BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Thánh Phêrô Giuliano Eymard, Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể, đã từng nói: “Con rước Thánh Thể để trở nên thánh, chứ không phải vì con đã là thánh rồi mới rước Thánh Thể”. Câu nói tuy vắn gọn nhưng khai mở cho chúng ta rất nhiều giá trị thiêng liêng. Nói một cách mạnh mẽ hơn, chúng ta không thể nên thánh nếu không có Thánh Thể. Ý thức được điều này, cha Henri Nouwen, tác giả nổi tiếng của nhiều tựa sách thiêng liêng đã khẳng định: “Thánh Thể là cử chỉ thường xuyên nhất và thánh thiêng nhất có thể tưởng tượng được” (trích Tâm hồn bừng cháy).

Trong tâm tình đó, người viết xin trích dịch một vài chủ đề liên quan đến Bí tích Thánh Thể trong chương XIII của tác phẩm The Only Necessary Thinh của cha Henri Nouwen như là chất liệu để suy tư và chiêm nghiệm về mầu nhiệm tình yêu mà Thiên Chúa ban cho nhân loại ngang qua Bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu – Đấng ẩn thân nơi Tấm bánh bé nhỏ

Tôi vẫn còn nhớ Mẹ Têrêsa đã từng nói với tôi rằng cha không thể thấy Chúa Giêsu nơi người nghèo, trừ phi cha nhìn thấy Ngài ngự nơi Bí tích Thánh Thể. Ngay lúc ấy, lời nhận xét đó dường như đối với tôi có một chút cao siêu và có gì đó đạo đức. Nhưng giờ đây, khi mà tôi đã trải qua một năm sống với những người tàn tật, tôi đang dần hiểu hơn về ý nghĩa của câu nói mà mẹ đã nói với tôi. Thực tế không thể thấy Chúa Giêsu nơi những con người bằng xương bằng thịt nếu bạn không thể thấy Ngài ẩn thân thực sự nơi thực tại tấm bánh từ trời ban xuống. Trong con người đó, bạn có thể thấy điều này, điều kia, và cả những điều khác nữa: có cả thiên thần lẫn ác quỷ, cả các thánh và quái thú, và cả những linh hồn lành thánh lẫn quỷ dữ. Tuy nhiên, chỉ khi nào bạn học được khởi từ kinh nghiệm cá nhân, việc Chúa Giêsu quan tâm chăm sóc đến bạn và ao ước trở nên của ăn hằng ngày cho bạn như thế nào, thì lúc đó bạn mới có thể cảm nhận rằng tâm hồn mỗi người là chốn ngự trị cho Chúa Giêsu. Khi sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể đụng chạm được đến tâm hồn của bạn sẽ có được đôi mắt có khả năng nhận ra sự hiện diện tương tự như thế nơi tâm hồn người khác. Tâm hôn giao tiếp với tâm hồn. Chúa Giêsu nơi tâm hồn bạn nói với Chúa Giêsu nơi tâm hồn anh chị em bạn. Đó là mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm mà chúng ta là một phần trong đó.

(Trích thư gửi Marc về Chúa Giêsu)

Đi vào mối dây Hiệp nhất

Mỗi lần chúng ta mời Chúa Giêsu vào trong nhà của chúng ta, chính là mời Chúa bước vào trong cuộc đời mình với tất cả những góc cạnh tối sáng của nó, và dành cho Ngài vị trí cao trọng nhất nơi bàn ăn của chúng ta, Ngài cầm lấy bánh và chén trong tay trao cho chúng ta và nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy…”

Thánh Thể là cử chỉ thường xuyên nhất và thánh thiêng nhất có thể tưởng tượng được. Đó là Chúa Giêsu thực sự. Rất con người nhưng cũng rất thánh thiêng; rất thân tình, song cũng rất nhiệm mầu; rất gần gũi, song cũng rất hiển tỏ! Nhưng đó là câu chuyện của Chúa Giêsu, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Đó là câu chuyện tình của Thiên Chúa, Đấng muốn đến gần với chúng ta, gần đến nỗi mà chúng ta có thể thấy Chúa, nghe tiếng Chúa, đụng chạm Chúa bằng chính đôi mắt, đôi tai và đôi bàn tay của chúng ta; gần đến nỗi nơi đó không có sự phân biệt giữa chúng ta và Chúa, không có sự chia tách, không có cá nhân, và không tạo khoảng cách.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa cho-chúng-ta, với-chúng-ta và trong-chúng-ta. Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã hoàn toàn tự hiến chính mình, Ngài trao ban cho chúng ta tất cả mà không giữ lại điều gì. Chúa Giêsu không ràng buộc hay giữ lại bất cứ thứ gì của riêng mình. Ngài trao ban tất cả những gì Ngài có. “Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy. Các con hãy ăn, hãy uống… và đây chính là Thầy trao ban cho con!”. Đó là ước muốn mãnh liệt của Chúa muốn đi vào trong mối tương quan mật thiết với chúng ta ngang qua thể thức cử hành trung tâm mầu nhiệm Thánh Thể và đời sống Thánh Thể. Chúa Giêsu không chỉ muốn đi vào trong dòng lịch sử nhân loại bằng việc trở nên một phàm nhân, sống trong một thời đại, một quốc gia cụ thể, mà Chúa còn muốn trở nên của ăn của uống hằng ngày cho chúng ta mọi nơi mọi lúc…

Hiệp nhất nên một là những gì mà Thiên Chúa muốn và cả chúng ta cũng muốn. Đó là tiếng réo gọi sâu thẳm nhất của Chúa và của tâm hồn chúng ta, bởi vì chúng ta được dựng nên với một trái tim mà chỉ có duy nhất Đấng tạo ra nó mới có thể làm thỏa mãn nó. Thiên Chúa tác tạo trong trái tim của chúng ta một nỗi khát mong hiệp nhất, mà không ai có thể hay muốn ngoại trừ Thiên Chúa, đổ đầy. Chúa biết rõ điều này. Nhưng chúng ta thì hiếm khi thực hiện. Chúng ta cứ mãi giữ những thứ thân thuộc đâu đâu của chúng ta… Khi đó nếu chúng ta than khóc cho những thất bại của chúng ta, hay lắng nghe tiếng Chúa trên đường, và mời Ngài vào trong tận sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, chúng ta sẽ biết rằng việc hiệp nhất nên một mà chúng ta đang mong đợi nhận được cũng giống như việc hiệp nhất mà Chúa đang mong chờ để trao ban.

(Trích trong Tâm Hồn Bừng Cháy)

Trở nên giống Chúa Kitô

Hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu nghĩa là trở nên giống như Ngài. Với Ngài, chúng ta được đóng đinh vào thập giá; với Ngài, chúng ta được chôn trong mồ; và với Ngài, chúng ta được nâng dậy để đồng hành với với những người lữ hành thất lạc trên hành trình của họ. Hiệp nhất hay trở nên giống Chúa Kitô dẫn đưa chúng ta đến một cuộc tạo dựng mới. Đó cũng là người chỉ đường cho chúng ta vào Vương Quốc. Nơi đó, sự phân biệt lâu đời giữa hạnh phúc và đau buồn, giữa thành công và thất bại, giữa ca tụng và trách móc, giữa khỏe mạnh và đau ốm, giữa sự sống và cái chết, sẽ không còn tồn tại nữa. Nơi đó, chúng ta không còn thuộc về một thế giới mà vẫn còn chia cắt, phân tranh xét xử, phân biệt, đánh giá phên bình… Nơi đó, chúng ta thuộc về Đức Kitô và Ngài thuộc về chúng ta, và với Chúa Kitô, chúng ta thuộc về Chúa. Bất ngờ, hai người môn đệ trên đường Emaus, người đã ăn bánh và nhận ra Chúa Phục sinh, lại vẫn đi một mình. Nhưng không cô độc mà họ đi với cuộc hành trình của họ. Họ vẫn đi một mình với nhau, và họ biết rằng một mối dây ràng buộc mới đã nối kết giữa họ. Họ không còn nhìn xuống đất với vẻ mặt buồn rầu nặng trĩu. Nhưng họ nhìn vào nhau và nói: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

(Trích trong Tâm Hồn Bừng Cháy)

G.B. Nguyễn Văn Toàn chuyển ngữ