“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.
Chẳng phải đây là tâm tình, nguyện ước, là lời kêu gọi mang tất cả ý nghĩa hết sức tha thiết chân thành mà Đức Giêsu Kitô muốn gửi tới Cộng Đoàn chúng ta, những người môn đệ thân yêu của Người, đó sao? Nhất là trong bầu khí Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay, vừa cử hành mừng kính Thánh Phêrô Giulianô Eymard, Tông Đồ Thánh Thể, vừa là ngày, có thể nói, mang đậm dấu ấn hồng phúc nhất của những anh em tu sĩ Dòng Thánh Thể, tuyên khấn trọn đời hiến dâng.
Bởi lẽ, theo cấu trúc của Tin Mừng Gioan, thì những tâm tình sâu lắng đậm đà này của Đức Giêsu cũng chính là trọng tâm trong Diễn từ thứ hai của Bữa Tối Sau Cùng, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn, và sau khi thiết lập bí tích Thánh Thể. Hình ảnh Cây Nho và những cành lá mô tả sự ở lại thâm sâu, mối hiệp thông mật thiết, thường hằng thông dự vào tình yêu phong nhiêu và sự sống lưu chuyển, sinh hoa kết trái của chính Thiên Chúa, “Người trồng nho” (Ga 15,1).Trong bối cảnh ấy, xin được chia sẻ cùng với Cộng Đoàn một vài cảm nhận, gẫm suy theo những tâm tình đong đầy nghĩa mến thương đó.
Trước hết, như những cành được gắn liền với cây, thì kết hợp với Đức Kitô nhờ niềm tin là ở lại trong tình yêu của Người, là dự phần vào sự sống thần linh với Người, như Người hằng mong ước ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong Thánh Thể. Phải chăng đây chính là cốt lõi của đời sống Kitô hữu, nói chung, và là bản chất của đời sống thánh hiến, nói riêng. Như cành không thể là cành nếu không gắn bó cùng cây, một định luật tự nhiên của hệ thống tuần hoàn, tiếp hiện dưỡng chất, nhựa nguyên, để cành được sống và triển nở. Chúng ta sẽ không thể là Kitô hữu chính danh, không thể là môn đệ chân thật của Chúa nữa, nếu như chúng ta không kết hợp mật thiết, làm một với Người, cũng như không hướng về Người, không xuất phát và không tìm về gặp gỡ Người. Như thế, “ở lại” thì còn sống, và “lìa xa” thì chết mất, chết mòn mỏi mà thôi. Và ở lại với Người, ở đâu là thiết thực nhất, kề cận nhất bây giờ, nếu chẳng phải là đến gặp gỡ Người đích thân, đích thực hiện diện trong Thánh Thể và tiếp rước người vào trong lòng mình, mỗi lần dâng lễ?
Cha Thánh Eymard sinh thời đã hết mình sống gắn bó với Cây Nho Kitô đó, và thể hiện tâm tình này, đến nỗi Thánh Thể trở thành niềm tin duy nhất, nỗi đam mê chiếm ngự trọn vẹn cuộc đời ngài. Như ngài viết trong cuộc đại tĩnh tâm ở Rôma, ngày 21, tháng 2, năm 1865: “Đức Giêsu Thánh Thể là tâm điểm của cuộc đời tôi, vì Người là quy luật đầu tiên và duy nhất”. Và như thế: “Nếu ai đó ở lại trong Thiên Chúa và được hiện diện trước Nhan Thiên Chúa, thì người đó thực sự hiện hữu” (Hội thảo với các Nữ Tỳ, 17/8/1859).
Có quy hướng về Đức Kitô, có ở lại với Đức Kitô Thánh Thể, chúng ta mới thấy được ý nghĩa thâm sâu thiết thân của đời sống Kitô hữu và cảm nếm được hạnh phúc với tình yêu ngọt ngào xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa trong đời sống thánh hiến. Nhưng tình yêu đó là gì là gì nếu không phải là tình yêu tự hạ, tự hủy, tự hiến của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, để yêu thương “cho đến cùng”, để trao ban chính mình trong Thánh Thể? Mà nếu như thế thì chẳng phải tình yêu chính là hy tế, bao gồm những chuỗi hy sinh trong đời?
Vì tình yêu là hành vi thờ phượng đích thực, là điều duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn trong lễ dâng tạ ơn, và đó là tiếng “xin vâng” tự nguyện của chính tình yêu, theo khuôn mẫu Con Một của Người, Đấng đã thấu hiểu thân phận tình yêu và đã hy sinh chính mạng sống mình vì tình yêu. Và đó là lý do tại sao “ở lại” trong tình yêu, ở lại trong Đức Kitô như cành với cây cũng có nghĩa là chấp nhận được “cắt tỉa” bằng biết bao nhiêu hy sinh thử luyện, cho chúng ta hoàn thành mọi việc trong thế giới với tinh thần vị tha, góp phần phục vụ cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Trong ngữ cảnh của Tin Mừng Gioan, thì các môn đệ được “cắt tỉa” ở đây, là để được nên “thanh sạch”, được thánh hiến, được đưa vào một trật tự hiện hữu mới, nghĩa là từ cuộc sống “cho riêng mình” sang cuộc sống “cho người khác”, xứng đẹp với tình yêu lưu chuyển của Thiên Chúa, một dòng suối ơn lành xót tuôn trào, hoàn toàn nhưng không, hoàn toàn tự do, vô điều kiện. Có hy sinh mới đậm nghĩa yêu thương, và có yêu thương mới có can đảm hiến dâng chính mình. Hy sinh là dấu hiệu bảo đảm một tình yêu đích thực, là dấu chứng khả tín của một tình yêu vì sẵn sàng chịu cắt tỉa từng ngày.
Bởi vậy, cắt tỉa trong bối cảnh hy tế đó cũng có nghĩa là tự nguyện, tự do từ bỏ mọi sự để sống và thực thi Thánh Ý Chúa. Đặc biệt, đối với những ai sống đời thánh hiến, thì cắt tỉa là cắt đi những vật chất “bao bị, gậy gộc” cồng kềnh, dính bén của cải giữa xã hội hưởng thụ, để làm cho tinh thần khó tỏa sáng những nét đơn sơ và tiết độ, để san sẻ với người khác, nhất là liên đới với người nghèo khổ thiếu thốn, kém may mắn dưới mọi hình thức bất công, cho họ tìm được sự sống khiêm tốn trong đời.
Và như thế là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21). Cắt tỉa là dám cắt đi những dự phóng cá nhân hẹp hòi, cho riêng mình, để làm rạng ngời lời khấn vâng phục và mọi hành động được khai phóng, để có thể sống tương thân tương ái, sống tình nghĩa hiệp thông và có trách nhiệm đối với Cộng Đoàn. Cắt tỉa là cắt đi cả những thiết thân, bận tâm như tình yêu trong một mái ấm gia đình, chỉ lo cho một dòng tộc, công danh hay sự nghiệp thu tích riêng tư, sở hữu một tình cảm, cho âm vang dấu chứng của đời sống khiết tịnh độc thân giữa cuộc đời hiện tại, để lòng gắn bó với Nước Thiên Chúa, với Cây Nho Kitô một cách thanh thoát, thư thái của một đời say mê chờ đón Người, để tiếp nối sứ vụ cứu thế của Người, và cảm nghiệm được thế nào là tự do cho đi chính mình, thế nào là ý nghĩa linh thiêng của một tình yêu phổ quát có khả năng rộng mở sự ấm áp cho mọi người cô quạnh tìm đến tựa nương.
Và sống như thế, chẳng phải là ở lại trong Đức Kitô đó sao? Nhưng cắt tỉa trong ngôn từ trong Tin Mừng hôm nay còn đưa tới một ý nghĩa khác nữa, đó là để “sinh hoa kết trái”. Vì Cây sinh trái ở cành thì mới chứng tỏ sức sống dồi dào sung mãn và tình yêu sinh động của Cây. Chắc hẳn cành không phải chỉ có đó để tạo dáng hay làm đẹp trang điểm cho Cây, mà thực ra là để sinh hoa kết trái. Chẳng phải đó chính là “ở lại trong tình yêu của Thầy”, để rồi “cành nào không sinh hoa trái, thì bị chặt đi… còn cành nào sinh hoa trái, thì cắt tỉa cho sinh nhiều hoa trái hơn”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ đó, ở lại không phải chỉ là ở lại trong cõi nhàn hạ vô tư, cũng không phải là chạy trốn cuộc sống này hay xuất thế, xuất thể vứt bỏ những bận tâm lo lắng trong đời, không quên đi “cõi đất”, mà thực ra lại là “ra đi” trên một hành trình loan báo Tin Mừng cứu độ bằng cuộc sống và lời nói yêu thương, ôm lấy sứ vụ đem Chúa đến với muôn dân, là can đảm lên đường Thập Giá hiến thân, dám ra chỗ sâu mà thả lưới, mà phục vụ, làm cho mọi người trở nên môn đệ của Chúa, xây dựng mối tương quan hiệp thông với Chúa và với nhau, “để Đức Kitô được hiển trị và vinh quang Thiên Chúa được rạng tỏ trên trần gian” (như Tên, hay Danh hiệu của Dòng Thánh Thể trong LS,1).
Và đó chẳng phải là lý lẽ của những lời cuối trong Tin Mừng hôm nay: “Anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm cho Chúa Cha, người trồng nho, được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”. Xin gì bây giờ, nếu không phải là xin Thiên Chúa, Người trồng nho, gắn kết cành cùng cây để trổ sinh hoa trái cho mùa gặt vĩnh cửu chín vàng?
Với tất cả những cảm nhận đó, trong Thánh Lễ Tạ Ơn mừng kính Thánh Eymard, Đấng sáng Lập Dòng Thánh Thể. Chúng ta cùng chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công nơi cuộc đời của Thánh Tổ Phụ. Hầu như trên tất cả các bức hình hay pho tượng tôn vinh Cha Thánh, chúng ta đều gặp thấy ngài nâng cao hào quang Thánh Thể như “Ánh sáng chiếu soi trần gian”. Hình tượng ấy đi liền với cuộc đời và toàn bộ sứ vụ của ngài, là biểu trưng cho cả những cố gắng bền bỉ “ở lại” hiệp thông, gắn bó với Đức Kitô, để tỏa sáng mọi nơi mọi lúc tình yêu tự hiến của Thiên Chúa.
Nhưng cũng thật ý nghĩa, để chúng ta cùng cầu nguyện cho 13 tu sĩ Dòng Thánh Thể cử hành lời vĩnh khấn hôm nay, được trở nên những chứng nhân, Tông Đồ, nhiệt thành rao giảng và phục vụ Thánh Thể như hào quang thắp sáng lý tưởng hiến dâng soi dẫn cho những ai muốn tìm đến gặp gỡ, để ở lại và kết hiệp và sinh hoa kết trái với Chúa Thánh Thể. Như một trong những bài nói chuyện của ngài: “Một vị Thánh giống như một chòm sao chiếu tỏa trên trời cho mọi người, và thông tin cho tất cả mọi người về tầm ảnh hưởng tuyệt diệu của chòm sao ấy” (A. Guitton, Phêrô G. Eymard, tr. 333). Nhất là lời được ghi khắc trên bia mộ của Cha Thánh ở La Mure: “Chúng ta hãy yêu mến Đức Giêsu, Đấng hiện diện nơi bí tích cực thánh này, vì quá yêu thương chúng ta”.
Xin cho những người anh tuyên khấn của chúng ta đây được tràn đầy Thần Khí của Đức Kitô, Cây Nho vinh hiển, để Thần Khí ấy thúc đẩy anh em dấn thân, hiến dâng chính mình và đời mình cho Thiên Chúa, hầu trở thành Tấm bánh “bẻ ra” và chén rượu “tuôn đổ” vì sự sống trần gian và ơn cứu độ muôn người. Tựa như lời Thánh Phaolô, mà Cha Thánh Eymard hằng ấp ủ trong lòng và suy gẫm đêm ngày về Thánh Thể: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Hay “đối với tôi, sống chính là Đức Kitô” (Pl 1,21). Amen.
Phaolô Vũ Chí Hỷ SSS.
(Bài Giảng trong Lễ Kính Thánh Eymard và Vĩnh Khấn của Anh Em SSS, 2/8/2016)