Bình An Cho Anh Em
I. Chủ Sự Đặt Mình Thánh Chúa
Hát: ÔI THẦN LINH CHÚA – Vinh Hạnh
ĐK: Ôi Thần Linh Chúa, êm dịu khôn xiết, Chúa muốn thương yêu con cái nơi trần gian, ban bánh thơm ngon, ban bánh Thiên Thần. Người giàu đói nghèo, kẻ đói no giàu.
1- Chúa nuôi đoàn con, này đây bánh miến no lòng. Chúa cho đoàn con luôn luôn hưởng nếm mật ong. Ngợi khen cảm mến Thiên Chúa cứu tinh muôn đời. Tung hô Vua Trời tổ phụ Israen.
2- Nhớ trong rừng xưa đoàn người Hy-bá trở về. Uống ăn thoả thuê man-na nuôi sống toàn dân. Giờ đây đoàn con khao khát Thánh Thể Vua Trời. Tung hô muôn đời lòng Chúa khoan nhân.
II.TÂM TÌNH ĐẦU
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, với tâm tình cảm mến và suy tôn, chúng con cùng họp nhau nơi đây để thờ lạy và chúc tụng Chúa, Đấng đang âu yếm đổ tràn bình an và tình yêu thương xót của Ngài xuống trên chúng con.
Lạy Chúa, phận người chúng con dễ bị lôi kéo, chạy theo những sự phù phiếm chóng qua của thế gian này, nhưng ơn Chúa soi sáng cho chúng con biết rằng chỉ có Chúa mới là khao khát đích thực mà chúng con mong mỏi, là bình an đích thực giữa những xáo động của cuộc đời, là tình yêu đích thực mà chúng con phải hướng tới. Cảm tạ Chúa đã cho chúng con nhận thức được điều đó, nhưng xin Chúa giúp chúng con không chỉ dừng lại ở việc nhận thức như thế, mà còn dám nỗ lực để cho nhận thức ấy đi vào cuộc sống của chúng con và cải hóa chúng con. Tựa như hơi thở bình an của Chúa Phục Sinh đã biến đổi các Tông đồ từ sợ hãi đến mạnh dạn và can trường thế nào trong căn phòng đóng kín xưa, thì giây phút này đây, xin Chúa cũng thổi làn khí mát trong lành của sự bình an nơi Chúa cho chúng con, những người cũng đang qui tụ lại trong không gian này và cùng diễn tả một niềm khao khát Chúa.
Như bông hoa quỳ hướng tới thái dương, xin cho chúng con chỉ biết khao khát một mình Chúa mà thôi, là sự bình an và tình yêu đích thực của chúng con. Amen.
Hát: NHƯ HOA QUỲ
ĐK: Như bông hoa Quì hướng tới thái dương, con luôn nâng hồn lên tới Thiên Chúa. Khác chi lưu đồ mong đất hứa, trái tim con thổn thức ngàn đường tìm đến Chúa tình thương.
1. Như cành hiệp cùng cây mới trổ bông kết trái. Nếu tay Chúa không độ trì, con chẳng làm được chi.
2. Cho dù địch thù con xiết vòng vây tứ phía. Vững tin Chúa luôn yêu vì con chẳng còn sợ chi.
(Thinh lặng)
III. Suy Niệm Tin Mừng
Hát: Xin cho con biết lắng nghe – L.m Nguyễn Duy
ÐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài là chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.
Tin Mừng Theo Thánh Gio-an
(Ga 20,19-31)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giê-su lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tô-ma gọi là Ði-đy-mô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giê-su hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tô-ma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giê-su nói với ông: “Tô-ma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giê-su còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy Niệm
Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:”Bình an cho anh em.”
Trong cuộc sống, người ta đi tìm kiếm đủ thứ: mở mắt ra là lao vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, tìm cách thăng tiến sự nghiệp; khi những đòi hỏi căn bản đã được đáp ứng, họ lại tiếp tục tìm kiếm những nhu cầu khác cao hơn như uy tín, tình cảm, danh vọng, quyền lực,… được cái này rồi thì sẽ tiếp tục tìm cái khác, cứ thế họ mải mê đi tìm và đi tìm, chẳng bao giờ là đủ. Đằng sau các nhu cầu đó có lẽ ẩn giấu một nỗi sợ, một cảm giác bấp bênh vô định vì không có một chỗ dựa vững chắc hay một sự gì bảo đảm. Nên điều đó trở thành một động lực mạnh mẽ thúc giục người ta hết tìm kiếm điều này lại tìm điều kia để thỏa mãn và che lấp đi khoảng trống nội tâm, che giấu những gợn sóng lăn tăn nổi lên trong một tâm hồn đang thiếu vắng sự bình an. Rồi một lúc nào đó một biến cố xảy đến, một cú ngã, một thất bại, làm cho nỗi trống vắng ấy càng thêm thấm thía, để mới thấy thèm khát sự bình an hơn bao giờ hết. Và thế là họ lại lên đường đi tìm, nhưng đa phần đều lạc lối hoặc tìm phải một sự an tâm giả tạo ngắn ngủi mà cứ ngỡ là bình an đích thực.
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã khắc họa lại tâm trạng của các Tông đồ sau biến cố Thầy mình bị đem đi đóng đinh và chết một cách nhục nhã trên thập giá. Họ sợ hãi, và có lẽ trong đó cũng ê chề một nỗi thất vọng vì những dự tính, viễn cảnh tươi đẹp vẽ ra khi theo Chúa Giêsu phút chốc đã tan thành mây khói. “Các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”. Rồi Đấng Phục Sinh đến, mang theo một bầu khí mới và đầy sức sống để thay thế cho bầu khí ngột ngạt của sợ hãi, nghi nan, bất an đang phủ kín căn phòng. “Bình an cho anh em”. Niềm vui bấy giờ mới vỡ òa; cái chênh vênh và trống vắng trong tâm hồn biến mất để nhường chỗ cho sự bình an ngự trị. Sự hiện diện của Đức Giêsu mang lại cho các Tông đồ bình an, bởi lẽ chính Ngài cũng là sự bình an đích thực. Về mặt nào đó, những vấn đề và khó khăn mà người Do Thái bấy giờ gây ra cho các Tông đồ có thể vẫn còn đó, không hề mất đi, nhưng nỗi sợ hãi từ chúng không còn gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên các ông nữa, vì mắt các ông đã chứng kiến Đấng Phục Sinh và bình an của Ngài đã bao bọc lấy các ông.
Bình an cũng có nhiều loại. Có loại bình an kiểu an phận thủ thường, tránh né những khó khăn và rút lui vào chốn an toàn của mình; loại này có thể cho tâm hồn bớt xáo động, nhưng chẳng đem lại hoa trái gì mà còn làm chôn vùi những nén bạc Chúa trao. Có loại bình an ích kỷ, chỉ ra sức vun vén tích góp những gì mình cần, thỏa mãn những thú vui nhất thời và ơ hờ với những nhu cầu của tha nhân; nó cũng đem lại một cảm giác an tâm ngắn ngủi vì ít ra cũng có một chỗ dựa, nhưng nó không bền vững và thường dẫn đến một nỗi trống vắng trong tâm hồn. Tựu trung, chúng đều không phải là bình an đích thực. Chỉ có Thiên Chúa mới là bình an đích thực cho con người. Chẳng phải các Tông đồ từ sợ hãi co cụm trở nên vững mạnh và can trường vì có Đấng Phục Sinh ở cùng họ “mọi ngày cho đến tận thế”. Chính Đức Giêsu trong vườn cây dầu cũng đã xao xuyến, lo buồn đến đổ mồ hôi máu trước chén đắng mà Ngài sắp phải uống, nhưng trong sâu thẳm cõi lòng Ngài vẫn bình an vâng theo ý Chúa Cha, bởi niềm xác tín “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Sự bình an bề ngoài hay về mặt tâm lý cũng là sự phản ánh bình an đích thực và cho ta vui sống, nhưng chỉ sự bình an đích thực nơi tâm hồn, sự bình an của Chúa mới có sức biến đổi, cải hóa và cho ta sinh nhiều hoa trái. Bình an ấy không làm cho những đau khổ, khó khăn mà ta gặp phải tan biến đi như một phép mầu, nhưng như Đức Giêsu nơi vườn cây dầu, bình an của Chúa sẽ trợ lực, cho ta thêm can đảm đón nhận mọi sự với tâm tình phó thác, tìm được ý nghĩa từ những đau khổ, thách đố, cùng cho ta được lớn lên trong ân sủng Chúa.
Một khi đi tìm bình an đích thực cũng là lúc đi tìm Chúa, nhưng biết tìm nơi đâu? Chuyện kể rằng, có một lão thợ rèn tên là Demigo, không hiểu sao ông cứ nằm mơ thấy mình tìm ra một kho tàng được chôn giấu dưới một gốc cây cổ thụ trong vùng hoang địa gần đó. Giấc mơ ấy ám ảnh ông đến nỗi ông lão đành lọ mọ bỏ cả một ngày đường để đến nơi mà giấc mơ mách bảo. Thế nhưng, chẳng những không tìm thấy gì quý giá mà ông còn bị một toán cướp đi ngang qua đánh đập và trấn lột hết đồ đạc. Và bọn cướp cũng lấy làm lạ rằng tại sao một lão già lại lui cui đào đất giữa nơi hoang vắng này, thế nên chúng mới hỏi lão. Khi biết được rằng vì một giấc mơ mà lão đến đây, chúng lại được một phen cười đã đời và chế giễu lão, rồi một tên buộc miệng nói rằng: “Nếu ta cũng tin vào mộng mị như lão, thì ta đã đi tìm một tên thợ rèn nào đó tên Demigo rồi, vì ta đã năm lần mơ thấy dưới bếp nhà hắn có một kho báu”. Chế giễu chán chê, bọn chúng tha cho lão một mạng và bỏ đi. Còn Demigo, lão mau chóng về nhà, đào phía dưới bếp lên, và tìm thấy một kho báu lớn. Cũng vậy, một nơi để ta có thể tìm gặp được Chúa, không ở đâu xa xôi hay chốn tận trời cuối đất, mà chính là trong sự thinh lặng an bình nơi sâu thẳm tâm hồn mình. Nhịp sống vội vã dễ khiến người ta quay cuồng với bao nhiêu nỗi lo, nên họ thường cho rằng mình không có thời gian để làm việc này, nhưng nếu dừng lại, gác mọi sự sang một bên để trở về với cõi thẳm sâu trong tâm hồn, chẳng hạn như hiện diện trong thinh lặng trước Thánh Thể Chúa, ta sẽ nhìn mọi sự với vẻ đúng như nó là, để rồi sự bình an của Chúa ôm trọn lấy toàn thể con người ta, và trong thinh lặng, ta gặp được Chúa.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Đi cùng với món quà bình an là một lời mời gọi lên đường, một lời sai đi. Thần Khí của bình an cũng là Thần Khí của hành động. Như nén vàng Chúa trao, sự bình an không được nhận lãnh chỉ để chôn xuống đất hay làm một thứ của riêng, nhưng phải sinh lời, phải sinh hoa kết quả nơi kẻ nhận lãnh, phải được trao ban và sẻ chia. Việc chúc bình an trong Thánh Lễ là biểu hiện rõ rệt sự bình an đến từ Chúa: khi có bình an của Chúa ở cùng, mỗi người tín hữu lại chúc bình an cho nhau, để bình an của Chúa nơi mình được san sẻ, được trao ban và hiệp nhất mọi Kitô lại với nhau. Và đến kết lễ, sự bình an ấy lại tiếp tục được mời gọi đem vào đời, cho mọi người. Ở đâu có bình an đích thực, ở đó có tình yêu thương, và ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, bình an là điều mà chúng con hằng khao khát kiếm tìm, nhưng sức cám dỗ của thế gian vẫn rất mạnh và hấp dẫn chúng con; thế gian lôi cuốn chúng con vào vòng xoáy của những ảo ảnh phù du, khiến chúng con háo hức kiếm tìm những điều mà chúng con cứ tưởng sẽ mang lại cho cuộc đời mình một sự bảo đảm. Thế là chúng con bị giằng co giữa hai bên, vừa muốn đời mình nhẹ nhàng thanh thoát nhưng cũng lại muốn cái sôi động xô bồ, vừa muốn tĩnh lặng nhưng cũng thích rộn ràng, và nhiều khi làm chúng con hoang mang không nhận ra được đâu mới là bình an đúng nghĩa. Xin Chúa cho chúng con hằng ý thức được rằng, chỉ có Chúa mới là sự bình an đích thực của chúng con mà thôi, để chúng con không phải bôn ba chạy đi tìm những thứ phù phiếm đời này và cũng không sợ hãi thu mình lại trước những thực tại trần gian, nhưng can đảm và dấn bước theo Chúa với niềm tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn chúng con là bình an của Đấng Phục Sinh đang ngự trị. Amen.
Hát: GỌI LỜI YÊU THƯƠNG
1. Con đang kiếm tìm tình mến giữa chốn trần ai. Con bao tháng ngày miệt mài tìm đâu chẳng thấy. Con đang kiếm tìm nơi nơi chốn nào tình yêu sẽ lấp đầy cho trái tim này từng ngày băn khoăn.
Đk: Vâng Chúa ơi! Trọn đời lòng con thao thức. Vâng Chúa ơi! Tìm Ngài lòng con thầm ước. Vâng Chúa ơi! Con là hạt cát đơn sơ. Thế mà mộng ước bao la có Ngài thỏa lấp mong chờ.
2. Con như suốt đời rộn rã những kiếm tình yêu. Nhưng đâu mấy người có được tình yêu bền vững. Nơi dương thế này qua bao tháng ngày tình yêu cay đắng hoài đâu có mấy người cuộc tình êm say.
IV. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Lấy lời nguyện tín hữu ngày Chúa nhật.
V. GIỜ CHẦU TIẾP DIỄN NHƯ THƯỜNG LỆ