CÁC THÁNH LỄ VÀO NGÀY GIÁNG SINH

CÁC THÁNH LỄ VÀO NGÀY GIÁNG SINH

Một số người thắc mắc rằng tại sao ngày Giáng Sinh lại có tới 4 Thánh lễ/Bài lễ khác nhau. Chúng tôi xin giải thích như sau:

Trong khi hầu hết các cử hành phụng vụ chỉ có một Thánh lễ/Bài lễ, thì một số lễ trọng lại bao gồm hai Thánh lễ/Bài lễ khác nhau: Thánh lễ vọng và Thánh lễ chính/trong ngày. Chúng ta có thể kể ra đây các lễ trọng như thế: lễ Giáng Sinh; lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống; lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả; lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô; và lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Tuy nhiên, so với các lễ trọng này, lễ Giáng Sinh lại là một lễ trọng duy nhất mà phụng vụ có tới bốn Thánh lễ/Bài lễ khác nhau: Thánh lễ Vọng [như vừa nói] và ba Thánh lễ chính ngày/ba Thánh lễ truyền thống tùy theo thời gian cử hành: Thánh lễ ban đêm (Missa in nocte), Thánh lễ rạng đông (Missa aurora) và Thánh lễ ban ngày (Missa in die) bắt chước theo cử hành ngày lễ Phục Sinh.

Từ Một Lễ Giáng Sinh Duy Nhất…

Thực ra, lễ Chúa Giáng Sinh và mùa Giáng Sinh chỉ phát triển từ thế kỷ IV trong khi lễ Phục Sinh và mùa Phục Sinh lại được cử hành sớm hơn rất nhiều. Tại Rôma, vào năm 354, Đức Giáo hoàng Liberio1 đã công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Tức là trong từ thời kỳ đầu này (từ thế kỷ IV), Hội Thánh chỉ cử hành một lễ Giáng Sinh vào ngày 25/12 mà thôi nhằm kính mừng sinh nhật của Chúa Giêsu là mặt trời công chính thay thế cho ngày lễ tôn vinh thần mặt trời không bao giờ chết (natale solis invicti) của dân Rôma ngoại giáo. Ở đây, Hội Thánh không nhấn mạnh về biến cố nhập thể cho bằng Kitô hóa các lễ ngoại giáo.2

…Đến Ba Thánh lễ Giáng Sinh Truyền Thống

Hiện nay, ngoài Lễ Vọng Giáng Sinh, một trong những nét đặc biệt của ngày Giáng Sinh là có 3 Thánh lễ truyền thống sau đây sẽ được cử hành: Thánh lễ ban đêm (Missa in nocte), Thánh lễ rạng đông (Missa aurora) và Thánh lễ ban ngày (Missa in die).

Thực hành 3 Thánh lễ truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ phụng vụ Giáo hoàng tại Rôma. Chúng ta sẽ thấy có những lý do mục vụ và những ràng buộc khiến Đức Giáo hoàng cử hành 3 Thánh lễ trong ngày Giáng Sinh.

  • Thế kỷ IV, như đã trình bày ở trên, chỉ có một lễ Giáng sinh là “Thánh lễ trong ngày” (25/12) mà thôi. Lễ này được cử hành tại Đền Thánh Phêrô [cổ], một vương cung thánh đường lúc bấy giờ vừa mới được khởi công xây cất dưới thời hoàng đế Constantinus I và được hoàn thành sau 40 năm bởi vị hoàng tử Constantius (khoảng năm 354).3
  • Đến thế kỷ V, Hội Thánh thêm “Thánh lễ nửa đêm” vào ngày Giáng Sinh. Tại Rôma, Thánh lễ này được cử hành tại hang đá của vương cung thánh đường Đức Bà Cả (Basilica Sanctae Mariae Maioris). Ngôi thánh đường này vốn được xây dựng hồi thế kỷ IV dưới thời Đức Giáo hoàng Liberio cho nên mang tên là vương cung thánh đường Liberio. Sau Công đồng Epheso (431), đại thánh đường này được đổi tên thành vương cung thánh đường Đức Bà Cả khi Đức Giáo hoàng Sixto III (432-440) cho xây dựng lại và cung hiến cho Đức Maria vì Công đồng này tuyên bố tín điều Đức Maria là Thánh mẫu Thiên Chúa (Theotokos), phủ nhận chủ trương sai lạc của Nestorio cho rằng Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị và Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu. Thánh đường này có ý trở thành “Bêlem tại Rôma” như nhà thờ Santa Croce (Thánh giá) ở Giêrusalem vậy vì ở đây có giữ các dấu tích thánh liên quan đến cuộc thương khó của Đức Giêsu. Thánh đường này có một hang động y như tại Bêlem cho nên vương cung thánh đường Đức Bà Cả được ban cho một tước hiệu thứ hai là “Thánh Maria tại máng cỏ” (Santa Maria ad Praesepem). Từ thế kỷ VII, người ta tôn kính 5 tấm ván nhỏ bằng gỗ ở đó mà được cho là di vật của máng cỏ nơi Chúa Giêsu hạ sinh (những thanh gỗ mỏng được đặt dưới bàn thờ chính). Vì thế, thánh đường Đức Bà Cả là nhà thờ Giáng Sinh của Rôma và tất nhiên vị Giám mục của Rôma là Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm ngôi thánh đường này vào dịp Giáng Sinh để chủ tọa giờ kinh và cử hành Thánh lễ nửa đêm ở đây.4
  • Thế kỷ VI, “Thánh lễ lúc rạng đông” được thêm vào và được Đức Giáo hoàng cử hành tại nhà thờ Thánh Anastasia. Đây là ngôi nhà thờ của những viên chức Byzantino (Hy Lạp) sống trong những lâu đài gần đền thờ của thánh nữ tại chân đồi Palatino (Rôma). Vào ngày 25/12, những người này kính mừng lễ quan thầy của họ. Là vị Giám mục của Rôma, Đức Giáo hoàng muốn bày tỏ lòng kính trọng của ngài đối với họ, nên buổi sáng ngày Giáng Sinh, ngài có chuyến viếng thăm kiều bào Hy Lạp sống tại Rôma và cử hành Thánh Thể với các tín hữu này tại nhà thờ của họ.5

Như vậy, đến thế kỷ VI, vị Giám mục của Rôma đã cử hành ba lễ Giáng Sinh: vì hoàn cảnh đặc biệt tại Rôma (thánh đường Đức Bà Cả là nhà thờ Giáng Sinh và là một Bêlem thu nhỏ), ngài cử hành “Thánh lễ nửa đêm”; vì lý do mục vụ (cho Hy Lạp kiều tại nhà thờ Anastasia), ngài cử hành “Thánh lễ lúc rạng đông”; sau Thánh lễ này, Đức Giáo hoàng đi rước đến nhà thờ Thánh Phêrô để cử hành lễ Giáng Sinh như thường lệ, tức “Thánh lễ ban ngày”. Chính Đức Giáo hoàng Gregorio Cả (+604) đã ra chỉ thị phải cử hành 3 Thánh lễ vào ngày Chúa Giáng Sinh.6

Truyền thống cử hành ba lễ Giáng Sinh vẫn được tiếp tục cho đến nay với những bản văn phụng vụ cụ thể được Hội Thánh trình bày trong Sách Lễ và Sách Bài Đọc cũng như được quy định trong Bộ Giáo Luật 1983 hiện nay (tại số 905§1 và 951§1). Tuy nhiên, đây chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc. Nghĩa là linh mục có thể cử hành một hay hai Thánh lễ tùy thuộc hoàn cảnh mục vụ. Công thức Thánh lễ được sử dụng phải phù hợp với giờ giấc trong ngày: Thánh lễ ban đêm diễn ra lúc đêm tối, Thánh lễ thứ hai lúc trời rạng sáng và Thánh lễ thứ ba được cử hành trong ngày.7 

Dựa theo bản văn Tin Mừng được công bố trong ba Thánh lễ, “Thánh lễ ban đêm” được gọi là “Thánh lễ thiên thần”, bởi vì các thiên thần đã đến loan tin cho các mục đồng về cuộc hạ sinh của Đấng Cứu Độ và các thiên thần đã hát ca chúc tụng Thiên Chúa (Lc 2, 1-14). “Thánh lễ rạng đông” được gọi là “Thánh lễ của mục đồng” vì những người này đi tìm Hài Nhi Giêsu, rồi sau khi đã tìm thấy Ngài, họ tôn vinh và chúc tụng Chúa liên quan đến tất cả những gì đã thấy và đã nghe (Lc 2,15-20). “Thánh lễ ban ngày” được gọi là “Thánh lễ của Ngôi lời Thiên Chúa” vì bài tựa ngôn của Thánh Gioan trình bày Đức Giêsu vừa mới ra đời chính là Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14).8

…Và Thêm Lễ Vọng Giáng Sinh

Cùng với 3 Thánh lễ Giáng Sinh truyền thống, sau này Hội Thánh mới thêm vào Thánh lễ Vọng Giáng Sinh khi thấy được giá trị của giờ canh thức trước các lễ trọng.9 Nhiều người thường hiểu lầm Thánh lễ Vọng Giáng Sinh với Thánh lễ ban đêm. Thực ra, đây là 2 Thánh lễ với Bài lễ khác nhau và thời điểm cử hành cũng khác nhau. Lễ Vọng Giáng Sinh không cử hành vào ban đêm, nhưng bắt đầu từ chiều ngày hôm trước (tức ngày 24/12) với Kinh Chiều I. Lúc này, chúng ta đã chính thức ra khỏi Mùa Vọng và bước vào Mùa Giáng Sinh rồi. Thánh lễ Vọng nói chung và lễ Vọng Giáng Sinh nói riêng nhằm giúp các tín hữu chuẩn bị mừng lễ cách chu đáo và sốt sắng hơn về đàng thiêng liêng cũng như tạo ra một bầu khí lễ mừng trọng thể hơn.10

Kết Luận

Tóm lại, từ ban đầu (thế kỷ IV), chỉ có một lễ Giáng Sinh vào ngày 25/12; sau đó, dưới thời Đức Gregorio Cả (thế kỷ VII), Hội Thánh cử hành 3 Thánh lễ Giáng Sinh là Thánh lễ ban đêm, Thánh lễ rạng đông và Thánh lễ ban ngày; sau cùng, Hội Thánh mới thêm vào Thánh lễ Vọng Giáng Sinh.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

[1] Niên giám tòa thánh năm 2003 xác định triều đại của ngài kéo dài từ ngày 17 tháng 5 năm 352 cho tới ngày 24 tháng 9 năm 366.

[2] X. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Năm Phụng Vụ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 2001), 98.

[3] X. Giuse Phạm Đình Ái, SSS, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay, tập 1 (Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, 2016),137.

[4] X. Giuse Phạm Đình Ái, SSS, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay, tập 1, 137.

[5] X. Ibid., 138.

[6] X. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Năm Phụng Vụ, 101-102.

[7] X. Giuse Phạm Đình Ái, SSS, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay, tập 1, 139.

[8] X. Ibid.

[9] Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Năm Phụng Vụ, 101-102.

[10] X. Giuse Phạm Đình Ái, SSS, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay, tập 1, 46.