi ích, tất cả vì lợi nhuận, đánh giá cuộc sống theo lợi nhuận dẫn đến gian dối, lừa đảo, hàng giả hàng nhái, ngay cả giáo dục cũng bị ô nhiễm do bệnh thành tích, thương mại hóa, …[3]

     Con người chúng con cho rằng mình có thể làm chủ vận mệnh, tự xây đắp hạnh phúc mà không cần có Thiên Chúa. Thế nhưng, nhiều bằng chứng cho thấy: xã hội càng ngày càng bất an, chiến tranh, thiên tai, thực phẩm bẩn tràn lan, ung thư, dịch bệnh và các bệnh nan y khác gia tăng bởi sự bất lương của con người, bạo lực nơi giới trẻ càng ngày càng tăng, gia đình và định chế hôn nhân đang bị khủng hoảng; vấn đề ly thân, ly hôn ngày càng nhiều, tệ nạn xã hội tràn lan mọi nơi…Đó là hậu quả của việc chối bỏ Thiên Chúa. Hệ quả của tội đụng đến tất cả mọi khía cạnh đời sống của con người chúng con: hôn nhân, tính dục, sinh, tử, lao động và lương thực, con người và sinh vật. Trong tất cả những lĩnh vực này, chúng con cảm thấy “cái chết” xâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống. Sự bất hài hòa lên ngôi thống trị.[4]

     Thế nhưng, với lòng nhân từ và đầy yêu thương, Thiên Chúa đã mặc khải niềm hy vọng đó cho con người qua Adam mới với lời hứa Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

     Quả thế, Ngay khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dự liệu tất cả. Ngay khi nguyên tổ phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa khiến tội thâm nhập thế gian, làm cho con người xa cách Thiên Chúa, mất sự hòa hợp với nhau (St 4,1-16). Con người phải sống trong đau khổ và phải chết (St 3,1-24). Nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ con người trong tình trạng tội lỗi mà đã sai chính Con Một yêu dấu đến “ở với”“ở cùng” để cứu chuộc con người chúng con (St 3, 15).

     Thật vậy, chính Thiên Chúa đã chủ động đến để cho chúng con được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Ngài đến thực hiện kế hoạch yêu thương để giải thoát chúng con khỏi tình trạng tội lỗi (Rm 10,20). Thiên Chúa đã đón lấy tất cả thụ tạo đã tạo thành, đặc biệt là con người có quyền tự do, chọn lựa ăn trái cấm thì Ngài vẫn thánh hóa trở nên tốt đẹp trước nhan Thiên Chúa (2Cr 5,21). Trước một nhân loại tội lỗi, thay vì nổi cơn thịnh nộ, Thiên Chúa lại biểu lộ sự công chính của Ngài để làm cho con người tội lỗi được trở nên công chính nhờ Chúa Giêsu Ki tô. Đây là một hồng ân cao cả và vĩ đại mà Thiên Chúa ban cho con người, được thực hiện nơi cái chết và phục sinh của Chúa Giê su Ki tô.[5]

     Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn ban cho con người chính người Con Một chí ái của Ngài để tiếp tục công trình cứu độ con người một cách trọn hảo nhất: cho con người đi vào trong sự sống thần linh của Thiên Chúa bằng Bí tích Thánh Thể.“Ai ăn thịt và uống máu ôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga6,56).

     Ngoài ra, Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô đã nhận lấy trọn vẹn bản tính nhân loại và trở nên con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi ( Dt 4,15; Ga1,14), để qua bản tính ấy, Ngôi Lời trở nên Đấng Trung Gian bắc chiếc cầu nối giữa trời và đất, nối kết giữa Thiên Chúa và con người, gắn chặt một thân phận tạo vật, bất toàn với sự siêu việt và vĩnh hằng của Thiên Chúa.[6]

     Như Thế, khi chúng con lãnh nhận Thánh Thể, Thịt Máu Chúa Kitô trở nên “thịt máu” của chúng con và được thông phần bản tính với Ngài. Thánh Thể gắn kết và biến đổi những người tin nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (Rm 8,29; Gl 4,19; 2Cr 3,18; Pl 3,10), mặc lấy Đức Kitô (Gl 3,27), thông phần vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Đặc biệt, khi lãnh nhận Thánh Thể chúng con được trở nên thủ tạo mới: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thủ tạo mới; cái cũ đã qua, cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17).[7]

     Vậy nên, khi tham dự vào Bí Tích Thánh Thể là chính lúc Chúa Kitô ban “ Mình và Máu Người” cho chúng con, trở thành của nuôi thân xác và linh hồn. Nhờ đó, Chúa Giêsu ngự vào trong toàn vẹn con người và ở lại trong chúng con. Chúa chiếm đoạt chúng con và chúng con chiếm đoạt Chúa (Ga 6, 57). Bởi thế, có thể thấy Thánh thể như là một dòng suối mới thâm nhập thiên đàng và là nguồn nuôi dưỡng con người lữ hành trần gian. Thánh Thể cũng là một niềm hoan lạc mới đến với các thần thánh mỗi khi một thụ tạo kết hợp sốt mến với Chúa Giê su.[8] Đặc biệt, Giáo Hội lữ hành nơi trần gian chúng con còn xác tín “Việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng con thành Đấng mà chúng con lãnh nhận.”[9]

     Chính vì thế, khi chúng con tham dự hiệp lễ vào Bí tích Thánh Thể là chúng con đón rước Thịt và Máu Chúa vào chính con người chúng con. Chính lúc chúng con đón rước Chúa vào thân xác, không phải chúng con chuyển hóa Thịt Máu đó thành thịt máu chúng con, nhưng ngược lại, chính Chúa tác động biến đổi chúng con nên giống Chúa, có sự sống của Ngài, có sức mạnh của Ngài.[10] Nhờ đó niềm hy vọng của chúng con được trọn vẹn khi và chỉ khi thông dự vào sự sống thần linh của Đức Kitô.[11]

     Tóm lại, Ngay từ khởi nguyên cho đến ngày nay, khi xã hội con người chúng con tiến bộ vượt bậc, cũng là lúc con người chúng con rời xa Ngài. Con người chúng con gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời mình để tự giải quyết đời mình bằng những thứ khoa học và đã gây nên không biết bao nhiêu đổ vỡ trong tương quan với nhau. Ngài vẫn ở đó chờ đợi đầy yêu thương và sẵn sàng chào đón chúng con bằng một lời hứa của Ngôi Lời vĩnh cửu:“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). Phải chăng đó là cứu cánh, là âm vang của niềm hy vọng muôn đời cho mỗi người chúng con trên hành trình lữ thứ trần gian và mai hậu.

VI. Dâng Lời Cầu Khấn.

     Xin hãy đến, Lạy Đấng Khôn Ngoan: xin khai mở tâm trí của chúng con và của những vị lãnh đạo trong Hội Thánh, để tất cả mọi người được chia sẻ sự khôn ngoan của Chúa và cùng tôn vinh chúc tụng Danh Ngài.

     Đ: Chúng con cầu xin Chúa.

     Xin hãy đến, Lạy Đức Giê-su, Con vua Đa-vít: xin mở lòng chúng con ra với quyền năng tình yêu của Chúa, và xin giải thoát chúng con khỏi xích xiềng tội lỗi, của hận thù chia rẽ, của tính ích kỷ hẹp hòi; để chúng con có thể bước vào nơi đầy ánh sáng huy hoàng, trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa.

     Xin hãy đến, Ôi Vầng Đông tự chốn cao vời: xin đem lại cho chúng con sự sống mới, sức khỏe, và niềm hy vọng mới; để khi được phục hồi nhờ quyền năng của Chúa, chúng con có thể phục vụ thế giới này bằng đức tin kiên vững, đức cậy vững vàng và tình yêu tha thiết. Chúng con cầu xin Chúa.

     Xin hãy đến, Lạy Thiên Chúa của Israel, Đấng đã tỏ lộ chính mình cho Môsê trong bụi gai bốc cháy; xin chỉ cho chúng con lối đi của sự công chính và bình an. Chúng con cầu xin Chúa.

     Xin hãy đến, Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy làm cho tình yêu của Ngài nở rộ nơi các nhà lãnh đạo trên thế giới, để họ ra công làm việc nhằm xây dựng một thế giới công bình và huynh đệ. Chúng con cầu xin Chúa.

     Xin hãy đến, Ôi Ánh Bình Minh rạng ngời, xin chiếu rọi ánh sáng của Ngài vào trong tâm hồn chúng con, để chúng con có thể đem ơn chữa lành đến tất cả những ai đang đau yếu và đang cần nhận ra sự hiện diện của Ngài. Chúng con cầu xin Chúa.

     Xin hãy đến, Lạy Đấng Thiên Sai, niềm khao khát của muôn dân, Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại, xin lôi kéo những ai đang tìm kiếm niềm tin vào Chúa, đặc biệt là những người mới học đạo và những người không tin, để họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa của muôn loài, Đấng là Chân-Thiện-Mỹ. Chúng con cầu xin Chúa.

Hát: Này Con Là Đá – Lm. Hoài Đức

1. Này con là đá. Trên viên đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung. Này con là đá. Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung.

2. Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng (Phanxicô), Chúa gìn giữ Người tăng gấp sinh lực và ban cho Người đời nay hạnh phúc. Đừng trao Người cho ác tâm quân thù. Đừng trao cho Người cho ác tâm quân thù

Linh mục: Lạy Chúa là Đấng an bài mọi sự thật khôn ngoan. Chính Chúa đã chọn thánh Phêrô làm thủ lãnh các Tông Đồ, làm đá tảng để xây dựng Hội Thánh. Xin đưa mắt nhìn Đức Thánh Cha (Phanxicô). Chúa đã chọn Người để kế vị thánh Phêrô, xin ban cho Người nên đá tảng luôn luôn vững bền, để củng cố niềm tin của Dân Chúa, và làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn đáp: Amen.

Hát: Đây Nhiệm Tích 1 – Lm. Kim Long.

1. Đây Nhiệm Tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ. Và dấu tích ngàn xưa lưu ký, phải kính nhường nghi lễ mới đây. Ta hãy lấy Đức Tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.

2. Dâng về Chúa Cha và Con Chúa, lời tán dương mừng chúc vang hòa. Cùng vinh phúc quyền uy danh giá, tựa khói trầm bay tỏa ngát hương. Để tiến Chúa Thánh Linh nhân hậu, khúc tán dương cảm tạ suốt đời. A-men.

Phép lành Thánh Thể (Chủ sự)

Chúc tụng (Chủ sự)

(đọc sau khi ban phép lành Thánh Thể)

Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa,
Chúc tụng Danh Thánh Thiên Chúa,
Chúc tụng Chúa Giêsu, thật sự là Thiên Chúa và là con người,
Chúc tụng Danh Thánh Chúa Giêsu,
Chúc tụng Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu,
Chúc tụng Máu Thánh Châu Báu Chúa Giêsu,
Chúc tụng Chúa Giêsu trong Thánh Thể trên các bàn thờ
Chúc tụng Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ,
Chúc tụng Thánh Mẫu Thiên Chúa Maria rất thánh
Chúc tụng Rất Thánh Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ
Chúc tụng Mẹ lên trời cao sáng
Chúc tụng Danh Mẹ Maria, Đồng Trinh và Hiền Mẫu
Chúc tụng Thánh Giuse, bạn thanh sạch Đức Maria
Chúc tụng Thiên Chúa nơi các thiên thần và các thánh. Amen

Hát: Trời cao – Duy Tân

ĐK: Trời cao hãy đổ sương xuống. và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tôi. Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu Đời.
1. Trong đêm u tối chúng con mong ngày mau tới. Như nai đang khát ước mong mau tìm thấy suối. Chúa ơi dừng cơn giận Chúa lại thôi. Chúa ơi đoàn con đã hối tội rồi.
2. Thương xem dân Chúa đớn đau mây sầu che lối. Luôn mong chiên Thánh đến đây cải tạo thế giới. Cứu dân đập tan xiềng xích tội nhơ. Chúa ơi lòng nhân từ Chúa không bờ.

______________________________________________________________________________________

[1] GLHTCG số 457

[2] Phạm Đình Trí, Tìm hiểu ngũ thư (Học viện Thánh Anphongsô, 2022), 66.

[3] Kim Thao, “Giáo Hữu Việt Nam Hôm Nay,” Chia Sẻ Nội San Thần Học – Mục Vụ – Tu Đức, Số 72 Năm 2013, 110-111.

[4]    Phạm Đình Trí, Tìm hiểu ngũ thư (Học viện Thánh Anphongsô, 2022), 91.

[5]    Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh-tập 8 (Học viện Đa Minh, 2009), 424.

[6] Phạm Xuân Uyển, Công vụ, các thư Do Thái và Công Giáo, Khải Huyền (Đồng Nai: NXB. Đồng Nai, 2015), 424.

[7] Vũ Chí Hỷ, Thần học Bí Tích Thánh Thể ( Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, 2015),159.

[8] M. Manelli, Chúa Giê su tình yêu Thánh Thể của chúng ta ( Sài Gòn: NXB. Phương Đông, 2015), 49-52.

[9] CĐ. Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, #26.

[10]  Hoàng Minh Tuấn, Mặc Khải về Thánh Thể ( Hà Nội: NXB: Tôn Giáo, 2013), 300.

[11] Phạm ĐÌnh Ái, cao cả thay mầu nhiệm cứu độ (Sài Gòn: NXB. Tôn Giáo, 2014), 90.