“Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Mt 26, 26- 29). Đây là những lời của Chúa Giêsu nơi Phòng Tiệc Ly trong bữa sau hết cùng với các môn đệ trước khi Ngài đi chịu chết. Đó là Bí tích Thánh Thể, Bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Nơi Thánh Thể không chỉ là tình yêu của riêng Chúa Con, nhưng là của cả Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng để có thể cảm nhận và tôn thờ tình yêu này, chúng ta cần phải có một đức tin, một đức tin gắn kết chúng ta với Chúa.
Đây cũng chính là tâm tình của thánh Josemaria Escriva[1], vị sáng lập tổ chức Opus Dei – với linh đạo sống thánh giữa đời thường. Vì vậy, người viết xin trích dịch hai bài giảng của thánh nhân trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 14-04-1960, được đăng trên www.stjosemaria.org của tổ chức Opus Dei.
THÁNH THỂ – MẦU NHIỆM ĐỨC TIN VÀ TÌNH YÊU
“Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1-2). Đoạn Tin mừng này theo Thánh Gioan giúp chúng ta hiểu được rằng có một sự việc lớn đang diễn ra. Chúng ta cũng có thể thấy lời khai mở đầy yêu thương dịu dàng này giống trong Tin Mừng theo Thánh Luca khi Đức Giêsu với các môn đệ: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15).
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần, ngay trong giây phút này, xin Ngài ban ơn trợ giúp cho chúng ta hiểu được từng lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu. Bởi vì chúng ta muốn sống một đời sống siêu nhiên, chính Chúa cũng đã tỏ cho chúng ta biết ước muốn của Ngài, là trao ban chính mình Ngài để dưỡng nuôi linh hồn chúng ta, và vì chỉ duy mình Chúa mới có những “lời đem lại sống đời đời” (Ga 6, 68).
Thật vậy, đức tin nơi mỗi người chúng ta đều có những bước tiến của nó được thể hiện ngay trong chính lời của Thánh Phêrô: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Ga 6,69). Đức tin này gắn kết với lời khấn của chúng ta, hướng dẫn chúng ta biết noi gương sự dạn dĩ của thánh Gioan, đồng thời cũng đưa chúng ta đến gần với Chúa Giêsu và nghỉ ngơi bên lòng Thầy Chí Thánh của mình, Đấng đã yêu thương những ai yêu mến Ngài nồng cháy, và chính Ngài cũng yêu họ đến cùng như chúng ta vừa mới nói ở trên.
Riêng về ngày Thứ Năm Tuần Thánh, có lẽ bất kỳ ngôn từ nào mà chúng ta dùng để giải thích về ngày này dường như đều không đủ. Nhưng trái lại cũng thật khó để chúng ta hình dung ra được những cảm xúc từ tận sâu trong trái tim của Chúa Giêsu vào buổi tối hôm ấy, buổi tối sau hết cùng với các bạn hữu của Ngài trước khi Ngài đi chịu khổ nạn trên đồi Can-vê.
Vì thế, để cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, chúng hãy khởi đi từ những nghĩ suy mang tính nhân loại, đó là kinh nghiệm của hai người yêu nhau nhưng chưa được thỏa mãn. Họ muốn ở lại với nhau mãi mãi, nhưng vì bổn phận, hoặc vì cách này hay cách khách, họ bị chia tách. Họ không thể nào lấp đầy niềm khao khát được ở gần nhau của họ. Bởi vì tình yêu của con người tuy rất lớn nhưng vẫn bị giới hạn, vẫn chỉ là đi tìm kiếm một cử chỉ mang tính biểu tượng. Có nhiều người làm những món quà thật đẹp thay cho lời chào tạm biệt của họ, hay đôi khi là một bức hình với trọn vẹn tấm lòng cháy bỏng, mà dường như nó có thể đủ để đốt cháy cả một mảnh giấy. Họ có thể làm nhiều hơn thế nữa, bởi lẽ một sức mạnh tầm thường thì không thể lớn bằng một niềm khát khao.
Thế nhưng, những gì chúng ta không thể thực hiện, thì Thiên Chúa hoàn toàn có thể. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, đã rời xa chúng ta, không phải là một biểu tượng nhưng là một thực tế. Ngài sẽ đi về cùng với Cha Ngài, nhưng Ngài cũng vẫn sẽ ở giữa và ở với chúng ta. Ngài ở với chúng ta, không đơn thuần là một món quà, mà sẽ là, làm cho chúng ta nhớ đến Ngài, không phải là một hình ảnh nhưng tồn tại mãi với thời gian, giống như một bức ảnh có nhạt phai và ố vàng theo năm tháng, nhưng không có nghĩa là nó bị loại bỏ. Chúa Giêsu cũng vậy. Dưới hình bánh và rượu, Ngài vẫn hiện diện thực sự, với tất cả mình và máu, linh hồn và thần tính của Ngài.
THÁNH THỂ VÀ MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
Tình yêu của Chúa Ba Ngôi dành cho con người luôn luôn được thực hiện trong một cách thức siêu phàm vĩ đại ngang qua Bí tích Thánh Thể.
Những năm trước đây, tất cả chúng ta đều được học giáo lý, trong đó Thánh Thể được nhắc đến như là một hy tế hay một bí tích mà thôi; bí tích ấy hiện diện với chúng ta trong sự hiệp thông, và như là một vật báu trên bàn thờ hay trong nhà tạm. Hội Thánh thánh hiến bàn tiệc Thánh Thể – bàn tiệc Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện nơi các nhà tạm trên khắp thế giới. Hôm nay, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta quay trở về với ý hướng của chúng ta nơi Thánh Thể như là hy tế, và là của ăn dưỡng nuôi chúng ta trong thánh lễ, nhất là nơi việc hiệp lễ.
Thật vậy, tôi đang nói với tất cả anh chị em về tình yêu của Chúa Ba Ngôi trao ban cho con người. Và liệu rằng chúng ta có thể tìm thấy điều này một cách tỏ tường hơn bất cứ nơi đâu cho bằng trong Thánh lễ? Ba Ngôi Vị thánh thiêng cùng hành động trong hy tế thánh trên bàn thờ. Đây là lý do tại sao tôi thích lặp lại những lời cuối trong lời nguyện nhập lễ, lời nguyện trên lễ vật và lời nguyện hiệp lễ: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con”, chúng ta cầu xin với Thiên Chúa là Cha chúng ta, “Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen”
Trong Thánh lễ, chúng ta không ngớt dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta lời cầu xin của chúng ta. Linh mục chủ tế hiện tại hóa vị Thượng Tế Tối Cao đời đời, là Đức Giêsu Kitô, đồng thời cũng là lễ phẩm dâng tiến trong hy tế này. Và hành động của Chúa Thánh Thần trong Thánh lễ thì luôn luôn hiện diện thực sự, mặc dầu trong một cách lối nhiệm mầu mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường. Thánh Gioan Damascene đã viết rằng: “Bởi quyền năng Chúa Thánh Thần đã biến đổi tấm bánh trắng tinh thành Mình Thánh Chúa Kitô”.
Hoạt động của Chúa Thánh Thần được diễn tả rõ ràng khi vị linh mục truyền phép thánh hóa lễ vật: “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II). Từ đó, chúng ta nhận ra rằng chính Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu, giống như chúng ta đọc lời nguyện này trước khi hiệp lễ: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống, xin dùng Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ; xin cho con hằng tuân giữ giới răn Chúa, và đừng để con lìa xa Chúa bao giờ”…
Thay lời kết,
Thật vậy, Bí tích Thánh Thể chính là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một của Ngài (Ga 3, 16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi. Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, là sự sống thần linh của Chúa. Vì thế, chúng ta cần tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta cũng nên quỳ gối trước Thánh Thể, và chính lúc ấy, Chúa Thánh Linh sẽ dạy cho chúng ta nhiều điều về Thánh Thể và Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Matthew Nguyễn Thanh Kỳ chuyển ngữ
[1] Tiểu sử thánh Josemaría Escrivá: Ngài sinh ngày 9 tháng 1 năm 1902 tại Barbastro, Tây Ban Nha, thụ phong linh mục ngày 28- 3-1925. Năm 1928, ngài lập tổ chức Opus Dei với linh đạo sống thánh giữa đời thường trong những công việc tầm thường bên ngoài xã hội, phục vụ người bệnh tật và nghèo túng trong các bệnh viện, và những khu phố nghèo ở Madrid. Ngài qua đời tại Roma ngày 26- 6- 1975. Đến ngày 17- 5- 1992, Đức Giáo Hoàng John Paul II phong chân phước cho cha Josemaría Escrivá; và 10 năm sau, đã phong thánh cho Ngài, ngày 6-10-2002 tại Quãng Trường Thánh Phêrô ở Roma trước đông đảo tín hữu.